11/11/2012

MỘT ĐỀ NGHỊ VỀ XƯNG HÔ

Hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Phạm Thị Hoài về vấn đề xưng hô trước công luận nầy. Trước công luận, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bất kỳ ai cũng nên xưng hô với nhau là tôi, chúng tôi cho ngôi thứ nhất và ông/ bà, các ông/ các bà (thân mật nhẹ nhàng hơn có thể là anh, chị, các anh, các chị) cho ngôi thứ hai. Trong bài nầy, Phạm Thị Hoài cũng mới nói có một vế là không đồng tình với cách xưng hô của người nhỏ hơn đối với người lớn hơn. Ngược lại tôi cũng thường xuyên nghe và cảm thấy rất khó chịu khi người lớn hơn xưng là anh, chị, cô, chú, bác, ông đối với những người nhỏ hơn trước công luận và trên các phương tiện truyền thông công cộng. Thậm chí có những phóng viên, trong bài viết của mình vẫn xưng anh, xưng chú đối với người mình phỏng vấn.

Một đề nghị về xưng hô

Phạm Thị Hoài
Có thể các bạn không biết nên chọn cách xưng hô nào thích hợp hơn trong hệ đại từ nhân xưng thường được ca ngợi là phong phú của tiếng Việt. Có thể các bạn coi đó chỉ là việc nhỏ không đáng bận tâm. Có thể các bạn thấy việc tự xưng là chúng cháu trước công luận, như trong “Thư cám ơn, lời kêu cứu của Tuổi trẻ Yêu nước” mới đây hay trong thư gửi “bác” Chủ tịch nước vài tuần trước là bình thường và đương nhiên. Tôi không thấy như thế.

Phan Bội Châu viết bài hịch Bình Tây thu Bắc năm 17 tuổi. Nguyễn Thị Minh Khai tham gia lãnh đạo Đảng Tân Việtcũng năm 17 tuổi. Nguyễn Huệ gia nhập Phong trào Tây Sơn năm 18 tuổi và trở thành chủ tướng năm 23 tuổi. Nguyễn Trung Trực lãnh đạo phong trào khởi nghĩa chống Pháp năm 20 tuổi. Lương Ngọc Quyến tham gia Phong trào Đông du năm 20 tuổi. Văn Cao tham gia Việt Minh và viết Tiến quân ca năm 21 tuổi. Tạ Thu Thâu lãnh đạo An Nam Độc lập Đảng năm 21 tuổi. Triệu Thị Trinh dấy cờ khởi nghĩa chống quân Đông Ngô năm 22 tuổi. Nguyễn An Ninh nổi tiếng với những bài diễn thuyết về canh tân đất nước trước cử tọa hàng ngàn người tại Sài Gòn khi chưa đầy 23 tuổi. Cao Thắng chỉ huy Khởi nghĩa Hương Khê năm 23 tuổi. Phạm Quỳnh trở thành chủ bút báo Nam phong năm 25 tuổi và Tổng thư kí Hội Khai trí Tiến đức năm 27 tuổi. Nhất Linh thành lập Tự lực Văn đoàn năm 26 tuổi. Trần Phú viết Luận cương Chính trị và trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 26 tuổi. Nguyễn Thái Học sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng năm 25 tuổi và lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Bái năm 28 tuổi…
Danh sách này còn rất dài. Trái với lời than về sự chậm trưởng thành, “mãi trẻ con” của dân mình, lịch sử Việt Nam được viết một phần đĩnh đạc bởi tuổi trẻ. Tôi không thể hình dung những con người trẻ tuổi dấn thân ấy đứng ra trước quốc dân đồng bào và tự xưng là chúng cháu. Thân mật không phải là lễ độ. Xã hội công dân khác với gia đình. Xưng hô cũng là bày tỏ ý thức về vị thế, tư cách, thái độ và phẩm giá của mình.
Tôi muốn đề nghị một cách xưng hô khác: các bạn hãy giản dị tự xưng là chúng tôi, trong mọi trường hợp trước công luận.

10 commentaires:

  1. Về xưng hô,chữ "chúng tôi" thì ổn .Nhưng thay chữ "bác chủ tịch" bằng ông/bà thì ko ổn lắm ,từ "ngài chủ tịch"thì có tỏ ý kính trọng,nhưng mang phong cách ngoại giao quá ,"Đồng chí chủ tịch" nghe càng ko được ...Anh Chênh,chị Hoài thấy dùng đại từ nào là ổn nhất .

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. chỉ cần gọi "chủ tịch nước" là đủ rồi. Kính gởi chủ tịch nước, thủ tướng...Đâu có cần thêm ông, ngài vào làm gì.

      Supprimer
    2. Nghe cứ như lệnh truy nã bác Chênh ạ .Nói vậy thôi,công nhận chị Hoài nói chuẩn,chuẩn ở chỗ "trong mọi trường hợp trước công luận" .
      Nhưng thú thực tôi vẫn chưa tưởng tượng được những câu như :"chủ tịch Sang hãy cho biết...","thủ tướng Dũng hãy cho biết...,thủ tướng Dũng hãy trả lời ngắn gọn,rõ ràng về tình hình...để chúng tôi rõ và có biện pháp giải quyết triệt để những thiệt hại do thủ tướng gây ra....".

      Supprimer
    3. Chỉ cần thêm ông (hoặc bà) trước danh xung chủ tịch nước là đủ.
      Nếu sau danh xưng chủ tịch nước có kèm tên riêng thì không cần ông/bà.
      Thí dụ:
      1) kính gửi ông chủ tịch nước, ...
      2) kính gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ...

      Supprimer
  2. Đây là hệ quả của sự không chính danh có từ thời Hồ chí Minh,cả nước xưng hô với nhau cứ bác bác cháu cháu,vào cơ quan cứ anh Ba anh Bảy,tưởng như thế là thân tình để xảy ra sai phạm nào thì dễ xử lý nội bộ,đất nước vì thế không có kỷ cương,trên bảo dưới không nghe

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Các em còn ngây thơ cứ tưởng gọi ông Sang bằng Bác là ông ta s ẽ chiếu cố. bác Bác Cháu Cháu là chuyện của Ông Hồ đặt ra. Nếu nói Bác Bác Cháu Cháu là tôn ty thượng hạ cũng trật lất vì các em nhi đồng chắc nội ngoại cuả một thằng dân cũng gọi ông Hồ bằng bác, thằng dân cũng gọi ổng bằng bác tuốt. Cháu mình nó lầm lở thì khuyên răn, dạy bảo chớ có ai kêu lính bắt cháu mình ? Muốn nói điều chi với ông Sang thì cứ gọi Thư Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thưa ông và xưng chúng tôi. Nếu các em là đảng viên CS thì khác à.. Cứ gọi là đồng chí, tư cách như nhau. Thật ra đảng viên thời nay giỏi hơn thời bác Sang, kể cả giỏi nhịn.

      Supprimer
  3. "Các bạn hãy giản dị tự xưng là chúng tôi,trong mọi trường hợp trước công luận".-Quá chính xác!

    RépondreSupprimer
  4. Nguyệt Đồng Xoài11 novembre 2012 à 21:30

    Đấy là kết quả 100 năm trồng người theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Thế cho nên Nguyệt tôi có thơ rằng:

    Trăm năm Bác bảo trồng nguời,
    Nguời đâu chẳng thấy đười ươi một bầy!

    Tiên trách Bác, hậu trách kỷ.

    RépondreSupprimer
  5. Hay lắm!
    Cũng như chừng nào sinh viên Việt Nam trong lớp xưng được 'tôi', 'chúng tôi' với thầy cô mà không bị mặc cảm (hay quy chụp) là vô lễ. Trường học là nơi làm việc, không phải nơi họp gia đình. Sinh viên bắt đầu mở miệng để phát biểu ý kiến riêng thì đã bị ngay cái từ "em" phân ngôi cao thấp ngay từ đầu rồi, vào cái vị trí "hậu sinh" rồi (ít ai muốn chập nhận cái "khả úy), mà nói khác ý thầy cô thì có nhẹ nhất cũng bị tội 'cá ươn'.

    Còn sốc hơn nữa là nhiều thầy cô tự coi mình đương nhiên là bậc cha chú, oang oang sỗ sàng 'chúng mày' và 'tao' với sinh viên đại học, cho rằng đó là 'thân tình', giống như tin rằng nếu gọi được họ là mày tao thì đương nhiên mình là tiền bối rồi. Dù là xưng hô kiểu này ngoài lớp học cũng không chấp nhận nổi.

    Không tỏ thái độ tôn trọng kẻ dưới thì làm sao làm được người trên?

    RépondreSupprimer
  6. Tôi đã ở nước ngoài nhiều năm, quen với văn hóa "I" và "You", ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai rõ ràng minh bạch thành ra tôi rất bực mình trong cách xưng hô trong tiếng Việt, vô hình chung người lớn tuổi có cái quyền làm kẻ cả đối với người trẽ tuổi, như thế thì trong một cuộc tranh luận đã không có sự công bằng rồi.

    RépondreSupprimer