Ngọc Quân
Ngay cả khi thác Cam Ly không còn nằm trong lịch trình “Tour” của các công ty du lịch, chính quyền vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tàn phá môi trường ở Đà Lạt. Chẳng những vậy, bằng việc cấp giấy phép cho những dự án xây biệt thự, bất động sản, chính quyền đã tiếp tay cho việc tàn phá hàng loạt rừng thông ngoại ô thành phố.
Không chỉ là những chủ đầu tư lắm tiền, những người nông dân nghèo cũng “góp phần” vào việc làm xấu đi thành phố mộng mơ. Những đồi thông trước đây đã bị thay thế bằng những đồi café hoặc trà. Hình chụp trên đường Khánh Lê-Lâm Đồng cửa ngõ từ hướng Nha Trang đi lên Đà Lạt.
Còn đâu
thành phố ngàn thông.
Nếu trước đây, cho dù đi từ bất cứ hướng nào, khi lên Đà Lạt, cái đầu tiên đập vào mắt du khách là những cánh rừng thông cao vút, ru lên những âm thanh huyền bí mỗi khi có cơn gió ùa về. Thì nay, dù rừng thông vẫn còn đó nhưng nó dần dần thay thế, bị bủa vây bởi những công trình nhà ở, các khu du lịch từ các trục đường chính hướng đến Đà Lạt. Không những vậy, những dãy nhà kính của nông dân được mọc lên hàng loạt trên những mảnh đất mà trước đây là đồi thông.
Một góc Đà Lạt nhìn từ đồi cao. Những dãy nhà kính, chen lẫn là các nhà ở của người dân đã dần thay thế rừng thông ngày trước.
Trên con đường mới mở Khánh Lê-Lâm Đồng, càng đến gần thành phố Đà Lạt, rừng thông càng bị tàn phá nghiêm trọng. Từ trên đồi cao nhìn xuống dưới, cái ập vào mắt không phải là những thân cây cao mà là một màu trắng của những dãy nhà kính do người nông dân xây dựng để trồng rau, trồng hoa. Không những thế, khuất lẩn sau rặng thông là những ngôi biệt thự do những đại gia lắm tiền xây cất. Và, nếu không được sự cho phép của chính quyền thì liệu những ngôi biệt thự ấy có được xây lên? Không chỉ trên con đường từ Nha Trang lên Đà Lạt, mà trên tất cả cửa ngõ hướng về thành phố ngàn hoa đều xuất hiện hàng loạt những khu du lịch, biệt thự. Và tất nhiên, để xây dựng những công trình đó đòi hỏi phải đốn hạ hàng trăm, có khi là hàng ngàn cây thông.
Đà Lạt vốn được mệnh danh là thành phố ngàn thông, nhưng có lẽ sẽ sớm thành huyền thoại nếu chính quyền không ngăn chặn việc chặt phá. Nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân đã tác động mạnh vào việc chặt bỏ những cây thông hàng trăm năm tuổi. Ngay tại hồ Tuyền Lâm vốn được biết đến với cánh rừng thông hùng vỹ, thì nay khi hàng loạt biệt thự, khu nhà nghỉ cao cấp mọc lên đã làm cho cánh rừng ở đây bị loang lổ nghiêm trọng. Theo ước tính, người ta phải chặt bỏ hơn 98 ngàn cây thông trong đó bao gồm cả cây tự nhiên và cây trồng.
Theo ước tính của chính quyền, mỗi năm có khoảng từ 400-600 cây thông bị chặt trong khu vực nội ô. Nếu ngày trước đi trên con đường Bùi Thị Xuân, du khách dễ dàng bắt gặp hàng chục cây thông cao vút lên bầu trời. Thì nay cũng trên con đường ấy, chỉ còn vỏn vẹn vài cây. Chỗ những cây thông trước đây đã được thay thế bằng các nhà hàng, khách sạn. Không riêng gì đường Bùi Thị Xuân mà rất nhiều những con đường khác cũng gặp phải trường hợp tương tự.
Những căn biệt thự đang được xây dựng trên khu rừng thông ở hồ Tuyền Lâm.
Sự xuống cấp của thành phố mộng mơ
Khoảng từ năm 2007 đổ lại đây, người Đà Lạt ghi nhận những thay đổi xấu đi của thời tiết. Từ dịch bệnh, sâu bọ đến mưa đá. Ngay đến cả những thứ cây của miền đồng bằng nắng nóng tưởng chừng như không thể sống được ở vùng cao nguyên lạnh giá thì ngày nay thấy trồng nhan nhản ở Đà Lạt. Các loại như: Mía, đu đủ, phượng hồng xuất hiện trên Đà Lạt không phải để điểm xuyến cho thành phố trở nên đẹp, đa dạng hơn mà là cảnh báo cho sự thay đổi thời tiết của xứ này.
Sương mù cũng ít xuất hiện hơn, theo anh Lê Huy Cầm, một người sống từ nhỏ đến lớn ở Đà Lạt. Anh nói đùa rằng, tao nghĩ rồi đến một ngày sương mù chỉ còn lại trong câu hát. Ai mà biết được và dám cho rằng đó là một viễn cảnh xa vời? Nhiệt độ ở Đà Lạt trong thời gian qua liên tục tăng lên, theo báo cáo của cơ quan khí tượng. Những người lạc quan vẫn đổ thừa, ấy là do sự nóng dần lên của trái đất làm tác động đến Đà Lạt. Họ bị tiêm nhiễm bởi những tuyên truyền của chính quyền nhằm lấp liếm đi sự yếu kém trong cách quản lý.
Đầu nguồn thác Cam Ly với đầy rẫy rác thải của người dân.
Adam, một người bạn của tôi ở Langbian nói: “Lúc tui còn nhỏ, mỗi sáng thức dậy là thấy từng giọt sương đóng băng đặc quẹo trên mái nhà. Bây giờ đến cả mùa đông cũng chẳng thấy”. Vừa nói anh vừa đưa ánh mắt nhìn ra xa, nơi có những dãy nhà lồng kính được xây trên những triền đồi mà trước đây là bạt ngàn rừng thông. Có thể có tác động của việc trái đất nóng lên, nhưng việc chặt phá rầm rộ, có chủ trương đã làm cho thành phố thơ mộng này trở nên xấu đi trong mắt du khách.
Người Đà Lạt là đối tượng chính cho những tác động, thay đổi của thời tiết. Họ cũng là nạn nhân trực tiếp cho sự thay đổi khí hậu theo chiều hướng xấu đi. Sự tham lam của các chủ đầu tư cũng như chính sự tiếp tay của chính quyền đã làm cho đời sống của người Đà Lạt không còn được như trước. Dẫu vậy, họ vẫn cam chịu, chấp nhận. ...
Người Đà Lạt có những bài học trước mắt, mà đi hàng đầu phải là thác Cam Ly. Camly không còn là điểm đến của du khách. Nếu cách đây khoảng hơn 20 năm, thác Camly vẫn là điểm yêu thích với lũ lượt du khách đến thăm. Hàng loạt bài viết về chất thải được đổ ra từ dòng thác Cam Ly đã làm cho các công ty du lịch không còn dám đưa du khách của mình đến nơi này. Dù rằng, có khá nhiều du khách vẫn bị hiếu kỳ, muốn được một lần đặt chân đến con thác nơi đã đi vào trong rất nhiều câu thơ, bài hát.
Không chỉ riêng thác Cam Ly, mà còn những danh lam thắng cảnh vốn nổi tiếng trước kia không còn thu hút được sự chú ý của khách du lịch. Hồ Than Thở là một trong số đó. Nằm thơ mộng bên Đồi Thông Hai Mộ, nơi ghi dấu cho tình yêu sắt son của đôi trai gái. Hồ Than Thở được nhiều ưu ái của thiên nhiên và con người. Thế nhưng, ngày nay khi đi ngang qua nơi này chỉ còn thấy nét ảm đạm, xuống cấp và chẳng còn mấy du khách đến thăm viếng.
Ai biết được, một thắng cảnh như thác Camly cũng có ngày trở thành địa danh kinh tởm thì biết đâu với sự lãnh đạo ưu việt, Dalat cũng sẽ có ngày trở thành một đồi trọc khổng lồ của Việt Nam.
Đầu nguồn thác Cam Ly với đầy rẫy rác thải của người dân.
NQ
Xưa kia tôi đã từng sinh sống và đi học ở Đà Lạt. Năm 2012 tôi có về thăm lại Đà Lạt sau hơn 40 năm. Tôi đã có những nhận xét tương tự như người viết Ngọc Quân.
RépondreSupprimerThêm nữa, chỉ lên khu Hòa Bình là thấy được cảnh điêu tàn của một khu phố sầm uất, đẹp đẻ ngày xưa. Trên vỉa hè đi xuống chợ qua tân cấp thấy lề lối buôn bán thì nhận ra văn hóa xuống cấp của người mình hiện nay.
Buổi sáng sớm đi bộ dong bờ hồ Xuân Hương tôi tình cờ gặp một chị đang bắt cá dưới hồ. Tôi chỉ cho chị tấm bản cấm bắt cá, chị không thèm để ý tới câu nói của tôi mà từ từ đi lên bờ rồi đem rổ cá bắt được đi lên xe gắn máy rồ ga chạy mất hút.