Bác Sĩ Sao Hồng
27 Tháng 10 2013 lúc 23:50
(viết VÌ SỰ MINH BẠCH & VIẾT CÓ Ý THỨC) Lời dẫn: Mình chơi blog và mạng xã hội đã vài năm. Ngay từ đầu, mình xác định là để chém gió cho vui. Và qua đó học hỏi thế giới đa chiều để tư duy và tế bào não không già cỗi.
Thế nên mình dấu tông tích nghề nghiệp của mình. Mình chưa bao giờ viết một bàiriêng về chuyên môn hay nghề nghiệp liên quan đến công việc và nơi mình công tác. Phần vì sợ ảnh hưởng đến công việc cơ quan, đồng nghiệp. Phần vì ngoài đời, mình cũng chưa bao giờ xưng danh nghề nghiệp với thiên hạ hay người mới quen. Thế mà một vài bạn facebooker khi biết mình là ai liền“phong hàm” cho mình bác sỹ chuyên ngành… “cu bướm”. Lại có người gán cho mình là “nhà văn” (“nhà văng.. mạng” thì đúng hơn).
Là người thuộc ngành Y, mình có nhiều bạn cùng khóa khắp mọi miền đất nước. Họ thầm lặng làm việc vì người bệnh và cả vì nồi cơm của họ. Cũng có người đang làm quan to và có nhiều phẩm hàm danh giá (Giám đốc BV Bạch mai, Nguyễn Quốc Anh, nơi có tay BS Cát Tường bất nhân, đã từng tán chung với mình một em thời sinh viên). Cũng như mình, họ cũng bức xúc trước những vụ việc chết người của ngành y gần đây. Những bức xúc đó mình có chia sẻ trong các status.
Hôm kia sau khi chém gió trên một status mà Mụ Chung Le tag cho mình. Mình biết một vài bạn chưa thỏa mãn với bình luận đó mà muốn biết nhiều hơn về ý kiến của mình. Thậm chí Mụ Chung Le còn nhắc nhở "viết xong chưa, tag cho tui một... nhát".
Với
mục tiêu, “viết vì sự minh bạch và viết có ý thức”, từ nay mình sẽ viết
thêm những bài mang tính chuyên môn sâu và "bệnh nghề nghiệp" của mình.
Có những vấn đề mà báo chí không muốn đề cập thì mình chơi ở "báo Cu
Mark". Bắt đầu từ bài này: "Trao đổi về nguyên nhân gây chết 3 bé sơ
sinh sau tiêm vắc-xin” (20/7/2013) ở Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, Quảng
Trị
Theo báo Lao Động (1) điện tử (Số 247 - Thứ sáu 25/10/2013 06:50), nguyên nhân gây chết cho 3 bé sơ sinh ở BV Đa Khoa Hướng Hóa (20/7/2013) là tiêm nhầm thuốc Oxytocin. Tít của bài báo là: “Ba trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị: Do tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung”. Nguyên văn bài báo như sau:
“Theo nguồn tin riêng của Báo Lao Động, cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắcxin viêm gan B ngày 20.7 tại BV Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị).
Thời điểm tiêm chủng, BV mất điện nên nhân viên tiêm chủng đã dùng điện thoại soi tìm vắcxin. Do ở đây, vắcxin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vắcxinviêm gan B, họ đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé.Vì thế, 3 ca tử vong đều giống nhau. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xi-lanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra.
Sai phạm thứ hai, khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, nhân viên y tế đã không đưa vào phòng tiêm riêng cho trẻ mà vẫn để ở phòng tiêm cho người lớn
Hiện nay, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án để làm rõ việc hai nhân viên y tế BV Đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị sơ ý vô trách nhiệm, vi phạm quy định an toàn tiêm chủng dẫn đến chết người”(1).
****
Bài báo vừa đăng lên trong vòng vài giờ là một loạt báo điện tử như Dân Trí, VTC, VOV,… đua nhau giật tít “tìm thấy” và đăng lại nguyên nội dung đó. Mạng xã hội (dẫn link và bình luận) và báo lề trái cũng dậy sóng vì cái kết luận gây sốc đó. “Kết luận ban đầu” của bài báo có thể sẽ “định hướng”kết cục điều tra gây “đau thương” cho những người thấp cổ bé miệng.
Một số tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên thì thận trọng đặt lại vấn đề và tìm gặp những người có thẩm quyền để làm sáng tỏ thêm. Nhưng hôm nay, 27/10, trên trang 9 báo Tuổi Trẻ mình đọc thấy mẫu tin của phóng viên Lan Anh (2): “VỤ TAI BIẾN VẮCXIN Ở QUẢNG TRỊ: Loại trừ nguyên nhân do vắc-xin”. Mẫu tin đề cập đến “kết luận kiểm định vắc-xin và đủ căn cứ loại trừ nguyên nhân vắc-xin”.
Nghĩa là kết quả kiểm định các mẫu vắc-xin cùng lô tiêm cho các cháu… an toàn. Đoạn cuối mẫu tin 170 chữ (Lan Anh, phóng viên chuyên theo dõi ngành y, người mà mình“follow” trên báo TT nhiều năm nay) có dẫn tin về vụ tiêm nhầm Insulin cho 70trẻ (21 tử vong) tại Yemen 1997.
Chuyện các báo đăng thông tin về vụ việc như thế nào là quyền của họ. Nhưng khi đọc những tin bài đó, mình muốn trao đổi với tư cách là một người đã có thâm niên hành nghề sản xuất, kiểm định chất lượng vắcxin, quản lý chất lượng và trực tiếp thực hành tiêm chủng.
Cũng vì cái “bệnh nghề nghiệp”, mình đã quan tâm theo dõi nhiều vụ việc tai biến chết người do tiêm vắc-xin, cả của thế giới và ở Việt Nam. Trong đó có những vụ là sản phẩm chính của cơ quan mình sản xuất (rất muốn viết thành sách).
Để khỏi loãng vấn đề, mình chỉ trao đổi quanh bài báo trên.
Mình không mấy tin tưởng những thông tin và kết luận mà bài báo này đưa ra. Bỡi vì sự võ đoán, cảm tính chủ quan, có phần thiếu hiểu biết về chuyên môn và thực tế thực hành tiêm chủng, rất rõ. Xem xét vấn đề bài báo nêu, mình muốn “mổ xẻ” theo 3 nội dung sau:
- Tính xác thực của nguồn tin và độ tin cậy của “kết quả ban đầu”;
- Phương pháp điều tra và “kết quả ban đầu” có liên quan đến kết quả kiểm định mẫu vắc-xin gây tai biến không?;
- Gánh nặng áp lực của cơ quan điều tra và trách nhiệmcủa báo chí.
Về Tính xác thực của nguồntin và độ tin cậy của “kết quả ban đầu”:
Mở đầu, bài báo viết: “Theo nguồn tin riêng của báo”, “cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận ban đầu”. Thì mình nghĩ người viết bài này có “nguồn tin” từ chính cơ quan điều tra hoặc từ “cơ quan chức năng” là người của Bộ Y tế tham gia điều tra vụ việc. Tính xác thực của “nguồn tin” có vẽ rất cao. Nhưng “kết luận ban đầu” thì quá vội vã, mang tính võ đoán.
Cùng thời điểm, để làm rõ vấn đề, phóng viên thường trú của TuổiTrẻ ở Quảng Trị, nhà báo Lê Đức Dục, đã trực tiếp làm việc với những người có thẩm quyền cao nhất với vụ việc tại địa phương (công an và y tế). Thì họ cho biết là chưa biết hoặc chưa có kết luận nào cả(3). Ngày 10/10/2013, công an chỉ “khởi tố vụ án” (chưa “khởi tố bị can”) để thuận lợi cho việc điều tra.
Vậy thì “kết luận ban đầu” đó chỉ xuất phát từ người của ngành… y tế ?
Có thể “nguồn tin” muốn “định hướng dư luận”. Có thể phóng viên viết theo lối quy nạp và suy diễn từ kết quả kiểm định “mẫu lọ/ống tiêm đã dùng”. Độ tin cậy của “kết quả ban đầu” này gây nghi ngờ cho nhiều người, trong đó có mình. Phảic ó chứng cứ thuyết phục và có chuyên sâu chuyên môn mới điều tra và kết luận đúng.
Trên mạng xã hội Facebook, Mụ Chung Le, một viên chức mẫu mực của UNICEF (tổ chức của LHQ đã có 25 năm đồng hành với ngành sản xuất vaccines Việt Nam), treo status tối 25/10/2013, rằng: “Chả hiểu tại sao nhà cháu không tin lắm vào kết quả điều tra vụ tiêm nhầm vắc xin cho trẻ sơ sinh bằng oxytocin. Cứ nghi ngờ đây là màn Lê Lai cứu chúa vì chất lượng vắc-xin nhập (kho) kém. Đồng thời kết quả thông báo sẽ trấn an được tinh thần các bà mẹ hoặc sắp làm mẹ..”. Mụ lăn tăn 4 vấn đề mà bất cứ ai theo dõi kỹ vụ “3 bé sơ sinh tử vong…” cũng đều thắc mắc:
1- Vắc xin và Oxytocin có chứa trong lọ cùng kiểu dáng dễ gây nhầm lẫn hay không?
2- Mỗi ống vắc xin tiêm được cho mấy trẻ?
3- Nếu mỗi ống chỉ có 1 liều thì tại sao cả ba trẻ cùng tử vong?
4- Nếu mỗi ống có nhiều liều thì sau khi mở ra sẽ bảo quản thế nào để đảm bảo chất lượng khi tiêm cho trẻ tiếp theo?
Trong một bình luận (comments), mình đã trả lời rằng: 1) Không! Ở thị trường Việt Nam (hiện nay), tất cả các vaccines ngừa Viêm gan B (VGB) ngoại và nội đều là MỘT LIỀU/MỘT LỌ (vial). Trẻ em lọ 0.5ml (~10 mcrg đơn vị kháng nguyên). Người lớn 1.0ml (~20mcrg...). Oxytocin chỉdùng ỐNG (ampoule) 05 IU. Nếu là lọ (dung tích lớn >10ml) chỉ dùng cho... trâu bò ngành thú y (lưu ý là thị trường VN và bệnh viện tuyến huyện miền núi thanh toán BHYT không có nhiều lựa chọn để dung Oxytocin ngoại nhập)!
2) Vắc-xin Viêm gan B, mỗi lọ (vial)/01 liều 0.5ml chỉ tiêm cho 01 bé! (vaccines tiêm cho các cháu ở BV Hướng Hóa là sản phẩm của Cty VX & SPYT số 1 (Vaibiotech, thuộc Viện VSDT Hà Nội) sản xuất. Loại tiêm (miễn phí) cho các cháu trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (EPI)! Vắc-xin VGB dùng cho người lớn liều gấp đôi (01 ml=20mcrg…/vial) cũng 01 liều/01 lọ. Không được phép chia sẻ 02 liều cho 2 bé, vì nắp lọ vaccines chỉ được đâm kim hút một lần(bơm tiêm cũng dùng một lần. Các nước giàu nhiều vaccines đóng luôn trong bơm tiêm (syrine) một liều). Tiêm xong vứt luôn bơm tiêm vào “hộp an toàn” (chứa chất thải rắn y tế)! Đó là quy định mà nhân viên tiêm chủng đã/phải được tập huấn hằng năm. Cô Thuận (BVHH ở Khe Sanh) đã có tuổi nghề 20 năm không thể không biết điều đó !
3) Từ lâu ngành sản khoa cấm thúc đẻ cho sản phụ bằng TIÊM BẮP Oxytocin (chỉ được pha với dịch truyền ung đường IV, tĩnh mạch). Tiêm bắp Oxytocin thường chỉ dùng khẩn cấp khi bị băng huyết sau sinh và mổ bắt con (tiêm thẳng vào cơ tử cung). Nếu “tiêm cho 3 bé cùng một lọ (như bài báo nêu) chỉ có dùng cho “bé”… BÊ (của bò/trâu)
4) Tất cả vaccines ngừa VGB đều bảo quản ở nhiệt độ 2oC– 8 oC! Oxytocin (thuốc nội: 10 ống/hộp; thuốc ngoại: 05 ống/hộp) bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 20 oC – 28oC! Không ai bỏ tủ lạnh vì nhiệt độ không kiểm soát, quá lạnh có thể làm kết tinh thuốc.
Nên nhớ rằng, từ trước đến nay, khi có tai biến do tiêm chủng gây chết người, hầu hết các mẫu chứng cứ cùng lô/loạt được niêm phong để lấy mẫu để kiểm tra song song mẫu lưu của nhà sản xuất và kiểm định. Sau đó tất cả đều có kết quả trả lời… “đạt yêu cầu về an toàn”.
Không nên lấy kết quả đó để LOẠI TRỪ nguyên nhân tai biến do vắc-xin đã sử dụng (lý do, hãy xem phần cuối bài). Ứng xử bắt buộc của nhà quản lý, nên là KHÔNG SỬ DỤNG loại vắc-xin/sản phẩm đó nữa.
Mọi người cũng nên biết rằng, chỉ có những vụ tai biến tiêm chủng những năm đầu thế kỷ 20, khi công nghiệp sản xuất vắc-xin mới hình thành, thì mới tìm ra nguyên nhân cụ thể như nhiễm độc tố tạp khuẩn, độc chất “hồi phục” (thuật ngữ chuyên môn gọi là hồi độc) trong sản phẩm. Nhưng kết quả điều tra thường có rất lâu sau khi vụ việc xảy ra. Có khi cả mấy năm trời. Và dân chúng chỉ biết được qua các tác phẩm văn học mang tính… điều tra.
Thời nay, khi khoa học công nghệ phát triển thì ngay ở các nước Mỹ, Âu các chuyên gia theo dõi “phản ứng có hại cấp tính sau tiêm chủng” (VAE)(4) cũng thấy khó khăn trong điều tra VAE. Vì sao lại thế?
Về Phương pháp điều tra vàkiểm định mẫu vắc-xin gây tai biến:
Phải nói trước điều này. Điều tra một vụ tai biến chết người do vắc-xin rất phức tạp. Phương pháp điều tra chủ yếu là “hồi cứu”. Hỏi/sưu tra sổ sách/số liệu/vỏ hộp/nhãn mác,.. còn lưu lại. Thu thập thông tin của nhà sản xuất/cung cấp để đối chiếu so sánh với tiêu chuẩn quy định,… Nó không giống như điều tra một vụ phẩu thuật thẩm mỹ; một vụ đẻ/mổ bắt con hay một vụ phản ứng với thuốc Tây,...
Nguyên do là công nghệ sản xuất và kiểm định vắc-xin rất phức tạp. Vô vàn yếu tố rủi ro có thể có trong quá trình sản xuất. Khác với dược phẩm, để sản xuất một vắc-xin, tính từ nguyên liệu đầu vào cho đến khi có sản phẩm, danh mục hóa chất, sinh phẩm, tá chất, phụ gia,... có thể lên hàng trăm mục. Phải kiểm soát tất cả các công đoạn và nguyên liệu trung gian. Có nghĩa là có hàng trăm chất trong một sản phẩm vắc-xin phải được kiểm soát kiểm tra chi tiết. Nhưng phương pháp kiểm tra (tương ứng với số mục/chỉ tiêu kiểm tra) lại hữu hạn và còn rất nhiều chất trung gian tồn dư trong sản phẩm chưa được kiểm tra/kiểm soát hết.
Trở lại bài báo, ký giả viết rằng “Thời điểm tiêm chủng, BV mất điện nên nhân viên tiêm chủng đã dùng điện thoại soi tìm vắcxin. Do ở đây, vắcxin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vắcxin viêm gan B, họ đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé. Vì thế, 3 ca tử vong đều giống nhau. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xi-lanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra (1)”
Vụ việc xảy ra hôm 20/7/2013, nhiều người đã biết giờ tiêm cho các cháu từ 8g00 – 8g30. Hôm đó trời nắng (xem ảnh báo đăng là biết). Dù có “mất điện” cũng không cần “dùng mobile” để soi, mà vẫn đọc được nhãn lọ vắc-xin để thực hành “3 tra 3 chiếu”.
Ngoài chuyện bảo quản thuốc và vắc-xin khác nhau, với thâm niên 20 năm trong nghề, kỷ năng và thói quen của y tá/y sỹ (Thuận) không thể không nhớ/phân biệt liều tiêm vắc-xin một lọ cho một cháu hay cho “3 cháu bé cùng một lọ”. Sự khác biệt nhau của liều lượng/lần tiêm của vắc-xin và Oxytocin rất rõ (xem các hình minh họa).
Đáng chú ý nhất là câu: “Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xi-lanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra.”
Như đã nói, “cơ quan chức năng” cũng chỉ thực hiện “điều tra hồi cứu”. Lọ vắc-xin đã tiêm theo quy định là “lưu theo ngày/tháng” (có ghi nhãn) trong vòng một tháng. Theo các bài báo khi vừa xảy ra vụ việc, “nhân viên không thực hiện đúng quy trình” nên “không tìm thấy lọ vắc-xin đã tiêm”.
Theo quy định, ở mỗi khoa của một bệnh viện tuyến huyện đều có các “hộp an toàn sinh học” đựng chất thải rắn y tế. Trong đó, bơm/kim tiêm để riêng; vỏ ống/lọ thuốc để riêng, nhất là vắc-xin. Thực tế ở Khoa Sản, Bệnh viện Hướng Hóa, mình không biết có dùng “hộp an toàn...” như quy định hay không? Họ có phân loại rác thải rắn y tế không (không thấy báo chí đề cập)?
Nhưng khả năng “thùng rác thải rắn” đó chứa nhiều vỏ lọ/ống thuốc tây và vắcxin, syrine/kim tiêm lẫn lộn nhau là rất cao. Vậy thì khi không tìm thấy vỏ lọ vắc-xin (VGB) tất sẽ tìm thấy vỏ/lọ thuốc tây khác. Có nghĩa là có cả bơm tiêm (syrine), vỏ/lọ Oxytocin đã dùng cho các thai phụ trước & sau sinh cũng có ở thùng/giỏ rác đó.
Điều này, về nguyên tắc, cũng không thể quy nạp là nhân viên y tế tiêm Oxytoxin cho cháu thay vì tiêm vắc-xin! Với kỷ năng được huấn luyện và thực hành thanh tra GMP, mình không bao giờ tin lý lẽ quy nạp mà bài báo đưa như vậy (“kiểm tra từ vỏ lọ thuốc”).
Thực tế những vụ “phản ứng cấp có hại sau tiêm vắc-xin”(VAR) đã xảy ra nhiều. Trong những nguyên nhân gây tử vong do tiêm vắc-xin, có những yếu tố mà chẳng liên quan gì đến chất lượng thực của vắc-xin. Người điều tra chỉ nghĩ đến giả thuyết nhưng không dám loại trừ. Ví như, nghi ngờ các “đồng nghiệp chơi xấu nhau” bằng đánh tráo sản phẩm,.. Không chỉ tại nơi sử dụng, trong quá trình phân phối, mà cả từ khâu sản xuất, vô bao gói. Hậu quả là gây thiệt hại cho người vô tội. Nghi ngờ thế thôi chứ nhà điều tra không bao giờ dám khẳng định khi chưa tìm ra chứng cứ thuyết phục. Họ cũng vô cùng khó khăn khi cố gắng đi tìm chứng cứ theo giả thiết này và đành bó tay.
Ví dụ như, đầu thập kỷ 1980s (1981-1982), liên quan đến vụ 10 cháu bé ở Thanh Hóa tiêm vắc-xin Tả-TB (vắc-xin đa giá 3 thành phần, gọi là Tam Liên, do Viện Vắc-xin Đà Lạt-Nha Trang sản xuất) bị tai biến nặng và tử vong. Cùng thời kỳ đó, nội bộ lãnh đạo nơi sản xuất rất mất đoàn kết và đấu đá thù hằn nhau rất căng. Ban Bí thư TW phải có thông tư riêng chỉ đạo trực tiếp (mình đọc thông tư này 1987, khi làm trợ lý Viện trưởng, BS Nguyễn Hồng Điệt). Bộ Công an vào cuộc và điều tra rất lâu. Nhưng cuối cùng cũng không tìm ra ‘thủ phạm” từ các… lọ vắc-xin Tam Liên.
Nhưng cách ứng xử của Bộ Y tế lúc đó rất rõ ràng và đầy trách nhiệm:
- Cách chức phụ trách y tế dự phòng địa phương. Điều động một thầy giáo (mà mình từng học, quê Thanh Hóa) thuộc Bộ môn VSDT Đại học Y Hà Nội về tham gia quản lý.
- Cách chức và điều chuyển Viện trưởng (giám đốc nhà sản xuất). Kỷ luật và cho nghỉ hưu một phó giám đốc.
- Loại bỏ hẳn vắc-xin Tả-TB ra khỏi chương trình tiêm chủng (không giống kiểu cho “tái sử dụng vắc-xin Quinvaxem” như hiện nay).
Đó là cách ứng xử của những người Thầy và người tiền nhiệm của bộ trưởng Bộ Y bây giờ.
Về Gánh nặng áp lực của cơ quan điều tra và trách nhiệm của báo chí.
Trở lại câu hỏi, vì sao vắc-xin gây tai biến mà kết quả kiểm tra (mẫu cùng lô/loạt) lại đạt yêu cầu về an toàn? Phải chăng, đây là lý do chính để Bộ Y tế cho sử dụng lại lọai vắc-xin đó? Là lý do để các nhà báo không hiểu chuyên môn, vô tình đổ tội cho người thấp cổ bé họng?
Đây là một vấn đề sâu và rộng về chuyên môn, nếu có thời gian (và báo nào chịu đăng trên diễn đàn), mình sẽ tiếp tục trao đổi. Riêng cá nhân, mình coi đó là sự “bất lực” của khoa học công nghệ.
Nói tóm tắt (ai động não một chút là hiểu ngay): khi tất cả các phương pháp kiểm tra/kiểm định vắc-xin, đều là những thí nghiệm (test/assay) đơn lẻ (riêng rẽ cho từng phân chất ở mức độ phân tử) theo nguyên tắc “chìa khóa - ổ khóa”, do con người tạo ra. Còn cơ chế mà thuốc (vắc-xin và hóa chất tồn dư trong vắcxin), làm chết bệnh nhân/người dùng là “sản phẩm tổng hòa” của nhiều chuổi phản ứng sinh hóa học, sinh lý học, thần kinh – hoa học rất phức tạp, trong cơ thể sống xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, tức là do… “Tạo hóa" hay "Chúa trời" gây nên.
Dư luận và báo chí cũng đừng nên kỳ vọng mà gây áp lực vào điều tra của ngành công an. Bỡi vì họ rất giỏi về lĩnh vực tội phạm hình sự và kinh tế, nhưng trong chuyên môn sâu/hẹp như vắc-xin và tiêm chủng, họ phải dựa vào các nhà sản xuất, các nhà quản lý chuyên ngành. Liệu có ai lại “vạch áo” cho… công an xem “lưng” mình không? Vì sao, thường có các cuộc họp quán triệt về phát ngôn đối phó với báo chí và công an ?
Ngoài ra, ngay tại các nước có luật lệ chặt chẽ, khoa học quản lý/điều tra hiện đại, điều tra độc lập, như Mỹ, họ có chuyên gia sâu các lĩnh vực trong mỗi đội điều tra (tuyển từ CDC, FDA,..) họ đã lập hệ thống báo cáo theo dõi (VARS) mà cũng chịu bó tay. Có khi họ cũng “understanding vaccine safety information…” từ các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Nhưng phản ứng “cơ quan chức năng” của họ là loại ngay các sản phẩm gây nhiều tai biến bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn/chỉ tiêu khắt khe hơn; không cấp phép lưu hành; thông báo rộng rãi đến các nhà sản xuất và phân phối cũng như người dùng. Như sản phẩm Quinvaxem là một ví dụ.
Các báo dù chạy đua cạnh tranh nhau với tin nóng và tính thời sự, cũng nên nghĩ đến số phận của mỗi con người còn sống và nổi đau của những người có nạn nhân đã khuất với gia đình họ. Để mà thận trọng hơn, chính xác hơn, khoa học hơn và nhân bản hơn,… trong việc tiếp cận vấn đề và tung ra nhận định. Hãy minh bạch thông tin nhưng vẫn phải viết có ý thức.
Tóm lại, từ thế kỷ 21 trở đi khi khoa học công nghệ phát triển thì các hệ thống quản lý chất lượng (QA), kiểm soát chất lượng (QC) như GxP, ISO,.. được áp dụng trong sản xuất, cấp phép và phân phối vắc-xin, thì gần như không tìm ra nguyên nhân VAR.
Phản ứng nhanh chung nhất của các cơ quan chức năng là tư vấn cho nhà nước sau mỗi một vụ tai biến là KHÔNG DÙNG LẠI SẢN PHẨM ĐÓ. Bắt buộc phải dùng sản phẩm thay thế khác có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn và đã được kiểm chứng trên thực tế nhiều năm.
Về mặt quản lý, bất luận lỗi tại ai, thì phản ứng nhanh là lên tiếng ngay sau đó. Đình chỉ/cách chức/cho thôi việc các nhà quản lý trực tiếp của ngành từ trung ương đến địa phương. Xem xét toàn bộ hệ thống sản xuất và kiểm định; phân phối lưu thông. Chứ không phải tìm cách đổ thừa và “thí chốt” như “tính định hướng” rất rõ của bài báo nêu trên.
***
Nhân đây, mình có lời khuyên cho anh Hiển (GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm EPI, vừa có “live” với chủ đề “an toàn tiêm chủng”trên VTVx trưa nay 27/10/2013): HÃY MẠNH DẠN LOẠI BỎ QUINVAXEM(5) RA KHỎI CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG NGAY LẬP TỨC!
Lý do tại sao (nếu có diễn đàn) mình sẽ trao đổi cụ thể? Hay là chia sẻ trên mạng xã hội (“phản động”) Facebook nhỉ ? Hu hu…
Chủ Nhật, 27/10/2013
Sao Hồng
Chú thích nguồn tham khảo:
(1) http://laodong.com.vn/Y-te/Ba-tre-so-sinh-tu-vong-tai-Quang-Tri-Do-tiem-nham-thuoc-gay-co-bop-tu-cung/144494.bld
(2) http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/576745/vu-tai-bien-vacxin-o-quang-tri-%C2%A0loai-tru-nguyen-nhan-do-vacxin.html
(3) http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/576463/vu-3-tre-so-sinh-chet%C2%A0sau-tiem%C2%A0vacxin-van-dang-dieu-tra-nguyen-nhan.html
(4) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15071280
(5) Vaắc-xin đa giá 5/1 do Hàn Quốc sảnxuất đang được tái sử dụng và đợt mới nhất có 27 cháu ở Tiền Giang nhập việnsau tiêm trong 2 ngày 25/10 & 26/10/2013.
Theo thiển nghĩ của ngu dân tui thời lô Vắc xin nầy có vấn đề:Quá đát,kém chất lượng,không thể xài được tại chính Quốc với các tiêu chí nghiêm ngặt...qua các đầu lậu của Bộ Y tế nhập về VN(Đã được ăn chia,sống chết mặc bây,biến VN thành bãi thải rác y tế gây chết người...).Bởi tại VN không có cơ chế chịu trách nhiệm và các vụ áp phe tiến hành do các nhóm lợi ích,không loại trừ Bộ trưởng Tiến chỉ có chìm xuồng,vậy nên nếu tiếp tục sử dụng lô vắc xin nầy Bộ Y tế chỉ hạn chế tiêm chủng cho con em trong nghành mình,nhất là con cháu những kẻ tiếp tục hô hào ăn cướp la làng,ngậm tiền,gây đau thương tột cùng cho những thường dân vô tội.
RépondreSupprimer"Các báo dù chạy đua cạnh tranh nhau với tin nóng và tính thời sự, cũng nên nghĩ đến số phận của mỗi con người còn sống và nổi đau của những người có nạn nhân đã khuất với gia đình họ. Để mà thận trọng hơn, chính xác hơn, khoa học hơn và nhân bản hơn,… trong việc tiếp cận vấn đề và tung ra nhận định. Hãy minh bạch thông tin nhưng vẫn phải viết có ý thức."
RépondreSupprimerHay quá
bài này quá hay và nhiều thông tin, cần phổ biến rộng rãi
RépondreSupprimer