20/05/2014

Trả lời một số ý kiến về Thư yêu cầu lãnh đạo Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa

  Lê Trung Tĩnh, Nguyễn Quang A
Sau khi công bố được 4 ngày, Thư yêu cầu lãnh đạo Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa đã nhận được trên 3000 chữ ký. Đây là một con số lớn, nhất là việc công bố chỉ qua mạng xã hội và một vài trang web. Con số này thể hiện ước vọng của người dân trong việc giải quyết vấn đề HD981 bằng luật pháp quốc tế.
Người ký tên bao gồm nhiều thành phần, từ công nhân đến trí thức, từ doanh nhân đến tu sĩ. Có thể kể tên một số người ký tên sau : ông Phạm Hoàng Quân (nhà nghiên cứu lịch sử), bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Hà Sĩ Phu, ông Lê Công Định, ông JB Nguyễn Hữu Vinh…
Có một số ý kiến ngần ngại ký tên và phổ biến lá thư. Đây là điều bình thường. Như những người ký tên đầu tiên chúng tôi xin trình bày ngắn gọn một số điểm sau :
1. Có ý kiến không đồng ý với câu « Trọng tài trên sẽ phán quyết rằng Trung Quốc đã triển khai giàn khoan Hải Dương 981 tại địa điểm có tranh chấp" vì cho rằng lá thư biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp.

Ý kiến này không để ý rằng một mặt tòa án sẽ không phán xét về chủ quyền, mặt khác bản thân vùng đó đã là vùng chồng lấn (hay tranh chấp nếu chưa phân định), và cũng không để ý rằng câu đó trong lá thư nói về phán quyết có thể trong khả năng giới hạn của tòa. Và ngay cả trong giới hạn đó, khi tòa phán xét như vậy thì HD981 cũng phải ngừng hoạt động, máy bay tàu chiến Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển Việt Nam.

2. Có ý kiến không đồng tình với câu « Việt Nam nên yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra giải quyết tại Toà án Công lý Quốc tế » trong thư. Ý kiến đó cho rằng « mình bị cướp thì phải đưa kẻ cướp ra tòa chứ không thể yêu cầu kẻ cướp đưa hành động ăn cướp ra trước công lý ».

Trình tự giải quyết tranh chấp Hoàng Sa bằng Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu các bên trong tranh chấp cùng chấp nhận đưa tranh chấp ra tòa. Việt Nam không thể đơn phương đưa Trung Quốc ra tòa, mặc dầu chúng tôi cũng muốn đưa ngay và đưa sớm kẻ cướp ra tòa như ý kiến trên, nhưng nếu muốn giải quyết một cách hòa bình bằng pháp luật quốc tế, thì chúng ta phải tôn trọng thủ tục pháp luật quốc tế.
Do đó lá thư đề nghị Nhà nước Việt Nam chính thức yêu cầu Trung Quốc ra tòa. Nói cách khác là thách Trung Quốc ra tòa. Việc này có các tác dụng mà lá thư đã chỉ ra.

3. Có ý kiến cho rằng việc ký tên lá thư lúc này là không cần thiết vì trước sau gì thì Việt Nam cũng đưa Trung Quốc ra tòa, lãnh đạo Việt Nam đang suy tính thời điểm thích hợp.

Chúng tôi nghĩ khác. Đưa Trung Quốc ra tòa không chỉ là một quyết định pháp lý, kỹ thuật mà là một quyết định chính trị. Người lãnh đạo đi đến quyết định chính trị khi có hậu thuẫn hay khi thấy sự đòi hỏi rõ ràng từ quần chúng. Một trong những mục đích của lá thư này góp phần làm điều đó.
Mặt khác, đây không phải lần đầu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam. Những lần trước đều trôi qua không có một phản ứng rõ ràng bằng công pháp quốc tế, và Nhà nước Việt Nam lại tiếp tục con đường « kiên trì đàm phán hòa bình » với một nước không muốn đàm phán và không tôn trọng hòa bình. Lá thư này làm những điều đó không tái diễn bằng cách yêu cầu dứt khoát : Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa.
Ngoài ra, lá thư này cũng góp phần chấm dứt lập luận sau : vấn đề đã có « Đảng và Nhà nước lo », nhân dân cứ bình tĩnh.

Chúng tôi nghĩ lá thư đề ra một cách giải quyết hợp lý và công bằng cho Việt Nam nhất hiện nay bằng công pháp quốc tế trước sự xâm lăng và ngang ngược của Trung Quốc. Yêu cầu thẳng thắn lãnh đạo làm một việc mình cho là đúng là một việc bình thường, thể hiện tinh thần và trách nhiệm công dân trước tình hình hiện tại của đất nước
Đó là lý do chúng tôi ký tên lá thư và mong muốn chia sẻ việc đó với mọi người.
Đường dẫn để đọc thư và ký tên:
Lê Trung Tĩnh, Nguyễn Quang A

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire