Nguyễn Hằng- Tuấn Hợp
Tranh cãi về vấn đề bản quyền hai đêm nhạc Khánh Ly tiếp tục “nổ” ra khi nữ danh ca Khánh Ly công bố tài liệu được cho là bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép bà sử dụng các tác phẩm của ông với giá 5.000 USD.
Cứ ngỡ những lùm xùm xoay quanh vấn đề bản quyền các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong liveshow Khánh Ly đã được khép lại sau buổi họp giữa đơn vị tổ chức chương trình, Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với Thanh tra Bộ chiều ngày 27/8. Số tiền bản quyền đơn vị tổ chức phải nộp cho VCPMC sau khi thỏa thuận, ký kết bằng văn bản là 275 triệu đồng (cả thuế VAT).
Khánh Ly hát tại Hà Nội đêm 2/8 vừa qua
Việc công bố bút tích của cố nhạc sĩ họ Trịnh của Khánh Ly vào thời điểm này dù là vì tình ý gì đi chăng nữa vẫn khiến dư luận đặt ra những nghi vấn: Liệu bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà ca sĩ Khánh Ly đưa ra có giá trị pháp lý? Nếu như bút tích này để đưa ra tòa làm bằng chứng để đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly không phải trả tiền tác quyền thì như nào? Nếu Khánh Ly được miễn trả tiền tác quyền thì đơn vị tổ chức có được miễn không?
Nhận định về giấy viết tay này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết: “Nội dung văn bản mà Khánh Ly đưa ra là khá mơ hồ khi ở đó không ghi thời hạn nên không khẳng định được điều gì có liên quan đến những ồn ào về tác quyền giữa VCPMC và công ty Đồng Dao trong thời gian qua. Đó là chưa kể, những gì có trong giấy viết tay đó có thể chỉ dành cho một chương trình cụ thể nào đó chứ không có hàm ý là tất cả các chương trình trong thời hạn vĩnh viễn.”
Gia đình Trịnh Công Sơn luôn giữ gìn hình ảnh đẹp về Trịnh Công Sơn- Khánh Ly
Phóng viên Dân trí liên lạc với bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chiều ngày 28/8, khi được hỏi về tờ giấy viết tay này của cố nhạc sĩ, bà Trịnh Vĩnh Trinh từ chối trả lời, vì cho rằng: “Tôi đã nói tất cả những gì cần nói và không muốn sự việc ồn ào, khiến anh tôi buồn. Giá trị pháp lý, tôi xin dành cho những người chuyên nghiệp….. Tôi chỉ muốn khẳng định một điều: Từ trước đến nay, gia đình chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề tác quyền đối với cá nhân chị Khánh Ly nhưng không có nghĩa là không lấy tác quyền từ các công ty tổ chức mời chị Khánh Ly hát. Và đó là việc của BTC và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà thôi.”
Trao đổi với phóng viên Dân trí về văn bản được cho là bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tiến sĩ, luật sư Trần Đình Triển – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Xung quanh về vấn đề tác quyền âm nhạc trong thời gian vừa qua đã trở thành một diễn đàn trên công luận. Vừa qua ca sĩ Khánh Ly có cung cấp cho cơ quan báo chí 1 bản viết tay có chữ viết, chữ ký và khẳng định rằng đó là chữ viết và chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bản viết tay này đã được 1 công ty dịch thuật ở nước ngoài dịch ra tiếng Anh.
Theo quan điểm của tôi thì đây được xem là 1 bằng chứng để xem xét. Với văn bản này thì hoàn toàn chưa có giá trị pháp lý, trước hết cần phải có giám định của 1 cơ quan có thẩm quyền (Viện Khoa học hình sự Bộ Công an hoặc Viện Pháp y quân đội hoặc 1 cơ quan có chức năng giám định chữ ký và chữ viết), lấy mẫu chữ viết và chữ ký thật sự của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để so sánh với mẫu văn bản mà ca sĩ Khánh Ly cung cấp. Nếu kết quả giám định khẳng định đó là chữ viết và chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì văn bản đó có giá trị pháp lý”.
Khánh Ly muốn chia sẻ thâm tình giữa cố nhạc sĩ họ Trịnh với mình khi công bố tờ giấy viết tay được cho là bút tích của Trịnh nhưng vô tình lại “nổ” ra những tranh cãi về vấn đề bản quyền?
Theo luật sư Trần Đình Triển, nếu kết quả giám định khẳng định đó là chữ viết và chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì căn cứ Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu 1 sản phẩm trí tuệ nào đó thì họ có quyền: sử dụng, quyền quản lý, quyền định đoạt như: bán, tặng, cho, thừa kế….
“So sánh với văn bản nếu xác định đúng chữ viết, chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì được khẳng định là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bán tác quyền âm nhạc của mình cho ca sĩ Khánh Ly được quyền sử dụng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và với bất cứ số lượng và bài hát nào, không xác định thời hạn với giá 5000 USD (thanh toán 1 lần). Đây là quan hệ hợp đồng mua – bán được khẳng định bằng văn bản, giấy tờ của chủ sở hữu”, luật sư Trần Đình Triển nói.
Cũng trong cuộc trao đổi chiều tối qua với phóng viên Dân trí, về việc ca sĩ Khánh Ly bất ngờ đưa ra giấy tác quyền của Trịnh cho phép Khánh Ly sử dụng các bài hát của Trịnh năm 2000, luật sư Xuân Bính cho rằng, giấy đó không có hiệu lực về mặt pháp lý trong thời điểm hiện nay.
Theo luật sư Xuân Bính (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, trước tiên xét về mặt pháp luật thì bản viết tay được cho là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho phép ca sĩ Khánh Ly sử dụng các bài hát của ông vào năm 2000, thì nó chỉ có giá trị trong thời gian đó – khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống. Bản viết tay đó chỉ là một bản cam kết giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly hoặc nó là một thỏa thuận dân sự giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly, theo đó giấy viết tay đó chỉ có giá trị khi ông Trịnh Công Sơn còn sống .
Khi ông Trịnh Công Sơn mất, thì thỏa thuận dân sự giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly kí kết với nhau cũng sẽ chấm dứt. Trừ trường hợp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có để lại nội dung trong di chúc là những người thừa kế phải thực hiện giấy thỏa thuận đó cho phép ca sĩ Khánh Ly được sử dụng các bài hát của mình.
“Theo tôi biết, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, tôi chưa bao giờ thấy những người thân trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến chuyện ông cho phép Khánh Ly tiếp tục sử dụng những ca khúc của mình mà không phải trả tiền bản quyền”, luật sư Xuân Bính nói.
Luật sư Xuân Bính phân tích, theo nguyên tắc của pháp luật dân sự, khi chủ thể của 1 giao dịch dân sự chết thì giao dịch dân sự đó sẽ chấm dứt. Trong trường hợp này, ca sĩ Khánh Ly chỉ có quyền sử dụng bài hát của Trịnh Công Sơn theo giấy viết tay trên mà không phải trả bản quyền khi mà văn bản đó ghi rõ không có thời hạn kể cả khi ông Trịnh Công Sơn mất.
Tuy nhiên theo giấy viết tay mà Khánh Ly đưa ra được cho là thỏa thuận giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly lại không có nội dung đó. Cho nên đối với trường hợp này thì người thừa kế tài sản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có quyền yêu cầu người sử dụng những bài hát của ông phải trả tiền, theo luật bản quyền.
Dân trí, ngày 29/8/2014
Thằng phú quang và thằng xuân bính muốn ngài Trịnh ghi lại hết mọi việc sao, thật quá đáng, nói như ngài Triển mới là con người đích thực
RépondreSupprimerluật pháp việt nam phức tạp nhất thế giới. đó là lời BT tư pháp hà hùng cường nói. cho nên hơi đâu mà tranh cãi cho mệt.
RépondreSupprimerBản khế ước không nhắc tới thời gian được phép xử dụng, thì không thể diễn dịch chỉ có giá trị khi người ký còn sống, mà nếu người ký thật sự có ý nghĩ đó chăng nữa, mà không được viết vào bản khế ước, thì cái lỗi là ở người ký cho phép, chứ không chuyện nghĩ ngược lại hay diễn dịch theo kiểu ông LS miền Bắc.
RépondreSupprimerCòn lại vấn đề di chúc, những gì không được nhắt tới không đồng nghĩa với người chết không có trách nhiệm, để phủ nhận những gì người đó đã làm khi còn sống, mà đó chính là cách nghĩ của dân gian, chết là hết.
Đã có không ít những khế ước hay nợ nần không được nhắc tới trong di chúc, nhưng khi thực hành di chúc thì vẫn phải dàn xếp cho xong trước khi những người thừa hưởng di chúc được hưởng, chứ không có màn chối bay chối biến, người viết di chúc nợ khi còn sống, và không nhắc tới trong di chúc thì người thừa hưởng không chịu trách nhiệm, đó là quan điểm sai lầm.
Đã có 1 ông tỷ phú Mỹ khi ông chết hàng lố bà đứng ra nhận là người có quyền chia tài sản, nhưng đến khi công bố ông tỷ phú còn nợ rất nhiều thì mấy bà trốn mất vì sợ trách nhiệm.
Tôi không hiểu ông LS miền Bắc lấy tài liệu ở đâu để ông giải thích như trên