12/08/2014

Ý kiến đề xuất đối với việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XII

Nguyễn Trọng Vĩnh
Rất mong có dân chủ thực sự đối với văn kiện cũng như vấn đề nhân sự.
Trong kiểm điểm tình hình, rất mong Đảng thể hiện tinh thần thực sự cầu thị dám nhìn thẳng vào yếu kém và sai lầm.
I. Đề nghị tập trung kiểm điểm sâu 2 lĩnh vực: Kinh tế xã hội và Quốc phòng là 2 lĩnh vực có nhiều vấn đề.

1. Về kinh tế xã hội: Bên cạnh một số mặt làm được, yếu kém và thiệt hại rất nhiều, hàng vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, hàng mấy vạn công nhân viên mất việc, ngân sách giảm nguồn thu, người cày không có quyền sở hữu ruộng đất, nông dân bị cưỡng chế thu hồi đất tùy ý, bán chác làm giàu cho các nhà đầu tư, nhà cao tầng quá nhiều, thừa ế, các tập đoàn kinh tế nhà nước và ngân hàng thất thoát rất lớn, khoáng sản mất nhiều mà thu về cho ngân sách không mấy, hàng nông sản chủ yếu là xuất thô, hàng công nhiệp xuất khẩu phần lớn là gia công, nhập siêu hàng năm trên dưới 20 tỷ đô la, nợ nần chồng chất, v.v. khiến tài chính kiệt quệ, kinh tế sa sút nghiêm trọng, tụt hậu xa so với các nước xung quanh. Kết quả là đất nước có tài nguyên phong phú mà dân nghèo nước yếu, lệ thuộc.

2.Về xã hội: chưa bao giờ trộm cướp nhiều như bây giờ, “xã hội đen” hoành hành công khai, lực lượng công an cũng chưa bao giờ đông như hiện nay mà không chặn đứng hành động đập phá của những phần tử quá khích ở Bình Dương ngay từ đầu để những việc đốt phá tha hồ lan rộng làm hại nhà nước và đất nước. Những sự việc vợ giết chồng, chồng giết vợ, con đánh mẹ, cháu giết bà vì không xin được tiền, anh em đâm chém nhau vì tranh giành tài sản, con cướp nhà đuổi bố mẹ ra đường... hầu như trên mặt báo ngày nào cũng đọc thấy.

3.Về quốc phòng: Thời bình mà phong tướng nhiều hơn thời chiến, quan tâm phong tướng hơn giáo dục lòng yêu nước, ý thức cảnh giác thường trực cho bộ đội. Xác định không đúng đối thủ. Đầu tư không thích đáng cho lực lượng vũ trang để tăng phương tiện, trang thiết bị, vũ khí, khí tài hiện đại nhằm ứng phó với tình hình xấu nhất. Nhiều điểm xung yếu về quốc phòng đã bị bán, cho thuê dài hạn hoặc cho Trung Quốc thầu: Tây Nguyên, cảng Vũng Áng, cảng Cửa Việt, từ Cửa Việt đến chân núi đất hẹp nhất dễ bị cắt ngang khi có chiến tranh, một đoạn bãi biển Đà Nẵng, khoảng gần 20 km phía Đông đường Quốc lộ từ Kỳ Anh đến chân đèo Ngang, họ xây tường cao, không biết làm gì trong đó, 3.000 hecta rừng biên giới... Những nơi họ mua, thuê, người Việt Nam không được vào xem xét, họ xây dựng công trình quân sự bí mật cũng chẳng ai hay. Trong nội địa nước ta, hàng vạn người Trung Quốc nhập cảnh không phép thành “đội quân thứ 5” và thiếu gì gián điệp, ở cấp cao của ta cũng có người của họ.

Nham hiểm hơn nữa Trung Quốc đổ tiền đổ của vào Campuchia và Lào, 2 nước đã thấm đậm máu của bộ đội Việt Nam, hòng nắm 2 nước nhằm bao vây, cô lập ta. Họ diệt những cán bộ cao cấp của 2 nước bạn có quan hệ thân thiện với nước ta.

Nguy cơ nước ta trở thành thuộc địa kiểu mới hoặc một chư hầu của bành trướng Đại Hán, mất độc lập đương trở thành hiện thực.

Biết bao chiến sĩ cách mạng đã bị tra tấn tù đày, không ít người đã bỏ mình trong các lao tù của thực dân Pháp, không ít vị lãnh đạo ưu tú đã hy sinh trên máy chém và họng súng của kẻ thù mới có “Cách mạng tháng Tám”. Biết bao máu xương của hàng triệu đồng bào, bộ đội đã đổ ra trong 2 cuộc kháng chiến mới có độc lập, thống nhất mà nay sẽ lại rơi vào cảnh Bắc thuộc một lần nữa thì đau xót biết chừng nào! Uất hận biết chừng nào!!

II. Vấn đề nhân sự Đại hội càng phải thật dân chủ.

Trong bầu cử đại biểu cũng như bầu cử Ban chấp hành các cấp nên có số dư ít nhất 25% để người bỏ phiếu có điều kiện lựa chọn. Không nên nêu vấn đề “sợ phân tán phiếu” mà vấn đề là “quyền dân chủ” trong bầu cử mới quan trọng. Đảng viên chính thức không phạm pháp, không bị xử lý kỷ luật Đảng đều được ứng cử, đề cử, không bị gạt vì bất cứ lý do nào. Số Ban chấp hành cũ dự kiến cùng với số ứng cử, đề cử lập thành một danh sách chung xếp theo thứ tự A. B. C không phân biệt.

Để bầu Ban Thường vụ các cấp cũng như bầu Bộ Chính trị cũng cần có số dư: ví dụ để bầu Ban Thường vụ 7 người cần giới thiệu 9 hoặc 10 người; Nếu bầu Bộ Chính trị 15 người, cần giới thiệu ra 20 người. Bầu các vị trí chủ chốt: Bí thư cấp ủy các cấp và Tổng bí thư cũng nên có số dư, tối thiểu là 2 người (không cho rút), nếu độc diễn như từ trước đến nay thì B.C.H mất quyền lựa chọn và người duy nhất được giới thiệu bất kể như thế nào cũng trúng.

Ban chấp hành Trung ương là rất quan trọng, phải gồm những đảng viên có đức, tài thực sự, có lòng vì nước vì dân. Không để cho tình hình “mua quan bán chức” ngoài xã hội len vào trong Đảng. Nếu có những đảng viên nào chạy chọt để mong có một chân trong B.C.H.T.Ư hoặc một chức gì thì đó là những đảng viên thoái hóa biến chất, cá nhân vụ lợi, nếu vì nhận tiền mà cơ cấu những đảng viên thoái hóa biến chất đó vào B.C.H.T.Ư là “tạp hóa” Đảng, là phá nước, phá Đảng, làm giảm chất lượng và uy tín của Đảng. Nhân dân càng mất lòng tin vào Đảng. Bộ Chính trị, bộ phận thường trực của B.C.H.T.Ư chỉ đạo công việc thường xuyên, rất quan trọng phải gồm những đảng viên có phẩm chất và tài năng xuất sắc hơn cả trong Đảng, có tinh thần dân tộc độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, có tư duy dân chủ, thật sự lấy dân làm gốc, mới có hy vọng đưa đất nước ra khỏi tình hình khủng khoảng hiện nay và nguy cơ mất nước.

Đề nghị Đại hội đồng thời với việc bầu B.C.H.T.Ư bầu cả Ban Kiểm tra (hoặc Ban Giám sát) để theo dõi việc thực hiện nghị quyết của Đại hội, chỉ đạo công tác kiểm tra và đủ thẩm quyền xử lý kỷ luật ủy viên Trung ương nếu có sai phạm.

III. Đến bây giờ, người có suy nghĩ đều cho rằng CNCS mà Max Enghel đề ra là ảo tưởng, không bao giờ thực hiện được “Thế giới đại đồng, làm ăn chung, sung sướng như nhau”. Ngay đến CNXH cũng vậy. Từ khi mô hình XHCN Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, chưa ai nêu ra được mô hình nào khác, tiêu chí ra sao, nguyên tắc nội dung thế nào. Vậy thì nói xây dựng CNXH là nói suông, không trên cơ sở nào.

Ở nước ta cũng nói “xây dựng CNXH, định hướng XHCN” nhưng nó như thế nào, cái gì là CNXH trong nhà nước ta, không ai chỉ ra được. Mang danh là “nước XHCN” mà người dân không được hưởng cái gì là “phúc lợi”, ngược lại, bao nhiêu thứ tăng: tăng giá xăng dầu, giá điện, nước, tăng học phí, viện phí... đều đổ lên đầu người dân hứng chịu.

Ở Trung Quốc cũng vậy thôi. Tuy họ vẫn nói là “xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc” nhưng từ khi Đặng Tiểu Bình nói: “Mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt” thì họ đã rẽ sang đường khác rồi. Hơn nữa gần đây, Tập Cận Bình nêu khẩu hiệu “giấc mộng Trung Hoa” thế là Đảng CS Trung Quốc đương xây dựng một thứ “Đế chế Đại Hán tộc” bá chủ thiên hạ, đâu phải là CNXH!

Ở nước ta, nên thôi nói “lấy CN Mác – Lênin” mà chỉ nên nói: “ lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” là đầy đủ, vì lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn lọc tiếp thu những gì là văn minh, tiến bộ, khoa học của thế giới, kể cả những gì là hay, là tốt của các tôn giáo, Khổng Tử, Tôn Trung Sơn kết hợp với truyền thống dân tộc. Cũng nên thôi nói xây dựng CNXH mà chỉ nên nêu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh” như nghị quyết Đảng đã từng nêu là đúng.

Đã không có CS chủ nghĩa, XHCN thì tên Đảng nên trở về là “Đảng Lao động Việt Nam”, sau này sửa Hiến pháp, lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa” để dễ hòa đồng với các nước trên thế giới.

Lãnh đạo với cai trị khác nhau. Từ sau Hội nghị Thành Đô đến nay, Đảng cai trị, độc đoán chứ không phải lãnh đạo. Có những chủ trương, chính sách không sát, không đúng, ai có ý kiến khác thì cho là suy thoái, ai dám nói thẳng, dám chỉ trích chế độ, đấu tranh đòi dân chủ, dân quyền thì đàn áp bỏ tù. Yêu cầu hiện nay là Đảng đổi mới tư duy, tự cải biến, từ bỏ cai trị, thực hiện đúng ý nghĩa lãnh đạo, thâm nhập nắm được nguyện vọng của dân, đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân, hợp yêu cầu phát triển đất nước, tự khắc dân theo, Đảng không mất vị trí lãnh đạo. Đảng cần có tư duy dân chủ, và tác phong thực tế. Bộ phận lãnh đạo không chỉ đi ôtô xuống nghe cấp ủy báo cáo, phát biểu ý kiến chỉ đạo rồi về, mà cần có các cách vi hành để nắm được thực chất tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, thấy rõ tình hình thực tế, trên cơ sở đó mới đề ra được những chủ trương sát, đúng. Đảng lãnh đạo chứ không làm thay chức trách, nhiệm vụ của Chính quyền, không đại diện cho Chính quyền.

Đảng đề ra đường lối, chủ trương và mục tiêu chung cho từng thời kỳ và yêu cầu đối với các mặt hoạt động, các phương châm, nguyên tắc cần quán triệt, Chính phủ và các ngành làm kế hoạch thực hiện, Đảng không bao biện làm thay. Đảng theo dõi quá trình thực hiện. Nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo là chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho trong sạch, giáo dục đảng viên lòng yêu nước và tinh thần tiên phong gương mẫu.

Trong hơn 90 triệu dân, Đảng chỉ là bộ phận nhỏ và cũng nằm trong lòng Tổ quốc. Tuy có vị trí lãnh đạo, nhưng Đảng không được đứng trên Nước, Đảng cũng phải tôn trọng các quyết định của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân (sắp tới Quốc hội mới phải thực sự là Quốc hội của dân. Không phải như Quốc hội hiện nay chỉ có 15% là người ngoài Đảng).

Trên đây là những lời nói thẳng với tinh thần xây dựng của một đảng viên 99 tuổi, gần đất xa trời, đã theo Đảng gần 80 năm.

N.T.V.
Sầm Sơn, 2-8-2014
Tác giả gửi BVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire