Nên quy định Mặt trận Tổ quốc tham gia góp ý xây dựng, giám sát các hoạt động của tổ chức Đảng; cần nguyên tắc “không quy chụp” với các ý kiến phản biện; phải có những quy định cụ thể tiêu chuẩn ứng cử vào Quốc hội, HĐND...
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng
Đó là những ý kiến nổi bật của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận chiều qua 5.11 về dự luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi) và dự án luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Thảo luận về dự luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi), ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) bày tỏ đồng tình theo hướng quy định Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát các hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với các đường lối chính sách của Đảng.
Theo ĐB Thiện, “nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua giám sát các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội... không gì tốt hơn thông qua người đại diện của nhân dân là Mặt trận để thực hiện quyền này một cách tốt đẹp nhất. Còn từng người, từng cá nhân thực hiện thế nào luật cũng chưa quy định rõ ràng”.
Liên quan đến chức năng phản biện xã hội của Mặt trận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị phải có nguyên tắc “không quy chụp”. “Nếu như người phản biện có những ý kiến khác biệt hoặc thậm chí trái ngược nhưng là những ý kiến mang tính chất xây dựng thì không bị quy chụp”, ĐB Nghĩa nói. Theo ĐB Nghĩa, khó khăn hiện nay là một mặt chúng ta muốn có phản biện xã hội nhưng đồng thời cũng có những tổng kết, đánh giá như “các phần tử lợi dụng giám sát, phản biện để có ý đồ chống đối...”. “Nếu không xác định rõ nguyên tắc như vậy sẽ không có ai phản biện cả”, ĐB Nghĩa nói.
Thảo luận về dự án luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị cần đưa ra tiêu chuẩn ĐB để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào đó để giới thiệu, cử tri nhìn vào đó để bầu. ĐB Đương bày tỏ băn khoăn về việc tăng tỷ lệ ĐB chuyên trách lên 35% nhưng trong luật chưa rõ tiêu chuẩn. “ĐB chuyên trách nếu không từ chuyên viên cao cấp trở lên với 10 năm công tác thực tiễn thì sẽ không đáp ứng được công việc. Nhiều ĐB chuyên trách không biết đọc án, nếu đi giám sát oan sai sẽ không làm được đâu…”, ĐB Đương nói.
Ở góc độ khác, ĐB Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho rằng việc tự ứng cử ở thế giới đã trở thành thông lệ nhưng “chưa thấy ở nước nào dễ như VN”. “Lúc chưa có thì quá chặt còn lúc có rồi thì quá lỏng. Tự mình làm hồ sơ ghi vào là được đưa vào danh sách. Trong khi đó người do cơ quan, tổ chức giới thiệu phải trải qua các cuộc bình xét thì người tự ứng cử không trải qua khâu nào cả”, ông Nghị nói.
Theo ĐB Nghị, nhiều nước có quy định tuy lỏng nhưng rất chặt, đó là người ứng cử phải tự chịu chi phí về mặt tài chính nếu không đủ bao nhiêu phần trăm số phiếu. “Tôi sang Pháp đã hỏi rất kỹ điều này, không có chuyện ai muốn ứng cử tổng thống cũng được vì anh phải chịu một chi phí lớn trong quá trình vận động tranh cử”, ĐB Nghị nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng, cần cụ thể hóa tiêu chuẩn của người ứng cử vào QH, HĐND và trong đó cần có lý lịch tư pháp và xác nhận sức khỏe. “Giấy khám sức khỏe người ứng cử này không phải như khám sức khỏe lái xe mà phải có trắc nghiệm trình độ, tâm lý. Bởi vì trình độ, tâm thần của anh không qua được trắc nghiệm thì không nên ứng cử. Vì 5 năm kéo dài nhiều áp lực mà tinh thần không tốt thì khó hoàn thành nhiệm vụ với dân”, ĐB Nghĩa nói. Cũng theo ĐB này, cần có quy định để đảm bảo công bằng cho các ứng cử viên không thuộc tổ chức nào nhưng theo Hiến pháp họ vẫn có quyền ứng cử.
Thanh Niên
|
06/11/2014
Cần nguyên tắc 'không quy chụp' phản biện
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire