20/11/2014

Nguyễn Công Khế: Tự do báo chí, không còn cách nào khác

Mặc Lâm/ RFA
Báo International New York Times trong số ra ngày hôm nay 19/11 có đăng một bài viết của nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên viết về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam.

Bài báo này xuất hiện vào lúc Quốc hội Việt Nam chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng mở ra một góc tối của tự do báo chí tại Việt Nam cần phải được Quốc hội và người đứng đầu chính phủ có thái độ dứt khoát vì tính chất quan trọng khó chối cãi của nó.

Biên tập viên Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn tác giả bài báo, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, về bài viết này.

Sự cấm đoán trong làng báo VN

Mặc Lâm: Thưa ông, là một nhà truyền thông có bề dày và kinh nghiệm trong bối cảnh xã hội Việt Nam chưa quen thuôc với tự do báo chí, ông đã mang kinh nghiệm khó khăn ấy để viết lên bài báo với tựa đề “Một nền Tự do báo chí cho Việt Nam” nói về sự cấm đoán trong làng báo Việt Nam và đăng trên một tờ báo lớn có lịch sử trong ngành báo chí thế giới là tờ International New York Times. Xin ông cho biết đây có phải là thời điểm thích hợp cho bài báo này hay không?

Nguyễn Công Khế: Cách đây không lâu, khi trả lời chính thức trên báo Thanh Niên và báo Một Thế Giới, tôi đã nói rõ việc này. Chính vì sự cấm đoán và mở rộng các vụ nhạy cảm của các nhà lãnh đạo, nó đã để báo chí đi vào ngõ cụt. Những thông tin cần thiết nhất thì lại không được đến từ những tờ báo chính thống.

Bây giờ với thời đại thông tin này, người ta phải đọc trên mạng, hàng nghìn trang xuất hiện. Hồi trước chúng ta làm báo nhật trình, tức là báo ngày.

Bây giờ không phải là báo ngày nữa mà là báo phút. Do vậy, nếu chúng ta không để cho những tờ báo chính thống do chính phủ kiểm soát ở Việt Nam nói những điều cần thiết và những sự thật thì dứt khoát người ta sẽ đọc các trang mạng và tin đó là sự thật.

Ví dụ như cuốn Đèn Cù của ông Trần Đĩnh chẳng hạn, rồi một số cuốn sách người ta in ra trên mạng ở nước ngoài thì anh đâu có kiểm soát được. Cả một bộ máy chính thống không hề nói lại một câu từ “cải cách ruộng đất” cho đến “bệnh tình của các nhà lãnh đạo” tức là làm cho cả một nền báo chí thụ động. Và từ đó làm cho mất niềm tin của nhân dân đối với chính sách thông tin này.

Nhà báo e ngại, lãnh đạo sợ mất ghế

Mặc Lâm: Với kinh nghiệm của Tổng biên tập một tờ báo lớn khi ông quyết định cho đăng các bài báo có tính đối diện với thời cuộc, đối diện với những vấn đề bị cho là nhạy cảm trong kinh tế xã hội hay chính trị…sau khi bài báo ấy xuất hiện ông có quan sát những hiệu quả mà nó mang tới hay không?

Nguyễn Công Khế: Thời của tụi tôi thì cách đây không lâu đâu –như tôi, Tô Hòa, Võ Như Lanh, Kim Hạnh.... một số Tổng biên tập trước đó. Khi đăng một bản tin chúng tôi nghĩ đến công chúng, đến đất nước mình nhiều hơn là nghĩ đến cá nhân của Tổng biên tập.

Bây giờ, từ các cán bộ nhà nước cho đến các cơ quan báo chí, người ta sợ bị “mất ghế” cho nên người ta không dám dũng cảm để nói lên sự thật mặc dù sự thật đó rất có lợi cho đất nước.

Nghị quyết của đảng, của chính phủ, quốc hội đang đặt vấn đề tham nhũng lên hàng đầu. Thế nhưng khi đặt bút viết chống tham nhũng của các vụ lớn thì các nhà báo rất e ngại, rất sợ, chùn tay. Điều đó làm cho tham nhũng hoành hành và dẫn đến nhiều hệ quả của đất nước.

Vấn đề nợ công, nợ xấu, những vấn đề mà cả đất nước và rất nhiều người dân quan tâm thì không làm được. Tôi nghĩ không phải là các nhà báo kém, thiếu chuyên nghiệp nhưng mà người ta ngại. Lãnh đạo các tờ báo thì sợ “mất ghế. Còn phóng viên thì ngại từ kiểm duyệt.

Tôi nghĩ nền báo chí như thế nó rất có hại, tai hại cho một đất nước đang phát triển. Sự công khai minh bạch của báo chí giúp cho sự phát triển của đất nước rất nhiều.

Sa đà vào những chuyện vụn vặt  

Mặc Lâm: Theo nhận xét chung của chúng tôi thì ngày nay nhiều tờ báo dám xâm nhập vùng cấm, vùng nhạy cảm hơn mặc dù chấp nhận sau đó bài báo có thể bị gỡ xuống và Tổng biên tập có thể bị mất chức. Tuy nhiên các hiện tượng đó không nhiều. Theo ông những hoạt động ngoài lề này phải chăng là chủ trương của nhà nước mở một chút cửa để không khí tràn vào xóa bớt sư ngộp thở của tự do báo chí nhưng vẫn chưa đủ không khí cho một lá phổi lành mạnh. Theo ông nếu nhà nước mở hẳn cánh cửa này thì sự lợi hại ra sao?


Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ nhà nước mở ra chỉ có lợi hơn chứ không có hại. Bây giờ như VTV đang bàn đến vấn đề Công Phượng, nói về lý lịch của Công Phượng. Đó chỉ là một việc rất nhỏ thôi. Công Phượng với các hồ sơ của Tư pháp ở xã, phường vùng nông thôn Việt Nam rất lơ mơ. Vấn đề tuổi Công Phượng 19 hay 21 thì có gì thiết yếu đâu mà người ta lại ầm ầm trên đài. Những vụ lớn, những vụ tham nhũng, những vấn đề nhức nhối của đất nước thì không.

Việt Nam chúng ta sống phụ thuộc vào cái gì? Lao động rẻ, công nhân rẻ, tài nguyên thô và chúng ta sử dụng vốn ODA rất không hiệu quả. Tất cả những vấn đề nhức nhối thì báo chí ít đề cập đến.

Còn không thì báo chí sẽ phân ra hai con đường: Một là các trang lá cải sẽ đăng cô đào này, bữa nay mặc cái áo này, bữa nay hở cái vòng một, vòng hai; Rồi người ta đi quá đà để khai thác, để câu view, tìm bạn đọc. Còn những vấn đề chính thì lại không đề cập. Đó là cái tai hại chứ.

Tôi nghĩ một chính quyền mạnh, một chính phủ mạnh thì cần một nền báo chí minh bạch, một nền thông tin minh bạch.

Mặc Lâm: Và ông nghĩ chính phủ hiện nay đã đủ mạnh chưa đề tiếp cận các nguồn thông tin minh bạch ấy?

Nguyễn Công Khế: Tôi thấy họ vẫn chưa dám để cho có thông tin nhiều chiều, có các phản biện thuyết phục. Một chính quyền mạnh, tôi nói trước đây-thời của chúng tôi cách đây không lâu như tôi đã nói ở trên- những phản ảnh của chúng tôi về tình hình thực trạng của kinh tế, chính trị, xã hội khi được đưa ra mà hơi gay gắt và nó gần với sự thật thì tôi nghĩ điều đó thúc đẩy cho xã hội lành mạnh. Nó chả có hại gì cả. Khi mà thông tin minh bạch thì người dân đặt lòng tin vào đất nước họ, vào xã hội nhiều hơn.

Thời của Minh bạch, Tự do sẽ đến  

Mặc Lâm: Phải nói đây là một chủ đề rất gay gắt trong chính trường Việt Nam hiện nay. Ông là một đảng viên kỳ cựu, đã có những cống hiến nhất định cho đất nước, cho Đảng Cộng sản Việt Nam và hơn nữa cho ngành báo chí với tư cách một Tổng biên tập…khi ông đưa những nhận xét này trên một tờ báo lớn của thế giới ông có lo ngại sẽ có những động thái nào đó từ chính quyền gây khó khăn cho ông hay không?


Nguyễn Công Khế: Tôi trả lời báo trong nước còn mạnh hơn báo này nhiều. Anh phải đọc lại bài “Tôi đã bị trả giá nhiều lần” và “Dân thường không có quyền tham nhũng”. Trong các bài đó tôi nói mạnh hơn bài này rất nhiều. Tôi nói chủ yếu về chính sách thông tin của nhà nước hiện nay.

Mặc Lâm: Nhưng đó là những bài báo trong nước nhưng bây giờ thì ông công khai trên diễn đàn báo chí quốc tế và do đó nhà nước sẽ để ý hơn và có biện pháp khác hơn? Nó có thể phát sinh hai vấn đề, một là phản ứng tích cực có nghĩa là họ sẽ thay đổi theo đề nghị của ông hai là họ tiêu cực trong thái độ phủ nhận và chống đối. Giữa hai thái độ đó ông hy vọng nó diễn ra theo chiều hướng nào?

Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ nó sẽ diễn ra chiều hướng tích cực. Tôi đặt vấn đề trong nước rồi. Tôi có cảm giác là người ta đồng tình với tôi nhiều hơn. Tuy người ta chưa sửa được nhưng tôi nghĩ phần đồng tình nhiều, rất nhiều.

Tôi nghĩ con đường, chính sách minh bạch thông tin và tự do báo chí trước sau gì nó cũng đến và dứt khoát mình phải làm thôi. Không có cách nào khác, không có lựa chọn nào khác.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Theo RFA

Đọc thêm: Nhà báo Việt Nam nghĩ gì về tự do báo chí 
Việt Hà/ RFA
Ảnh bên:Bài viết của cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên, là ông Nguyễn Công Khế được dịch và đăng trên tờ New York Times của Mỹ hôm 19 tháng 11, 2014

Tờ New York Times của Mỹ hôm 19 tháng 11 đăng một bài viết được dịch từ tiếng Việt của cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên, là ông Nguyễn Công Khế, trong đó ông kêu gọi chính phủ Việt Nam nên mở rộng quyền tự do hoạt động cho báo chí Việt Nam bao gồm báo chí nhà nước và tư nhân. Đây là một bài viết hiếm hoi của một cựu Tổng biên tập một tờ báo lớn của nhà nước được đăng tải trên một tờ báo lớn của Mỹ, nước luôn kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Liệu đây có phải là một dấu hiệu mới cho thấy nhà nước Việt Nam sẽ mở rộng quyền tự do báo chí trong nước?

Dấu hiệu của sự thay đổi

Chính phủ  Việt Nam cần cho phép báo chí hoạt động độc lập. Đây là điều cần thiết cho quá trình tự do hóa chính trị và kinh tế đang được tiếp tục và cho những nỗ lực của Đảng Cộng sản để lấy lại sự ủng hộ của người dân vốn cần thiết cho sự tồn tại của chính đảng cộng sản’. Phần mở đầu của bài viết mới của cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, Nguyễn Công Khế, được đăng tải trên tờ New York Times hôm 19 tháng 11 là một lời kêu gọi mới công khai đối với chính phủ Việt Nam về một vấn đề có thể coi là khá tế nhị ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Trong bài viết của mình, vị cựu Tổng biên tập lập luận sự thay đổi cho phép tự do báo chí ở Việt Nam lúc này là cần thiết. Ông viết ‘khung cảnh báo chí Việt Nam đã thay đổi mạnh trong suốt 5 năm qua, và Đảng Cộng sản đã mất phần lớn sự kiểm soát đối với ngành công nghiệp này với những hậu quả khủng khiếp’. Theo ông sự phát triển của internet với những trang mạng mang thông tin đa chiều không bị kiểm soát của nhà nước, cùng sự ‘đói thông tin’ của người dân trước các thông tin đa chiều đã khiến người đọc trẻ tuổi bỏ các trang báo lề phải nổi tiếng như  Tuổi Trẻ, Thanh Niên để tìm kiếm những nguồn thông tin không tuyên truyền. Bằng chứng được đưa ra là doanh thu quảng cáo của những trang báo này đã giảm gần 2/3 kể từ năm 2008 đến nay.

Ông Nguyễn Công Khế cũng nêu lên một số những diễn biến trong xã hội Việt Nam thời gian qua dẫn đến nhu cầu về một sự thay đổi tích cực hơn cho báo chí. Những diễn biến đó bao gồm những đòi hỏi của người dân về thông tin về vấn đề tham nhũng, những cam kết với nước ngoài như hội nghị Thành Đô tại Trung Quốc năm 1990 hay vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ngoài biển Đông.

Nói với đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Công Khế cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam có thể sẽ cởi mở hơn với báo chí.

Tôi có cảm giác là người ta đồng tình với tôi nhiều hơn. Tuy người ta chưa sửa được nhưng cái phần đồng tình rất nhiều. Và tôi tin là con đường minh bạch thông tin và tự do báo chí thì trước sau thì nó cũng đến và dứt khoát mình phải làm.

Khi được hỏi về những dấu hiệu cụ thể nào cho ông thấy rằng đã có sự đồng tình hơn từ phía chính phủ trong việc mở rộng quyền tự do báo chí, ông Nguyễn Công Khế cho biết ông từng viết bài “ Tôi đã bị trả giá nhiều lần” và “Dân thường không có quyền tham nhũng” nhưng không gặp phản ứng gì từ nhà nước. Ông nói:

Trong các bài đó tôi nói mạnh hơn bài này rất nhiều. Tôi nói chủ yếu về chính sách thông tin của nhà nước hiện nay.

Bài viết của ông Nguyễn Công Khế đưa ra giữa lúc có tin Quốc hội Việt Nam chuẩn bị xem xét thông qua luật báo chí sửa đổi vào năm tới. Trong Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật báo chí hôm 12 tháng 11, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam nói ‘không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực, chúng ta thấy giật mình rồi đưa ran gay những quy định để bịt hết lại…. việc sửa luật lần này phải dự báo được xu thế phát triển mạnh mẽ về công nghệ, xu thế hội tụ thông tin…’

Nghi ngờ về những thay đổi sớm

Tuy nhiên, không phải nhà báo nào ở Việt Nam cũng có cùng quan điểm với cựu Tổng biên tập Nguyễn Công Khế về những dấu hiệu thay đổi trong tự do báo chí ở Việt Nam. Nhà báo tự do Lê Phú Khải nhận định: 

Theo tôi là không có tín hiệu gì cả, hoặc là ông phát ngôn cho một nhóm lợi ích nào đó để lấy uy thế thôi, hoặc là ông đón gió…. Đón gió là thời đại thay đổi, chính ông Nguyễn Tấn Dũng nói là xã hội dân sự là đương nhiên là xu hướng của thời đại và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. 

Nhà báo Phạm Chí Dũng, phụ trách ban biên tập trang Việt Nam thời báo của Hội nhà báo Việt Nam Độc lập, một trang báo lề trái, không cho rằng sẽ có một thay đổi sớm nào đối với tự do báo chí tại Việt Nam:

Riêng cá nhân tôi thì gần như chưa có hy vọng nào cả lý do là hiện nay quốc hội rất bảo thủ. Lần gần đây nhất chúng ta chứng kiến là quốc hội đã thông qua một bản hiến pháp rất lạc hậu vào cuối năm 2013 và cho tới gần đây thì tất cả những vấn đề quan trọng nhất của hiến pháp như là đất đai, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do trưng cầu dân ý vẫn chưa được đả động tới. Ngay cả vấn đề được coi là dễ dàng nhất và phù hợp với nguyên tắc Paris mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1981 là luật tiếp cận thông tin cho tới nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi chính thức nào từ chính phủ và quốc hội. 

Không những thế, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, luật sửa đổi thậm chí còn siết chặt hơn quyền tự do báo chí.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới 40,000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát về mặt nội dung của nhà nước, mà theo nhà báo Phạm Chí Dũng gọi là cơ chế kiểm duyệt cứng và kiểm duyệt mềm. Cơ chế kiểm duyệt cứng là kiểm soát trực tiếp từ ban tuyên giáo trung ương đến địa phương tới các sở thông tin truyền thông ở các tỉnh thành. Cơ chế kiểm duyệt mềm là qua việc bố trí nhân sự trong cáo cơ quan báo như bí thư chi bộ, đảng bộ của các cơ quan này.

Theo ông Nguyễn Công Khế, Việt Nam cũng cho phép một số cơ sở báo chí tư nhân nhưng chỉ là bán tư nhân, sản xuất các show truyền hình, xuất bản các ấn phẩm báo chí nước ngoài như Esquire và Cosmopolitan. Tuy nhiên những cơ quan này bắt buộc phải có đối tác là một cơ quan thuộc nhà nước, tức là cũng chịu sự kiểm duyệt.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật báo chí vừa qua, Bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh không để những tư tưởng sai trái, đi ngược lại quan điểm của Đảng nhân cơ hội này để chống phá việc sửa luật báo chí.

Đối với những trang báo lề trái như tờ thời báo Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết kể từ khi thành lập hôm 17 tháng 7 đến nay, trang báo đã luôn phải chịu sự ngăn chặn bằng kỹ thuật và phá sập một lần. Mặc dù vậy, ông cho biết trang báo vẫn thu hút được khoảng 45,000 đến 50,000 người một ngày. Theo ông, đây là một con số rất nhỏ so với lượng truy cập vào các trang báo chính thống lớn như Vnexpress, và Dân trí, nơi có lượng truy cập được các báo này công bố lên đến hơn 100 triệu một tuần. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, nếu không bị ngăn chặn như hiện nay, các trang báo lề trái hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa với các trang báo lề phải về số lượng người truy cập.

Cựu Tổng biên tập Nguyễn Công Khế lập luận rằng, những nguồn thông tin thay thế khác không thể là thuốc giải độc đối với sự quản lý của nhà nước với truyền thông chính thống và những nhà báo Việt Nam có kinh nghiệm đã chịu sự kiểm duyệt đã lâu vì vậy họ không mong muốn gì hơn là có thể làm công việc của mình đúng đắn. Theo ông Nguyễn Công Khế, hiến pháp Việt Nam cho phép người dân có quyền tự do báo chí và tự do báo chí không chỉ tốt cho đất nước mà còn tốt cho cả chế độ.

Theo RFA

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire