Minh họa. |
Trước tết, một người bạn đề nghị tôi viết bài bàn về sự tử tế của ngày xưa và ngày nay. Đề tài thật hay nhưng công việc bộn bề; nhưng, cái chính là thời điểm đó có quá nhiều chuyện để buồn nên không viết nổi... Bây giờ, tết Ất Mùi đã đến rồi, say thì cũng đã say, tỉnh thì mới tỉnh, có lẽ nên bàn một chút về cái mà chuyện hàng ngày rất cần, đó chính là sự tử tế.
Một trong những "thành tựu” đầy tai họa của văn minh hiện đại là sự buộc phải ra đời của những cuốn sách đỏ, trong đó liệt kê về các giống loài có nguy cơ biến mất khỏi hành tinh bởi sự tàn sát không thương tiếc của loài người. Thế nhưng, ít ai để ý trong xã hội ngày nay, khi thói phô trương, trưởng giả, ích kỷ, vô cảm lên ngôi, rất đáng được đưa vào “sách đỏ” một điều tốt đẹp vô giá, có nhiều lắm thời cha ông chúng ta sống, sắp bị ‘tuyệt chủng” thời nay, đó là sự tử tế.
Thật là buồn khi phải nói ngay rằng, thời đó, chỉ cách đây vài mươi năm, nhưng phải gọi là ngày xưa. Cái thời mênh mông tình người, chứa chan sự thanh bạch và ngay thật, luôn đầy ắp nhưng câu ca dao, mà chỉ cần đọc lên, ai cũng muốn hát ngay, sau khi con tim đã tự hát rồi. Chồng em áo vải em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người - Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn - Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng…
Thơ ca là ánh phản đủ đầy ‘tiếng hát’, lời tâm tình xao xuyến của những con tim, giống như chiếc gương văn hóa của con người, của thời đại. Những câu ca đó ‘sinh ra’ trong cái thời mà cha ông ta biết rõ ràng rằng ngủ trên chiếc giường có giá cả tỷ đồng luôn khắc khoải bởi những tính toan, chắc gì đã có giấc ngủ ngon hơn trên chiếc giường mộc mạc nhưng ngập tràn sự thanh thản, yên vui?
Chuyện tử tế trong bi kịch trên là ở chỗ: Nó có nhiều ở khắp nơi nơi. Nếu anh không ‘vào guồng’, anh là con quạ trắng. Không ai lại muốn một đêm ngủ trên hai ba cái giường vì như thế có lẽ là khó ngủ, mất ngủ. Thế nhưng, điều giản dị đó đã và đang bị… sai? Thời bây giờ, có lẽ sẽ chẳng dễ gì tìm thấy trong một túp lều tranh nào đó, luôn có hai trái tim vàng của sự đồng cảm hiến dâng. Những câu hát sáng trong không có sự va đập lẻng xẻng của kim tiền quả là điều mà con tim bất lực trước giãi bày.
Chuyện thời @ của ‘loài tinh tinh thứ ba’ (tác phẩm của Jared Diamond) đang sống ở Việt Nam nhiều không kể xiết cho dù ai cũng thuộc nằm lòng câu cảnh báo về cái thói trưởng giả học làm sang. Có một vị PGS.TS, nhà cách trường chỉ 200m nhưng vẫn mua một chiếc xe hơi để… cất và thi thoảng, mỗi năm về thăm quê một lần. Hỏi thì được trả lời rằng người ta có, mình phải có, nghèo thì hèn, ai chẳng nghĩ thế. Hàng chục thế hệ sinh viên đi qua cuộc đời người viết bài này, chưa khi nào tôi thấy có ai đó, trong lần gặp đầu tiên, không xét nét cái xe thầy đi, cái áo thầy mặc… Tuyệt không thấy ai quan tâm trước hết đến cái mà đầu thầy đang có, có giả như mái tóc sắp nhuộm không?
Dù có cảm thấy hơi khó nghĩ, khó nghe trong ngày đầu xuân, năm mới; chúng ta cũng phải cùng nhau chấp nhận rằng, nếu thực tế đúng như sử sách đã ghi thì trong mấy trăm năm nay, chưa có thời nào mà cái ác lộng hành ghê gớm thế, thói vô cảm đáng sợ thế, tính ích kỷ của con người lì lậm thế.
Điển hình cho sự suy thoái văn hóa – đạo đức của xã hội là hai tầng lớp khó bị đồng tiền ‘chinh phục’ nhất, hai ‘kẻ’ bị gục ngã sau cùng nếu như đồng tiền chiến thắng đạo đức gần như tuyệt đối; và, cũng là hai ‘kẻ’ được cả xã hội tôn thờ nhất là thầy thuốc và thầy giáo.
Vậy mà, hầu như chẳng có ngày nào thiếu vắng những chuyện tiêu cực của hai tầng lớp rất được vì nể này. Đó là minh chứng không thể bào chữa. Tất nhiên, lịch sử sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho một xã hội lầm lạc đã tạo ra những điều vô lý đắng cay...
Nhìn rộng ra ngoài, ta không thể tự trả lời vì sao không thể nhường nhau một chút, một chút thôi của ánh mắt lỡ liếc xéo, hay lườm ngang vì nó bỗng dưng trở thành đầu mối của án mạng, thương tật. Tại sao không chịu dừng trước đèn đỏ, hay nếu có dừng thì chỉ cần bảng đèn báo còn 3 giây là cả chục con người lao vội về phía trước(!) Cách ‘chấp hành’ luật giao thông lấy lệ rồi ngay sau đó xông lên ngay để giành phần hơn (để làm gì?), chắc chắn là phản ánh cái sự tranh ăn, tranh thắng từ vô thức chứ không thể có cách giải thích nào hơn.
Câu hỏi làm thế nào để đổi thay (hay cứu vãn, ngăn chặn) chắc rằng chỉ có thể là, phải làm lại từ đầu. Nếu như ở đâu cũng phải dối trá mới sống nổi thì làm sao có được sự chân thật, thẳng ngay? Chẳng hạn, cách đây mấy năm, người viết bài này được cấp kinh phí để thực hiện đề tài khoa học là 30 triệu đồng. Nếu thực làm, ít nhất phải có 100 triệu. Nếu chỉ làm cho có theo kiểu cắt, dán thì khoảng 3 triệu đồng. Quá hạn, bị kiểm điểm, PGS M. “dạy” tôi rằng, sao ông dốt thế, chỉ cần một tuần là xong? Phải suy nghĩ hàng tháng trời tôi mới đủ can đảm để trả lại tiền. Cả đơn vị bị mất thi đua và một rừng người trong HĐKH xúm lại lên án tôi không có khả năng nghiên cứu khoa học(?)
Chuyện tử tế trong bi kịch trên là ở chỗ: Nó có nhiều ở khắp nơi nơi. Nếu anh không ‘vào guồng’, anh là con quạ trắng. Mới đây, sau khi được phong PGS, một người bạn nói với tôi, chạy cái này vất vả lắm. Tôi hỏi, sao lại chạy. Anh ấy nhìn tôi như từ hành tinh khác đến rồi sõng sượt, "Cái gì mà chẳng phải chạy"? Rồi, anh ta giảng cho tôi nghe: Cách đây mấy năm đã phải “đầu tư” mời các GS đầu ngành vào dạy, dạy một, thanh toán gấp 3-4 lần, tiếp đón, quà cáp, bây giờ mới được đây...
Những ví dụ về cái chuyện phi tử tế của thời nay nhiều không kể xiết. Làm thế nào để đổi thay? Đây là câu hỏi khó nhất đời nhưng buộc tất cả chúng ta phải trả lời. Nếu không trả lời ngay bây giờ thì sẽ là quá muộn khi đạo đức tuột dốc như khẩu pháo ở Điện Biên năm nào: Hàng vạn Tô Vĩnh Diện cũng chẳng thể nào chèn cứu được.
Nguy cơ còn lớn hơn nữa nếu người lớn ngày một xấu hơn, tham nhũng ngày một trầm trọng hơn thì tấm gương xám xịt đó sẽ là cái đích mịt mờ cho lũ trẻ noi theo, mà chẳng có giải pháp nào của giáo dục có thể cứu vãn nổi. Cái lo nhãn tiền thấy rõ mà xã hội vẫn cứ dùng dằng, các nhà chính trị vẫn cứ thích nói dối nhiều hơn nói thật thì quả là chí nguy.
Rất may là vẫn còn đâu đó những gương mặt sáng trong để chúng ta thỉnh thoảng nhìn nhau mà cảm động theo cái cách muôn đời, kiểu như, bị tai nạn nhưng may mà chưa... nặng lắm! Có một người cởi áo mặc cho tên trộm trốn dưới hồ, lạnh quá nên phải chui lên; lại có một người nhặt được mấy chục triệu đồng đem trả lại; rồi lại có một người tử tế được dân thương, dân quý đã ra đi... Những điều tốt đẹp ấy là ‘những ngôi sao buổi sớm’ để cho lòng tốt mong mỏi, hy vọng.
Mùa Xuân mới đã về. Trời đất đang thay đổi mỗi ngày sao con người cứ nỡ không biết, không hay? Nếu mỗi người chỉ cố gắng để tốt hơn một chút, đỡ vô cảm hơn một ít; nếu mỗi người lãnh đạo chịu lo cho dân hơn một tý, ít quan tâm đến tài sản của mình hơn một xíu – chỉ một xíu thôi, hẳn đất nước sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm.
Đầu năm, thay vì ngàn lời chúc liên quan đến tài, đến lộc; ta hãy chúc cho nhau sẽ tử tế hơn thì đẹp biết bao. Chỉ xin bạn một điều nho nhỏ: Hãy nhường cho đồng loại vài ba giây để chờ cái đèn đỏ tắt đi, rồi đèn xanh sáng lại, hãy qua đường. Phải. Đó là màu xanh đang hiện hữu khắp đất trời...
Hà Văn Thịnh
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire