18/02/2015

Cụ Vĩnh: “Đừng làm nhục Quốc thể”


Têt Ất Mùi 2015, Lão thành cách mạng Nguyễn Trọng Vĩnh tròn 100 tuổi. Lễ mừng thọ cụ Vĩnh được  gia đình, đồng đội, bạn hữu gần xa và nhất là các Trí thức, Văn nghệ sĩ tham dự, chúc thọ Cụ đã ‘vươn đạt’ Bách Niên Giai Lão.

            20 năm trước, cũng như đến bây giờ, ai cũng ghi nhận: Cụ Vĩnh ‘gừng càng già, càng nồng cay’, càng sáng thêm tài năng và đức độ. Bài của Đại tá Tô Khuyến, nguyên cán bộ Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, viết ngày 22/12/1996, như một ‘Di cảo’ từ 20 năm trước, để gửi các đồng đội sau khi dự Lễ mừng thọ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh 80 tuổi. Nhân dịp Lễ mừng thọ Cụ Vĩnh Bách niên xuân Ất Mùi 2015, trang BVB xin giới thiệu bài viết này:



Lời mở đầu

Tôi may mắn được công tác dưới quyền Anh Nguyễn Trọng Vĩnh thời kháng chiến chống Pháp. Khi đó Anh Vĩnh là Thủ trưởng Cục Tổ chức thuộc Tổng cục Chính trị.

Thật mừng tháng 10/1996, tôi lại được gặp Anh trong dịp các bạn chiến đấu cũ họp mặt mừng thọ anh vào tuổi 80. Cuộc họp mặt xuất phát tự nhiên từ tình cảm quý mến và trân trọng của anh em, đồng đội với anh nên đã diễn ra thật thân mật và vui vẻ.

Tôi được phân công nhiệm vụ dẫn trò cho rôm rả. Anh chị em đều coi anh như một người anh trong gia đình nên bộc lộ tình cảm rất sôi nổi. Có người tự đứng ra ngâm thơ, đọc văn rồi hò hát chúc mừng anh; có người kín đáo hơn thì đưa các “sáng tác” của mình cho tôi đọc hộ. Không ai bảo ai mọi người đều thống nhất nói lên tình cảm yêu mến, khâm phục của mình với tài năng, đức độ của anh.

Từng công tác khá lâu với Anh, tôi rất đồng  tình với các anh chị đó. Tôi thấy trong công tác tổ chức và cán bộ, anh luôn thể hiện thẳng thắn chính kiến của mình. Anh nhìn nhận con người, sự việc khách quan, toàn diện và xử lý luôn công tâm sòng phẳng. Cách sống và tình cảm của Anh với đồng chí, đồng đội rất chân thành, cởi mở, đằm thắm. Con người của Anh thực thà, liêm chính, khảng khái, vô tư. Chỉ từ năm 1960 trở đi, khi Anh rời quân đội để đảm nhiệm một số công tác mới, từ đó trở đi chúng tôi ít có dịp được gặp và làm việc với Anh. Nay mọi người đều đã về hưu nên mới có điều kiện tìm nhau xum họp.

Trong cuộc vui mừng thọ hôm đó, con gái lớn của Anh, Chị về giúp bố mẹ tiếp khách, cháu cũng có quà mừng thọ bố (gọi là “cháu” nhưng thực ra đã vào tuổi 50 rồi). Quà mừng thọ của cháu đưa cho tôi là một tờ giấy trong đó viết nắn nót hai câu đối. Nghe đọc hai đôi câu đối này, có người chưa thấy giống cách thể hiện tình cảm gia đình, cha con đã quen, nhưng những anh em biết Thủ trưởng Vĩnh từ lâu lại rất thú vị.

Tôi đoán Anh Vĩnh hài lòng vì con gái Anh vừa yêu quý và hiểu Cha sâu sắc (phải chăng con hơn cha, con hiểu cha thì Nhà có phúc, mà thế thì Nước cũng có phúc?), vừa sát cánh trên Con đường của cha như các Đồng chí, các Cán bộ cũ của Anh vậy.

Lão tướng, Đại sứ, Thầy thuốc Nguyễn Trọng Vĩnh nói: “Nên trân trọng người khác”.

… Những người được gặp Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đều quý mến, trân trọng và bị cuốn hút với câu chuyện và nụ cười của Cụ, cũng như khó tưởng tượng Cụ già vừa Hồn hậu vừa Minh triết, vừa Gần gũi vừa Trí tuệ ngồi trước mặt lại là một vị tướng dạn dày trận mạc, một nhà ngoại giao lão luyện trên trường quốc tế, và là một thầy thuốc tinh thông Y lý Đông Tây.

Nhiều người gần Cụ kể, vốn tiếng Pháp của Cụ chỉ từ Sơ Trung thời Pháp thuộc, vậy mà Cụ  đọc tiểu thuyết, trao đổi tự  nhiên với các nhà ngoại giao bằng thứ  tiếng này. Tiếng Trung Cụ chỉ học truyền khẩu từ chị Hồ Mậu La, cháu gái cụ Hồ Tùng Mậu, nhưng khi biết được sẽ làm Đại sứ tại Trung Quốc là Cụ  chong đèn tự  học, kết quả là Cụ có thể dễ dàng làm việc trực tiếp với bạn mà không cần phiên dịch, cũng như còn đọc sách tiếng Trung về Trung Y. Vì thế  cứ có dịp lễ trọng thể, bao giờ Đoàn Ngoại giao cũng chọn Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trọng Vĩnh thay mặt.



Cụ nói, đã Hội nhập là phải hết lòng “Hòa nhập”, đừng nửa vời vì sợ  “Hòa tan”. Nói “Hòa tan” là vẫn chưa hiểu hết sức mạnh và bản lĩnh dân tộc. Ngày xưa ta mất nước, phải làm quận, huyện hàng ngàn năm dưới sự cai trị của giặc Tàu mà chúng muốn ‘đồng hóa’ chẳng được, nữa là bây giờ. Cụ khuyên, Hội nhập Quốc tế mà không hiểu Văn hóa, Con người của đất nước người ta thì hội nhập thế nào. Vì vậy khi  làm việc ở Lào thì Cụ  học tiếng Lào, khi được phân công làm Phó Chủ  tịch Hội Cựu Chiến binh phụ  trách đối ngoại là Cụ bắt đầu học tiếng Anh, dù đã 77 tuổi.

Có gặp Cụ mới hiểu, trong Cụ là sự Thống nhất, sự “là Một” cao độ giữa người Thầy thuốc thức thâu đêm đọc sách cứu người, vị Bí thư Tỉnh ủy được dân tin yêu, và Người hạ bút đầu tiên trong 61 đảng viên ký Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành TW và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam với khởi đầu: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã Áp đặt cho Dân tộc Đường lối sai lầm về xây dựng Chủ nghĩa Xã hội theo mô hình Xô Viết, được coi là dựa vào Chủ  nghĩa Mác-Lênin”.

Thật  mừng thấy Tổ quốc có hồng phúc nhờ có nhiều các bậc trưởng thượng như “Tứ hiền”  (nay đều đã hơn kém trăm tuổi) như: Cụ Vũ Khiêu, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, Cụ Lưu Văn Đạt, Cụ Lưu Văn Lợi.

I.  CÂU ĐỐI THỨ NHẤT, NÓI VỀ VIỆC CỤ VĨNH ĐÃ HƠN 25 NĂM LÀM CỐ VẤN CHO LÃNH ĐẠO LÀO VÀ ĐẠI SỨ VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC

Câu đối thứ nhất có nội dung:

Làm Cố vấn miền Tây, ghi lời Bác, quyết không làm “Lão Toàn quyền”, luôn nhớ chữ “Chủ quyền của Bạn (Lào)”.

Đi Đại sứ nước Tàu, trung với Nước, chẳng nghe người “Đại Hán”, giữ trọn điều “Quốc thể Việt Nam”.

Câu đối này đã thể hiện một cách ngắn gọn, sắc nét về Công việc và Con người của Anh Nguyễn Trọng Vĩnh trong thời gian anh được phân công phụ trách công tác miền Tây, làm Trưởng đoàn Chuyen gia, Cố vấn cho Tổng bí thư thư Đảng NDCM Lào, rồi sau đó lại được cử đi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc. Thời gian của hai việc lớn đó là khoảng hai mươi lăm năm có lẻ.

Năm 1965, trước khi đi nhận công tác ở Lào, anh vinh dự  được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dặn dò, trong đó Người nhấn mạnh: “Chú sang giúp Bạn, nhớ không được làm “Lão Toàn quyền” đấy nhé, phải tôn trọng chủ quyền của Bạn”. (Ý Bác là phải khiêm tốn, không được “kiêu ngạo cộng sản”, rồi dẫn đến lộng quyền…).

Anh Nguyễn Trọng Vĩnh khi đó đã là Thiếu tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (1960-1964) đã luôn luôn ghi nhớ lời dặn đó của Bác. Sau đó, khi sang làm nhiệm vụ bên Lào (1965-1973), đã giúp Bạn nhiều việc và luôn được các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Bạn quý mến, tin tưởng vì đã thể hiện đúng sự tôn trọng đối với các vấn đề thuộc chủ quyền của Bạn trong khi Bạn quyết định các công việc lớn thuộc nội trị.

Vế thứ hai của câu đối thứ nhất là nói về những năm làm Đại sứ ở Trung Quốc 13 năm (từ năm 1974 đến năm 1987), lúc đó bối cảnh thật là phức tạp, quan hệ giữa hai nước rơi vào khủng hoảng, đầy rẫy khó khăn cho công việc ngoại giao. Trong suốt 13 năm đó, biết bao nhiêu đột biến xảy ra trong quan hệ giữa hai nước khiến anh luôn phải suy nghĩ và hành động thế nào để theo đúng được chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng, giữ được Quốc thể Việt Nam mà lại không làm căng thẳng cho mối bang giao hai nước.

Khó khăn vậy nhưng anh đã trụ vững được thời gian dài hơn tất cả các Đại sứ cùng thời kỳ với mình…

Phải nói những việc anh đã làm trong hai vai trò “ông Cố vấn” và “Ngài Đại sứ” quả là những công tích không dễ có người đạt được. Tuy nhiên, những công tích đó đều lập tại nước ngoài và trong những sự việc, những thời điểm không thích hợp để tuyên truyền rộng rãi nên trong nước không nhiều người biết  đến những việc làm, những chiến công thầm lặng của anh Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Trọng Vĩnh trên các mặt trận mới.

Những kinh nghiệm quý báu trong những năm tháng công tác được Anh kết hợp với thực tiễn cuộc sống thành các bài viết góp ý cho lãnh đạo trước những hiện tình khó khăn của đất nước. Có người phàn nàn với Anh về việc những đề xuất tâm huyết và trí tuệ của Anh bị bỏ qua và không có trả lời. Anh cười thoải mái và giải thích, chắc các anh ấy cũng có những khó khăn riêng, chưa để ý ngay được, song thế nào các anh ấy cũng phải quan tâm đến Thực tiễn và xu thế tất yếu, không thế cũng không được.  

Cuốn “Hồi ức” của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh và thơ Bút Tre có điểm chung, đó là bằng Tình thương và Trí tuệ, đã giúp người đọc hiểu hơn về Chế độ, Xã hội và Chính mình?

Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (Ảnh bên). Ông sinh ngày 23/8/1911, mất năm 1987. Trước 1945 ông dạy học và có truyện dài đăng ở Tiểu thuyết thứ  7 tờ Đông Pháp, bút danh Lục Y Lang. Năm 1956, ông là Thư ký Bộ trưởng Bộ  Ngoại giao Ung Văn Khiêm, năm 1962 là Trưởng ty Văn hóa, rồi Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ. Thơ ông  tưởng như vô tâm, song lại đầy Triết lý và Tình yêu Cuộc sống. Phải chăng đấy là cách giữ mình trong một xã hội bất an mà vẫn giúp mọi người hồi hướng của các bậc trí giả.

Nói thế vì Nhà thơ Bút Tre đã làm được một việc rất lớn là mang Thơ (không phải Thơ Hàn lâm) cho Quần chúng và khuyến khích họ hướng Thiện khi làm Thơ. Chẳng thế mà nhiều người Việt Nam ở  trong và ngoài nước, đều thuộc một vài câu thơ Bút Tre và sẵn lòng làm dăm ba câu tương tự, trước hết vì vui, song cũng qua đó thấy Chế độ, Xã hội và Chính mình thật sinh động qua các sinh hoạt không mấy hợp lẽ tự nhiên:

Đó là Một Chế độ ít cần Suy nghĩ và không có Mục đích Thiết thực: “Thi đua ta quyết thi đua - Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu - Hàng đầu rồi biết đi đâu - Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”; Một Chế độ Thiếu coi trọng sản xuất và sẵn sàng nói Sai sự thực để có “Thành tích”: Hoan hô! Cục trưởng Hà Đăng - Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa”, hay kết quả chiến dịch trồng cây nhớ Bác: “Hoan hô các cụ trồng cây - Mười cây chết chín - Một cây gật gù - Chúng mày có mắt như mù - Mười cây chết cả gật gù ở đâu?;...

Đó là Một Chế độ Áp đặt Tư tưởng và Độc quyền Chân lý: “Hội trường yên ắng ngủ say - Thuyết trình vừa dứt… - Vỗ tay ra về” hay “Hôm qua học tập chính tri [chính trị] – Ai nấy ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu [phát biểu] - Cơm ăn chẳng được bao nhiêu - Đảng ủy lại bắt phát biêu cả b... [cả buổi]”; Đó là Một Chế độ không coi trọng trí thức và những người có tài, có đức: “Ta đi bầu cử tự do - Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm”.



Cụ Vĩnh pha trà vào Lễ mừng thọ Bách niên

Đó là Một chế độ Bất công, Bất hợp lý,  vì thế  phải Đổi mới Thể chế, Đổi mới Văn hóa, bởi “Hôm nay đài nói vui thay - Người ở dưới đất, Chó bay lên trời”. Những dòng này được viết nhân mừng thành tựu của Liên Xô đưa chó Lai-ca vào vũ trụ.


Những người hiền, các bậc trí giả được tôn vinh vì đã hy sinh cho Con Người bớt Khổ, giúp cho họ thêm hiểu biết để chiến thắng sự “vô minh” của mình, tức chiến thắng giặc Dốt, cái mà Đức Phật cho là đã gây ra “bể khổ”. Có người hồi hướng chúng ta qua các công tích vĩ đại, như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp,...
Song có người hồi hướng chúng ta qua những việc hàng ngày, đó là  Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng, Quang Văn Thỉnh ở  Thanh Văn, là Bút Tre Đặng Văn Đăng, GS. Vũ Khiêu, Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh,... và vô vàn người khác nữa. Dĩ nhiên, để thấy và có được các bậc Thầy – quả Phúc lớn, đầu tiên cần tu tập thực hành để “Nghĩ” và “Làm” theo lối Đoàn kết, tức Trân trọng, Liên kết và Thống nhất các sự Khác biệt, kể cả Đối lập.
II.  CÂU ĐỐI THỨ HAI NÓI VỀ CỤ VĨNH TRONG THỜI GIAN SAU NGHỈ HƯU VÀ LÀM PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH
Câu đối thứ hai có nội dung:
Bảy mươi hai tuổi, bảo nghỉ, thì nghỉ. Ham chi nữa, “nợ tang bồng trang trắng
vỗ tay reo”; câu thơ chén rượu, “mi cót” (xe đạp máy) rong chơi, nghiên cứu Đông y, nghe điệu ca trù, thưởng làn tuồng cổ... Việc sống vui sắp sẵn hàng hàng, thọ đến trăm năm chẳng chán!
Bảy  mươi bảy xuân, bảo ra, lại ra. Há chối từ, “chí hồ thỉ còn nồng ra sức gánh”; việc nước việc dân, cựu binh bàn luận, góp phần dựng Hội, vạch mưu Đại Hán, chống lũ tham ô,... Bài ích nước đề ra lớp lớp, lo kỳ bạc tóc chưa thôi!
Câu đối thứ hai là nói đến suy nghĩ và việc làm của Anh giai đoạn sau khi rời cương vị Đại sứ. Lúc đó Anh vừa về nước sau chuyến đi dài ở nước ngoài thì được thông báo nghỉ hưu. Anh đón nhận việc đó rất thanh thản, không có một chút bất ngờ, không cần một thời gian quá độ nào cả; nghỉ là nghỉ, đơn giản thế thôi.
Anh có quá nhiều năng lực để làm chủ mọi hoàn cảnh sống. Nghỉ hưu mà còn làm được bao việc có ích và... luôn thoải mái. Là người “Làm ra làm, Chơi ra chơi”, anh rất tâm đắc tinh thần danh nhân Nguyễn Công Trứ xưa: Khi người quân tử đã trả hết “nợ tang bồng” cho nhân thế thì có thể “vỗ tay reo” mà sống an nhàn thư thái theo ý của mình.
Ngày trước “làm quan” đi đâu có ô tô nhà nước, ngày nay “làm dân”, anh thường cưỡi chiếc xe điện nhỏ nhẹ giản đơn (xe mi ni cót) đi chơi với họ hàng bè bạn, lại thấy thuận tiện hơn, đỡ phiền người khác giúp; Vốn am hiểu và yêu thích nhiều loại hình văn hóa văn nghệ cổ truyền dân tộc như ca trù, tuồng, chèo... nay Anh lại vui vì có thêm thời gian thưởng ngoạn.
Đặc biệt, anh còn tham gia một câu lạc bộ nghiên cứu y học để nghiên cứu cách chữa bệnh bằng Đông Tây y kết hợp. Anh đã chữa thành công nhiều ca bệnh thâm căn cố đế mà nhiều thày thuốc chính hiệu đã bỏ không chữa nữa; Anh chữa bệnh không lấy tiền, nhưng rất nhiệt tâm, rất kiên trì, cẩn trọng; luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến, điều chỉnh thuốc thích hợp để chữa bằng khỏi mới thôi.
Vì vậy, Anh chẳng có thì giờ để buồn bã, nghĩ ngợi để tiếc nuối những ngày “đương chức đương quyền”. Đó không phải vì khi đang làm việc anh đã “dại” không ngồi mát để hưởng quyền cao bổng hậu, mà là Anh bao giờ cũng sống hết lòng với Thực tại.
Vế thứ hai của câu đối dưới là chỉ về việc năm anh đã “bảy mươi bảy xuân”, “bỗng dưng” được anh em cựu chiến binh bầu ra làm Ủy viên Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Phải nói là “bỗng dưng” vì chính anh không nghĩ và ở trên cũng không đâu có ý “cơ cấu” để anh vào lãnh đạo Hội cả. Mọi việc chỉ là vì ở Đại hội Cựu binh mọi người đều thấy anh tuy đã 77 tuổi mà còn rất phong độ, nhanh nhẹn, hoạt bát, suy nghĩ nói năng đâu ra đấy nên đã nhất trí bầu anh.
Anh em đã cần, đã tín nhiệm bầu ra thì Anh cũng hăng hái nhận, ở Anh  cái thảnh thơi nhẹ nhõm khi rời chức và cái hăng hái nhiệt tình khi nhận chức ra làm việc thực ra chẳng có gì mâu thuẫn với nhau. Nó chính là sự thống nhất biện chứng của một con người vốn có tính tự giác cao, tinh thần trách nhiệm lớn đối với đất nước, với sự nghiệp cách mạng cũng như với Con Người mà thôi. 
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh nói, “Ba yêu cầu” của Bộ Chính trị là đúng đắn, vì thế cần ủng hộ Chính phủ Đổi mới Chính trị, Đổi mới Thể chế, Đổi mới Văn hóa để thực hiện.
Sáng 29/12/2014, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tác động của việc đầu tháng 5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào đặt ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Sự kiện này đe dọa nền hòa bình, mất ổn định của đất nước, đồng thời tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta.
Thủ tướng cho biết, trước tình hình đó, tháng 5/2014, Bộ Chính trị đã đề ra ba yêu cầu:
1. Bảo vệ chủ quyền quốc gia;
2. Giữ vững hòa bình và ổn định môi trường trong khu vực;
3. Thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm. “Đó là mục tiêu kép và  thực sự Là thách thức lớn đối với chúng ta”, Thủ tướng nói tiếp, nhìn lại năm 2014, thành công lớn nhất chính là việc đã giữ được chủ quyền quốc gia, giữ được hòa bình ổn định.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn tạo được sự đoàn kết nhất trí, đồng thuận của dân tộc cả trong nước và ngoài nước. Từ đó, đã hoàn thành, đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Trung ương Đảng, Quốc hội đề ra cho năm 2014. Theo Thủ tướng bảo vệ chủ quyền, hòa bình ổn định là vấn đề còn rất nhiều thách thức, phải ngày đêm chăm lo, không được lơ là, chủ quan. Điều này có nghĩa cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực sự Đổi mới Chính trị, Đổi mới Thể chế, Đổi mới Văn hóa theo Chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Từ tinh thần này, Bộ trưởng Bộ Kê ́hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, nếu không Đổi mới Thể chế và Con người, Việt Nam rất khó phát triển khi hầu hết động lực đã tới hạn.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cần bỏ Tư tưởng và Thể chế Xin, Cho, tức là “Cái gì Cho thì ghi trong luật”, và thay bằng “Cái gì Không cho thì ghi trong luật”, bởi xin mà luật không có, sẽ thích thì cho, không thích thì không cho... gây tốn kém, khó khăn và không minh bạch”. Nhắc lại nguyên tắc “việc dân sự cốt ở hai bên”, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng nêu rõ việc gì luật  không cấm thì phải để người dân làm và tự điều chỉnh.
Ông cũng bày tỏ quyết tâm Đổi mới, không thể giữ mãi tình trạng “sai lầm nhiều thế kỉ nữa”.
1. Ngày 16/1/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, “vai trò văn hóa ngày càng quan trọng, vì vậy, cần phát huy, bồi đắp hơn nữa giá trị văn hóa kế thừa từ truyền thống”. Rõ ràng, “văn hóa kế thừa từ truyền thống” như Phó Thủ tướng nói là cơ sở đầu tiên để Xã hội và Đảng, Nhà nước xây dựng một Văn hóa Thời đại – Văn hóa Đoàn kết & Sáng tạo;
2. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Cả hai Phó Thủ tướng đều là những lãnh đạo nhạy cảm, kiên quyết và đủ bản lĩnh ủng hộ các yếu tố mới. Đây là những điều kiện không thể thiếu của lãnh đạo thế kỷ 21. Có thể nói, các thành tựu lớn của đất nước trong giai đoạn hiện nay đều có sự đóng góp của những người lãnh đạo như vậy.
Đọc hai câu đối lại vui cho Anh vì không những đồng đội, đồng chí, bằng hữu, hàng xóm hiểu anh, quý anh mà trong gia đình, con gái của Anh đã vượt qua tình cảm thường tình để nói đúng cái tâm, cái trí của cha mình.
Một đời người trải qua cuộc sống như Anh, làm được những việc lớn và khó như Anh đã làm và luôn giữ được khí tiết của  mình từ trẻ tuổi cho đến tuổi “bát  tuần” như anh, đó thật là đáng tự hào lắm chứ? Tôi hoan nghênh một người con gái đã hiểu, đã nói được cốt cách và tâm lòng của cha mình. Phần trên tôi đã nói rồi, song vẫn muốn nhắc lại, tôi thấy đúng “Con hơn cha là nhà có phúc”, song ở đây qua đôi câu đối này và những gì tôi cảm nhận ở Cụ Vĩnh và Gia đình tôi cũng thấy đúng “Con hiểu cha là nhà có phúc” vậy!
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh dặn, phải luôn nỗ lực Học tập để biết cách Thay đổi
Trên trang bìa cuốn Hồi ức “Kể lại cuộc đời” do Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh tặng Ban Biên tập là những dòng chữ đầy tính Nhân văn và Trí tuệ:
“Kể lại những sự việc xẩy ra trong cả cuộc đời của Cụ Vĩnh lức này, khi Cụ đang gần ngưỡng 100, tôi muốn nhắn nhủ con cháu rằng: Một con người sống trên đời, dù cực khổ đến mấy (hay sung sướng và quyền lực đến mấy) cũng phải cố gắng phấn đấu mà vươn lên, chăm chỉ học hành, sông sao cho đúng ‘Đạo làm người’. Bất kể lĩnh vực nào, hễ có điều kiện thì tranh thủ mà học, học thêm được cái gì hay cái ấy. Tôi mong con cháu cũng biết Tự lập phấn đấu, Thực hành tiết kiệm và phải có tinh thần luôn Sẵn sàng giúp đỡ mọi người, Đấu tranh cho Lẽ phải, cho Chính nghĩa”. Tôi nhớ, Cụ Vĩnh thường nói: “Cái Đức trên đời trước hết phải biết  tự trọng chính mình”. Đúng thế, Trọng Vĩnh, là mãi mãi biết tự trọng. Trong cái danh có chữ Trọng mà không biết ‘Tự Trọng’ là tự phủi chính mình. Cụ còn nói: “ Làm chính trị, trước hết phải biết trọng chính thể, chính thể Chính trị và chính thể Quốc gia. Trong bang giao, đối ngoại, trước hết đừng làm nhục Quốc thể!". Trách những ai mệnh danh 'đất nước, dân tộc' đi bang giao, chỉ vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm, vì chức sắc hoặc sự vụ lợi nào đó mà hạ mình, thậm chí quỳ gối trước giặc, há không phải nhục Quốc thể hay sao”.
Đọc những dòng trên, càng hiểu vì sao Cụ Hồ không dùng tên “Tạp chí Cộng sản” mà là “Tạp chí Học tập”; vì sao không dùng tên Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, mà dùng “Nhà xuất bản Sự thật”, cũng như ngộ thêm phải Học để Thay đổi và “Thiện” hơn, còn kiên định “Không Thay đổi” thực chất là bảo thủ, giáo điều, Lười, không chịu Học, và sẽ dễ “Ác” hơn.
Cụ Vĩnh kể, do tham gia cách mạng, nên Cụ bị người Pháp bắt đi đày, mỗi ngày được 1 lạng gạo, 1/3 lạng thịt, 3 lạng rau, mắm muối 15g, song lại đủ điều kiện tự do chăn nuôi gà lợn, nên mỗi tuần một mâm 6 người có một con gà quay, một tháng được một con lợn sữa quay. Ông kể khi đó được ăn đủ loại thịt rừng, hươu, nai, lợn lòi,... do Tây đồn tham nhũng muốn bỏ túi tiền thực phẩm của tù, nhưng lại không muốn tù đói nên sai lính đi săn bù vào. Vậy là những người có Học khi tham nhũng có thể vẫn “Thiện”, còn thiếu Học thì tham nhũng chắc chắn sẽ đi kèm với cái “Ác”?
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1996
Đại tá Tô Khuyến
 (From: E.Mail of Nguyễn Nguyên Bình)
 

 

 




Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire