GS Nguyễn Đình Cống
GS Nguyễn Đình Cống tiếp tục "TRẢ LỜI MỘT SỐ NGHI VẤN VÀ THẮC MẮC" do sinh viên của GS gửi đến, dưới đây là phần tiếp theo.
Vấn đề 2- Chúng em đã được học, được tuyên truyền, đã biết Chủ nghĩa Mác-Lê nin ( CNML ) là hoàn toàn đúng, là kết tinh trí tuệ của nhân loại, là con đường tất yếu của loài người, thế mà thầy lại bảo nó chứa đựng độc hại. Xin chỉ rõ ra các độc hại đó. Nếu bảo CNML có sai lầm thì tại sao trong mấy chục năm qua VN theo nó mà vẫn có kinh tế phát triển, đời sống vẫn được nâng cao, VN vẫn có quan hệ bạn bè khắp thế giới và uy tín ngày càng tăng.
Trả lời.
Để phân tích CNML, đặc biệt là vạch ra những độc hại của nó phải có công trình nghiên cứu đồ sộ và thể hiện ra bởi nhiều tập sách dày. Việc này hàng ngàn, hàng vạn các học giả trên thế giới và trong nước đã làm trong thời gian dài ( trên 150 năm nay ) .
Bằng một câu trả lời ngắn gọn tôi không thể giải đáp hết mọi thắc mắc mà chỉ có thể nêu ra một số gợi ý cơ bản để các bạn tiếp tục tìm hiểu.
Các bạn phải tự mình suy nghĩ và đối chiếu với cuộc sống để rút ra kết luận, nếu không làm như thế thì các bạn có thể trở thành những con sáo vẹt hót theo người khác.
Các bạn biết CNML hoàn toàn đúng là do đâu, do được học, được nghe tuyên truyền một chiều, được nhồi sọ từ một nguồn duy nhất hay là do đã đối chiếu từ nhiều nguồn, đã so sánh với thực tiễn của cuộc sống.
Nếu chỉ từ một nguồn thì có khả năng là mới chỉ biết một phần mà chưa biết đầy đủ toàn bộ sự thật .
Sự thật phải được tiếp cận từ nhiều phia. Lại nữa, khi nghe tuyên truyền cần hiểu được, đoán được mục tiêu của việc đó.
Khi tuyên bố làm một việc gì người ta thường có 2 mục tiêu, công khai và ẩn dấu. Mục tiêu công khai thường là rất tốt đẹp, hợp lý nhưng đó chưa phải là mục tiêu chính. Mục tiêu ẩn dấu chỉ có một số rất ít biết được và đó mới là cơ bản, là chủ yếu. Người ta, nếu thông minh thì có thể dựa vào việc làm cụ thể để đoán mục tiêu ẩn dấu của người khác, còn nếu vì dễ tin hoặc vì kém cỏi thì thường bị lừa để chỉ biết tin vào mục tiêu công khai do họ nói ra.
Khi giảng dạy và tuyên truyền CNML mục tiêu công khai là giúp bạn tìm chân lý để đấu tranh, để xây dựng xã hội tốt đẹp, để mang lại quyền lợi, hạnh phúc cho bạn, cho giai cấp và dân tộc bạn, mục tiêu ẩn dấu là lôi kéo bạn trở thành người theo họ trong việc thực thi chủ thuyết đấu tranh giai cấp, mang lại cho họ quyền lực , phục vụ họ củng cố địa vị, quyền lợi.
Trong khi tuyên truyền họ thường dùng cách phô ra và bịa thêm điều tốt đẹp, hợp lý mà che dấu đi điều vô lý. Xin nhớ câu nổi tiếng sau “ Một phần của bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một phần của sự thật nhiều khi là dối trá". Cách dùng một phần của sự thật để chứng minh, để tuyên truyền là thủ đoạn của những người ngụy biện.
Các bạn nếu cho CNML là hoàn toàn đúng thì trước hết hãy suy nghĩ, hãy tìm câu trả lời " Thế thì tại sao Liên xô và phe XHCN sụp đổ", hãy phân tích từ bên trong, chớ vội nhẹ dạ cả tin nghe người ta giải thích là " do bị các nước tư bản thù địch phá hoại "
Riêng tôi, hồi còn trẻ, cũng giống như một số bạn bây giờ, tôi chỉ được học từ một nguồn, thiếu thông tin nên hoàn toàn tin tưởng vào CNML, tin tưởng một cách ngây thơ và mù quáng, lại còn nguyện suốt đời theo nó. Từ 40 đến 65 tuổi , được mở mang trí tuệ bằng các nguồn tài liệu khác và đặc biệt là chiêm nghiệm cuộc sống ở trong và ngoài nước, đối chiếu lý thuyết và thực tế tôi nghi ngờ sự đúng đắn của CNML và tìm cách vừa nghiên cứu sâu để nắm thật vững bản chất của nó, vừa tìm cho ra nguyên nhân của mâu thuẩn giữa lý thuyết và thực tế cuộc sống.
Về mâu thuẩn này nhiều người cho rằng lý thuyết luôn đúng, thực tế sai vì người thực hiện sai, đó là một sự ngộ nhận quá nguy hiểm của những người thật ra là mù quáng mà cứ nhầm tưởng là thông minh.
Từ trên 65 tuổi tôi nhận ra những chỗ sai trong lý thuyết, phát hiện ra một số nhầm lẫn cúa Mác, một số độc hại trong CNML .
Nhầm lẫn cơ bản của Mác là ở chỗ vì lòng tốt, vì tình thương mà đánh giá sai vai trò của giai cấp vô sản, vì lòng hận thù mà đánh giá sai xã hội tư bản, lại phạm sai lầm khi cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội.
Sự độc hại của CNML nằm trong các vấn đề sau : đấu tranh, hận thù và tiêu diệt giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu nền kinh tế, xây dựng chế độ cộng sản làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.
Tôi bắt đầu từ cảm nhận đến chiêm nghiệm rồi tìm tòi chứng cứ để chứng minh và kết luận : " Nguyên nhân gốc nhiều tệ nạn của xã hội VN hiện nay là do sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa các nhân tố yếu kém trong tính cách của người Việt và những phần độc hại của CNML", là đối với nhân loại thì CNML mang lại " lợi ít, hại nhiều ".
Vào thế kỷ 19, lúc nền kinh tế tư bản bắt đầu quá trình tập trung, việc công nhân bị bóc lột, bị bần cùng trở thành tai họa xã hội. Nhu cầu phải thay đổi thể chế trở nên bức thiết. Để thay đổi có 2 con đường : Cách mạng và cải cách.
Làm CM vô sản, như trong bài Quốc tế ca là " Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian; Quyết phen này sống chết mà thôi; Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành; Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình ; Đấu tranh này là trận cuối cùng…" Cách mạng nói chung là triệt để nhưng tàn khốc, một mất một còn, phá hoại xã hội cũ đến tận gốc rễ, trong đó có cả nền tảng đạo lý. CM vô sản càng tàn khốc, nó dựa vào bạo lực của số đông , dựa vào chiến tranh CM, dựa vào lòng tham lam vật chất của con người trong việc tước đoạt tài sản của người giàu chia cho người nghèo, trong việc cổ vũ lòng hận thù giữa những con người khác giai cấp, là quyết " đạp đầu lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp” ( Ta đi tới- Tố Hữu ), là giai cấp công nhân phải làm nhiệm vụ đào mồ chôn vùi tư bản.
CM và chiến tranh không những tàn phá ghê gớm mà còn tạo ra một số tầng lớp công thần với đặc quyền đặc lợi, trở thành tầng lớp thống trị mới.
Cải cách là thay đổi trên cơ sở hiện có, được tiến hành hòa bình, dựa trên sự dung hòa quyền lợi. CM cần bạo lực còn cải cách cần trí tuệ.
Mác, Enghen, đặc biệt là Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông và những đồ đệ trung thành của các ông cố hết sức chứng minh " CM vô sản là con đường tất yếu và duy nhất đúng”, họ phản bác con đường cải cách, cho như thế là cải lương, nửa vời, là phản bội quyền lợi giai cấp vô sản.
Phái chủ tương cải cách chiếm số đông hơn, họ là những đảng chính trị tại nhiều nước như Anh, Đức, Hà lan, Bỉ, Thụy điển, Đan mạch, Na uy, Phần lan, v.v…, họ chủ trương hợp tác và dung hòa quyền lợi giữa các giai cấp.
Thực tế lịch sử hơn một trăm năm qua chứng tỏ cải cách có hiệu quả hơn nhiều. Chuyên chính hoặc độc tài nếu do người sáng suốt và có đạo đức lớn cầm đầu thì sẽ tạo cho xã hội ổn định và phát triển. Nhưng khi chuyên chính rơi vào tay những kẻ gian hùng, tham lam và đếu cáng thì sẽ trở thành tai họa lớn cho dân tộc vì nó tạo ra và duy trì sự thối nát, tham nhũng, bè phái, áp bức.
Chuyên chính vô sản diễn ra tại những nước do cộng sản nắm quyền đều thực thi sự toàn trị , sự độc đoán . Với luận điệu giữ gìn sự thống nhất lập trường Đảng đàn áp khốc liệt các tư tưởng và quan điểm khác .
Chuyên chính vô sản với hệ thống công an rộng khắp là một thể chế tàn bạo so với nền chính trị dân chủ đa nguyên dựa trên tam quyền phân lập.
Sự độc ác của cải cách ruộng đất, của việc thủ tiêu phong trào Nhân văn với Nguyễn Hữu Đang, của việc đàn áp nhóm bất đồng quan điểm Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, sự thanh trừng những người đấu tranh cho dân chủ như Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường đều là những thí dụ cụ thể và sinh động.
Những tên tuổi vừa được kể ra cùng với hàng vạn, hàng chục vạn người khác đều là những người yêu nước chân chính, họ bị đàn áp, bị vùi dập, bị qui kết là phản động , là chống Đảng, chống chế độ chỉ vì có quan điểm khác với Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản.
Chúng ta, do đã quen với việc sống trong sự toàn trị của Đảng, do được không ngừng nghe tuyên truyền nhồi sọ về sự sáng suốt và công ơn của Đảng, về chế độ vô cùng tốt đẹp, do trình độ dân trí quá thấp, chưa biết rõ thế nào là xã hội thực sự dân chủ tự do nên dễ dàng chấp nhận sự toàn trị đó mà không thắc mắc gì, cho rằng xã hội như vậy là tất yếu.
Dân Việt nam nếu chưa đi đến các nước văn minh để khảo sát cuộc sống vật chất và tinh thần của họ thì chưa thể biết rõ về dân chủ , tự do.
Thực tình hàng trăm năm qua dân Việt chưa được hưởng nền dân chủ tự do đúng đắn. Một số bạn nêu ra sự rối loạn tạm thời ở một số nước như Thái lan, Ly bi, Ai cập, Ucraina để cho rằng dân chủ, đa nguyên bị rối loạn hơn chuyên chính. Đó là một sự so sánh ngụy biện. Tại sao lại lấy những nước như Ly bi, Ai cập để so sánh mà không lấy các nước như Đức, Anh , Thụy điển, Hà lan, Na uy, Đan mạch, Bỉ, Ba lan, Tiệp, Úc, Niu di lân, Singapo, Canađa và nhiều nước khác. Về sự độc hại của nền kinh tế công hữu , của sự tuyên truyền cho chế độ cộng sản tươi đẹp chắc nhiều bạn đã rõ, tôi tạm bỏ qua.
Các mầm mống độc hại đã có sẵn trong CNML nhưng trong thời gian đầu, lúc các đảng cộng sản còn vận động làm CM thì nó được dấu kín, chưa có điều kiện nẩy nở. Lúc này người ta nhìn vào CNML chỉ thấy màu hồng, lại bị sự tuyên truyền thiên lệch làm phát sinh nhận thức nhầm và tạo ra ảo tưởng. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản nắm được quyền thống trị thì các độc hại mới phát tác, lây lan và gây ra tác hại ghê gớm.
Tôi là người phát hiện ra sự độc hại trong CNML lúc đã quá muộn và cũng chỉ là một trong hàng vạn người Việt phát hiện ra nó. Trên thế giới người ta đã phát hiện ra mầm mống của sự độc hại đó từ lúc phong trào cộng sản mới ra đời vào giữa thế kỷ 19 với hình ảnh " bóng ma cộng sản" ở Châu Âu .
Những người nghiên cứu về Mác cũng chỉ ra hai thời kỳ khác nhau của ông. Thời kỳ trẻ Mác hăng hái, cổ vũ cho đấu tranh để tiêu diệt chế độ tư hữu, thời kỳ già Mác đã tỉnh ngộ ra, thấy được sai lầm trong sự bồng bột của tuổi trẻ. ( đề nghị xem lại các bài đã đăng trước đây : Một số nhầm lẫn của Mác, Đuỏi hổ cửa trước, rước sói cửa sau , Nguyên nhân gốc của nhiều tệ nạn ).
CNML có độc hại, tại sao Đảng CSVN theo nó mà mấy chục năm qua kinh tế vẫn phát triển, đời sống được nâng cao. Những năm sau khi thống nhất đất nước ( 1975- 1986 ) nền kinh tế VN kiệt quệ, một phần do chiến tranh, phần lớn do Đảng áp dụng đường lối kinh tế của CNML trong nông nghiệp , trong quốc doanh và cải tạo tư sản.
Kinh tế chỉ phục hồi khi Đảng thực hiện đổi mới mà thực chất là làm ngược lại với CNML. Đàng tuyên bố kiên trì CNML nhưng chỉ kiên trì trong chính trị, quyết giữ độc quyền toàn trị của chuyên chính còn về kinh tế thì đã theo thị trường, đã từ bỏ CNML. Thế thì không thể nói nhờ CNML mà phát triển kinh tế.
Hơn nữa sự phát triển của VN chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vào lao động đơn giản và vốn vay nước ngoài chứ ít dựa vào lao động sáng tạo và công nghệ hiện đại, vì vậy đó là sự phát triển ít bền vững.
Về quan hệ Quốc tế. VN có 90 triệu dân, là nước thuộc loại cường quốc về dân số, vì vậy VN có quan hệ ngoại giao và kinh tế với nhiều nước là lẽ đương nhiên. Tiếc là với các nước lớn VN chỉ có quan hệ xã giao là chủ yếu mà không có quan hệ thân thiết cùng chí hướng ( xin xem lại bài Sự lựa chọn ủa VN theo ý kiến cố vấn của Putin ). VN, nếu vẫn kiên trì CNML thì dễ bị lệ thuộc vào Trung quốc, không thể độc lập tự chủ.
( còn tiếp )
Nguồn: Theo Blog Nguyễn Đình Cống
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire