20/03/2015

Bạo lực, người lớn và trẻ em

Nguyễn Minh Nhựt

Hiện tượng các em học sinh tuổi mới lớn cùng lớp, cùng trường tổ chức đánh bạn dã man xảy ra trong nhiều năm đã gióng lên những hồi chuông báo động khẩn cấp lên toàn xã hội.
 


Và ngành giáo dục vẫn giữ vững tác phong làm việc nhanh chóng của mình với những chỉ đạo kịp thời, và sắp tới sẽ có thông tư liên tịch nữa.
Có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp, bởi vì nó đã hình thành và phát triển trong nhiều năm, và chịu sự tác động đến từ hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội, nhất là hiện tượng những hành vi bạo lực, bạo hành đang lan tràn khắp cả nước như hiện nay.
Những chỉ đạo xử lý nghiêm vội vàng, những thông tư nhanh chóng, hay những lệnh cấm quyết liệt không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Hiện trạng xã hội đầy rẫy những vấn đề nhức nhối ở hầu hết mọi lĩnh vực đã cho thấy mức độ hiệu quả của cách làm việc này.
Những lệnh cấm được bày ra khắp nơi nhưng người ta gần như không cấm được gì cả!? Những chỉ đạo xử lý nghiêm lại xuất hiện khi có sự việc gì xảy ra, nhưng rồi những sự việc tương tự như vậy lại tiếp diễn với mức độ ngày càng tăng!?
Một vấn đề nhức nhối lâu năm của xã hội chỉ có thể được giải quyết khi mọi nguyên nhân của nó được thấu hiểu và dần dần được loại trừ hoàn toàn. Đương nhiên những nguyên nhân thật sự của vấn đề sẽ chưa được nhận diện khi người ta chưa dám nhìn thẳng vào sự thật.
Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, cho dù sự thật ấy có làm ảnh hưởng đến chức vụ mình, cơ quan mình, tổ chức mình. Đây là chuyện vô cùng hệ trọng, bởi vì việc không dám nhìn thẳng vào sự thật sẽ làm cho cả một đất nước suy vong.
Khi những hành vi bạo lực học đường liên tục tái diễn, rất nhiều câu hỏi lại được đặt ra là: ”Tại sao các em học sinh lại đánh bạn mình dã man như vậy? Tại sao còn nhỏ tuổi mà các em lại biết cậy quyền, tổ chức, lôi kéo bạn bè, thuê nhà nghỉ, khóa phòng học để cùng nhau đánh bạn? Tại sao các em lại vui sướng, hả hê khi thấy bạn mình đang đau đớn? Tại sao các em không hiểu được rằng hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn? Tại sao các em chứng kiến bạn bị đánh dã man, máu me, thương tích khắp người mà không can thiệp? Tại sao các em lại im lặng, không báo lại với giáo viên, với người lớn? Giáo viên hay người lớn không đủ để các em tin tưởng sao!? Tại sao các giáo viên và phụ huynh khi nhìn vào em, thấy em bị thương tích mà không hiểu được nguyên do, và cũng không hỏi rõ, hay tìm hiểu rõ nguyên do? ”
Từ lớp 1, trong môn học Đạo đức, các em được dạy rằng: “Với bạn bè, cần phải tôn trọng, giúp đỡ, cùng nhau làm các công việc chung, vui chung mà không được trêu chọc, đánh nhau, làm bạn đau, làm bạn giận…”(1) Mới lớp 1 mà truyền đạt một lượng thông tin nhiều như vậy thì e là các em khó mà tiếp nhận nổi.
Tham khảo môn học Đạo đức lớp 1, 2 ở Nhật Bản thì các em được dạy là: “Hãy vui vẻ, đoàn kết với bạn bè.”(2) Như vậy là đủ, chỉ cần dạy được cái này thì thì mấy cái kia cũng được dạy, không cần phải ôm đồm nhiều làm gì, chỉ phản tác dụng mà thôi. Từ ngữ rườm rà, dư thừa chỉ chứng tỏ là mình chưa tìm hiểu vấn đề một cách thấu đáo.
Trong nhiều năm qua, không ít những nhà giáo có trách nhiệm soạn sách giáo khoa của Việt Nam thật là có lòng khi luôn muốn truyền đạt thật nhiều kiến thức cho học sinh, sinh viên. Nhưng kết quả là người học luôn bị quá tải và người dạy cũng phải vắt chân lên cổ chạy theo cho kịp chương trình. Việc này giống như là cho dùng thuốc quá liều vậy, chưa thấy lợi đâu mà cái hại đã ở ngay trước mắt rồi. Tuy nhiên việc này còn nguy hiểm hơn dùng thuốc quá liều rất nhiều lần, bởi vì tác hại nó để lại có thể lâu dài đến nhiều thế hệ.(3)
Nhìn các em học sinh tiểu học nhỏ xíu, vác cái cặp nặng, mang đôi kính cận, bước chân chậm chạp mà nao cả lòng. Đất nước này đã và đang đày đọa tương lai của chính mình sao!?
Tham khảo chương trình học để xác nhận rằng ngay từ lớp 1 các em đã được dạy không được đánh bạn, và một nhà giáo cho rằng: Các cuộc bạo lực có thể xảy ra trong trường học nhưng nguyên nhân không đến từ nhà trường bởi không trường học nào dạy học sinh đánh nhau”.(4)
Căn bệnh ưa thành tích, thích ngụy biện và sợ trách nhiệm đã lan tràn khắp xã hội, và cũng không là ngoại lệ đối với một nhà giáo có học vị tiến sĩ chăng?
Đúng là không trường học nào dạy học sinh đánh nhau, nhưng không ít trường học đã chưa dạy được cho học sinh mình không đánh nhau phải không? Không ít trường học đã chưa dạy được cho học sinh mình quí mến nhau phải không?
Và vì đâu mà các em học sinh lại đánh bạn mình dã man như vậy?
Có không ít giáo viên đã vô tình trao truyền cách hành xử bạo lực bằng cách sử dụng đòn roi với học trò của mình.
Có rất nhiều các bậc phụ huynh cũng đã vô ý làm gương cách hành xử bạo lực khi thường dùng đòn roi để răn đe, trừng phạt con em mình.
Có phản giáo dục không, khi người lớn dùng đòn roi với trẻ em để cưỡng ép hay trấn áp?
Có vô số truyện tranh, truyện đọc, trò chơi, phim ảnh dành cho trẻ em đã truyền bá cách hành xử bạo lực với đầy rẫy những hình ảnh, những tình tiết sử dụng bạo lực.
Có nhan nhản những vụ người lớn đánh nhau sau khi nhậu nhẹt, tranh cãi, nhìn đểu, va quẹt xe cộ, v.v.
Và trẻ con thì rất dễ học theo những hành vi bạo lực khi được thấy thường xuyên.
Trong cuộc sống với những bộn bề lo toan như hiện nay, nhiều khi người ta phải dồn nén lại những cơn giận, những bức xúc với những lý do rất phổ biến như: áp lực công việc làm căng thẳng thần kinh, những thủ tục hành chính rườm rà và phiền hà, nhiều việc phải chạy mới xong, giá điện, giá xăng lại tăng, các loại thuế và phí thi nhau phát sinh và tăng giá, tình trạng kẹt xe kéo dài, môi trường bị ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng, thực phẩm không an toàn tràn lan, các dịch vụ công ích, y tế, giáo dục kém chất lượng, v.v. Những khi không kiểm soát nổi cơn giận thì người ta vô tình trút giận lên vợ chồng, con cái, bạn bè hay người thân của mình bằng những lời lẽ khó nghe, bằng những hành vi bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần.
Có tình thương chút nào không, khi người lớn dùng bạo lực một cách lạnh lùng?
Có tình thương chút nào không, khi người lớn đánh trẻ con một cách thẳng tay?
Và có tình thương chút nào không, khi các em học sinh đánh bạn mình một cách dã man?
Tình thương là thứ không thể tự nhiên mà có được, phải nhờ vào giáo dục để có sự hiểu biết mà từ đó tình thương được hình thành và phát triển.
Thiếu hiểu biết và thiếu tình thương là gốc rễ của bạo lực. Và hoa trái của bạo lực chỉ có thể là kháng cự, là sợ hãi, là chịu đựng, là oán giận, là khổ đau mà thôi.(5)
Hơn ai hết, những em học sinh bị bạn đánh, và các em học sinh đánh bạn phải được cả xã hội quan tâm giáo dục với tình thương yêu bao la vô điều kiện, cùng với những kỷ luật nghiêm khắc, nhất là với các em học sinh đã tổ chức đánh bạn mình dã man. Người lớn đã rất có lỗi với các em thì phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, phải hành động thiết thực để khắc phục hậu quả và không để các hành vi bạo lực tái diễn. Những lời xin lỗi suông thì chẳng có ý nghĩa gì hết.
Một nền tảng giáo dục tuyệt vời với tình thương yêu bao la chân thành, vô điều kiện là một mảnh đất cực kỳ màu mỡ giúp cho những mầm non tương lai của đất nước vươn lên và phát triển một cách mạnh mẽ.
Đã đến lúc toàn xã hội phải cùng nhau chung tay loại trừ những hành vi bạo lực và bạo hành dưới mọi hình thức, đây là việc vô cùng hệ trọng bởi vì nó đã trực tiếp ảnh hưởng đến sự hưng vong của đất nước.
 

Motbaica 

(4)   http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/van-nan-bao-luc-hoc-duong-khi-giao-duc-nhan-cach-bi-coi-nhe-1043008.htm
(5)   https://www.danluan.org/tin-tuc/20150118/bao-luc-goc-re-hoa-trai

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire