14/03/2015

Thảm họa từ sân sau, cửa hậu

Bùi Tín


 Bùi Tín: "Cái định nghĩa này (“nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”) kéo dài ra như để có vẻ làm dáng, cao xa, thông thái hơn, nhưng thật ra vẫn còn hoàn toàn tù mù, mơ hồ như cũ, vì nó không hề cho biết nội hàm của khái niệm “xã hội chủ nghĩa” là gì, nó là cái chi chi? Xin nhắc lại nhận định của ông Bộ trưỏng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Cái định hướng XHCN làm gì có thật trong thực tế mà cứ mất công đi tìm?”. Ý kiến xác đáng này vẫn không hề được giải tỏa trong cái định nghĩa lòng thòng mới, có vẻ kinh điển và sáng tạo."


_______________________________________________________________
Gần đây, nhiều bài viết và phỏng vấn từ trong nước làm rùm beng về một định nghĩa mới của khái niệm “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, cho rằng đây là một định nghĩa mới mẻ, sáng tạo, rất nên thảo luận rộng rãi để áp dụng vào cuộc sống.
Cái định nghĩa mới ấy là gì? Là: “Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước Việt Nam trong thời kỳ hiện đại và hội nhập quốc tế”, lấy ra từ dự thảo văn kiện Đại hội XII, chưa được công bố chính thức cho toàn đảng và toàn dân tham gia góp ý.
Đó là một định nghĩa dài dòng, lòng thòng hơn trước, có thêm 2 chữ ”Việt Nam”, thêm các chữ “vận hành đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường” và thêm: “phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước trong thời hiện đại và hội nhập quốc tế”.
Cái định nghĩa này kéo dài ra như để có vẻ làm dáng, cao xa, thông thái hơn, nhưng thật ra vẫn còn hoàn toàn tù mù, mơ hồ như cũ, vì nó không hề cho biết nội hàm của khái niệm “xã hội chủ nghĩa” là gì, nó là cái chi chi? Xin nhắc lại nhận định của ông Bộ trưỏng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Cái định hướng XHCN làm gì có thật trong thực tế mà cứ mất công đi tìm?”. Ý kiến xác đáng này vẫn không hề được giải tỏa trong cái định nghĩa lòng thòng mới, có vẻ kinh điển và sáng tạo.
Còn có nhiều vấn đề không kém phần hệ trọng. Khi còn sống, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ ra một trong những điều nguy hiểm tệ hại nhất. Đó là những cán bộ của đảng CS vừa đưọc phân công nắm chính sách, lại chính những người đó lại được giao cho trách nhiệm điều hành việc kinh doanh các tổng công ty và công ty kinh doanh của Nhà nước. Đó là cái nguy cơ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lý do chính làm cho cả nền kinh tế và nền tài chính hỗn loạn. Ông Kiệt nói rõ dây là kinh nghiệm sinh động do ông Lý Quang Diệu trình bày kỹ càng qua kinh nghiệm sống của Singapore.
Ông Kiệt cho rằng các bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng, vụ trưởng vv…là những người chuyên nắm chính sách, quản lý việc thi hành chính sách không được kiêm nhiệm làm kinh doanh trong các tổng công ty hay các ngân hàng của Nhà nước. Nếu làm ẩu, lẫn lộn chức năng như thế sẽ làm chính sách không nghiêm, bị méo mó, kinh doanh bị hỗn lọan, nhà nước, công quỹ, ngân sách, nghĩa là tiền của nhân dân sẽ bị tổn thất, mất mát quy mô lớn vào túi các quan tham.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay Đỗ Mười làm thủ tướng từ năm 1991 đến năm 1997, sau đó là Phan Văn Khải, người miền Nam được đào tạo từ Liên Xô cũ. Từ năm 1989 đã có Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư của chính phủ để chỉ đạo công tác hợp tác và đầu tư với nước ngoài. Tháng 6 năm 2005, ông Khải ký Quyết định 151, thành lập Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC - State Capital Investment Corporation. Thảm họa kinh tế tài chính ngày càng lớn của đất nước ta bắt đầu từ đây, theo đúng dự báo của ông “thầy” Lý Quang Diệu, trúng theo mối lo lớn của ông Kiệt, đúng lúc khi nguồn FDI và ODA bắt đầu chảy vào dồi dào.
Trong ban chỉ đạo, điều hành SCIC do thủ tướng chỉ định đều là các chức sắc của chính phủ và các bộ, gồm các phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng các ngành kinh tế tài chính. Từ đó, các vị này vừa làm chức vụ quản lý chính sách ở cổng trước, ở “công đưòng”, ăn lương to của nhà nước do “tay cầm chính sách, tay cầm chủ trương”, còn ở cổng sau, cổng hậu, còn gọi là sân sau, là tham gia cái gọi là “điều hành kinh doanh” bằng vốn ê hề của nhà nước, tức là của nhân dân, để được ăn chia lăi lớn, lãi nhỏ, ăn chia “hoa hồng”, tiền thưởng khi mỗi dự án được thông qua và thực hiện, trong khi đất nước có dăm bảy ngàn dự án lớn nhỏ có giá trị vài chục tỷ đôla mỗi năm. Hàng trăm phong bì nặng nhận từ cổng hậu, sân sau mỗi tháng cho mỗi vị có thể dự đoán là gấp trăm lần lương chính. Nó được chia cho những ai? Cho các vị trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng, Tổng Thanh tra chính phủ, Trưởng ban Kiểm toán của nhà nước… do bộ tứ cao nhất của quyền lực đồng thuận điều phối phân chia. Chả thế mà có vị ở trong cuộc lớn tiếng cho rằng “đầu tư 10 tỷ mà thất thoát 1 tỷ là chuyện bình thường”! Do đó mà rất nhiều công ty quốc doanh lãi thật nhưng lỗ giả, luôn thực hiện 2, 3 bản báo cáo, kế toán, thống kê khác nhau, 1 cho bản thân lưu giữ (tuyệt mật), 1 cho cấp trên (mật), 1 nữa cho hồ sơ công khai đưọc cấp trên duyệt.
Đây là cuộc tham nhũng công khai, “hợp pháp”, cuộc ăn cắp khổng lồ của “nhà nước nhân dân”, của “đảng CS của dân, do dân, vì dân”, được che đậy kín đáo, không lộ liễu như những cuộc cướp đất của các cường hào cộng sản ở khắp nơi, tệ hại không kém.
Chính đây là lý do tại sao tài sản của các quan chức CS tham nhũng lại kinh khủng đến vậy, như Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Trần Văn Truyền, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Trường Tô, Trần Đại Quang, Dương Chí Dũng, Phạm Quý Ngọ…đều lớn gấp bội các nhà điền chủ Nam bộ xưa, các đại địa chủ và tư bản thời Pháp.
Ở một nước Nhà nước pháp quyền như ở Pháp, các chức vụ quản lý nhà nước về hành chính không đưọc lẫn lộn, trà trộn với chức vụ kinh doanh của các công ty nhà nước. Các tổng giám đốc các công ty quốc doanh điện lực, hơi đốt, đưòng sắt, xây dựng nhà cửa, công trình giao thông…đều được các bộ giám sát, thanh tra, kiểm tra kỹ theo luật và luật pháp rất nghiêm mật, người đá bóng không được cầm còi, kẻ cầm còi không được đụng vào bóng. Khi xảy ra trường hợp lẫn lộn như thế, pháp luật sẽ can thiệp ngay, họ gọi đó là trường hợp “xung đột lợi ích” (conflit d’intérêts) – nghĩa là theo lợi ích chung thì cá nhân bị thiệt, nhưng theo lợi ích riêng thì nhà nước bị thiệt. Do đó anh muốn là nhà kinh doanh thì không được tham gia nắm chính sách nhà nước, nếu muốn nắm chính sách thì không được tham gia kinh doanh vốn của nhà nước, sẽ làm rối loạn xã hội, thiệt hại cho đất nước, bất công lan tràn, xã hội không thể yên ổn, thanh bình.
Thật là nẫu cả ruột khi thấy trên sân khấu chính trị nước nhà, đảng CS vẫn cứ vừa đá bóng vừa thổi còi, không giống ai. Đảng nắm tuốt, quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, ngôn luận, kinh doanh, thanh tra, kiểm tra. Thảm họa của dân tộc chính là ở đây.

Bùi Tín

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire