Bùi Tín
Trong và ngoài nước đang bàn tán về chuyến “Mỹ
du” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể diễn ra trong năm 2015 này. Đã có lời
mời chính thức của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trong bài phát biểu của khi
trình quốc thư trước Tổng thống Obama mới đây, Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng nhắc
đến chuyện này. Chuyến đi được hai bên đánh giá là quan trọng do năm nay có kỷ
niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ giữa 2 nước (1995-2015), cũng là năm có hy
vọng sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12
nước.
Thế nhưng sự việc lại không đơn giản, vì ông Nguyễn Phú Trọng là một vị khách cồng kềnh, làm cho ông chủ Tòa Bạch Ốc lúng túng, khó xử. Đây là một vấn đề phức tạp và lý thú.
Từ trước đến nay, chưa có Tổng Bí thư nào của đảng
CS Việt Nam đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh sau khi nắm chính quyền, các Tổng
Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức
Mạnh rồi đến Nguyễn Phú Trọng đều chưa đặt chân lên đất Mỹ. Sắp đến ông Trọng sẽ
là Tổng Bí thư đầu tiên của đảng CS Việt Nam sang thăm chính thức nước Mỹ.
Vậy thì nước Mỹ sẽ tiếp đón ông Trọng theo nghi
thức nào, theo kiểu cách lễ tân nào?
Khi ông Trọng sang thăm chính thức Cuba, Bắc Triều
Tiên, Trung Quốc, ông được tiếp đón như người lãnh đạo cao nhất, còn hơn nguyên
thủ quốc gia, chủ tịch nước, vì là cùng chung một chế độ CS. Tổng Bí thư ở nhà
khách sang trọng nhất, ngồi xe sang nhất với hai hàng xe môtô hộ tống, được mời
duyệt đội quân danh dự, có 21 phát đại bác chào mừng, được mời tiệc quốc yến. Với
Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước như Hồ Cẩm Đào và Tập Cận
Bình, những nghi thức như thế là bình thường.
Nhưng Nguyễn Phú Trọng thì lại khác: ông là Tổng
Bí thư nhưng không kiêm Chủ tịch nước. Ông cũng không hề được ủy nhiệm bởi một
cuộc bầu cử dân chủ nào mà chỉ do nội bộ đảng của ông ta bầu lên. Vì vậy, ông
chủ Tòa Bạch Ốc có phần lúng túng, khó xử về nghi thức tiếp đón ông Trọng.
Không phải nguyên thủ quốc gia, ngang vai với Tổng thống Hoa Kỳ thì sẽ không có
lễ đón, không có duyệt binh, không có 21 phát đại bác, không có quốc yến, mọi
thứ sẽ rất giản đơn. Sẽ không thể có chuyện mời ông khách cồng kềnh này đến
thăm và nói chuyện với Quốc hội Mỹ; cũng rất khó có chuyện ông Trọng được mời
nói chuyện trước các học giả, các nhà kinh doanh hay nhà báo quốc tế, như nhiều
vị khách khác.
Theo ông Carl Thayer, nhà nghiên cứu ở Học viện
Quân sự Úc, Tổng thống Barack Obama đã tỏ ý sẽ không tiếp ông Trọng trong Phòng
Bầu dục, nghĩa là phòng làm việc chính, tiêu biểu cho quyền lực Nhà nước của
Hoa Kỳ, nơi Tổng thống Mỹ làm việc với các trợ lý thân tín nhất và tiếp các các
nhà lãnh đạo quốc tế thân thiết nhất.
Tuy chưa đến Hoa Kỷ, ông Trọng đã có những kỷ niệm
khá u ám với Châu Mỹ. Tháng 4/2012, trong chuyến thăm chính thức Cuba, ông Trọng
đã đến Trường đảng cao cấp phổ biến “kinh nghiệm chủ nghĩa xã hội kiểu
Mác-Lênin ở Việt Nam”, một mưu toan tuyên truyền vụng về, lạc điệu, không phải
lúc, ngay sau khi Fidel Castro công khai tuyên bố “Cái mô hình hiện nay của
Cuba (tức mô hình CNXH kiểu Mác-Lênin) không còn thích hợp”. Báo chí Cuba hoàn
toàn không nói tới nội dung của buổi đăng đàn vô duyên ấy trong khi báo Nhân
Dân được lệnh đăng toàn văn - lại thêm một trò vụng về hớ hênh nữa.
Ngay sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự trù
đi thăm chính thức Brazil từ 12 đến 15/4/2012, theo lời mời của Tổng thống
Brazil Dilma Rousseff (thuộc đảng Công nhân cánh tả thân CS), nhưng ngay chiều
11/4, khi ông Trọng vừa kết thúc cuộc nói chuyện ở Cuba, phía Brazil ra thông
cáo cho biết hoãn cuộc đi thăm của đoàn ông Trọng mà không cho biết lý do và
cũng không nói hoãn đến bao giờ. Cán bộ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết
trong lịch sử quan hệ quốc tế, chưa bao giờ Hà Nội bị một vố bất ngờ và mất thể
diện đến như vậy.
Như vậy là đoàn cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu với cả một bộ sậu gần một trăm người với 2 chuyên cơ
Nhà nước, có các Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bình
Quân cùng nhân viên tùy tùng tiu nghỉu quay về nước, không rõ sự cố gì đã xảy
ra.
Có ý kiến cho rằng Tổng thống Obama không muốn
tiếp ông Trọng trong phòng làm việc chính thức. Đây là quyền của chủ nhà. Lại
còn chuyện ông Trọng có sẽ đi thăm địa phương nào khác ở Hoa Kỳ hay không? Có sẽ
gặp các nhà kinh doanh Mỹ hay không, khi ai nấy đều biết quan điểm của ông Trọng
là đề cao vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, dành ưu tiên cho kinh tế
quốc doanh, trái ngược với nền kinh tế Hoa Kỳ?
Đây sẽ là cuộc gặp giữa hai con người của hai chế
độ trái ngược nhau - một chế độ độc đảng toàn trị lẻ loi còn sót lại của lịch sử
thế kỷ XX, và một chế độ dân chủ nhuần nhuyễn không ngừng phát triển qua hơn 2
thế kỷ. Một chế độ sinh ra từ đầu súng, từ “cướp chính quyền” rồi khư khư giữ
chặt lấy không chia sẻ cho ai trong suốt 70 năm, và một chế độ cứ 4 năm lại để
cho toàn dân sát hạch qua lá phiếu tự do của cử tri. Một chế độ có tự do báo
chí, tự do ngôn luân, tụ do tôn giáo, tự do kinh doanh thuần thục, và mộ chế độ
không có tự do báo chí, không có tự do tôn giáo, không có nhân quyền. Một chế độ
có tam quyền phân lập, kiểm soát, kiềm chế nhau, mọi sự công khai, minh bạch
trước nhân dân, công luận, và một chế độ độc đảng nắm giữ hết các quyền trong
tay Bộ Chính trị, giải quyết mọi sự trong bóng tối, sau lưng nhân dân, với một
Quốc hội bù nhìn, công cụ của đảng.
Hai con người trái ngược nhau như nước với lửa ấy
có gì lý thú để trao đổi với nhau, khi mà Tổng thống Obama đã coi nhà báo Nguyễn
Văn Hải Điếu Cày cùng bạn bè có chí hướng dân chủ là đáng khen, đáng phục, đáng
tôn trọng, thì ông Trọng cho tất cả là tội phạm, là suy thoái, là phản động,
nguy hiểm, cần loại bỏ.
Do đó, từ nay cho đến khi cuộc tiếp đón diễn ra,
sẽ còn lắm chuyện phải bàn, nhất là để việc ký TPP hiện vẫn còn gay go nan giải,
thiện chí của phía Việt Nam vẫn còn phải được thử thách trong thực tế.
Cũng không loại bỏ khả năng việc xảy ra ở Brazil
2 năm trước, khách mời Nhà nước chưa đến nhà, cổng đã bị đóng sầm lại, cuộc
chào chia tay diễn ra trước khi tay chưa kịp bắt, do sự cách biệt hai bên còn
quá xa vời. Khi trên báo Nhân Dân vẫn còn réo “đế quốc Mỹ” ra để xỉ vả, còn đầy
các khái niệm “chống đế quốc Mỹ xâm lược” trên các sách dạy sử.
Còn biết bao nhiêu chuyện thiết thực phải làm để
kỷ niệm thật sự có ý nghĩa 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, để hội nhập
quốc tế thuận lợi, sâu sắc, để còn có thể đón Tổng thống Mỹ sang thăm hữu nghị
Việt Nam trong năm 2015 - một năm sẽ có nhiều chuyển động có ý nghĩa, như mọi
người dân yêu nước, yêu dân chủ đang phấn đấu và mong đợi.
Bùi
Tín
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire