15/04/2015

Cái nhìn của bạn trẻ Sài Gòn về cuộc đình công, biểu tình

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam


Hàng nghìn công nhân đã tập trung Đình công ở công ty Dụ Đức, Long An hồi đầu tháng 4 vừa qua


Nghe trường thuật đình công ở công ty Dụ Đức, Long An


Trong vòng chưa đầy nửa tháng, có nhiều cuộc đình công, biểu tình của hàng chục ngàn người tham gia của công nhân trong các khu công nghiệp Sài Gòn và Tây Nam Bộ nhằm phản đối luật bảo hiểm có những điều khoản bất công, gây bất lợi cho người lao động. Với người Sài Gòn, đặc biệt là các bạn trẻ, việc biểu tình, đình công hay tổ chức một cuộc hội thảo, một cuộc dã ngoại nhỏ nhằm thể hiện ý chí chống đối sự bất công, chống ngoại bang xâm lược biển Đông vốn dĩ là chuyện bình thường. Nhưng với qui mô rất lớn từ những cuộc đình công, biểu tình của giới lao động, các bạn trẻ Sài Gòn nhìn và đánh giá vấn đề này như thế nào?

Người lao động trở nên thông minh hơn

Một bạn trẻ Sài Gòn, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối những hành vi hành hạ ngư dân Việt Nam và xâm lấn lãnh hải Việt Nam từ phía Trung Quốc, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Đời sống công nhân Việt Nam thì hiện giờ mức thu khoản 150USD đến 170USD mỗi tháng thì còn quá thấp. Nói chung là điều kiện sống còn quá thấp, công nhân bị chèn ép đủ thứ. Công đoàn nhà nước thì chỉ làm được những việc như ma chay, đám cưới, thăm hỏi bệnh tật… Nói chung là họ chỉ làm việc râu ria chứ không chạm đến việc chính yếu là bảo vệ quyền lợi người lao động. Bởi lãnh đạo công đoàn giữ một chức vụ nào đó trong công ty nên phải sợ chủ thôi!".

Theo bạn trẻ này, vấn đề người lao động đứng lên thể hiện ý chí và sự bất mãn trước giới chủ cũng như trước những qui định gây hại cho người lao động là chuyện không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra. Bởi lẽ, không riêng gì lúc bộ luật bảo hiểm xã hội 2014 ra đời và có hiệu lực vào đầu tháng Giêng năm 2016 thì giới lao động mới bất mãn mà sự bất mãn này đã có từ lâu bởi điều kiện làm việc quá tồi tệ, bữa ăn mất vệ sinh, đồng lương eo hẹp, trả không xứng đáng với sức lao động họ bỏ ra.

Hơn nữa, vấn đề nhân phẩm của người lao động đã bị xúc phạm trầm trọng, giới chủ không ngần ngại tìm cách lạm dụng tình dục những nữ công nhân trẻ, có nhan sắc, họ đã nhiều lần công khai sờ mó vùng nhạy cảm của các nữ công nhân với lý do kiểm tra thử các nữ công nhân này có ăn cắp sản phẩm của công ty giấu trong người hay không.

Công đoàn nhà nước thì chỉ làm được những việc như ma chay, đám cưới, thăm hỏi bệnh tật… Nói chung là họ chỉ làm việc râu ria chứ không chạm đến việc chính yếu là bảo vệ quyền lợi người lao động. Bởi lãnh đạo công đoàn giữ một chức vụ nào đó trong công ty nên phải sợ chủ thôi
Một bạn trẻ Sài Gòn
Đứng trên góc độ nhân quyền mà nói, hành vi lợi dụng này xúc phạm cả hai mặt thể xác và tinh thần. Nếu như mặt thể xác, họ bị xúc phạm tính dục, thì về mặt tinh thần, sâu xa hơn, họ bị xúc phạm phẩm hạnh và xâm hại nhân quyền trầm trọng, cái lý do mà các ông chủ đưa ra để sờ mó là “xem thử các nữ công nhân có giấu đồ trong người hay không” là một sự xúc phạm tinh thần, sự vu khống trắng trợn mà giới chủ đã tự cho họ cái quyền đó.

Và chuyện này xãy ra không phải đơn lẻ một vài lần, hầu hết nữ công nhân ở các khu công nghiệp đều có thể bị xâm phạm, các nam công nhân thì có thể bị các bảo vệ tìm cách gây sự để đánh một khi họ có những phản ứng chính đáng về phía giới chủ. Câu hỏi mà bạn trẻ này đặt ra là nhà nước đã quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh như thế nào và bảo vệ người lao động như thế nào mà người lao động bị xúc phạm trầm trọng như vậy.
Những người lao động đang hưởng thụ một buổi sáng cuối tuần

Tự hỏi và tự đưa ra hướng trả lời, bạn trẻ này đặt nghi vấn về những cổ phần ma của các quan chức cao cấp ở các công ty. Mặc dù không góp vốn nhưng họ vẫn hằng năm thu nhận lợi tức theo cổ phần. Và để nhận nhừng phần lợi tức đó, họ chỉ làm mỗi một việc là bảo kê cho các công ty. Chính vì được bảo kê, đã có ăn chia nên các công ty tha hồ chèn ép công nhân để tạo khoản dư mà nộp cho các quan chức hằng quí, hằng năm.

Hơn nữa, Công đoàn của các công ty không những không bảo vệ người lao động mà còn đứng về phía giới chủ để o ép người lao động. Sự bất mãn của người lao động đến từ nhiều hướng, nung náu theo thời gian để rồi đến một lúc nào đó sẽ tức nước vỡ bờ. Theo bạn trẻ này, những cuộc đình công, biểu tình của người lao động miền Nam chỉ đóng vai trò khúc dạo đầu, sẽ còn nhiều diễn biến theo những cung bậc mới trong thời gian tới, rất khó mà đoán trước được việc gì sẽ xãy ra.

Bởi hiện tại, người lao động Việt Nam đã trở nên thông minh hơn, mức độ tương tác qua các trang mạng xã hội ngày càng cao, giới công nhân có thể trao truyền thông tin thông qua các mạng xã hội và tìm hiểu quyền lợi chính đáng của họ thông qua các trang này. Chính vì thế, khi họ hành động, họ sẽ khôn khéo hơn và tạo thế mạnh lẽ phải cho bản thân tốt hơn.


Ngân sách nhà nước trống rỗng là mấu chốt vấn đề

Một bạn trẻ khác sống tại quận 1 Sài Gòn, không muốn nêu tên, cũng là người từng tham gia nhiều cuộc xuống đường kêu gọi bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa và ngư dân Việt Nam chia sẻ thêm: "Tụi đó thì nó chỉ biết lợi dụng thôi, nó trả lương càng ít càng tốt, nó bóc lột càng nhiều giờ càng tốt. Có lúc đi tiểu tiện mà nó còn trừ giờ nữa mà! Tiền bảo hiểm lao động không chỉ là tiền công nhân không thôi, là của toàn xã hội. Giờ nó đem nó kinh doanh địa ốc, cho vay mà lại không thu hồi lại được, nó phải nghĩ cách trì hoãn, tìm cách trả chậm để từ từ thu hồi vốn nhưng khó lắm…!".

Theo bạn trẻ này phân tích, vấn đề người lao động phản ứng mạnh trong thời gian qua lại có nguyên nhân tưởng chừng như không liên quan gì đến người lao động, đó là ngân sách nhà nước đang trống rỗng. Nạn tham nhũng, rút ruột của giới quan tham đã làm cho ngân sách nhà nước trở nên khô rỗng và nạn tham nhũng trong các cơ quan liên quan đến bảo hiểm xã hội cũng không thấp chút nào. Đã có nhiều quan chức cấp cao trong ngành bảo hiểm Việt Nam bị đưa ra ánh sáng về tội tham nhũng, thụt két nhà nước.

Tụi đó thì nó chỉ biết lợi dụng thôi, nó trả lương càng ít càng tốt, nó bóc lột càng nhiều giờ càng tốt. Có lúc đi tiểu tiện mà nó còn trừ giờ nữa mà! Tiền bảo hiểm lao động không chỉ là tiền công nhân không thôi, là của toàn xã hội. Giờ nó đem nó kinh doanh địa ốc, cho vay mà lại không thu hồi lại được
Một bạn trẻ Sài Gòn
Mà một khi ngân sách bị trống rỗng, mọi khoản chi tiêu phía trước sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khoản chi giải quyết bảo hiểm xã hội của người lao động luôn là bài toán đau đầu của nhà nước. Trong khi đó, đời sống nhà trọ đầy tạm bợ và khó khăn cùng với đồng lương èo ọp mà đồng tiền liên tục bị trượt giá. Điều này khiến cho nhiều công nhân có đủ thâm niên lao động đóng bảo hiểm xã hội nghĩ đến phương án chuyển loại hình lao động và xem khoản tiền bảo hiểm xã hội là đồng vốn cho tương lai.

Mà một khi công nhân thi nhau nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội để tìm cơ hội khác thuận lợi hơn thì với ngân sách trống rỗng, bảo hiểm nhà nước khó bề mà thanh toán sòng phẵng, lúc đó mọi căng thẳng từ phía người lao động sẽ khó mà lường được. Bộ luật bảo hiểm xã hội mới như là một giải pháp thông minh của nhà nước nhằm vớt vác cho ngân sách đang cạn kiệt, trống rỗng.

Nhưng rất tiếc, nếu như bộ luật này ban hành sớm hơn chừng 10 năm thì mọi chuyện sẽ êm xuôi hơn. Còn hiện tại, người lao động đã thông minh hơn nhiều, khả năng tiếp cận các trang mạng xã hội, chia sẻ và lĩnh hội thông tin của họ cũng phát triển vượt bậc. Chính vì vậy, mọi chính sách hay qui định có tính bất lợi cho người lao động đều bị phản ứng gay gắt.

Bạn này nói vui rằng nếu muốn người lao động thấy yêu công xưởng, tin vào công việc, không phải chỉ cho họ ăn, mặc, ở đầy đủ là xong mà phải cho họ thấy rằng họ đang sống trong một đất nước tốt đẹp, ngân sách nhà nước luôn là một cái hủ gạo đầy không có sâu mọt chứ đừng bao giờ dùng chiến thuật cắn xé của bầy chuột bên cạnh hủ gạo trống rỗng để nói chuyện với họ. Vì làm như vậy, chỉ chọc giận người lao động, chọc giận những người đã bỏ mồ hôi và tuổi trẻ để xây dựng đất nước. Mọi chuyện vẫn còn đang ở phía trước!


Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.



Nguồn: Theo RFA

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire