Cao Huy Huân
Thủ đô Hà Nội vốn nổi tiếng vì nét đẹp cổ kính với những ngõ phố rợp cây xanh bóng mát, trong số này có nhiều loại cây được xem là ‘di sản’ lâu đời. |
Tuần trước tôi có dịp công tác ở Hà Nội. Trên đường về khách sạn, anh tài xế nghe giọng miền Nam liền huyên thuyên kể chuyện miền Nam - miền Bắc. Nào là chuyện mấy anh chàng ("con ông cháu cha" hay "con cha cháu ông" gì đấy) chạy tay ga SH không chịu đội mũ bảo hiểm. Đã vậy “ngựa non” thích đua xe lại còn “háu đá”, ngay cả khi gặp cảnh sát giao thông cũng quyết “ăn thua đủ” mới thôi. Rồi đến chuyện người dân Hà Nội thích chạy "lấn len" nên hễ tí là kẹt xe, tắt đường khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán. “Trong Sài Gòn có vậy không anh?" – Anh tài xế hỏi tôi.
"Cũng có, nhưng ít hơn. Sài Gòn rộng hơn phố cổ, nhưng cảnh sát gay gắt và "nghiêm" lắm. Người dân đi đường sơ ý quên bật đèn xi-nhan là bị thổi vào ngay, huống chi là tội lấn đường, không đội mũ bảo hiểm, hay đua xe. Phạt nặng đấy!” – tôi đáp mà lòng có chút tự hào, nhưng cũng có chút cay cay. Anh tài xế tỏ vẻ đồng cảm và thích thú, có lẽ vì tôi đã tạm dừng câu chuyện ở chỗ cảnh sát Sài Gòn không chừa lỗi nào, thay vì nhắc nhở thì thẳng tay thổi còi, chứ chưa bàn đến chuyện thiên hạ tranh cãi cảnh sát thích "canh me, núp lùm" để thừa cơ dân sơ ý mà làm luật hay ăn mãi lộ. (Tôi nhắc lại là tôi dùng từ "mãi lộ" chứ không nói "hối lộ", vì một vị cảnh sát giao thông cấp lớn mới đây phát ngôn trên báo chí rằng "anh em cảnh sát" nhận vài ba chục ngàn thì sao gọi là tội hối lộ"?! Nên nói mãi lộ, chắc có lẽ khi nhận tiền các anh sẽ thấy an tâm hơn?!).
Thấy đất Sài Gòn luật pháp nghiêm, anh tài xế taxi thở dài: "Phải chi Hà Nội được như trong ấy thì đỡ quá. Bớt tắt đường, đỡ kẹt xe, lại an toàn, không có đua xe”. Tôi cười trừ chứ không muốn bình luận thêm. Chưa dứt hơi thở dài, anh tài xế nói tiếp: "Anh ở trong Nam chắc có nghe báo chí nhắc vụ chặt cây đúng không? Đấy, anh xem, cả con đường cây bị chặt sạch. Không hiểu sao mà chúng nó chặt nhanh lắm, trong một buổi sáng mà không còn cây nào." Anh chỉ tôi xem hai bên đường Nguyễn Chí Thanh – nơi tầm 8 giờ sáng đã vàng màu nắng. Chẳng ai ngờ cách đây vài hôm, con đường còn xanh mát một màu của những hàng cây vài chục năm tuổi.
Tôi hỏi lại: "Một buổi sáng mà sạch sẽ dữ vậy hả anh?" "Vâng, không chỉ một bên mà là hai bên. Người ta chặt xong, trồng lại hai hàng cây khẳng khiu thế kia. Chặt nhanh, trồng cũng nhanh lắm anh ạ. Chẳng biết bao giờ mới khôi phục lại con đường”, anh tài xế lắc đầu ngao ngán.
"Thế người ta trồng cây gì thế? Và người ta có bảo khi nào bóng mát phủ lại không?" Tôi hỏi tới. "Mấy ổng bảo là cây Vàng tâm. Nhưng thằng lái taxi như em còn biết đó là cây Mỡ. Vàng tâm có mà…" – anh tài xế bức xúc. Tôi bật cười chua xót. Hay cho một buổi sáng thi công tấp nập không ngại kẹt xe để hạ gấp hàng cây cả một tuyến đường lớn như Nguyễn Chí Thanh. Hay cho việc chặt nhanh, rồi vội lấp nhanh những hàng cây nghe tên nhân văn đến l? - "Vàng tâm".
Tôi chợt ngẫm nghĩ hai điều mà lòng "cười ra nước mắt". Một là, phải chi chuyện thi công đường chống ngập, giải quyết nạn kẹt xe hay tệ nạn xã hội cũng được ngành chức trách làm trong tâm thế "đánh nhanh thắng nhanh", hết lòng và hết sức như chuyện chặt cây, có lẽ dân gặp phúc biết bao. Hai là, từ nay không được nhắc đến chữ “Mỡ” mà phải luôn nhớ đó là "Vàng tâm". Như kiểu "tôi bị vàng tâm trong máu", chứ đừng nói "tôi bị mỡ trong máu" – phạm úy thì không nên. Hai hàng cây đó, dù sao cũng là "vàng tâm" của những người làm chức trách.
Thấy tôi không nói gì thêm, anh tài xế hỏi ậm ừ cho qua chuyện "trong Nam có chặt cây không anh? Em cũng nghe bảo là có, nhưng chắc là có tính toán, ngâm cứu chứ không như ngoài này nhở?" Tôi hỏi "ngâm cứu là sao anh?" "Là chặt phải có kế hoạch, có lí do rõ ràng, chứ không phải tự dưng vác cưa ra cưa ầm ầm như ngoài Hà Nội" – Anh tài xế bức xúc. Tôi thở dài nhè nhẹ "Ừ, họ có ngâm cứu và cũng có tuyên bố lý do. Nhưng nhìn chung cứ cây nào cong, họ lo cho an toàn của dân, là họ chặt. Cây ngay thì không sợ chết đứng, còn cây cong thì phải hạ trước khi nó chết anh ơi".
Anh tài xế có vẻ không hiểu lời tôi nói. Nhưng nghe từ khóa "lo cho an toàn của dân nên họ chặt" là anh ấy gật đầu “đúng rồi, cây nào cong và có nguy cơ đổ, gãy thì chặt đi là phải. Sài Gòn hay phết nhở". Tôi cười. Sài Gòn là nơi tôi lớn lên, và những hàng cây xanh là một trong những ký ức đẹp nhất trong những ngày rong ruổi giữa đất trời đầy nắng, khói bụi, ngập úng, kẹt xe, cướp giật và ô nhiễm. Ngày xưa nhiều lần tôi thấy mấy bác công nhân đô thị cẩn thận cưa từng cành cây nhỏ, hay chặt bớt nhánh cây sắp đổ xuống đường. Lâu lâu các bác lại cẩn thận dọn dẹp đường phố, vừa giúp cây đẹp hơn và con người cũng an toàn hơn. Mấy chục năm chưa bao giờ có ai nỡ chặt một cái cây ven đường, vì tiếc, và vì sợ sẽ thiếu đi một điều gì không quy ra của cải được. Cây cũng đáp lại, dường như chẳng có vụ nào cây giết chết người bởi Sài Gòn – đất lành, chim đậu, thời tiết và khí hậu cũng ôn hòa.
Nhưng rồi một vài năm nay, “các bác” tự dưng muốn đô thị hóa theo kiểu bê-tông hóa. Ở Tây, người ta không có khái niệm "cây cong" như ở mình – cây cong là chặt. "Người cong" thì phương Tây mới "đốn hạ" mà thôi. Tôi chẳng màn kể thêm về Sài Gòn, về những hàng cây cứ thưa dần thay cho cầu vượt, cầu qua sông hay sẽ là những công trình hiện đại hóa nào đấy nữa. Ít nhất là giữ niềm tin Sài Gòn rồi sẽ tốt hơn trong lòng người Hà Nội. Nhưng câu chuyện của một Facebooker chợt ùa về, cách đây một vài tuần tôi vô tình đọc được, lại khiến tôi suy ngẫm về chuyện chặt cây “có lý do” ở đất Sài Gòn. Tôi xin mượn lời của vị này để nói về cái lí "cong-thẳng", không phải chỉ là chuyện "chặt cây".
"Sài Gòn, Hà Nội và sắp tới theo kế hoạch sẽ là Huế, hàng ngàn cây xanh tiếp tục ngã xuống vỉa hè, nơi mà người dân qua qua lại lại, gắn bó đến mức thân thuộc lạ kỳ. Chủ trương của các đơn vị là "cây cong, cây nghiêng, cây rễ lồi, rễ lõm nên phải chặt". Các vị lãnh đạo cho rằng phải chấn chỉnh sự lộn xộn của các đô thị đang bước ngày càng sâu vào quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
Nhưng lòng người chẳng thể nào yên. Sự lộn xộn của Sài Gòn, Hà Nội hiện tại chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ được định nghĩa bằng những hàng cây chịu nắng chịu mưa hàng trăm năm tuổi.
Nạn giật đồ, cướp ngày, ăn xin, trấn lột, "chém giá" du lịch, xả rác vô thưởng vô phạt, kẹt xe, ngập nước, khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn... mới là những thứ, lẽ ra, phải được nhìn nhận, giải quyết một cách nghiêm khắc bằng đôi bàn tay và khối óc theo kiểu Lý Quang Diệu ở Singapore. Đó mới là yếu tố hàng đầu của cái mà người ta khái niệm là đô thị sạch, đô thị văn minh.
Khách phương xa đến Sài Gòn, Hà Nội vẫn gật gù vì "thành phố nhà mày xanh thế, chẳng bù với Bangkok (Thái Lan) nước tao, như một khối bê-tông".
Tôi từng đọc đâu đó câu chuyện "Nhường nhịn thiên nhiên" của một vị kiến trúc sư kể về việc quy hoạch công trình đô thị. Vị này nhấn mạnh khi xây cái nhà, con đường, hay cây cầu mà đụng cây xanh thì người vẽ công trình phải tìm mọi cách để "né" chứ không phải "chặt" theo kiểu "đường ta ta cứ đi".
Nói về cái lẽ cây cong, cây thấp. Chắc các vị lãnh đạo đã có dịp sang Nhật, Đức để tham khảo tình hình. Các con đường nội thành Levekusen hay Kyoto, thậm chí là Tokyo hay Mie đều không thiếu cây xanh trăm tuổi. Cây không quá cao, cũng chẳng phải thẳng. Nhiều tuyến đường ngoại ô cong cong vẹo vẹo chỉ vì né những khu rừng xanh mượt là mà khách du hành ai cũng muốn dừng chân ven đường nghỉ chân trên những tuyến đường dài.
Cái thuyết "chặt hàng loạt cây để thay mới vì cây cong, cây vẹo lẽ ra phả được cân nhắc thật kỹ, chứ không phải để chuyện đã rồi". Phải chăng chúng ta đang hướng đến những cây thẳng - trụ bê-tông cốt thép, trụ điện hay các trụ ăng-ten cao ngất cho giống đô thị, cho có chất phồn hoa?
Chặt cây vô thưởng vô phạt như vậy, có phải tại cây cong, hay chính vì là lòng người chưa được thẳng?"
Nguồn: Theo VOA
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire