Nguyễn Văn Thọ
Tôi là người lính từng
tham gia chiến tranh, tự nguyện và hết lòng. Nhiệm vụ của người lính; trách
nhiệm với đồng đội, đơn vị, tổ quốc; danh dự cá nhân, gia đình đã buộc tôi gắn
kết với chiến tranh 12 năm.
Tôi có
sự căm thù không? Không! Chúng tôi biết gì người Mỹ mà căm thù họ! Nhưng người
Mỹ đã tới.Khởi đầu của cuộc chiến, Mỹ ném bom miền Bắc và tuyên bố: “Đánh cho Việt Nam quay lại thời đại đồ đá”. Hãy hình dung, khi một con người bị sỉ nhục như thế, nhất là con người ấy yêu quê hương, yêu từng viên đá, gốc cây Hà Nội, sẽ hành xử ra sao nhất là khi anh ta trực tiếp nhìn rõ bom của người Mỹ ném xuống mảnh đất thân yêu, giết chết bao con người chưa một lần gây hấn với họ. Họ, người Mỹ đã ném chiến tranh xuống quê hương của tôi, của em, của ta và của chúng ta, khi Hà Nội là trái tim của cả nước.
Và khi
ấy, hỏi ai lại cam tâm ngồi yên. Và chúng tôi đã ra trận chiến đấu với chỉ lòng
dũng cảm vô song, bởi nếu không có lòng dũng cảm, sẽ không ai dám chống lại
người Mỹ, khi thực sự nhìn chúng bay, rải thảm cái chết...
Chúng
tôi phải đánh nhau với súng ống cổ lỗ, từ súng máy 12, 7 ly tới pháo 57, 100
ly, đều là loại súng ống của đại chiến II. Kể cả tận khi trang bị tên lửa thì
Sam II cũng là loại tên lửa cổ lỗ. Trong khi đó, người Mỹ dùng
tất cả sức mạnh của hải quân của không quân từ B52 tới F, A các loại siêu
thanh, đều là phương tiện hiện đại nhất.
Thế hệ
chúng tôi đã kế tục truyền thống chống Nguyên Mông của tiền nhân, thay vì thích
trên cánh tay, chúng tôi thích hai từ Sát Thát vào tận trái tim từng người ra
trận. Lứa Hà Nội khi ấy đều đa số có học, ý thức rất rõ việc chúng tôi đang
làm, đang chiến đấu, theo đuổi. Chúng tôi đã đánh hàng trăm trận, bất kể khi
người Mỹ với sức mạnh quân sự tưởng như ăn sống nuốt tươi đối thủ trên không và
trên biển, trên bộ. Nhưng sự áp đảo của cả đạo quân gồm không quân hải quân, xe
tăng và bộ binh trang bị tận răng, no đủ như ở nhà, vẫn không làm chúng tôi run
sợ. Mãi tới năm 1971 họ mới nhận ra, khi anh làm nhục một dân tộc, tức là các
anh đã khơi dậy một cơn giận dữ bất tận của một dân tộc.
Khi
những hòa ước được ký kết, người Mỹ hạn chế và chấm dứt ném bom miền Bắc chúng
tôi lại vào Nam chiến đấu. Hỏi tôi có hận thù gì với anh em binh sĩ Việt Nam
Cộng Hòa không? Không! Tôi không có hận thù gì với anh em binh sĩ miền Nam,
nhưng tôi không muốn người Mỹ và tất cả binh lính nước ngoài chà đạp lên Tổ
quốc tôi. Khi người Mỹ sát cánh với họ chà đạp 60 vạn gót giầy trên quê hương
miền Nam, tôi đã một lần nữa vào Nam chiến đấu.
Tôi
không có ân oán gì về cá nhân với anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa cả, nhưng
chúng tôi, những con người tường các quy luật của chiến tranh, cả sử nước nhà
và lịch sử thế giới, ý thức rất rõ và cụ thể từng trận chiến rằng: Chiến tranh
chỉ chấm dứt khi có một bên thắng bên thua, vì đất nước Việt Nam không thể chia
cắt. Do vậy, tôi và bao người đã chiến đấu cho cánh quân bên chúng tôi - bộ đội
miền Bắc, tới giọt máu, tới sức lực cuối cùng, nhằm chiến thắng để chấm dứt
chiến tranh chứ không phải giải quyết thù hận. Ngày 30/4/1975, trước khi tổng
thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, hàng vạn vạn binh sĩ chúng tôi đều muốn
sống, cầu nguyện được là kẻ sống sót cuối cùng sau cuộc chiến; song không ai
bảo đảm rằng, họ có thể chắc chắn sẽ còn lại trong trận chiến cuối ấy.
Cho tới
hôm nay khi ngồi viết những dòng này tôi nhận ra, cuộc chiến ở Việt Nam đã gây
ra một vết thương rất sâu và rất dài cho dân tộc Việt Nam. Hàng triệu người dân
đã bỏ mình. Hàng triệu gia đình đã mất cha, mất chồng và mất con trên trận mạc.
Cũng do chiến tranh để lại, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, ly tán và mất
mát đau khổ trên biển xanh, trong rừng rậm, để lại một vết hận không nhỏ trong
một bộ phận không nhỏ những gia đình phía chiến tuyến bên kia. Đó là niềm đau
vô cùng lớn không chỉ riêng ai khi họ còn yêu đất nước.
Sự mất
mát của thế hệ chúng tôi cả hai bên, sự mất mát của cả dân tộc tới ngày 30/4
khi đất nước yên súng, giang sơn thu về một cõi là sự đòi hỏi tất yếu của lịch
sử, của dân tộc nhưng đó cũng đã phải trả với giá quá đắt. Và một câu hỏi luôn
luôn làm tôi đau nhức là tại sao cứ phải căm thù khi tất cả đều là nòi giống
Việt, khi mà xu hướng chung của nhân loại tiến bộ là hòa bình cho tất cả các
dân tộc, cởi bỏ tất cả nỗi niềm và xóa đi đau đớn giận hờn với chính nỗ lực của
từng con người chúng ta.
Rồi đây
thế hệ chúng tôi cả hai phía sẽ theo quy luật sinh bệnh lão tử, rồi đây đất
nước này dành cho và chỉ là cho các thế hệ sau chúng tôi; chúng không liên quan
gì tới những hận thù trận mạc bấy nay và cười diễu cha anh nếu còn cố chấp. Vậy
lý do gì để con người Việt Nam vẫn chia tách và hận thù về những điều đã qua mà
không thực sự chung tay hàn gắn, nếu thực sự yêu thương đất nước và dân tộc
này?
Nguyễn
Văn Thọ
Nguồn: http://vnexpress.net/
Nguồn: http://vnexpress.net/
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire