GS Nguyễn Đăng Hưng
Tôi biết đến
báo chí cách mạng Việt Nam khá sớm khi mới 9 tuổi, ngày tôi theo ba tôi đi
kháng chiến, tham gia Uỷ Ban Nhân Dân kháng chiến tỉnh Quảng Nam đóng ở Tam kỳ
năm 1950. Tôi nhớ có dịp theo ba tôi vào cơ quan đóng tại nhà một nông dân, tôi
đã đọc được báo Cứu Quốc, Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, tiền thân
của báo Đại Đoàn kết ngày nay.
Sau ngày
thống nhất đất nước, báo chí Việt Nam được nhà nước hoá toàn bộ, không có bóng
dáng một báo tư nhân nào nữa. Việt Nam có gần 800 tờ báo, nhưng chỉ có một tổng
biên tập thực sự là Trưởng ban Tuyên Giáo.
***
Báo Chí Việt Nam và báo chí ở Châu Âu
Ở Bỉ hay ở Việt Nam, tôi có thói quen đọc nhiều báo, mỗi ngày hai ba tờ,
chưa kể các tuần báo, các báo điện tử… Tôi thích những tờ báo đa chiều, độc lập
với các thế lực chính trị. Tại Việt Nam gần đây, báo chí có vẻ co cụm lại để tự
vệ. Mọi người sợ thổi còi, vào tù, đồng loạt qua lề bên phải thận trọng bước
chậm lại để tồn tại. Các tờ báo tôi đọc hằng ngày như nhẹ đi. Tôi mua mỗi ngày
đến ba tờ nhật báo mà chỉ tốn mười lăm phút là đọc hết. Những vấn đề đặt ra na
ná như nhau, quan điểm mất hẳn tính đặc sắc của những tờ báo gần gũi người dân…
Tờ báo lớn nhất Việt Nam, báo Tuổi Trẻ xuất bản tại Tp Hồ Chí Minh thời cực
thịnh cũng chỉ in được chung quanh 450.000 số, quá ít ỏi cho một quốc gia có
gần 90 triệu dân..
Làm sao so sánh được báo chí trong nước với báo chí nước ngoài, đặc biệt
báo chí Châu Âu, nơi mà tôi đã sống trên năm mươi năm. Tại Châu Âu, tự do báo
chí là thiêng liêng… Báo chí không khách quan, không phát hiện sự thực, không
có tâm của người viết là không có người đọc, là bị đào thải… Xin đơn cử với nhà
báo một ví dụ, một nhân chứng… Trong những năm 70 chính tôi đã từng làm báo
sinh viên tại Liège, Vương quốc Bỉ, vừa là nhà biên tập, vừa là người tài trợ
và phân phát báo… Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, ngay trên
nước có Tổng hành dinh NATO, sinh viên chúng tôi ra báo để đấu tranh đòi Mỹ rút
khỏi Việt Nam, tôn trọng nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam, ủng hộ cách
mạng Việt Nam. Chúng tôi ra ra báo mà chẳng cần xin phép ai cả, chỉ phải ghi rõ
trên trang đầu tên tuổi và địa chỉ của người trách nhiệm, thế là hợp lệ, là
đúng luật. Vậy mà báo sống dài qua năm tháng, chỉ chấm dứt khi mục tiêu đấu
tranh không còn nữa (hay tài chính cạn kiệt…) mà thôi… Tôi còn giữ một ít phiên
bản của các báo này, thí dụ tạp chí Hiện Diện có trang bìa kèm theo đây. Nếu
báo không xúc phạm đến nhà vua, không thóa mạ ai, chỉ nói lên quan điểm chính
đáng của người viết một cách ôn hòa, không kích động bạo lực thì không ai có
quyền thổi còi cả…
Trước năm 60, ngày còn là học sinh ở Sài Gòn, tôi đã sống dưới chính quyền
Việt Nam Cộng Hòa. Tuy lúc bấy giờ, báo chí tư nhân được phát hành nhưng những
quan điểm thiên tả, thiên cách mạng bị kiểm duyệt chặt chẽ. Tuy còn quá trẻ,
tôi cũng đã rất bức xúc vì không khí ngột ngạt ấy. Ngày 21 tháng 12 năm 1960
khi đến phi trường Buxelles, lần đầu tiên đặt chân đến Châu Âu, bắt đầu du học
dài hạn, tôi đã đứng thẫn thờ trước một sạp bán báo, nước mắt chảy dàn dụa vì
xúc động trước bối cảnh tự do báo chí của xứ Bỉ. Trên sạp, tôi tìm thấy bày
biện, ngoài những tờ báo thông thường ở phương Tây, nhan nhản những tờ báo cộng
sản chánh cống: báo “Humanité” (Nhân Loại) của đảng cộng sản Pháp, báo “Drapeau
Rouge” (Cờ Đỏ) của đảng cộng sản Bỉ, báo “La Pravda” (Sự Thật) của đảng cộng
sản Liên Xô. Tôi còn tìm thấy ngay cả Nhật báo Nhân Dân của đảng cộng sản Trung
Quốc, báo La Voie du People (Con đường Nhân dân) của đảng cộng sản Bỉ, ly khai
thân Trung Quốc!
Báo chí Việt Nam và báo chí Châu Âu khác nhau xa đến trăm năm ánh sáng…
Vấn đề tự do báo chí tại Châu Âu đã được tranh cãi vả giải quyết rất sớm
ngay trong thế kỷ 18 kia. Ta nhớ câu nói của văn hào Voltaire người Pháp
(1694-1778) được tôn vinh là một trong những danh nhân nổi tiếng, rất sớm nặng
tình với việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng. Xin trích lời phát biểu lừng danh
của ông : « Je hais vos idées, mais je me ferai tuer pour que vous ayez le
droit de les exprimer » (I do not agree with what you have to say, but I’ll
defend to the death your right to say it, Tôi không đồng ý với điều ông phát
biểu, nhưng tôi sẽ hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ quyền ông nói lên điều
ấy).
Báo Chí: công cụ then chốt của tương quan biện chứng dân chúng-chính quyền
Tôi quan tâm đến những phóng sự về cuộc sống của người dân, đến những bài
báo mang hào khí đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, đến những bài báo nói
lên sự thật, bênh vực lẽ phải, kẻ yếu… Đặc biệt, tôi chú ý đến những bài báo
nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân, những bài báo cổ súy cho cái hay, cái
đẹp, cái đổi mới… Tôi thích những thông tin nhiều chiều nhưng nghiêm túc và có
cơ sở.
Tôi có cảm nhận báo chí là nhân tố không thể thiếu được cho một xã hôi văn
minh và ổn định. Người ta vẫn thường nói báo chí là tứ đại quyền, ba đại quyền
khác là hành pháp, tư pháp và lập pháp. Vấn đề là phải có cơ thế công nhận tính
độc lập của quyền này, ấn định và tôn trọng sự vận hành của nó trong xã hội.
Nhà nước cần báo chí để công bố và phổ biến thông tin kịp cho nhân dân và quốc
tế các chính sách, biện pháp điều hành của mình. Người dân cũng cần báo chí để
thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình. Cho nên báo chí giữ vai trò then chốt
trong tương quan biện chứng dân chúng-chánh quyền. Củng cố uy tín của mình:
thông tin xác thực và kịp thời, phản biện chính xác và đúng mức là điều kiện
cho việc phát triển hài hòa của xã hội. Có thể nói báo chí vừa là trí tuệ của
quốc gia vừa là tai mắt của nhân dân. Chỉ cần đọc báo người ta cũng có thể đoán
được trình độ của người dân bạn đọc, đẳng cấp của nhà cầm quyền. Văn minh hay
lạc hậu của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào công tác báo chí vậy.
***
Đánh mất niềm tin hay duy trì ảnh hưởng?
Tôi có cảm giác hiện nay báo chí Việt Nam đã đánh
mất niềm tin của công chúng. Báo chí bị định hướng liên tục, đã không dám nói
lên sự thật ngay những sự thật gần gũi nhất.
Thí dụ gần đây, ngày 12/1/2015 là ngày
kết thúc Hội nghị Trung ương 10 nhưng cho đến nay vẫn chưa có trang chính thống
nào công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Một trang mạng đã làm thay cho báo chí
chính thống, công bố chi tiết kết quả lấy phiếu tín nhiệm và đã thu hút một
lượng lớn đọc giả xem tin.
Báo chí chính thống đã dần dần phải nhường
chỗ cho những thông tin trên internet không qua
kiểm duyệt gọi là “lề trái”. Trên không gian phẳng, dần dần những trang mạng tự
phát có uy tín gia tăng, được dân tín nhiệm, được coi trọng và nay có tên đó là
báo “lề dân”, khác với báo chính thống “lề đảng”, ngày càng không có độc giả.
Ngày xưa khi cuộc kháng
chiến chống ngoại xâm còn hiện hành, việc định hướng báo chí để tuyên truyền và
tập trung tư tưởng toàn dân vào công cuộc chung là cần thiết. Đây cũng là điều
kiện cho sự thành công của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai
đoạn hoà bình, giao lưu hội nhập để phát triển kinh tế, duy trì chủ trương định
hướng báo chí với kiểu thông tin một chiều sẽ không phù hợp nữa. Báo chí cần
phải giải toả những áp lực chính trị, cần thể hiện trung thực những tâm tư
nguyện vọng của công dân, nói lên sự thực, binh vực lẽ phải và công lý thì mới
giữ được vị thế chân chính của mình.
Tôi cho rằng công cuộc
đổi mới tại Việt Nam chưa được thoả đáng trong lĩnh vực báo chí vì tự do tư
tưởng còn quá nhiều hạn chế.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã tự ý từ nhiệm vai trò
thông tin ngay thẳng và trung thực mà đáng lẽ mình phải cán đáng để giữ thế
thượng phong.
Nhất là trong thế giới
phẳng, internet đã trở thành một phương tiên thông tin đại chúng mà không có
biện pháp nào hữu hiệu có thể ngăn chặn được.
Khi nhường quyền thông
tin trung thực cho báo “lề dân”, báo chính thống đã dần dần phai nhạt qua thời
gian và nhà nước mất đi khả năng ảnh hướng đến dư luận…
Kết luận
Tôi mong mỏi chính
quyền sẽ ý thức được điều này và tôn trọng tính độc lập, chuyên nghiệp của báo
chí. Nếu được như thế, một kỷ nguyên mới sẽ được mở ra với nhiều triển vọng vô
cùng quý giá cho sự phát triển bền vũng của đất nước, nhất là cho công cuộc đấu
tranh chống tham nhũng hiện nay đang trên đà bế tắc…
GS Nguyễn Đăng Hưng,
TP Hồ Chí
Minh ngày 24/4/2015
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire