22/12/2015

Nền giáo dục của ta đã đi ngược so với thế giới một thời gian dài


Thùy Linh
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: “Nền giáo dục đang bỏ rơi các em.." (Ảnh: giaoduc.net.vn)
 
(GDVN) - Nước ta sẵn sàng có thể xây dựng tượng đài, Tây Thiên hàng nghìn tỷ đồng nhưng để đầu tư vào một trường mầm non thì lại không hề quan tâm, chú ý.



Nền giáo dục phát triển ngược

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 15.500 trẻ em dưới 6 tuổi điếc hoặc nghe khó. Trong đó, phần lớn trẻ không được tiếp cận với giáo dục mầm non, trong khi cha mẹ trẻ không có những hỗ trợ chuyên môn cần thiết.

Nhìn nhận con số này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: “
Nền giáo dục đang bỏ rơi các em. Theo thông tin mà tôi cập nhật được thì hiện còn tới 25% trẻ em phát triển còi cọc, suy dinh dưỡng và sự thiệt thòi về cơ thể này sẽ theo các em suốt cuộc đời”.

Sau một thời gian khá dài trong khi các nước tập trung vào giáo dục mầm non và tiểu học thì nước ta lại tập trung vào bậc trung học và Đại học.

Trong khi các nước dành hẳn một chương trình lớn cho các em thiệt thòi thì nước ta lại tập trung vào những học sinh giỏi, nước ta sẵn sàng có thể xây dựng tượng đài, Tây Thiên hàng nghìn tỷ đồng thì được nhưng để đầu tư vào một trường mầm non thì lại không quan tâm.

Rõ ràng,
nền giáo dục của ta đã phát triển ngược so với thế giới. Mãi cho đến tận mấy mấy năm trở lại đây mới bắt đầu quan tâm đến giáo dục mầm non và trẻ khuyết tật. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 75% người khuyết tật được học hòa nhập. Đến năm 2030, tỉ lệ chung cho tất cả các vùng là 80% người khuyết tật được học hòa nhập.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục đặc biệt này ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Bởi tính đến năm 2015, Việt Nam cần khoảng hơn 1 triệu giáo viên giáo dục đặc biệt để đáp ứng nhu cầu học hòa nhập của trẻ khuyết tật cho ba cấp, bao gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Mà tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở Việt Nam mới chỉ đào tạo được khoảng hơn 3.000 giáo viên giáo dục đặc biệt ở trình độ cử nhân có thể làm việc tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt và cơ sở giáo dục hòa nhập.

Những tác nhân khiến trẻ có ý định tự tử

Điều tra quốc gia do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO, UNICEF thực hiện mới đây trên 3.000 học sinh tại Hà Nội và tỉnh Hải Dương cho thấy, khoảng 9% em nói từng có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch quyên sinh vì gặp nhiều vấn đề trong học tập, cuộc sống. Gần 19,5% học sinh trong độ tuổi 10-16 có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ này, TS.Nguyễn Tùng Lâm cho rằng:

Thứ nhất, khi xã hội đang vào đà phát triển với nền kinh tế nhiều biến động. Chính sự biến động này đã làm xã hội phân ra giàu-nghèo. Hoàn cảnh gia đình đã tạo ra sự phân cách ghê gớm và tác động tới tinh thần của trẻ rất nhiều.

Thầy chỉ rõ, tỷ lệ trẻ em sống trong hoàn cảnh bố mẹ ly tán như ly hôn, ly thân, đi làm ở nơi xa để con ở nhà với ông bà. Khi đó đứa trẻ thiếu đi tình yêu thương, sự quan tâm, giáo dục của bố mẹ dẫn đến sức khỏe tâm lý của các em bị ảnh hưởng theo. 

Thứ hai, thực tế hiện nay trong mức độ an toàn thực phẩm ăn uống không đảm bảo khiến cơ thể trẻ không được khỏe mạnh do bị ảnh hưởng từ những tác nhân hóa học.

Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tinh thần của đứa trẻ.

Thứ ba
, kết quả điều tra trên đã khẳng định một phần học sinh của chúng ta đang bị quá tải hoặc nhồi nhét.

Rõ ràng, Nhà nước đã tuyên truyền nhiều chính sách giáo dục nhằm “giảm tải” nhưng dường như các Nhà trường vẫn đang gây
áp lực lên học sinh nên trong thời gian qua mới có tình trạng con trẻ sáng chiều bơ phờ vì học, trưa tối ăn uống lề đường, vạ vật để kịp giờ học chính khóa, học thêm, học kỹ năng cứng kỹ năng mềm…

Nhiều bậc cha mẹ cũng biết bắt con học quá sức, kỳ vọng quá mức vào con là đang làm hại con. Nhưng họ cũng nhận ra một thực tế rằng nếu không cho con tham gia vào “cuộc đua” vô hình mà xã hội tạo ra, con họ có thể bị bỏ lại phía sau so với các bạn, so với thời đại.

Tất cả những điều này đều có thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ em bị rối loạn tâm lý.

Tuy nhiên để nêu biện pháp nhằm giảm thiểu con số này thì theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, cần phân loại được rằng, số trẻ em này ở thành thị hay nông thôn, các em sống trong điều kiện gia đình thế nào thì mới có biện pháp cụ thể và hiệu quả chứ không thể có biện pháp chung chung cho số liệu này.

Thùy Linh
 
Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire