23/01/2016

ĐÂU LÀ NGUY CƠ THỰC SỰ ĐỐI VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM VÀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ?


(Thư ngỏ gửi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam)

 

Đào Tiến Thi
"Nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” thì quá tù mù. Mô hình XHCN của Liên Xô mà ta sao chép, như trên đã nói, đã phá sản. Từ khi Liên Xô sụp đổ thì con đường đi lên CNXH là cái mà ta vừa đi vừa mò mẫm, có hướng nào nhất định đâu mà gọi là chệch hướng? Nếu theo cái hướng ban đầu mà Mác, Lê nin vạch ra thì chính Đảng CSVN đã “chệch hướng” một cách ngoạn mục! Ấy là chấp nhận kinh tế thị trường và phương châm “làm bạn với tất cả các nước”. Nó trái hẳn với mô hình kinh tế nhà nước và lý tưởng “cách mạng toàn thế giới” của Mác và Lê nin. Nếu Đảng không “chệch hướng” kịp thời thì có lẽ đã sụp đổ cùng với các Đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô. Có điều sự “chệch hướng ngoạn mục” này, mới chỉ là bước một, do không đi tiếp bước thứ hai (chuyển đổi hệ thống chính trị) nên đã vướng vào cái bẫy của chính nó"

Kính gửi Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam

Thưa Đại hội

Trong Báo cáo chính trị do TBT. Nguyễn Phú Trọng đọc tại phiên khai mạc 21-1-2016 có nói Ban Chấp hành Trung ương “đã tiếp thu tối đa những ý kiến (đóng góp) hợp lý, xác đáng” để bổ sung, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội. Tuy nhiên chúng tôi thấy nội dung Báo cáo trình Đại hội ở phần sau đó so với Dự thảo (15-10-2015) thì hầu như không có gì khác. Với mong muốn các vấn đề của đất nước, của Đảng sẽ được thảo luận thẳng thắn tại Đại hội XII, tôi xin góp ý về “bốn nguy cơ” nêu trong Báo cáo và một số nguy cơ thực sự khác.

1. Cội nguồn các nguy cơ

Nửa sau thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản lâm vào khủng hoảng, giai cấp công nhân rơi vào tình trạng nghèo khổ cùng cực đã đứng lên đấu tranh quyết liệt. Trong bối cảnh đó, Các Mác, Ăng-ghen và về sau là Lê nin, đã đề ra học thuyết đấu tranh giai cấp và xây dựng chế độ cộng sản, với ước vọng giải phóng giai cấp cần lao và giải phóng toàn nhân loại. Kết quả là nước Nga cộng sản ra  đời. Về sau do Nga thắng trong chiến tranh chống phát xít mà hệ thống các nước cộng sản ở các nước Đông Âu cũng ra đời.

Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác – Lê nin, ngoài phần triết học có những đóng góp nhất định, thì phần  học thuyết chính trị là một học thuyết chứa nhiều sai lầm, mà sai lầm lớn nhất là thiết lập nhà nước toàn trị và mô hình kinh tế tập trung, xóa bỏ thị trường. Tất cả những sai lầm đó đã đưa các nước cộng sản đến tình trạng nghèo khổ, mất dân chủ, mất tự do. Kết cục là nhân dân các nước này, dù đã mất mấy chục năm thắt lưng buộc bụng để xây dựng CNXH, họ vẫn chọn con đường đi lại từ đầu bằng việc xây dựng chế độ dân chủ. Và chỉ trong khoảng 25 năm qua, tuy chưa tiến kịp các nước Tây Âu và Mỹ, nhưng các nước Đông Âu đã và đang trên đà thịnh vượng, còn nước Nga thì tuy mới ở giai đoạn “tiền dân chủ” nhưng lại khôi phục được vị thế cường quốc, cái vị thế mà Liên Xô trong những năm cuối cùng đã đuối sức.

Tình hình Việt Nam có khác. Tuy thiết chế kinh tế – chính trị cũng du nhập từ Liên Xô, nhưng do Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu khởi nghiệp bằng sự nghiệp giải phóng dân tộc, sau đó lại lãnh đạo mấy cuộc kháng chiến vĩ đại chống ngoại xâm, ánh hào quang đó giúp cho Đảng có vị trí lớn trong nhân dân suốt nhiều năm. Vì thế thiết chế kinh tế – chính trị bất hợp lý nói trên chưa bộc lộ gay gắt, hoặc bộc lộ gay gắt nhưng được nhân dân tạm thời chấp nhận, với hy vọng đất nước độc lập, thống nhất sẽ có tất cả những gì tốt đẹp. Nhưng từ sau 1975, thiết chế này đã thực sự tàn phá đất nước: kinh tế kiệt quệ, công nhân, nông dân, công chức đều nghèo và đói. Hai triệu đồng bào, vừa do nghèo đói, vừa do bị kỳ thị, phải bỏ nước đi tìm đất sống và biết bao người bỏ mạng dọc đường. Chỉ 10 năm sau khi hoà bình, thống nhất, đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trước tình thế đó, Đảng, đứng đầu là TBT. Trường Chinh, và sau đó là vai trò của TT. Võ Văn Kiệt, đã chấp nhận kinh tế thị trường và mở cửa với thế giới phương Tây. Nhờ đó, Việt Nam, trước hết thoát nạn đói, sau đó kinh tế có những bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên bước đột phá này có hai mặt: một mặt làm cho kinh tế chấn hưng nhưng mặt khác, đất nước rơi vào tình trạng “tiền tư bản” (tư bản hoang dã) mà kết quả là tài nguyên bị khai thác bừa bãi, ô nhiễm môi trường, công nhân bị bóc lột tàn tệ, người nghèo bị bỏ rơi,…. Lỗi không phải tại kinh tế thị trường như nhiều người nghĩ, mà là do sự vênh lệch, không tương thích giữa mô hình kinh tế và mô hình chính trị. Nhà nước theo mô hình Mác – Lê nin là nhà nước nhất nguyên, không thể phù hợp với nền kinh tế thị trường có bản chất cốt lõi là đa nguyên. Vì thế, thay vì thị trường tự do cạnh tranh trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền, trong sự hỗ trợ kiểm soát của xã hội dân sự, của tự do báo chí, thì thị trường trở thành nơi móc ngoặc tiền – quyền, thành những cuộc “đi đêm” giữa nhà tư sản với chính quyền. Nạn tham nhũng, nạn dân oan mất đất, nạn người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm phu, làm bồi, thậm chí làm nô lệ tình dục ngày càng gia tăng. Nông dân mất đất ra thành phố làm công nhân, trở lại sống kiếp cu li thời Pháp thuộc, đã nghèo khổ lại đầy bất trắc (thường được gọi là “công nhân bốn không”: không hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm thân thể). Về đời sống, người dân Việt Nam ngày nay mặc quần áo độc hại sản xuất từ Trung Quốc, ăn thực phẩm độc hại Trung Quốc, nấu rượu, nấu cao và bảo vệ thực phẩm bằng chất hóa học độc hại của Trung Quốc,… Nó vừa đầu độc dần dần cả nòi giống dân tộc, vừa giết chết nền sản xuất trong nước.

Về mặt đạo đức, con người ngày càng ích kỷ, tội phạm gia tăng. Nhưng khủng khiếp hơn, con người ngày càng “thích nghi” với cái xấu, cái ác. Báo chí chính thống hằng ngày dày đặc chuyện “cướp – giết – hiếp”, trở thành những món giải trí cho người đọc. Từ vô cảm trước những tội ác, con người vô cảm trước tất cả các vấn đề chính trị – xã hội khác, kể cả nguy cơ mất nước.

Những vấn nạn trên không những trở thành quốc nạn, mà còn là nỗi quốc nhục.

2. Phân tích các nguy cơ

Tất cả những vấn đề nhức nhối trên gần như chỉ phảng phất trong Báo cáo chính trị. Trái lại “bốn nguy cơ” không cơ bản hoặc không có thực được nêu từ các đại hội trước nay vẫn được nhắc lại và có nguy cơ còn được nhấn mạnh.

Hai nguy cơ – tụt hậu về kinh tếtham nhũng cùng các tệ nạn xã hội – thực ra nó là hệ  quả của nhiều vấn đề khác, phải giải quyết từ gốc, không nên coi đó là nguy cơ.

Nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” thì quá tù mù. Mô hình XHCN của Liên Xô mà ta sao chép, như trên đã nói, đã phá sản. Từ khi Liên Xô sụp đổ thì con đường đi lên CNXH là cái mà ta vừa đi vừa mò mẫm, có hướng nào nhất định đâu mà gọi là chệch hướng? Nếu theo cái hướng ban đầu mà Mác, Lê nin vạch ra thì chính Đảng CSVN đã “chệch hướng” một cách ngoạn mục! Ấy là chấp nhận kinh tế thị trường và phương châm “làm bạn với tất cả các nước”. Nó trái hẳn với mô hình kinh tế nhà nước và lý tưởng “cách mạng toàn thế giới” của Mác và Lê nin. Nếu Đảng không “chệch hướng” kịp thời thì có lẽ đã sụp đổ cùng với các Đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô. Có điều sự “chệch hướng ngoạn mục” này, mới chỉ là bước một, do không đi tiếp bước thứ hai (chuyển đổi hệ thống chính trị) nên đã vướng vào cái bẫy của chính nó, như trên kia đã phân tích. Vì vậy, hãy bỏ nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa không có thật kia đi mà thay vào đó một nguy cơ có thật: nguy cơ không tương thích giữa mô hình kinh tế và mô hình chính trị. Có lẽ chính Đảng cũng nhận ra điều này nhưng lại không dám thừa nhận; trái lại, đã duy ý chí mà lắp ghép hai khái niệm trái ngược nhau thành “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đây là sự lắp ghép chéo ngoe, do đó nó không có nội dung, không ai giải thích được rõ ràng. Chính TS.Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Tuyên giáo TW, trong bài “Không thể có CNXH từ lý luận sáo mòn” mới đây đã nói: “Định hướng XHCN thì cứ định hướng còn kinh tế thị trường thì cứ phải là kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó”. Đưa “định hướng” vào thị trường dẫn đến nguy cơ có thể nhân danh “định hướng” để can thiệp thô bạo vào quy luật kinh tế hoặc “định hướng” cho lợi ích riêng. Cũng như vậy, các khái niệm dân chủ XHCN, pháp quyền XHCN là mơ hồ, không rõ nội dung, trong khi khái niệm dân chủ, pháp quyền thì đã rõ ràng. Chính TS. Vũ Ngọc Hoàng đã viết: “Thực tế ở các nước TBCN hiện đại ngày nay nhờ quá trình dân chủ hóa mà chế độ chính trị từ chỗ quyền lực thuộc về các tập đoàn tài phiệt đã chuyển sang chế độ dân chủ quyền lực cơ bản thuộc về đại đa số nhân dân”.Nếu dùng khái niệmdân chủ XHCN, pháp quyền XHCN thì sẽ tạo điều kiện cho những người nắm giữ quyền lực tha hồ tuỳ tiện giải thích, vận dụng, vì chỗ dựa “vững chắc” của họ là: dân chủ XHCN khác dân chủ tư sản, pháp quyền XHCN khác pháp quyền tư bản!

Về nguy cơ “diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch”, phải nói đây là điều hết sức sai lầm và ngày càng tỏ ra sai lầm, ấy thế mà nó lại được nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị. Bởi “thế lực thù địch” là một khái niệm mơ hồ, không rõ thực thể, vì thế, nó luôn bị lợi dụng để ám chỉ những nhân sỹ, trí thức (cả trong và ngoài nước) đang nỗ lực cho một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, một nước Việt Nam hoà vào dòng chảy chung của thế giới văn minh. Khái niệm “thế lực thù địch” không những gây nghi kỵ, vô hiệu hóa, thậm chí kết tội một bộ phận ưu tú của dân tộc mà còn tạo hố sâu ngăn cách Việt Nam với thế giới dân chủ phương Tây, tạo ra một lối bang giao cầm chừng, nửa vời, không thực tâm, chỉ mang tính tình thế. Chưa kể, từ nguy cơ “diễn biến hòa bình”, nay lại thêm nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” như một nguy cơ thứ năm lại càng sai lầm. Theo nguyên lý của triết học Mác – Lê nin, sự vật luôn tồn tại các mặt đối lập, sự phát triển chính là nhờ đấu tranh giữa các mặt đối lập đó, để rồi tự chuyển hóa; cái mới, cái tích cực ra đời thay thế cái cũ, cái tiêu cực. Tự chuyển hóa là quy luật vận động, sao lại coi là nguy cơ? Hơn nữa, “nguy cơ” này cũng không rõ hình thù, nó thường bị lợi dụng để ám chỉ những đảng viên, công chức muốn chuyển đổi một cách hòa bình từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ, từ nước Việt Nam biệt lập với thế giới sang một nước Việt Nam đồng hành cùng văn minh nhân loại.

Có một nguy cơ rất thật, rất lớn, đó là nguy cơ bị Trung Quốc thôn tính (bằng cả quyền lực cứng và mềm). Ngày 7-5-2009, nhà cầm quyền Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hợp quốc ngang nhiên đòi yêu sách đường lưỡi bò, vi phạm trắng trợn chủ quyền trên biển và hải đảo của Việt Nam. Chưa kể, nhà cầm quyền nước này còn liên tiếp tung đủ loại lực lượng để phá hoại công việc làm ăn của ngư dân Việt Nam, từ xua đuổi đến bắt bớ đòi tiền chuộc, đến bắn giết, đâm chìm tàu,... Chúng còn nhiều lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta, rồi có lúc rao bán 9 lô dầu khí của ta. Mới đây nhất, chúng cho máy bay xâm phạm vùng kiểm soát bay của Việt Nam, một hành động vừa láo xược, vừa nguy hiểm. Nguy cơ Trung Quốc thôn tính luôn hiển hiện trước mắt, hằng ngày, từ nhiều năm nay, là thứ hiểm họa đến mức mà từ trẻ con đến người già đều ghét Trung Quốc, như chính Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Quang Thanh có lần thừa nhận, thì lại không được nêu lên rõ ràng trong Báo cáo; trái lại, chỉ phảng phất ở một vài chỗ với các cụm từ mơ hồ như “diễn biến phức tạp trên Biển Đông”, hay “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Đấu tranh với ai? Bảo vệ trước ai? Ai gây ra nguy hiểm cho nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta? Tại sao lại phải viết mơ hồ như vậy?

Ngoài ra, cũng phải phân biệt nguy cơ của Đảng với nguy cơ của đất nước, của dân tộc, tuy rằng hai điều này có liên hệ với nhau. Đối với Đảng, nguy cơ lớn nhất có thể làm Đảng sụp đổ là Đảng ngày càng xa rời lý tưởng, mục tiêu ban đầu. Ban đầu, trước dân tộc bị nô lệ và trước một đất nước chủ yếu là nông dân nghèo, với khẩu hiệu “Độc lập dân tộc” và “Người cày có ruộng”, Đảng đã thu hút được hầu như tất cả nông dân, công nhân, trí thức, tiểu chủ, tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước tin theo mình, do đó, đã làm nên cuộc cách mạng tháng 8-1945, tiếp theo là mấy cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng ngày nay độc lập dân tộc ngày càng bị đe dọa, lãnh thổ bị mất dần từng phần thì Đảng lại gần như bất lực, bó tay, khiến nhân dân mất lòng tin. Từ năm 2011 đến nay, khi Trung Quốc đã gây hấn thô bạo trên Biển Đông, người dân Việt Nam xuống đường biểu dương ý chí chống giặc, hy vọng làm hậu thuận thuẫn cho Đảng và Nhà nước, thì họ lại bị đàn áp, bị quy kết là “thế lực thù địch, phản động”, khiến người dân ngày nay cảm thấy rất khó mà đồng hành với Đảng trong cuộc chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Còn “người cày” thì ngày càng bị mất ruộng, thậm chí mất cả chỗ ở. Những người dân oan mất đất ban đầu chỉ đem đơn đến các cơ quan nhà nước, nhưng rồi họ bị “đá đi đá lại”, thậm chí nhiều người bị đánh đập, bị bỏ tù, khiến họ phải đi biểu tình hoặc đến nhờ sự giúp đỡ của Sứ quán Mỹ, những người mà trước kia họ đã hy sinh đến cùng để đánh đuổi.

3. Đề xuất việc đương đầu với các nguy cơ

Chúng tôi sẽ đề xuất những giải pháp cụ thể ở những bài viết khác. Vì Đại hội chỉ còn 6 ngày nữa kết thúc, trong thư này chúng tôi chỉ đề xuất một việc, là cần một người đứng đầu Đảng và Nhà nước có khả năng đương đầu với các nguy cơ có thực nói trên. Theo chúng tôi, trong bối cảnh “tứ bề thọ địch” hôm nay, người đứng đầu phải là người bản lĩnh, quyết đoán, sáng tạo, dũng cảm bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, dũng cảm tiến hành cải cách để đưa nước Việt Nam đồng hành với thế giới văn minh. Người đó hiện nay theo chúng tôi, không ai hơn TT. Nguyễn Tấn Dũng. TT. Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù những năm qua có nhiều sai lầm, đổ vỡ, nhưng theo cảm nhận của chúng tôi, ông có đầy đủ các phẩm chất trên. Những sai lầm, đổ vỡ trước đây ngoài khuyết điểm của Thủ tướng, có nguyên nhân quan trọng thuộc về thể chế, cơ chế. Nhiều năm qua, ông như người cưỡi con ngựa bất kham là nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nên khó mà điều khiển nó theo ý mình. Thiết nghĩ, nếu đủ quyền lực, TT. Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người đứng ra cùng toàn Đảng, toàn dân kiến tạo một thiết chế kinh tế – chính trị hợp lý và trên thiết chế hợp lý đó, ông và Chính phủ sẽ điều hành tốt quốc gia.

Vì điều kiện quá gấp gáp, chúng tôi không kịp gửi bằng đường bưu điện mà gửi qua email đến một số báo mạng như Nhân dân, Vietnamnet, Tuổi trẻ,… và một số trang mạng cá nhân. Kính mong các Quý báo chuyển thư này đến Đại hội. Chúc Đại hội thành công.

Trân trọng cảm ơn Đại hội. Trân trọng cảm ơn các Quý báo.

 

Đào Tiến Thi

Đảng viên cư trú tại P.409, toà nhà CT7E,

khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội

Thẻ đảng viên số 97003164

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire