30/03/2016

Lấy chuyện Địa phương nói chuyện Trung ương


Thiện Tùng

Độc tài với bất kỳ hình thức nào - cá nhân hay tập thể, sớm muộn gì cũng dẫn đến bất tin bất tín đối với công chúng (thất nhân tâm). Khi công chúng bất tín và bất tin họ sẽ nổi loạn.  Khi dân chúng nổi loạn, không có cách nào khác, thể chế Độc tài chỉ còn dùng công cụ bạo lực trấn áp. Trấn áp dối với dân chúng đang căm hờn khác nào đổ dầu vào lửa, nó sẽ bùng phát thành cháy lớn, gây chính biến.  

Bạo lực là phương pháp Cách mạng vô sản theo chủ thuyết Mác Lê Mao. Đảng CSVN theo chủ thuyết ấy, suốt quá trình cai trị của mình, bao giờ cũng nặng về bạo lực. Người viết xin đưa ra những dẫn chứng cụ thể để không mắc tội vu oan cho chế độ hiện hành.
 


Đầu năm 1976, Khu Trung Nam bộ giải thể tại Mỹ Tho, ông  tư Việt Thắng quê ở Mỹ Tho , ủy viên thường vụ Khu ủy được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh An Giang. Năm 1984, trong cuộc họp liên tỉnh tại TP Mỹ Tho, trong giờ giải lao, ông Thắng hất hàm hỏi tôi:

-      - Nầy Tùng, Khu giải thể để lại đây quá nhiều cán bộ, sao mà “cai trị” mạng lịnh quá đáng để nhiều tai tiếng như thế?!”.

-      - Anh Tư hỏi em là không đúng chỗ rồi – phải các anh cấp cao tỉnh nầy mới đúng chớ - tôi vui vẻ đáp.

-      - Tao còn lạ gì chú mầy, vốn bạo mồm bạo miệng, ăn ngay nói thẳng – ông  Việt Thắng khéo khích.

-      - Chắc quen dùng quân lịnh ấy mà ! – tôi đáp.

-      - Lấy gì làm bằng chứng?

-      Dầu đã giải thể chế độ “Quân quản” – tôi nói, nhưng những vị cầm quyền hiện nay ở đây phần lớn xuất thân từ Công an, Quân đội. Cấp tỉnh,  Bảy Trực và Sáu Huấn góc quân đội và công an làm thủ lĩnh quân đội và công an đã đành, ngay những ông: Bí thư Chín Hải gốc công an, Chủ tịch và phó chủ tịch Sáu Bình và Tư Thanh gốc công an, Cầm đầu các Sở-Ban-Ngành lủ khủ góc công an và quân đội. Cấp huyện: Chủ tịch huyện Gò Công Ba Liêm góc quân đội, Chủ tịch huyện Chợ Gạo Lê Hưởng góc quân đội, Chủ tịch huyện Châu Thành Hai Đào góc quân đội, Chủ tịch TP Mỹ Tho Lê văn Sáu góc quân đội, Bí thư huyện Cái Bè Võ Hữu Phước góc quân đội, Chủ tịch huyện Cai Lậy Ba Khởi bán quân bán dân.

-      Ra là vậy ! Nhưng chẳng lẽ góc công an, quân đội rồi mạng lịnh sao ? ông Việt Thắng phân vân.

-      Chẳng qua là thói quen chớ có gì khó hiểu đâu anh Tư – tôi nói, trong chiến tranh, người cầm quân áp dụng quân lịnh không có gì sai, nhưng trong thời bình, người cầm quân thủ vai người cầm quyền quản lý mọi mặt đời sống xã hội, không tôn trọng những người chuyên sâu, mạng lịnh theo kiến thức chủ quan thì không chết cũng bị thương . Tiền Giang mang tai tiếng mạng lịnh, đang “thua chị thua em” có lẽ bắt nguồn từ đây.

-      Thôi thì anh tạm đồng ý với giải thích của chú em mầy – ông Việt Thắng vò đầu tôi nói.

Trước đây Nam bộ chia ra 3 vùng: Đông Nam bô, Trung Nam bộ và Tây Nam bộ. Sài Gòn là Đông đô, Cần Thơ Tây đô, Mỹ tho Trung đô (tỉnh Mỹ Tho nhập với tỉnh Gò Công lấy tên Tiền Giang). Không biết Đông đô và Tây đô quản lý kiểu nào mà phát triển cũng khá, còn Trung đô, cai trị theo quân lịnh, luôn ì ạch như cơm nếp mắt mưa, không sánh kịp với các tỉnh vốn đàn em như Bến Tre, Long An,.. chẳng hạn.

 Thua gì thì thua, nhưng Tiền Giang vẫn hơn hẳn các tỉnh lân cận 2 mặt:

1/ Tỉnh Tiền Giang vượt trội hơn các tỉnh về “Dân oan”. Dầu mang trong người dòng máu “Ấp Bác anh hùng”, khá đông Dân oan Tiền Giang suốt tháng quanh năm lang thang như người ăn xin, có mặt “trên từng cây số”, nhứt là ở Sài Gòn và Hà nội, bị Công an hành hạ đủ điều, trông mà ứa lệ.

 2/ Tiền Giang cũng vượt trội hơn các tỉnh về xây đựng ngành Công an: tướng tá  xuất hiện ngày càng nhiều, thay đổi như thay áo; An ninh chìm nổi bủa khắp tứ giăng; Cơ ngơi của Công an đồ sộ khỏi chê; Trai giam kiên cố nhứt nhì khu vực, trọng  phạm những vụ án lớn như Năm Cam chẳng hạn thường gởi đến Tiền Giang giam giữ thì “hết sẩy”.

Mang danh là Trung đô, tỉnh Tiền Giang đang  tuột hậu so với các tỉnh trong vùng – cũng như Việt Nam đang tuột hậu so với các nước Asean, có phần do bộ máy cầm quyền “hành là chính”, vừa quan liêu vừa nặng về bạo lực. Nếu chỉ một vài địa phương “mắc bịnh” như Tiền Giang  còn có thể cứu vãn, chớ cả nước thọ bịnh như vậy sớm muộn gì cũng mất cả “chì lẫn chài”. 

Chẳng lẽ trước bất an về mọi mặt, giờ đây Đảng CSVN định quân sự hóa bộ máy chính quyền theo kiểu Tiền Giang vào thập niên 80 –   gở rối bằng bạo lực ?! Qua theo dõi được biết, dư luận xã hội đang đòi hỏi Đảng CSVN giải thích những việc khác thường đã và đang diễn ra: Đại hội 12 của Đảng mở trong lòng thủ đô cần gì phải điều động quân hỏa đến thế ? / Vì lý do gì Quốc hội mới chưa bầu, chưa cử, TW Đảng lại chỉ đạo cho Quốc hội cũ biểu quyết trái pháp luật truất phế Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ ?/  Bộ hết người hay sao mà TW Đảng  đã cử giám đốc Công an Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch Thủ đô Hà Nội và quyết cử cho kỳ được Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thay Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước ? / Ông Nguyễn Xuân Phúc bị trang “Chân dung Quyền lực” tố cáo về tội tham nhũng, ông Hoàng Trung Hải bị phanh phui 100% góc Tàu và người cùng cơ quan nhiều lần tố cáo ông có đường dây buôn lậu thuốc phiện, những vụ tố cáo hai ông ấy thực hư thế nào? Vụ đơn thư tố cáo 2 ông chưa làm sáng tỏ, cớ  sao TW Đảng cố cử ông Phúc làm Thủ tướng thay cho ông Dũng, ông Hải đã thay cho ông Nghị làm Bí thư Hà Nội ? / Trung ương đang tối mặt trong việc “giao ban” giữa 2 niệm kỳ Đảng và Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kéo bầu đoàn sang Việt Nam để làm gì đến 4 ngày từ 27 đến 31/3/2016? Nếu đoàn ông Toàn đến hòa giải 2 chuyện nóng ở Biển Đông và sông Mékong thì không nói mà chi, e rằng ông đến để gặp những người thân Trung Quốc bày mưu độc sử, “đâm bì thóc thọc bì gạo” thì nguy hiểm vô cùng ?!.

 Công an, Quân đội là công cụ để chính quyền sử dụng nó trong bảo vệ Quốc phòng và trị an. Tận dụng quá đáng tướng tá Công an, Quân đội vào bộ máy chính quyền thì chính quyền sớm muộn gì sẽ biến tướng thành chính quyền Quân sư. Nếu lấy bạo lực làm chính nó sẽ trở thành chính quyền “Quân phiệt”

 Dùng bạo lực là biểu hiện yếu thế, là hạ sách, chỉ thêm thù bớt bạn, sẽ sớm chuốt lấy thất bại thảm hại” – đó là những lời răn dạy của tiền nhân.

Buồn lo cho vận nước, vận dân, Tùng tôi viết ra đôi điều cho vơi bớt nỗi lòng. Biết đâu, chỉ chừng ấy sự thật thôi, Công an sẽ rầy: “Mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo”, ông đừng xía vào !?.

29/3/2016
   T.T

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire