22/03/2016

‘Phải tỏ rõ quyết tâm trước mưu đồ của Trung Quốc’


LÊ PHI thực hiện -

Trước tình trạng TQ rắp tâm xâm chiếm Biển Đông, bài nầy cho thấy báo chí cũng như một số "đại biểu đảng cử dân bầu" bức xúc lắm rồi .
Nhưng vì Đảng là rào cản nên họ không thể nói trắng tâm tình của mình mà vẫn cứ nói lòng vòng.

 

 
(PL)- Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động leo thang ở biển Đông; đưa ra những đòi hỏi vô lý trên thực địa và hợp pháp hóa nó, bất chấp luật pháp quốc tế.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những bước leo thang của Trung Quốc (TQ) gần đây ở biển Đông, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, nhìn nhận: “Việc TQ đưa máy bay quân sự, dân dụng ra các sân bay mới được tạo dựng trái phép ở Trường Sa (Việt Nam (VN)), rồi đưa một số hệ thống tên lửa ra các đảo ở Hoàng Sa (VN), ngăn chặn, tấn công các tàu cá của ngư dân VN trên biển… Tất cả hành động đó đã làm cho thế giới quan ngại và rất lo lắng”.
 


Hành động của TQ tiềm ẩn bất trắc

. Phóng viên: Chúng ta có thể đọc thấy những toan tính nào từ những hành động hết sức nguy hiểm trên của TQ ở biển Đông, thưa ông?

+ ĐBQH Nguyễn Anh Sơn: Đó là những hành động tiềm ẩn đầy bất trắc, ảnh hưởng đến việc an toàn, tự do hàng hải của các quốc gia không chỉ ở khu vực biển Đông và các quốc gia khác trên thế giới. Những hành động này của TQ ngày càng thể hiện rất rõ ý đồ, kế hoạch, tính toán của TQ trong thực hiện mưu đồ bành trướng ở biển Đông, nhất là từ những đảo đá ban đầu xâm chiếm trái phép, TQ đã xây dựng lên cả sân bay có thể đáp, đậu được tất cả các loại máy bay dân sự loại lớn, máy bay quân sự. Một quá trình quân sự hóa rất rõ nét. Nói là căn cứ quân sự thì chưa hoàn toàn, nhưng tính chất quân sự, chức năng quân sự rất rõ ràng.

. Vậy đã rõ mười mươi chứ không mơ hồ một chút gì nữa về tham vọng bá quyền của TQ ở biển Đông?

+ Những hành động này chính là những bước đi mà TQ đã chuẩn bị từ trước để dần dần thực hiện tham vọng làm bá chủ biển Đông. TQ đang muốn coi biển Đông là cái ao nhà của mình để gây sức ép tới các quốc gia khác trên thế giới.

Luật pháp quốc tế và những nguyên tắc hành xử của thế giới văn minh không có một quốc gia nào trên thế giới có thể tự đặt cho mình cái quyền làm ảnh hưởng đến quyền tự do của các quốc gia khác trên vùng biển của họ, theo quy định của luật pháp quốc tế.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Anh Sơn thường đề cập đến việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên diễn đàn QH. Ảnh: LÊ PHI
Sẽ đòi hỏi thiết lập vùng nhận dạng phòng không

. Rất có thể TQ sẽ tiến thêm một bước nữa là thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông?

+ Khả năng đó là rất cao. Tôi đã nhiều lần cảnh báo, ngay từ khi TQ đang trong quá trình xây dựng, cải tạo đảo trái phép ở biển Đông thì một ngày không xa TQ sẽ bất chấp để thiết lập cái vùng nhận dạng phòng không phi pháp này.

TQ sẽ đặt ra những đòi hỏi về vùng nhận dạng phòng không. Cái chuyện TQ đưa máy bay ra ngoài Trường Sa chính là một phép thử mà TQ muốn xem phản ứng của các nước như thế nào. Với hành động này, chính TQ đã dấn tới một bước vô cùng nguy hiểm, gây ra nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho an toàn hàng không. Không phải là không có khả năng TQ sẽ nói rằng đường hàng không tại khu vực này không an toàn cho nên TQ phải thiết lập một vùng nhận dạng nó. Từ đó, TQ sẽ đặt ra các yêu sách trái phép của mình về thiết lập vùng nhận dạng phòng không.

. Ông có thể nói rõ thêm về những toan tính của TQ muốn hiện thực hóa vùng nhận dạng phòng không phi pháp trên biển Đông này?

+ Như chúng ta đã biết, vùng điều hành bay này đã được tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) xác định rõ ràng là của VN chúng ta. Nhưng bây giờ TQ có thể ngang nhiên đưa máy bay quân sự đi bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế về an toàn hàng không. Đây là một hành động hết sức táo tợn, coi thường luật pháp quốc tế. Đây cũng là điều hết sức nguy hiểm.

Tôi vẫn cho rằng TQ sẽ sớm đưa ra đòi hỏi vô lý về vùng nhận dạng phòng không này. Nếu vậy, từ đây cả trên biển và trên không, TQ sẽ lấn tới những bước nguy hiểm hơn nữa trên biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang, quân sự hóa biển Đông khi đưa máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa (cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam).


Việt Nam tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền

. Chính quyền TQ công khai với thế giới đòi hỏi cái gọi là chủ quyền lâu đời của họ ở biển Đông và họ đang làm bất chấp tất cả. Điều gì sẽ tiếp diễn sau những bước leo thang quân sự hóa biển Đông của TQ, thưa ông?

+ TQ sẽ tính tới việc luật pháp hóa bằng những quy định pháp luật của họ. Đầu tiên là TQ sẽ đưa các vấn đề nêu trên ra QH của họ, từ đó đưa ra các quy định pháp luật coi biển Đông là đất, trời, biển, đảo của họ. Đấy là điều mà TQ sẽ làm.

. Chúng ta nên làm gì trước những hành động ngày càng táo tợn của TQ?

+ Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tỏ rõ sự quyết tâm hơn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là sự quyết tâm của nhân dân, dân tộc, đất nước và Đảng ta trong việc tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình tại biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa. Và trong những trường hợp cần thiết, chúng ta cần chuẩn bị các bước tiếp theo về mặt pháp lý để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới với việc bảo vệ chủ quyền của mình. Ngoài ra, chúng ta cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế để tăng cường tiềm lực kinh tế. Từ đó có thể tăng cường khả năng phòng thủ, tự vệ để bảo vệ chủ quyền của mình một cách có thể nhất.

. Thưa ông, cử tri đang mong đợi những tiếng nói mạnh mẽ hơn về chủ quyền trong kỳ họp 11 - kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII?

+ Trong hoạt động tổng kết nhiệm kỳ của QH có một phần đề cập đến vấn đề chủ quyền. Tôi nghĩ khi thảo luận vấn đề này tại QH, sẽ có những ý kiến nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong thời gian tới.

. Xin cám ơn ông.

Nguồn: Theo Pháp Luật Saigon

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire