26/04/2016

Hội nghề cá: 'Phải sớm trả lời biển đã an toàn chưa'

Phạm Hương
 

Trước thực trạng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung gây ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều ngư dân, Hội nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng phải trả lời nhanh câu hỏi bao giờ biển an toàn.

Cá chết dọc ven biển miền Trung.
Ảnh: Đức Hùng.
Trao đổi báo chí ngày 25/4 về hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực miền Trung, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam cho rằng, điều này không chỉ gây hoang mang, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản của người dân mà còn là vấn đề môi trường và nguồn lợi quốc gia.
 


Theo Hội nghề cá, đây là vấn đề sinh kế của người dân trải dài 300 km ven biển chứ không đơn thuần là chuyện mấy con cá chết. Ngư dân hiện không dám đi biển, người nuôi trồng thì không dám thay nước. "Ngư dân đánh bắt cá xa bờ, ven bờ và nuôi trồng rất lo lắng vì sức tiêu thụ chậm", ông Thắng nói.

Nhận định đây lần đầu tiên ở Việt Nam có hiện tượng cá chết, Hội nghề cá đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá chết. "Mấu chốt của vụ việc là phải phân tích cá chết vì cái gì, tại sao chết. Đáng lẽ cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm nguyên nhân ngay khi cá chết từ đầu tháng 4", ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững nói.

Theo ông Cương, nếu không xác định được nguồn gây độc thì những thông tin liên quan là có dùng cá làm thực phẩm được không, ngư dân nên tiếp tục đánh bắt và nên nuôi trồng không sẽ không trả lời được. "Điều quan trọng cơ quan chức năng phải trả lời câu hỏi: Biển đã an toàn chưa? Chưa có câu trả lời ngư dẫn vẫn sẽ ngồi chờ và họ làm gì để sống đây?", ông Cương nhấn mạnh.

Lấy mẫu đất và cá để tìm nguyên nhân

Các chuyên gia của Hội nghề cá loại trừ nguyên nhân khí hậu nóng gây cá chết, bởi Phú Yên và Nam Bộ - nơi nóng nhất không có hiện tượng này. Tảo độc hay động đất sóng thần cũng không phải lý do. Hội cho rằng ở đây có tác động của con người và phải là độc tố rất mạnh mới gây chết cá hàng loạt.

Từ thông tin cá ở tầng đáy bị chết tức là cá sống định cư bắt đầu từ nam Hà Tĩnh, ông Cương suy đoán nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau đó theo dòng hải lưu, chất độc đi tới đâu cá chết tới đó.

Ông cho rằng, nếu làm ngay khi phát hiện cá chết thì có thể sớm tìm được nguyên nhân, nhưng tới nay đã hơn 10 ngày thì nguồn lây nhiễm có thể đã bị suy tan. Vì vậy, theo ông Cương, cơ quan chức năng nên lấy mẫu đất và nước liền kề nơi đang nghi vấn rồi sử dụng máy phân tích một lần nhiều chỉ tiêu. Sau đó lấy mẫu cá vừa chết, sử dụng mang và dạ dày để phân tích. Ngoài ra giới chức có thể kiểm tra kỹ chất trong 300 tấn hóa chất mà nhà máy Formosa nhập về có chứa chất trùng với phân tích ở trên không.

"Nếu nghi đường ống của Formosa thải ra thì nên lặn xuống lấy mẫu đất, lấy mẫu nước thải lúc này không có ý nghĩa gì vì họ đã dừng hoạt động xả thải rồi", ông Cương nói và bày tỏ quan điểm không đồng tình khi Bộ Tài nguyên và Môi trường không nên cấp phép cho đường ống ngầm hoạt động dưới đất, mà thực tế nên đặt đường ống hở trên mặt nước để kiểm soát.

Hỗ trợ ngư dân

Trước khi cơ quan chức năng tìm được nguyên nhân, ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký hội nghề cá Việt Nam đề nghị các địa phương cần tổng kết thiệt hại, ảnh hưởng tới đời sống ngư dân ra sao, sau đó cần trợ cấp cho họ.

Theo ông Yên, một trong giải pháp cấp thiết là cứu trợ người dân vì tình trạng này đã kéo dài hơn 10 ngày. "Chưa kết luận nguyên nhân và không nói rõ nguồn nước biển sạch hay không thì mọi sản xuất sẽ dừng lại hết, như vậy ngư dân phải sống sao đây. Nhà nước cần có chính sách và giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân", ông Yên nói.

Đại diện Hội cũng cho rằng, Nhà nước nên có coi việc hỗ trợ là vấn đề thiên tai và ngư dân phải được trợ cấp hàng tháng.

Hội nghề cá cũng đề nghị không nên đánh đổi điều gì đó để lấy sự phát triển bền vững của môi trường. "Nguyên tắc của phát triển bền vững là an toàn về môi trường, hiệu ích về kinh tế và an sinh xã hội, chứ không có chuyện đánh đổi cái này lấy cái kia", thành viên Hội nghề cá nói và thông tin với các nước trên thế giới, nếu như công ty doanh nghiệp nào ý thức phát triển như vậy thì đều bị đóng cửa.

Hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện từ ngày 6/4 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Nông nghiệp các cơ quan chuyên môn nhanh chóng thu mẫu, xác định nguyên nhân.

Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện cá chết không xuất hiện nhiều như trước.
 
Phạm Hương

Theo Soha

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire