Sáu tháng sau khi ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc, Chủ
tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thăm Việt Nam, ngày 22/5/2016, Tổng thống
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Obama cũng đã đến Hà Nội, mở đầu chuyến thăm Việt Nam.
Cả hai chuyến thăm đều là của những nhân vật đứng đầu quốc gia.
Việt Nam đón Tổng thống Obama tại sân bay Nội Bài |
Một là “đàn anh trong phe Xã hội Chủ nghĩa’, là “bạn 16 chữ vàng và 4 tốt”
của Đảng và nhà nước Việt Nam, đến từ một đất nước “núi lền núi, sông liền
sông”. Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Một là cựu thù của Việt Nam cộng sản, từng là “kẻ thù trước mắt và lâu
dài”, là “sen đầm quốc tế”, là “kẻ thù của hòa bình nhân loại” và là một “đế
quốc xâm lược” – theo hệ thống tuyên truyền xưa nay của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Hồ Chí Minh đã nói: “đế quốc chủ nghĩa là nguồn gốc chiến tranh”–
(Ngày 17 tháng 11 năm 1950, Thư gửi Hội nghị hòa bình ở Việt Nam, Hồ Chí Minh)
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình hứa hẹn TQ viện trợ 1 tỷ NDT trong 5 năm cho
VN. Đúng như lời ông Hồ Chí Minh đã dặn dân Việt Nam: “Các nước anh em,
giúp đỡ nhiều” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.543)
Việt Nam đón Tập Cận Bình ở sân bay Nội Bài.
|
Có lẽ vì những khác biệt như vậy, nên sự đón tiếp của Đảng đối với hai
nguyên thủ quốc gia cũng khác nhau nhiều.
Đón ông Tập Cận Bình ở sân bay là hàng quân danh dự đứng im như phỗng.
Đón ông Obama ở sân bay là một cô gái ôm bó hoa tặng rồi ông Obama lủi thủi
đi vào xe.
Đón ông Tập Cận Bình là một dàn đại bác bắn 21 phát đinh tai nhức óc người
dân.
Đón ông Obama là sự im lặng ngờ vực và hồi hộp từ phía nhà nước.
Đón ông Tập Cận Bình là hàng ngũ an ninh, công an và các loại quân Việt Nam
được tung ra dày đặc.
Đón ông Obama, đặc vụ Mỹ soi từng góc sân bay và mọi ngóc ngách.
Đón ông Tập Cận Bình, hàng đoàn công an, an ninh, mật vụ và các loại lực
lượng khác nhau được tung ra để canh nhân dân.
Đón ông Obama, công an chỉ cần đứng dẹp trật tự bên đường.
Thế nhưng, đó là cách đón tiếp của ĐCS và nhà nước đối với những vị mà
họ gọi là khách quý. Còn đối với nhân dân thì sao?
Người dân Việt Nam đón ông Tập Cận Bình bằng những băng rôn, khẩu hiệu,
những chiếc áo với hình của ông Tập và dòng chữ như “Tập Cận Bình, hãy cút
đi!”, “Tập Cận Bình, têm xâm lược bẩn thỉu, cút khỏi Việt Nam!”.
Ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng |
Dân Hà Nội đón ông Tập Cận Bình ngày 5/11/2015 |
Người dân Sài Gòn đổ máu bởi công an khi đón ông Tập Cận Bình
|
Người dân đi đón ông Tập Cận Bình được nhà nước xử đãi bằng công an,
canh gác bởi an ninh, côn đồ, bắt nhốt vào đồn ngồi cả ngày bỏ đói, thậm chí
được tặng dùi cui, nắm đấm và đổ máu. Thế nhưng họ vẫn kiên quyết phản đối tên
xâm lược, dù là bạn vàng của đảng.
Người dân đón ông Obama cũng được canh gác bởi công an, an ninh… nhất là
đối với những người đấu tranh dân chủ, dày đặc và quyết liệt. Vậy nhưng họ vẫn
kiên quyết đi bằng nhiều cách, không phải phản đối, mà để hân hoan chào đón
Tổng thống Mỹ.
Người dân Việt Nam chen chúc nhau để được chụp ảnh cùng với ông Tổng thống
Mỹ, trong khi ông Chủ tịch nước Việt Nam đứng vô đơn bơ vơ bên cạnh chẳng ai
đoái hoài.
Người dân Hà Nội chào đón Tổng Thống Obama |
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp dân |
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình “lén lút – bí mật” chui vào rao giảng cho
Quốc hội Việt Nam.
Đến Việt Nam, ông Obama tiếp xúc với người dân cách công khai và nói chuyện
với dân trước hội trường.
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình vào lăng viếng ông Hồ Chí Minh, một đồng đội
và là đồng chí của ông ta.
Đến Việt Nam, ông Obama đến thăm một ngôi chùa, tỏ lòng kính trọng nét văn
hóa, tâm linh của người Việt.
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình dự chiêu đãi của những người lãnh đạo
ĐCS tiếp bạn vàng bằng sơn hào hải vị từ tiền thuế người dân.
Đến Việt Nam, ông Obama vào ăn bún chả bình dân rồi trả bằng tiền của
mình.
TT Obama ăn bún chả ở Lê Văn Hưu, Hà Nội |
Nhìn những dòng người đông đúc, vui mừng, thân ái và rạng rỡ khi đón Tổng
thống Mỹ Obama, chợt nhóm chúng tôi, mấy chục người bị bắt vào Sở Công an Hà
Đông, và những hình ảnh anh chị em Sài Gòn bị đánh đập bỏ lên xe đổ máu… khi họ
Tập đến nhà, chúng tôi tự hỏi: Vì sao vậy?
Đó phải chăng là sự chứng minh rõ nét ý đảng và lòng dân là hai khái
niệm đang đi ngược chiều nhau? Một đảng chính trị tự soán ngôi cầm quyền, tự
xưng là lãnh đạo đất nước mà đi ngược lại nguyện vọng của người dân, liệu họ có
là “đảng của giai cấp công nhân và dân tộc” như họ tuyên bố hào sảng?
Đó cũng chính là nỗi đau, là sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam hôm nay.
Khi một đảng phái, một tổ chức đi ngược lại ý nguyện của người dân, đi
ngược lại tiến trình tiến bộ của đất nước, thì đích thị đó là một nhóm phản
động – phản động đúng với ý nghĩa chân chính nhất của từ này.
Hà Nội, ngày 23/5/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire