28/06/2016

Thực chất vẫn là bố bổ nhiệm con


  
Luật sư Trương Thanh Đức (*)
 
Ông Vũ Quang Hải, Phó tổng giám đốc 28 tuổi của Sabeco, trong một hoạt động của công ty. Ảnh: Sabeco

(TBKTSG) - Với tư cách của một công ty cổ phần, việc Sabeco bầu ông Vũ Quang Hải, con trai của Bộ trưởng Bộ Công Thương (vào thời điểm bầu), làm thành viên hội đồng quản trị và bổ nhiệm chức danh phó tổng giám đốc là không phạm luật. Tuy nhiên, sai phạm trong trường hợp này lại nằm ở phía người không có quyền bổ nhiệm. Đó là ba điểm sai trong ba cụm từ tại Quyết định số 1288/QĐ-BCT ngày 4-2-2015 điều động ông Hải của Bộ Công Thương, do một thứ trưởng ký, gồm “điều động”, “đến nhận công tác” và “đề cử tham gia hội đồng quản trị”.
 


Xét chức năng và nhiệm vụ, Bộ Công Thương không có quyền thực hiện bất cứ việc nào trong cả ba việc nêu trên. Nhưng trên thực tế, liệu có doanh nghiệp nào trực thuộc sự quản lý của bộ trong trường hợp này lại dám nói không với quyết định điều động, từ chối việc tiếp nhận và không bầu theo đề cử?

Về lý, Sabeco không phải là một cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, mà là một công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập. Vì vậy, bộ này chỉ có thẩm quyền can thiệp vào Sabeco thông qua vai trò của người quản lý vốn cổ phần, tức vai trò của một cổ đông sở hữu vốn chi phối của công ty. Còn mọi quyết định về nhân sự tại Sabeco phải tuân theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Bộ luật Lao động năm 2012, theo đúng quy trình là: Đại hội đồng cổ đông bầu thành viên hội đồng quản trị và hội đồng quản trị bổ nhiệm các chức danh quản lý như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc.

Thực chất thì chẳng khác nào Bộ Công Thương bầu và bổ nhiệm con trai bộ trưởng vào Sabeco, vì người đại diện của bộ này luôn quyết định 90% kết quả bỏ phiếu. Dư luận nghi ngờ bố bổ nhiệm con là có căn cứ!

Ông Hải là một công chức, nhưng không phải là người đại diện quản lý vốn cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, nên khi rời khỏi Bộ Công Thương, thì bộ này chỉ có một quyền duy nhất là “cho thôi việc” theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Sau khi không còn là công chức của bộ nữa, thì ông Hải chỉ còn là “dân thường”, một người lao động “tự do”, không chịu sự ràng buộc của bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào. Bộ tuyệt đối không có quyền “điều động” một người lao động đến bất kỳ một doanh nghiệp nào không phải là công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc mình.

Bộ Công Thương chỉ có quyền “điều động” nhân sự của bộ đến làm việc gì đó hoặc “nhận công tác” tại một đơn vị trực thuộc. Còn đối với trường hợp này, ông Hải chỉ có thể trở thành người quản lý và người lao động của công ty nếu được đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị Sabeco bầu, bổ nhiệm và ký hợp đồng lao động. Bộ không có quyền điều động một người lao động (không còn là công chức sau thời điểm rời khỏi bộ) đến “nhận công tác” tại bất cứ một doanh nghiệp nào.

Và, Bộ Công Thương chỉ có quyền đề cử người đại diện quản lý vốn cổ phần của Nhà nước tham gia ứng cử thành viên hội đồng quản trị, không thể đề cử một người “dưng” vào một chức danh quản lý của doanh nghiệp.

Tóm lại, quyết định trên rất gần với với kiểu “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” trái pháp luật, can thiệp vào quyền của doanh nghiệp, kiểu như “ra lệnh” cho doanh nghiệp phải tiếp nhận, bầu và bổ nhiệm một nhân sự mà không dựa vào bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Đó chính là một biểu hiện của “tham nhũng quyền lực” chứ còn gì nữa!

Ngoài ra, Bộ Công Thương (còn) cử nhân sự của mình nắm giữ 90% vốn cổ phần tại Sabeco. Như vậy, về lý thì đại hội đồng cổ đông Sabeco bầu ông Hải làm thành viên hội đồng quản trị và sau đó ông này được hội đồng quản trị bổ nhiệm chức danh phó tổng giám đốc, nhưng về thực chất, thì chẳng khác nào Bộ Công Thương bầu và bổ nhiệm, vì người đại diện của bộ luôn quyết định 90% kết quả bỏ phiếu. Do vậy, dư luận nghi ngờ bố bổ nhiệm con là có căn cứ.

Dù nói thế nào đi nữa, quyết định nói trên của Bộ Công Thương cũng giống như là một mệnh lệnh hành chính với Sabeco. Cũng đừng nói rằng, Bộ Công Thương quyết định với tư cách của một cổ đông, vì theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông không có quyền điều động người đến doanh nghiệp, càng không có quyền “chỉ thị” đến “nhận công tác” tại công ty cổ phần.

Cổ đông có quyền giới thiệu ứng viên để công ty tuyển lao động và quyền đề cử ứng viên hội đồng quản trị. Nhưng cổ đông nhà nước thì lại không thể đề cử người không còn là công chức, tức là không phải là người của Nhà nước, để tham gia hội đồng quản trị. Cho nên, nếu người đại diện quản lý cổ phần của Nhà nước đến tuổi nghỉ hưu, thì lập tức phải thay người khác, giống như đối với trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamilk gần đây.

Về phía Sabeco, họ có thể tuyển hoặc “xin” bất cứ ai, kể cả người của Bộ Công Thương, vì pháp luật không hạn chế. Nhưng theo luật, Bộ Công Thương không được quyền cho người, hay nói cách khác, là chỉ được quyền chấm dứt tư cách công chức để người lao động được quyền tự do làm việc cho doanh nghiệp.

Qua vụ việc này, người dân càng có quyền nghi vấn về sự minh bạch, công khai đối với tất cả các vụ bổ nhiệm, đề cử vào những vị trí “béo bở” gần đây liên quan đến con những lãnh đạo đương chức hay sắp về hưu.

Dư luận sẽ không dậy sóng như thời gian qua, nếu như con cái lãnh đạo được bầu chọn, bổ nhiệm bằng một quy trình công khai, chặt chẽ và có thể giám sát được.

(*) Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các nhà quản trị
doanh nghiệp Việt Nam

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire