Nguyễn
Quang Dy
“Chúng
ta có thể cùng đi trên con đường lớn nhưng không thể đi chung trên các con đường
nhỏ” (Trần Đại
Quang)
Tại sao chúng ta không thể đi chung trên con đường của
dân tộc? Tại sao chúng ta không thể hòa giải dân tộc để có sức mạnh thoát
Trung? Phải chăng chúng ta quá cực đoan và cố chấp, đặt lợi ích cá nhân và phe
nhóm lên trên lợi ích quốc gia? Hệ quả là đất nước như cái xe cũ hỏng phanh,
đang lao xuống dốc. Trong khi người cầm lái như bị bùa mê, trên xe người ta
tranh giành nhau quyền lợi, làm cái xe càng lao nhanh xuống vực.
Thời thịnh trị, tham nhũng và tội ác cũng có, nhưng
ít hơn vì quyền lực được kiểm soát bằng luật. Thời mạt pháp, nó được nhân lên gấp
bội, vì không thể kiểm soát được quyền lực.
Dưới chế độ độc tài-độc đảng, pháp quyền bị thay thế bởi đảng trị, tôn
giáo bị thay thế bởi vô thần, các hệ thống giá trị truyền thống của xã hội bị đảo
lộn và thay thế bởi luật rừng. Do đó “Quyền
lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối” (Lord Action).
Hơn nửa năm sau Đại hội Đảng, TBT Nguyễn Phú Trọng
đã phát động chống tham nhũng (như “Đả hổ Diệt ruồi”). Nhưng làm thế nào để chống
tham nhũng không biến thành tranh giành quyền lực? Và làm thế nào để hóa giải
nghịch lý “đánh chuột sợ vỡ bình?” Gần
đây ông Vũ Ngọc Hoàng đề xuất phải “Kiểm soát quyền lực”. (“Có những người bán rẻ Tổ quốc vì quyền lợi cá
nhân” (phần 1); và “Nhiều việc bị lấy cớ là nhạy cảm để không minh bạch
thông tin” (phần 2), Vũ ngọc Hoàng, Tuần Việt Nam, 22/09/2016).
Tham
nhũng và truyền thông
Tham nhũng nguy hiểm nhất là tham nhũng quyền lực
(và chính sách). Tham nhũng bẩn thỉu nhất là tham nhũng tình dục, vì nó tha hóa
nhân cách con người, như con vật. Hiện nay, tại Trung Quốc và Việt Nam, cả hai
loại đó đều thịnh hành như đặc sản. Đúng là thời mạt pháp. Theo ông Vũ Ngọc
Hoàng, nạn mua quan bán chức là “một trong các biểu hiện tha hóa quyền lực nguy hại nhất…
Trung thần thưa vắng dần, còn nịnh thần thì chui vào ngày càng nhiều trong
triều chính, dẫn đến tha hóa quyền lực và sụp đổ
…”
Tham nhũng quyền lực cực đoan sẽ dẫn đến bạo lực,
như ung thư giai đoạn cuối khi khối u ác tính di căn. Bên Trung Quốc có nhiều vụ
tự sát, còn tại Việt Nam có vụ ám sát ba quan chức hàng đầu tỉnh Yên Bái. Trong
khi vụ Yên Bái tạm lắng xuống (do bưng bít thông tin), thì mấy vụ khác lại nổi
lên như bí thư Hà Giang tai tiếng vì gia đình trị (có 8 người nhà làm quan), và
bí thư Thanh Hóa tai tiếng vì bồ nhí (có nhiều tài sản khủng). Những câu chuyện
đó không có gì đáng ngạc nhiên, tuy còn nhiều quan tham khác chưa bị nêu
tên.
Điều đáng ngạc nhiên là lần này hai ông bí thư tỉnh ủy
đã lập tức lên tiếng thanh minh (như có tật giật mình). Tỉnh ủy Thanh Hóa còn gửi
công văn cho Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ TT-TT, đòi xử lý các báo điện tử và mạng
xã hội đã “vu khống, bôi nhọ lãnh đạo tỉnh”,
làm “ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường đầu tư của tỉnh… để phục vụ mục đích, ý đồ riêng của một số cá
nhân…và các thế lực thù địch, nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ, gây hoài nghi trong
nhân dân…” (Nghe quen tai quá).
Điều đó làm người ta nhớ lại khi Formosa (được lãnh
đạo Hà Tĩnh ưu ái) gây ra thảm họa môi trường tại Vũng Áng và miền Trung, bị
báo chí lên tiếng, lãnh đạo Hà Tĩnh cũng gửi công văn cho Ban Tuyên Giáo TƯ “đúng quy trình” như vậy.
Điều này chỉ tái khẳng định thái độ ứng xử của các quan bất minh và vô minh rất
giống nhau. Trong khi tuyên bố “vô can”, họ muốn bịt miệng báo chí và đổ cho “các thế lực thù địch” và “ý đồ của một số cá nhân”. Không biết họ
định ám chỉ “một số cá nhân” đó là ai, trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đang phát động chống tham nhũng (không có vùng cấm).
Tuy họ khẳng định hùng hồn như vậy, nhưng lại phản đối
điều tra xác minh các tài sản khủng của cô trưởng phòng mà dư luận gọi là bồ
nhí của bí thư Tỉnh ủy. Họ chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh điều tra theo
“đúng quy trình”, thì giá trị gì? Theo ông Vũ ngọc Hoàng (phó ban Tuyên giáo
TƯ), “Không ai
được bưng bít thông tin, giống như ánh sáng ban ngày thay cho đêm tối, để cái
xấu, cái ác không còn nơi ẩn nấp, phải lộ rõ nguyên hình… Nếu lãnh đạo không có ai dính dáng gì tiêu cực trong
đó thì tại sao lại sợ minh bạch?”
Ông Hoàng còn cho rằng lãnh đạo Đảng và nhà nước phải mở rộng hành lang
hơn nữa cho tự do ngôn luận và báo chí… Nhân dân
có quyền chất vấn, yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình; có quyền phản đối những
việc làm mà nhân dân cho là sai trái; có quyền yêu cầu cán bộ từ chức hoặc bị
cách chức… Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm lắng nghe, điều tra xác
minh, tiếp thu, trả lời, giải trình, không được ngăn cấm nhân dân thể hiện
chính kiến một cách ôn hòa… Nhà nước cần nghiên
cứu chỉnh sửa các điều luật về tội “Tuyên
truyền chống nhà nước”, không để lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ mà
quy chụp…
Phản ứng của hai ông bí thư tỉnh ủy Hà Giang và
Thanh Hóa còn cho thấy rõ lòng tin của người dân vào chính quyền đã mất hết; Và
vai trò của mạng xã hội ngày càng lớn, nhưng không dễ bịt miệng (như báo lề phải).
Về những vấn đề được coi là “nhạy cảm”, ông Lê Doãn Hợp (nguyên Bộ trưởng TT-TT)
cũng khẳng định: “Tất cả những điều gì được
coi là nhạy cảm thì đều phải làm rõ ràng sẽ hết nhạy cảm… Cần động viên báo chí
nói đúng những điều sai… Chúng ta vẫn đang quản lý báo chí theo những kinh nghiệm
truyền thống của thế kỷ 20. Đó là tư duy cái gì tốt thì đưa tin mà cái gì không
tốt thì hạn chế đưa tin”.
Lợi
ích nhóm và khủng hoảng lãnh đạo
Khủng hoảng chính trị thường song hành và bộc lộ bằng
khủng hoảng lãnh đạo. Đấu tranh quyền lực gay gắt đầy kịch tính tại Đại hội Đảng
12 (đã tạm lắng xuống do hòa hoãn), nay có dấu hiệu đang bùng phát trở lại. Mục
đích chống tham nhũng (theo kinh nghiệm “đả
hổ diệt ruồi” của Trung Quốc) mang bản sắc Việt Nam (đánh chuột “sợ vỡ bình”). Nó diễn ra lặng lẽ, dưới
hình thức thanh trừng nội bộ tại các cấp, thường từ dưới lên, bắt đầu từ các
ngành và các tỉnh liên quan, cho tới cấp cao nhất như “tứ trụ” (cũ và mới).
Gần đây, thanh trừng nội bộ bắt đầu từ vụ Trịnh Xuân
Thanh, không phải chỉ vì đi xe cá nhân biển xanh, mà còn làm thất thoát 3.300 tỷ
VNĐ tại PVC. Thanh và các nghi phạm khác tại PVC (như Vũ Đức Thuận) liên quan đến
nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bí thư t/p Hồ Chí Minh Đinh La
Thăng. Nhưng vụ này không dừng ở đó, mà còn liên quan đến nguyên thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng, là đối thủ của Tổng Bí thư.
Đấu tranh quyền lực thường phức tạp vì gắn với lợi
ích nhóm, nên cơ cấu và cán cân quyền lực luôn chuyển dịch như ma trận. TBT
Nguyễn Phú Trọng đang phải đối phó với cả nhóm lợi ích cũ lẫn nhóm lợi ích mới
(có thể liên kết với nhau). Tham nhũng quyền lực và đấu tranh phe phái luôn đan
xen như ma trận, nên tính toán có thể bị sai lạc (như hệ quả không định trước).
Câu chuyện đào tẩu đầy kịch tính của Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình
trong cuộc đấu quyền lực một mất một còn. Không phải ngẫu nhiên mà TBT Nguyễn
Phú Trọng quyết định tham gia Đảng Ủy Công an TƯ vào đúng lúc này. Động thái
này hứa hẹn cuộc chiến chống tham nhũng và tranh giành quyền lực sẽ quyết liệt
hơn.
Điều đáng nói là các nhóm lợi ích (và các phe phái cầm
quyền) đều mất lòng dân. Đó chính là khủng hoảng lãnh đạo. Sau khi đã góp phần “làm khánh kiệt đất nước”, một số quan chức
lại được “cơ cấu” vào các vị trí trọng trách hơn. Dân chúng cảm thấy bị lừa dối
và xúc phạm, bị tước đoạt và bỏ rơi. Nếu lên tiếng phản đối thì họ bị bịt miệng
và quy chụp là “phản động”, nghe theo “các
thế lực thù địch” xúi giục chống đối chế độ. Trong khi đó, các phe phái cầm
quyền chia rẽ sâu sắc, không ai tin ai, như ân oán giang hồ. Vụ Yên bái là một
ví dụ điển hình về mức độ cực đoan và bạo lực đang diễn ra hiện nay.
Ngân
sách thâm hụt và khủng hoảng tài chính
Để phát triển, vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. Năm
ngoái (2015) bà Victoria Kwakwa (đại diện World Bank) đã hỏi thẳng nguyên thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, “Chính phủ ông lấy
tiền đâu để phát triển?”. Nay, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng phải thốt lên,
“Các nguồn lực cạn kệt, vậy lấy gì để đảm
bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020?”
Tình trạng thâm hụt ngân sách và khủng hoảng tài
chính hiện nay là hệ quả tất yếu của bất ổn vĩ mô, và trì hoãn cải cách thể chế.
Tình hình tài chính không còn là “khó khăn” mà trở nên “nguy ngập” như đứng bên
bờ vực thẳm. Bội chi ngân sách là do chi thường xuyên quá lớn. Năm nay dự trữ
ngoại hối tăng thêm 10 tỷ USD, được 40 tỷ USD, nhưng chỉ đủ trả nợ đến hạn, hoặc
bù cho nhập siêu quá lớn (nhất là từ Trung Quốc). Trả nợ đến hạn là ưu tiên cao
nhất hiện nay để tránh vỡ nợ, có thể làm sụp đổ nền kinh tế lẫn chính trị. Năm
2015 Việt Nam phải trả nợ đến hạn 20 tỷ USD, và năm 2016 là 12 tỷ USD (nợ nước
ngoài).
Nợ công và nợ xấu là do vay vô tội vạ, đầu tư tràn
lan, và thất thoát quá nhiều. Năm 2015 nợ công là 64% GDP (mức cho phép là
65%), thậm chí một số báo cáo còn nói đã lên đến 100%, và nợ xấu trên 15% (theo
Moody’s). Năng suất lao động chỉ bằng 1/15 Singapore. Năng lực cạnh tranh đứng
thứ 6 trong ASEAN (xếp hạng 68/144). Nếu không cải cách thể chế thì không thể
khắc phục được nạn tham nhũng và quản trị yếu kém.
Trước tình thế cấp bách, chính phủ đã phải thoái vốn,
bán trên 10 doanh nghiệp lớn (thuộc SCIC), được hơn 7 tỷ USD, nhưng chỉ đủ bù
cho bội chi ngân sách năm nay (khoảng 1,5 tháng). Chính phủ cũng giật gấu vá
vai, tạm vay cả quỹ bảo hiểm xã hội và y tế, để có tiền chi thường xuyên, như
trả lương cho bộ máy hành chính khổng lồ, để duy trì sự tồn tại của chế độ.
Sang năm 2017 (và 2018), Việt Nam lấy gì có giá trị để bán tiếp? Hay lại tìm
cách moi nốt tiền/vàng trong túi của dân? Đây là bài toán đố chưa có lời giải.
Khủng
hoảng lòng tin và cải cách thể chế
Khủng hoảng lòng tin là hệ quả tất yếu của nghịch lý
nói trên, trong đó tham nhũng là một quốc nạn vô phương cứu chữa. Nguyên phó chủ
tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phải kêu lên, “Họ
ăn của dân không từ một cái gì”. Làm sao có thể kêu gọi dân chúng “tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng”
trong khi các nhóm lợi ích tham nhũng ngày càng trắng trợn, thao túng chính
sách, gây thảm họa môi trường, và tụt hậu kinh tế.
Trong khi dân chúng mất hết lòng tin, thì Đảng vẫn
duy trì chế độc tài và độc quyền, bảo kê cho các nhóm lợi ích và thân hữu. Trên
thực tế, tư bản đỏ liên kết với xã hội đen thành thế lực ma quái (như quái vật Frankenstein),
duy trì kinh tế thị trường theo “định hướng XHCN” để họ thao túng chính sách,
biến tài sản công thành của riêng. Vì vậy, họ không muốn đổi mới thể chế toàn diện,
bao gồm chuyển đổi cơ cấu kinh tế thị trường và cải cách thể chế chính trị. Đây
là nguyên nhân chính gây ách tắc và bất cập, kìm hãm phát triển.
Thay
lời kết
Muốn phát triển phải chống tham nhũng. Muốn chống
tham nhũng phải kiểm soát quyền lực. Muốn kiểm soát quyền lực phải cải cách thể
chế và đổi mới quản trị. Những điều ông Vũ Ngọc Hoàng nói đều đúng, nhưng chưa
đủ vì chưa đề cập đến nguyên nhân cốt lõi. Làm thế nào để kiểm soát quyền lực,
nếu không cải cách thể chế toàn diện? Đó là một nghịch lý. Nếu không giải quyết
được vấn đề cốt lõi, thì vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”. Trong khi vụ Formosa còn đang bế tắc như sắp
bị chìm xuồng, thì vụ Hoa Sen (Cà Ná) nổi lên như một cơn ác mộng mới. Người ta
vẫn chưa biết sợ vì khối u vẫn còn đó.
Đất nước thời mạt pháp như cái xe cũ hỏng phanh,
đang lao xuống dốc. Những hành khách nhanh chân đang nhảy khỏi xe để thoát
thân. Làm sao lái xe tỉnh cơn mê, và người trên xe thôi tranh giành quyền lợi,
để cùng nhau tìm cách đối phó với tai họa đang ập tới? Nếu không kịp thời chuyển
số (changing gear) và rẽ lối khác để thoát hiểm, thì đất nước như cái xe lao
nhanh xuống vực. Đó là một nghịch lý chết người.
Cái xe Việt Nam cũ kỹ đầy bất cập, với thiết kế của
Nga, nhưng được sản xuất và lắp ráp ở Tàu, với cái động cơ của Nhật và đồ nội
thất của Mỹ. Đã đến lúc phải đại tu lại nó (như đổi mới thể chế), thì may ra mới
có thể tồn tại và lưu hành được.
NQD.
24/9/2016
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire