10/09/2016

"Thất nghiệp không cao", "thiệt hại vừa phải"!!


         Nguyễn Duy Xuân

     
Đấy là đánh giá của bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) thay mặt Bộ LĐ-TB-XH tại hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do Formosa gây ra, tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng 27.8.



Thảm họa môi trường do Formosa gây ra, chấn động trong và ngoài nước thế mà bây giờ nó được "lọc" qua lăng kính của bà cục trưởng bỗng trở nên nhỏ như con thỏ!

Sau thảm họa, người dân miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế lâm cảnh lao đao, sống dở chết dở vì cá chết, biển chết mất kế sinh nhai từ ngàn đời nay nhưng bà cục trưởng vẫn cho rằng người dân "thất nghiệp không nhiều". Bà cục trưởng lí giải: "người Việt Nam thì không bao giờ ngồi một chỗ để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình, cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm".

Ô hô! Thưa bà cục trưởng! Các cụ xưa đã nói rồi, đói thì đầu gối phải bò! Những ngư dân mất nghề bởi thảm họa môi trường ấy phải tự gồng mình bươn chải, thậm chí họ phải li hương để kiếm sống bằng đủ nghề theo ngôn từ phổ biến của một thời: "Làm thuê cuốc mướn". Ngồi một chỗ mà chờ Cục Việc làm của bà tìm việc cho thì có lẽ đã chết đói nhăn răng rồi, bà ạ!

Đất nước này đã quá thừa mứa những sự quan liêu, vô cảm của không ít quan chức được dân nuôi bằng tiền thuế của mình. Bất chợt tôi lại nhớ đến lời ông phó phòng LĐ-TB-XH huyện Ia Grai khi trả lời phóng viên về cái chết của em học sinh 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới đến trường khi ngày khai giảng đang đến gần.

Thưa bà cục trưởng, cấp dưới của bà nói thế này này: "Xã không báo cáo (chuyện em Sô tự tử), đến khi chuyện xảy ra rồi họ mới báo cáo... nên cũng chỉ biết nhận thông báo vậy rồi báo lên lãnh đạo huyện để chờ phương án xử lý chứ không biết làm sao".

Chẳng hay cục của bà có điều tra theo cách như ông phó phòng nói để rồi đưa ra kết luận xanh rờn "tỉ lệ thất nghiệp không cao” và "thiệt hại vừa phải"? Dư luận nghi ngờ lắm những con số mà bà thay mặt Bộ đưa ra:“Trước sự cố, (tỉ lệ thất nghiệp ở) tỉnh Thừa Thiên-Huế là 3,3%, sau sự cố là 5,5%; Quảng Trị trước sự cố là 2,5% sau sự cố là 7,0%; Quảng Bình ảnh hưởng nhiều nhất thì trước sự cố là 2,1%, sau sự cố là khoảng 16,4%. Đó là những số liệu chúng tôi cập nhật rất nhanh, có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng đấy là con số phản ánh ảnh hưởng của sự cố nhưng thất nghiệp không nhiều”.

Ơ, bà nói hay nhỉ. Một báo cáo trình ra trước công luận mà lại bảo "có thể chưa hoàn toàn chính xác" là sao? Vậy mà bà còn "đề nghị bộ NN-PTNT lấy dữ liệu này vào trong đề án chung”. Bà cục trưởng quả là thích đùa!

Từ khi xảy ra sự cố môi trường hồi tháng Tư năm 2016 đến nay, xâu chuỗi lại một số phát biểu của các quan chức có trách nhiệm bỗng thấy giật mình. Hình như có một "giàn đồng ca" đang tấu lên những giai điệu là lạ. Nào là "cá chết vì thủy triều đỏ", nào là "biển chết từ mồm các bạn", rồi thì "đúng qui trình" "vì quê hương vì sự phát triển", "biển tự làm sạch" và bây giờ, đến lượt bà cục trưởng, thảm họa này chẳng đáng chi vì "Thất nghiệp không cao", "thiệt hại vừa phải".

Cứ đà này, biết đâu có ngày thảm họa môi trường do Formosa gây ra lại "nhỏ xíu như cái móng tay"?

Nguồn: Theo Văn Hóa Nghệ An
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire