24/01/2017

Trung Quốc bàn với Philippines về vai trò Chủ tịch ASEAN và "món quà 15 tỉ USD"


Hồng Thủy





(GDVN) - Nội dung Bắc Kinh sẽ "bàn" ở đây thì có lẽ dư luận không lạ. Muốn bàn về việc này, thường Trung Quốc vẫn chuẩn bị "quà" cho đối tác.

Nikkei Asian Review ngày 23/1 đưa tin, 5 Bộ trưởng trong Nội các Philippines đã sang thăm và làm việc tại Trung Quốc trong 2 ngày, hôm nay và ngày mai, 26 - 27 Tết Đinh Dậu.

Phái đoàn gồm Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, Bộ trưởng Ngân sách Benjamin Diokno, Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế xã hội Ernesto Pernia, Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade và Bộ trưởng Bộ Công trình công cộng Mark Villar.

Các quan chức Philippines sẽ hội đàm riêng biệt với các đối tác Trung Quốc, bao gồm Phó Thủ tướng Uông Dương, Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Từ Thiệu Sử.

Họ cũng có kế hoạch gặp gỡ các quan chức hàng đầu Quỹ Đầu tư thịnh vượng Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Chinatopic.





5 Bộ trưởng thành viên Nội các Tổng thống Rodrigo Duterte có nhiệm vụ thảo luận thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương trong chuyến thăm Trung Quốc của ông diễn ra tháng 10 năm ngoái, thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư tổng trị giá 15 tỉ USD.


Trong chuyến công du Bắc Kinh, ông Duterte đã mang về cam kết 24 tỉ USD viện trợ từ Trung Nam Hải, trong đó có 9 tỉ USD là khoản viện trợ và cho vay, còn lại là cam kết đầu tư.

Ngoài thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Philippines, dự kiến trong chuyến thăm này các quan chức cũng sẽ thảo luận về vai trò của Philippines đảm đương Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017, và tư cách thành viên Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á. [1]


Theo hãng thông tấn Reuters ngày 23/1, tuần trước Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân thăm Trung Quốc và có cuộc hội kiến ông Rodrigo Duterte. 


Ông Dân cho hay, nhà lãnh đạo Philippines sẽ thăm chính thức Trung Quốc lần 2 vào tháng Năm tới.


Hôm 11/1, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết, ông tin rằng bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc có thể sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2017.


Tuy nhiên Philippines cũng đã "lặng lẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc kéo tên lửa phòng không ra đảo nhân tạo".

Cả Reuters và Nikkei Asian Review đều lưu ý, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn làm sâu sắc thêm quan hệ với Tổng thống Duterte trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng. 


Ông Shinzo Abe cam kết gần 9 tỉ USD viện trợ, cho vay và đầu tư vào Philippines. [2]


Trung Quốc đã thể hiện rõ sự khó chịu của mình với chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đầu năm 2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với báo giới với giọng điệu gay gắt:

"Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã không tiếc công sức trong việc thọc gậy bánh xe, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này cho thấy một động cơ đen tối và suy nghĩ cực kỳ thiếu lành mạnh". [3]


Người viết cho rằng, động thái phái ông Lưu Chấn Dân đi Manila sau khi Thủ tướng Nhật tới thăm Philippines chỉ vài ngày cho thấy sự tranh giành ảnh hưởng rõ rệt giữa 2 siêu cường Đông Á với quốc gia Đông Nam Á này.


Tổng thống Rodrigo Duterte đang là đối tượng được 2 "ông lớn" săn đón, và ông chủ Điện Manacanang đã không bỏ lỡ cơ hội.


Trung Quốc muốn tranh thủ thời cơ "bàn với Philippines về vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN", nội dung Bắc Kinh sẽ "bàn" ở đây thì có lẽ dư luận không lạ. Muốn bàn về việc này, thường Trung Quốc vẫn chuẩn bị "quà" cho đối tác. 


Đó chính là các cam kết viện trợ và đầu tư. Nếu 5 vị Bộ trưởng được ông Duterte phái đi Trung Nam Hải đợt này thúc đẩy được Trung Quốc giải ngân 15/24 tỉ USD cam kết, đó là một thành công lớn của Manila.


Tuy nhiên, để lấy được tiền từ túi Trung Quốc dễ mà không dễ. 


Dễ ở chỗ chỉ cần đáp ứng một số điều kiện chính trị của Bắc Kinh, trong đó chắc chắn sẽ có yêu cầu gạt Biển Đông khỏi các hội nghị của ASEAN và các diễn đàn liên quan do ASEAN tổ chức năm nay.


Khó là vì, làm sao vừa lấy được tiền Trung Quốc, vừa hoàn thành trách nhiệm của nước Chủ tịch luân phiên ASEAN mà không đi ngược lại lợi ích hợp pháp của chính mình cũng như khu vực, nhất là trong vấn đề an ninh Biển Đông.


Với những gì các nhà lãnh đạo Điện Manacanang thể hiện trong thời gian qua, có cơ sở để tin rằng Manila sẽ tìm được giải pháp vừa "có cá", vừa giữ được cả chì lẫn chài.


Vì vậy người viết cho rằng, không phải ngẫu nhiên Ngoại trưởng Perfecto Yasay tuyên bố, giữa năm nay sẽ có COC. 

Nếu điều đó xảy ra cũng là chuyện đáng hoan nghênh, nó có thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông trong ngắn hạn, ít nhất là hết năm 2017 khi Trung Quốc tổ chức xong Đại hội 19.


Nhưng xin lưu ý rằng, COC không phải chìa khóa vạn năng cho các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông. COC, nếu có sẽ vẫn là một công cụ chính trị, một giải pháp tình thế.


Vì vậy, chỉ cần trong năm 2017, Trung Quốc không có các hoạt động leo thang quân sự hóa Biển Đông, Philippines sẽ dễ thực hiện vai trò điều phối các hoạt động của ASEAN.


Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào chính sách của Hoa Kỳ và Nhật Bản, cũng như phản ứng của Trung Quốc với các điều chỉnh mới từ Washington, Tokyo ở Biển Đông.


Trong trường hợp Trung Quốc không có hành động tiếp tục leo thang quân sự hóa Biển Đông, các bên liên quan cũng cần lưu ý việc thúc đẩy chiến lược Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 và nghiên cứu những bảo lưu cần thiết về chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi quyết định tham gia các dự án liên quan.


Tài liệu tham khảo:





Hồng Thủy


Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire