24/04/2017

“Đại gia Việt chủ yếu làm giàu từ bất động sản và khai thác tài nguyên”




TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: Khoảng cách pháp luật trên giấy và thực tiễn vẫn khá xa vời. Đại gia Việt Nam hiện nay phần lớn làm giàu bằng bất động sản và khai thác tài nguyên khoáng sản. Như vậy, trong tương lai năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt sẽ dựa trên nền tảng nào?


Đây là câu hỏi nhưng cũng là băn khoăn của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh về thực tế năng lực trong khối DN Việt Nam trước khả năng cạnh tranh với đối thủ ngoại ở Hội nghị bàn về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua.



Bàn về cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, các chuyên gia đang rất lo lắng tìm câu trả lời đâu là sức mạnh của họ

Ông Doanh lý giải: Về công nghiệp, Việt Nam không có ngành công nghiệp xương sống để thúc đẩy, kéo các ngành khác đi theo. Chế tạo và chế biến phụ thuộc lớn vào các tập đoàn 100% vốn Hàn Quốc, Nhật, điển hình là Samsung. Khối DN Nhà nước vẫn chiếm lợi ích lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực phát triển song chưa tỏ rõ được vai trò và sức mạnh dẫn đến hoang phí nguồn lực.

Khối DN tư nhân lớn của Việt Nam đang tập trung vào đất đai, làm giàu từ dự án bất động sản được cắt lớp, chia phần. Đó chưa phải là nền tảng tạo giá trị cạnh tranh và sức mạnh gia tăng của nền kinh tế và chưa có khả năng cạnh tranh so với DN nước ngoài. Số DN nhỏ vừa của Việt Nam chiếm số lượng lớn, nhưng chỉ mới giải quyết được vấn đề lao động, khó cạnh tranh trực diện với nước ngoài về mọi mặt.

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI, nói cạnh tranh DN thì không thể đem số lượng nhiều DN nhỏ để nói chuyện với nước ngoài được. Đã tham gia với sân chơi quốc tế, phải có những tập đoàn lớn, DN lớn cả ở quy mô, vốn lẫn kỹ năng quản trị.

Cạnh tranh trong thời đại hiện nay, không thể không nói đến tính quy mô doanh nghiệp, trong khi đó đại đa số DN Việt Nam còn quá bé so với thế giới dẫn đến chúng ta không ngồi vào "cùng mâm" với họ được.

Ông Khương kể: "Trong lần tháp tùng lãnh đạo Đảng Nhà nước sang thăm Trung Quốc, lãnh đạo cao nhất của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đặt vấn đề chắp nối làm việc với đại diện ngân hàng nông nghiệp của họ. VCCI bố trí Agribank gặp với lãnh đạo một ngân hàng Trung Quốc, nhưng chỉ 5 phút sau khi gặp gỡ, đại diện Agribank đã ra khỏi phòng lắc đầu nói: “Bạn nêu con số vốn lớn gấp nhiều lần tài sản của Agribank, không thể hợp tác được”.

Từ ví dụ này, ông Khương nhấn mạnh nếu không mở rộng được quy mô, DN Việt Nam không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Đã đến lúc cần có cái nhìn về thực trạng DN Việt Nam để từ đó xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển DN tăng cường sức cạnh tranh của DN.

Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM, theo Luật Doanh Nghiệp năm 2014 số DN áp dụng quản trị theo mô hình mới đếm trên đầu ngón tay, đại đa số DN Việt chưa quen với khái niệm thành viên HĐQT độc lập.

"Đối với DN tư nhân, thành viên HĐQT ít có tư duy quyền lực, tất cả đều chỉ vì mục đích lợi nhuận chưa có cái nhìn bền vững, mở rộng quy mô. Còn DNNN thì rất rõ HĐQT phải là cấp trên của ban điều hành, luôn vì ý thức đấu tranh ông nào lên cấp cao hơn, thăng chức nhanh hơn. Không ai chú ý để xem mô hình DN đi đến đâu cả", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu nhấn mạnh: Nếu cứ giữ sân cho DN Nhà nước, khối DN nội địa vẫn đa số là bé nhỏ thì đừng nói đến chuyện tham gia vào sân chơi với quốc tế chứ chưa nói đến chuyện bắt tay với DN ngoại. Nếu không cùng đẳng cấp về quy mô DN Việt phải cùng đẳng cấp với họ về kỹ năng quản trị, tính minh bạch trong điều hành DN mới chơi cùng sân được.

Theo Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI: Tốc độ tăng của DN đang có bứt phá, kỳ vọng 2020 có 1 triệu DN là có thể. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là khối DN này như nào? 1 triệu DN nhỏ khác với 1 triệu DN cỡ trung bình và 1 triệu DN lớn. Nếu chỉ có 1 triệu DN nhỏ thì chỉ gia tăng số lượng, chứ năng lực cạnh tranh DN Việt không được cải thiện.

Bà Hằng cho rằng: "Quy mô DN hiện vẫn không được cải thiện, năm 2013 - 2014, số lao động trung bình là 49 lao động/DN, hiện nay số lượng lao động nay trung bình này đã giảm. Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch lao động theo ngành, số lượng DN trong nông nghiệp thủy sản vẫn ít đi hoặc dừng chân tại chỗ nên tỉ lệ DN đầu tư trong nông nghiệp chỉ được 1%. Rất nhiều đại gia đổ vào nông nghiệp nhưng chưa thay đổi gì bức tranh và kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao".

Bà Hằng nói thêm: Tỉ lệ kinh doanh thua lỗ khu vực FDI tỉ lệ thua lỗ vẫn ỏ mức 40%. Khối DN FDI dù báo lỗ rất nhiều nhưng hiệu suất sinh lợi trên tài sản khá nhất nhưng chưa dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa đối với khu vực tư nhân. Dường như câu chuyện chuyển giá trong DN FDI vẫn chưa được giải quyết.

Nguyễn Tuyền

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire