Thiện Tùng
Thiện Tùng: Khi tiến hành xây dựng Chủ nghĩa Xã hội
(CNXH) ở miền Bắc, lãnh tụ Hồ Chí Minh nói với thuộc hạ: “Muốn xây dựng
thành công CNXH phải có con người mới XHCN”. Để có con người mới XHCN, Ông
nêu ra những tiêu chuẩn: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Thế
rồi, 62 năm ở miền Bắc, 42 năm ở miền Nam, Học viện, Trường lấy tên Nguyễn Ái
Quốc thi nhau mở khóa/lớp học đào luyện con người mới XHCN. Không biết Học viện,
Trường lớp dạy những gì, khi ra lò, hầu như tất cả những con người được đào
luyện đều suy nghĩ và hành động hoàn toàn ngược lại những tiêu chuẩn Cụ Hồ nêu
ra. Có lẽ trước thảm cảnh đó, Tổng Trọng thở than: “Không biết đến hết thế kỷ
21 nầy có CNXH hoàn chỉnh hay chưa!”. Trong bút ký nầy, nhân vật Tân, một cán
bộ được phe XHCN đào luyện, đối xử tàn nhẫn với một đứa trẻ bất hạnh.
Bắc Cao Lãnh về đêm - Ảnh minh họa |
Cứ sau mỗi chuyến bắc, khi xe và khách lũ lượt lên bờ, Hương kiểm
lại giấy số, dựa lưng vào lan can, buồn bã nhìn những giề lục bình lững lờ trôi
theo dòng nước.
Tôi và Hương gặp nhau hàng ngày dưới bắc. Tôi bán bánh mì, còn
Hương bán giấy số. Tối ngày chúng tôi hết nài nỉ người nầy đến van xin người
khác mua giúp. Chẳng biết bao lần chúng tôi bị người ta phùng thẫy, khoác nạt,
xua đuổi ! … Cùng phận gái, cùng cảnh, cùng quê, Tôi và Hương trở thành bạn nối
khố, tri âm tri kỷ.
Cách đây hơn tám năm, khi tôi xuống bắc hành nghề bán bánh mì,
Hương đã hành nghề bán giấy số dưới đó từ lâu. Tuổi bán bánh mì của tôi thấp
hơn tuổi bán bán giấy số của Hương ít nhất cũng 5 năm. Hương nhỏ hơn tôi 5 tuổi
. Gọi theo tuổi : tôi chị, nó em.
Lúc còn chiến tranh, gia đình tôi tản cư về quê Nội ở giáp ranh
nhà Ngoại Hương. Do vậy chúng tôi đã quen biết nhau hồi còn thơ ấu. Qua người
lớn to nhỏ với nhau, tôi được biết: Trước kia, bà Trầm – mẹ Hương, hứa hôn
với ông Tân, chưa làm lễ cưới thì ông ấy tập kết ra Bắc. Mười mấy năm trời bặt
tăm bặt tích, bà Trầm ngỡ rằng ông Tân không còn hay đã lập gia đình với ai
ngoài ấy rồi. Mãi đến năm 1970, bà Trầm phải lòng ông bộ đội. Hai lần định làm
lễ tuyên hôn nhưng do “giặc” càn phải hoãn lại. Tuy chưa kết hôn nhưng hai
người “ăn ở” với nhau. Bà Trầm có thai chưa sinh con thì được tin ông bộ đội ấy
hy sinh. Bà Trầm bụng mang dạ chữa, chui rút vào trong buồng khóc hết nước mắt.
Khổ nỗi, ông Bá – em bà , không cảm thông tình cảnh của chị còn cay đắng đủ
điều !… Nhờ sự đùm bọc của mẹ già, bà Trầm sinh nở và tần tảo nuôi con.
Tôi còn nhớ như in: Khi Hương còn nằm nôi, mẹ Hương phải đi làm
đồng, em ở nhà với bà ngoại. Hết nằm ngữa đến nằm sấp trong cái lồng của bác
thợ mộc nhà bên tốt bụng đóng cho. Nằm ngữa trong lồng, em ngơ ngác nhìn những
miếng vải xanh, đỏ cột chùm treo đung đưa trước mắt. Ngày Hương khóc ré ít nhất
cũng ba, bốn lần. Em khóc không phải nhỏng nhẻo đèo bồng mà khóc báo hiệu ỉa
hoặc đái.
Cũng như lần nào, nghe Hương khóc, ngoại em chạy tới đều nói : “Cháu
ngoại của bà làm xấu nữa rồi”… Chỉ có những dịp đó trong ngày, Hương mới
được ngoại hoặc mẹ vỗ về, mới nhận được hơi ấm tình thương, mới được nghe những
lời âu yếm.
Tháng lụn, ngày qua, Hương biết ngồi, biết xổm đứng dậy rồi với
những bước đi chập chững trong ngôi nhà lá nền đất gồ ghề.
Hương mến ngoại ngang mến mẹ, cũng dễ hiểu : mẹ bận việc đồng
áng, chỉ cho sữa khi em đói lòng, còn ngoại luôn cạnh bên em, chăm sóc em từ
thuở nằm nôi.
Những năm (1973 – 1975) – giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến,
bom pháo vẫn đì đùng. Hàng ngày ngoại bảo em ngồi chơi với con mèo trước miệng
hầm tránh pháo.
Tiếng khóc báo đái hoặc ỉa của em và tiếng trách thương của bà
ngoại trước đây được thay bằng tiếng gọi to : “ngoại ơi !… cho cháu ra sau đái (hoặc ỉa)” của em và tiếng đáp :
“Ờ, xong vô ngay nghe cháu” của bà ngoại. Cái điệp khúc ấy đối với tôi là âm
điệu đầm ấm, thân quen.
Dạo ấy, mỗi khi rảnh tôi sang chơi với Hương. Những khi tôi bận
việc không sang được, Hương đứng bên kia rào há hốc cái miệng nhìn qua trông
thật dễ thương. Mỗi lần tôi sang, em mừng chẳng khác gì thấy mẹ đi làm đồng về.
Ngộ thật, con nhà nghèo, ăn uống kham khổ mà sao Hương không hề đau ốm, da thịt
dẻ chặt, má núng đồng tiền, mắt và môi bao giờ cũng ươn ướt. Ai thấy Hương cũng
thương, cũng nựng, nếu có lở nặng tay nó cũng bậm môi, cắn răng, trân mình chịu
chớ không hề khóc.
Có lần tôi chứng kiến cảnh : Hương phóc vào lòng mẹ, đôi mắt đỏ
hoe, ngữa mặt nhìn mẹ nói : “Thằng Chương khoe với con: cha tao mua bánh cho
tao nè, không cho mầy ăn đâu !.. Tức quá con nói lại: mai mốt cha tao về, mua
nhiều bánh tao cũng không cho mầy ăn đâu !..”. Nói đến đó Hương nhìn thẳng
vào mắt mẹ hỏi :
– Cha con là ai, hiện giờ ở đâu, sao không về thăm con, thăm mẹ,
thăm ngoại ?
Bà Trầm ôm chặt và úp mặt Hương vào lòng mình, môi mấp máy giây
lâu, cố giữ bình tĩnh nói :
– Cha con đi làm ăn xa để có nhiều tiền, mua nhiều quần áo đẹp
và thật nhiều bánh cho co…on ! .
Nghe mẹ nói thế, Hương hớn hở chớ nó có biết đâu cha nó đã ra đi
vĩnh viễn không về, mẹ nó đang nuốt khổ vào trong.
Từ khi vợ chồng ông Bá ra riêng, nhà chỉ còn ba người nương tựa
vào nhau, sống thuận thảo. Tối ngủ dồn chung một giường, Hương giành nằm giữa,
hai tay nó gát ngang cổ ngoại và mẹ, nói : “Con
làm nhưn”. Ngủ thì thôi, hễ thức nó tíu tít như con chim non.
Thế rồi, năm 1975 – Sau ngày miền Nam được “giải phóng”, ông Tân
bất ngờ xuất hiện. Bên cạnh đứa con đã lên năm, bà Trầm bối rối trước người yêu
cũ, chưa biết ăn làm sao nói làm sao với ông Tân, còn Hương cứ theo hỏi dồn: “Cha
con đó phải không mẹ ?”. Bà Trầm lúng túng, chẳng biết nói sao cho vừa,
cuối cùng bà nhè nhẹ gật đầu rồi bảo Hương vòng tay xin ông ấy cho gọi bằng
cha. Hương ngoan ngoãn vâng lời nhưng chỉ nhận được ở ông Tân cái nhìn lạnh
nhạt ! Ngay sau đó, Hương chạy đi khoe với bè bạn rằng cha em đã về.
Thương thay, bao nỗi mừng vui ngày một biến dần khi em biết đó
không phải là cha ruột của mình. Sự lạnh nhạt của ông Tân khiến cho Hương buồn
tủi, đeo bà ngoại và mẹ không hở.
Tình cờ, Hương nghe ông Tân nói với mẹ mình : “Nếu muốn trở
lại với tôi thì em hãy theo tôi lên Sài Gòn, để con Hương ở lại với bà ngoại
nó…”. Nghe vậy, Hương ứa nước mắt, luôn bám bà Trầm vì sợ mất mẹ.
Sau nhiều đêm trằn trọc, bà Trầm quyết định đi với ông Tân lên
Sài Gòn, gởi Hương lại cho bà ngoại. Tội nghiệp cho bà già, vì hạnh phúc của
con, ép lòng nhận nuôi Hương. Còn khờ dại, Hương biết nói và làm gì khi người
lớn đã quyết. Em chỉ còn cách đeo sát bà ngoại, vì sợ mất chỗ dựa cuối cùng ! .
Thời gian đầu, thỉnh thoảng bà Trầm có về thăm bà cụ và Hương,
nhưng khi có con với ông Tân, bà lơi dần rồi bặt luôn. Càng nghĩ càng thương
cho thân phận Hương : mẹ đã vậy, cha ruột không còn, bên nội còn có những ai và
ở đâu không biết, bên ngoại có ông cậu như người dưng nước lã, bà ngoại ngày
một già, như cây khô chờ ngày gãy đổ !…
Như thân cò lặn lội, ngoại Hương ráng nuôi em ăn học hết lớp
hai. Trước cảnh khó khăn của gia đình, được ngoại đồng ý, Hương nghỉ học đi bán
giấy số hồi mới tám tuổi. Ban đầu em bán trên bờ, sau đó xuống bắc. Đến nay
(1995), em đã hai mươi lăm tuổi đời và mười bảy năm hành nghề bán giấy số. Mười
bảy năm, tương ứng với 6.205 ngày và cũng chừng ấy xấp giấy số, với khoảng
đường dài không sao tính được, em Hương phải vất vả ngược xuôi mưu sinh.
Mùa đông năm 1988, bà ngoại mãn phần, Hương mất hẳn chỗ dựa. Cậu
Hương xem em như người ngoại tộc, nhà cửa, đất đai của bà ngoại để lại, ông ta
chiếm hết, lên liếp lập vườn. Từ ấy, Hương trở thành người vô gia cư, rày đây
mai đó, ăn nhờ ở đậu với cái nghề duy nhất : bán giấy số.
Hồi còn nhỏ, em cũng bán giành bán giựt với người ta nên bán
được khá. Bây giờ thì không thể như thế, vì em đã lớn, làm thế coi không được.
Em muốn đổi nghề nhưng đổi nghề gì chưa tính ra, đành phải trụ lại với cái nghề
không còn thích hợp với em ! Năm tháng gần đây Hương luôn giấu mặt trong tàng
nón lá, e thẹn chìa ra những tờ giấy số, nhỏ nhẹ mời khách. Người ta từ chối không
mua Hương ít sợ hơn khi bị người ta xúc phạm mình trước đông người. Đặc biệt,
Hương không dám mời nam thanh mua giấy số, sợ họ không mua còn chọc quê, thêm
khổ. Nhìn bạn gái trang lứa có danh phận, nhởn nha, Hương tủi cho thân phận
mình. Đôi khi, Hương muốn lẫn tránh chỗ đông người nhưng làm sao được khi mình
còn phải làm nghề bán giấy số !
Vì thương Hương, tôi gợi ý : Hương
nên đến cơ quan Thương Binh Xã Hội khai mình là con liệt sĩ để được hưởng chính
sách hoặc ít ra cũng xin được việc gì đó làm ổn định hơn ?.
Hương cúi mặt, lắc đầu nói: Hồi
còn sống, ngoại em nói hôn nhân giữa
cha mẹ cháu không chính thức”. Ông ấy tên gì , quê quán ở đâu… em còn
chưa biết nữa mà khai báo, xin xỏ nỗi gì ! Nói khơi khơi ai mà tin, mà
chấp nhận, có khi còn bị nạt nộ thêm tủi thân !…
– Hay là em lên Sài Gòn tìm mẹ, xem bà ấy có giúp được gì không
? - tôi nói.
– Việc ấy lại càng không nên ! – Hương vừa nói vừa lắc đầu.
– Vì sao ? Tôi hỏi vặn.
– Em không muốn gây khó, gây khổ thêm cho mẹ em.
– Mẹ con đùm bọc với nhau là chuyện thường tình… - tôi đốc vô.
– Tại chị chưa biết nên nói vậy. Mẹ em không về thăm ngoại và em
có lý do chớ không phải bà ấy chẳng thương chẳng nhớ…
– Cứ úp mở hoài !. Lý do gì cũng không thể bỏ mẹ, bỏ con ?!
Thôi được, với chị em không giấu, Hương kể: Sau hơn một năm khi
mẹ em lên Sài Gòn, bà ngoại có cho em biết: ông Tân chưa hẳn tin cha em đã
qua đời. Cứ sau mỗi lần mẹ em về thăm ngoại và em, ông ấy cay đắng, đánh đập,
chửi bới mẹ em thậm tệ. Ông cho rằng mẹ em “đồng sàng di mộng” gì đó và không
toàn tâm toàn ý lo việc gia đình .v,v… Biết vậy, ngoại khuyên mẹ em không nên
về nữa, phải nhẫn nhục để vá lại vết rách gia đình. Mẹ em khổ lắm, chẳng lẽ về
với đứa con nầy lại bỏ đứa con kia, đành ngậm đắng nuốt cay làm theo ý ngoại.
Chẳng biết hiện giờ mẹ em đã vá được tới đâu rồi !... Nói đến đó, Hương cúi
mặt lấy khăn lau nước mắt, chẳng biết em khóc cho mình hay cho mẹ em.
Kéo tay buộc tôi ngồi cạnh, Hương tâm sự thêm: Chị biết
không, từ khi ngoại em mất tới giờ, em mới thấm thía nỗi cô đơn. Nằm đêm em nghĩ,
dầu hôn nhân giữa cha mẹ em không chính thức, nhưng ông ấy vẫn chính thức là
cha của em ! Ước gì biết mộ cha em ở đâu, em sẽ đến đó tìm việc gì cũng
được để làm ăn, lấy mộ cha làm chỗ dựa cho mình. Và ước gì, có ai đó cho biết
ngày cha em mất, để hàng năm vào ngày ấy em mua cơm hay bánh trái cúng ông !…
Lâu nay nhờ có chị mà đời em bớt trống trãi cô đơn. Sau lễ cưới, chắc chị phải
về quê chồng, không làm nghề bán bánh mì dạo nữa. Chị đi, em ở lại một mình
đúng là không còn cái buồn nào hơn!…
Nay cũng gần hai năm, ngày tôi lấy chồng cũng là lúc tôi từ giả
nghề bán bánh mì. Bên chồng cho vợ chồng tôi cất nhà ở riêng, đời tôi coi như
được thay đổi, còn bạn tôi – em Hương, chẳng đổi thay gì !… Tôi đang như con
chim có tổ, tâm hồn thanh thản, còn Hương dường như lúc nào cũng nặng trĩu về
nỗi bất hạnh của mình. Thỉnh thoảng, tôi có đến thăm Hương, khi dưới bắc, lúc
trên đầu cầu. Ngoài hỏi thăm sức khỏe qua lại, tôi tìm chuyện vui kể Hương nghe
cho khuây khỏa. Nhưng những chuyện bờ môi ấy không sao giải được khối sầu đang
chế ngự trong tâm hồn em.
Từ lâu tôi cũng muốn làm một việc gì đó thiết thực hơn để giúp
Hương nhưng chưa có cách. Mới đây khi nghe tôi kể về cuộc đời của Hương, chồng
tôi buồn ra nước mắt, anh giục : “Rủ cô ấy về đây sống chung với tụi mình, coi
như em út trong nhà, có chi ăn nấy. Nuôi người giàu thì khó chớ nuôi người
nghèo lo gì ? Cô ấy có sức khỏe, hai chị em vừa lo cơm nước vừa mở quán cóc
trước cửa bán, còn tôi cải tạo lại miếng vườn, trồng cây chuyên canh là đủ sống
chớ có gì mà lo ? Khi thấy chỗ nào được mình móm ý, nếu nó chịu, mình đứng ra
gã cho nó có đôi có bạn thì ổn mọi bề ?”.
Thú thật, từ lâu tôi cũng nghĩ như vậy nhưng chưa dám thổ lộ với
chồng tôi, không ngờ hôm nay anh ấy nói ra điều tôi hằng mong muốn.
Sáng sớm hôm sau, tôi vội đến bến bắc, tìm kiếm khắp nơi mà
không thấy Hương. Hỏi tới hỏi lui, chi bán bánh phồng cho biết: “Hơn tháng
nay từ khi cấm mua bán dưới bắc, không thấy cô Hương xuất hiện nữa, có lẽ cô ấy
bỏ nghề về quê rồi”.
Cũng có thể như thế, ngay chiều hôm ấy, tôi về quê ngoại của
Hương để tìm em. Ông cậu của Hương cho biết : “Cách đây chừng hai muơi ngày,
Hương có về, nét mặt đầm đầm như ai ăn hết của không bằng, đảo tới đảo lui một
vòng, đốt nhang khấn ngoại rồi quày quả ra đi, chẳng nói chẳng rằng”…
Thân cò lạc lõng giữa hoàng hôn. Ảnh minh họa |
Đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa biết Hương đang ở đâu ? Điều
chắc chắn là nó đang rơi giữa dòng đời ! Dầu tốn bao nhiêu thời gian, chúng tôi
cũng quyết tìm cho được người con gái đáng thương ấy. -/-
Viết từ
Thành phố Mỹ Tho
T.T
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire