30/11/2017

THẤY GÌ TỪ PHIÊN TÒA XÉT XỬ NGUYỄN VĂN HÓA TẠI HÀ TĨNH?


Hương Khê





Vào ngày 27/11/2017 vừa qua, em  Nguyễn Văn Hóa đã bị tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 1 điều 88, bộ luật Hình sự(1).



Sau khi tin này được loan tải đồng loạt  trên các báo lề đảng, đặc biệt là trong các chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), đã gây nên làn sóng dư luận  phản đối kịch liệt bản án này, và vạch trần sự dối trá của nhà cầm quyền trong vụ án này. 





Thứ nhất là che dấu và đánh lạc hướng ngày xét xử.



Thông tin phiên toà xét xử Nguyễn Văn  Hoá đã được giấu kín và chỉ được công bố sau khi phiên xử kết thúc chóng vánh trong buổi sáng ngày 27/11/2017.

Để giấu kín vụ án này, Toà án tỉnh Hà Tĩnh đã lừa dối bằng cách, tại trang tin điện tử của Toà án Hà tĩnh cho biết vụ án Nguyễn Văn Hoá sẽ được xét xử vào ngày 28/11/2017, chứ không phải là 27/11/2017 như thực tế đã diễn ra.

Toà án Hà Tĩnh  đặt tên cho vụ án này là "Cố ý làm trái QĐ về QLKT gây HQ nghiêm trọng" (Cố ý làm trái Quy định về Quản lý Kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng). Chứng tỏ nhà cầm quyền rất lo sợ nếu thông tin ngày xử vụ án này bị lộ, nhân dân Hà Tĩnh sẽ kéo đến gây khó khăn cho nhà cầm quyền.



Thứ hai là đối xử vô nhân đạo.



Qua hình ảnh báo chí đăng cho thấy Nguyễn Văn Hóa phải đứng trong suốt quá trình xét xử chứ không có ghế ngồi, và bị còng tay trong suốt phiên tòa. Hành vi này  chứng tỏ đây là sự trả thù hèn hạ, vi phạm quyền con người ngay từ khi bắt đầu phiên tòa.                   




Theo LS Lê Công Định: “Bị cáo đứng trước tòa án cho đến khi có một bản án có hiệu lực pháp luật thì hoàn toàn vẫn là một người vô tội, xét về phương diện pháp lý. Cho nên việc còng tay dù là vì bất kỳ lý do gì đi nữa cũng là vi phạm các nguyên tắc tổ chức của phiên tòa.



Thứ ba là không có luật sư bào chữa.



Theo luật sư Lê Công Định: “Một phiên tòa mà không có luật sư là một phiên tòa què quặt. Ai cũng biết rằng Cơ quan an ninh Việt Nam không bao giờ muốn có luật sư tham gia các vụ án chính trị kiểu này. Bởi vì họ sợ luật sư sẽ thách thức những chứng cứ mà họ đưa ra. Bởi chúng ta biết những chứng cứ đó đa phần là ngụy tạo và được suy diễn hơn là dựa trên hồ sơ của vụ án, dựa trên bản chất sự việc và những hành vi của các bị cáo. Cho nên việc không có luật sư thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên”(2).



Vi phạm các nguyên tắc tổ chức của phiên tòa?



Báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải thông tin cho rằng Nguyễn Văn Hóa đã quay phim chụp hình, và viết bài về thảm họa môi trường biển và lũ lụt miền Trung là “tuyên truyền, xuyên tạc và phỉ báng chính quyền”. Đồng thời quy kết anh đã nhận tiền của các “cá nhân cực đoan và thế lực thù địch” để bịa đặt gây hoang mang trong quần chúng.



Ở đây, nhà cầm quyền Việt Nam muốn nói về  hợp đồng cộng tác viên giữa Nguyễn Văn Hóa với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA Vietnamese Service).

Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, sống tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Là một thành viên trẻ tích cực, năng động  trong các hoạt cộng đồng  và xã hội.

Từ sự kiện Formosa xả thải trực tiếp ra biển gây nên thảm họa cá chết hàng loạt trên các tỉnh miền Trung, Nguyễn Văn Hóa đã có nhiều đóng góp để đưa sự thật ra ánh sáng.

Nguyễn Văn Hóa  là người đầu tiên sử dụng thiết bị bay (drone) để ghi hình lại cuộc biểu tình của hơn 20 ngàn người trước cổng công ty Formosa vào tháng 10 năm 2016.



Tại sao nhà cầm quyền căm thù Nguyễn Văn Hóa đến cực độ như thế?



Như chúng ta đều biết, vụ Formosa xả thải gây thảm họa cực kỳ nghiêm trọng tại vùng  biển các tỉnh  miền Trung vào vào đầu tháng 4 năm 2016, đã thải ra biển gồm nhiều kim loại nặng cực độc như  cyanur, phenol… làm chết hàng chục ngàn tấn hải sản các loại,  tấp vào dải bờ biển hơn 200 kilomet thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên- Huế.

Thảm họa do Formosa gây ra tại đây  là  thảm họa lớn nhất trong lịch sử nước ta, làm chấn động dư luận trong nước và thế giới. Làm cho hàng triệu  người dân 4 tỉnh  lâm vào cảnh lao đao vì biển chết, cá chết, không có công ăn việc làm. Kéo theo đó là gây hệ lụy hết sức nặng nề cho những người hành nghề dịch vụ đi theo nghề biển, là các nhà hàng khách sạn và các bãi tắm phục vụ khách du lịch  vắng khách, chợ búa coi như xóa sổ, người lao động tha phương cầu thực khắp bốn phương thiên hạ, trẻ em phải nghỉ học vì gia đình không còn phương kế sinh nhai…

Trước thực trạng đau lòng đó, lẽ ra nhà cầm quyền phải có trách nhiệm mở  cuộc điều tra đầy đủ, toàn diện và khách quan về những thiệt hại do vụ Formosa xả thải gây ra. Thế nhưng, họ đã không làm cái việc họ phải làm này, mà ngược lại, họ đã “đi đêm” với kẻ gây ra tội ác, bằng cách “bắt tay dưới gầm bàn”, đưa ra con số bồi thường thiệt hại là 500 triệu USD. Không biết họ dựa vào đâu và trên cơ sở pháp lý nào để đưa ra một con số vô hồn như vậy?

 So sánh với các vụ tràn dầu gây ô nhiễm biển trên thế giới, lẽ ra con số Formosa bồi thường cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung trong thảm họa khủng khiếp này phải là nhiều chục tỷ USĐ. Đó là chưa nói đến phải mất nhiều chục năm sau, may ra biển mới sạch. Vì phải mất một thời gian rất lâu, nhờ sóng biển nên mới có thể pha loãng các chất độc hại hòa tan, còn những trầm tích thì lắng xuống đáy biển chứ không thể đi đâu được. Do đó độc hại vẫn còn tồn tại lâu dài trong biển.

Bên cạnh đó, quá trình bồi thường cho ngư dân lại hết sức qua loa và  tùy tiện. Nhiều gia đình bị thiệt hại, được bồi thường gạo mốc gạo hẩm không thể ăn được. Ngược lại, nhiều gia đình cán bộ không bị thiệt hại lại được bồi thường nhiều. Họ chỉ bồi thường lương thực cho người dân ăn trong trong 6 tháng, và gia đình nhiều nhất cũng chỉ được 4 triệu đồng.  Sự bất công này đã gây nên những cuộc biểu tình rầm rộ nơi đây. Ngư dân Quảng Bình và Hà Tĩnh  đã dùng  lưới đánh cá ra đứng quốc lộ 1A, để giăng lưới, chặn xe lưu thông trên đường, nhằm tỏ thái độ bất bình đến nhà cầm quyền trong việc bồi thường.

Nhưng đỉnh điểm là cuộc biểu tình của hơn 20 ngàn người dân tại Kỳ Anh vào ngày 2/10/2016. Người dân đã đã bất ngờ kéo đến  trước cổng tập đoàn Formosa biểu tình, nhằm mục đích yêu cầu Formosa dừng ngay việc xả thải ra sông Quyền, yêu cầu Formosa phải đền bù thiệt hại thỏa đáng  cho người dân và Formosa cút khỏi Việt Nam.

Đây là cuộc biểu tình thành công nhất về nhiều mặt  trong tất cả các cuộc biểu tình tại 4 tỉnh miền Trung trong vụ Formosa, làm cho nhà cầm quyền hết sức bối rối và hoảng loạn.



Thứ nhất là yếu tố bất ngờ.



Nhà cầm quyền bị choáng váng trước cuộc biểu tình này là vì:

Từ trước đến nay, họ đã cài cắm rất nhiều tên chỉ điểm trong các giáo họ giáo xứ, để đánh hơi, thăm dò. Khi nắm bắt được thông tin có biểu tình là họ tập trung các loại lực lượng, và dùng tất cả mọi thủ đoạn, kể cả vũ lực để dập tắt ngay từ đầu, không để biểu tình lây lan.

Riêng cuộc biểu tình này, các nhà tổ chức hết sức bí mật. Chỉ đến khi thánh lễ Chúa Nhật ngày 02/10/2016 xong, các giáo xứ  mới nhận được  thông báo việc có biểu tình. Thế là người dân tấp nấp nập hưởng ứng,  kéo nhau từ các nhà thờ đi biểu tình luôn, sau đó rất nhiều  lương dân cùng tham gia, kéo đi biểu tình. 

Thứ hai là về số lượng.



Cuộc biểu tình ngày 02/10/2016, theo ước tính, có số người tham gia khoảng trên 20 ngàn người. Với số người khổng lồ như vậy mà chỉ là kết quả đưa ra từ một khẩu lệnh trong chốc lát, đã làm cho nhà cầm quyền trở tay không kịp. Mặc dù sau đó nhà cầm quyền huy động hàng mấy sư đoàn từ Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Quân khu 5, và lực lượng công an của 3 tỉnh là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, cùng kéo  về đàn áp. Nhưng khi những đoàn xe này cuối  buổi chiều mới kéo đến, thì người dân tham gia biểu tình đã giải tán từ lúc  giữa trưa. Thế là họ bị hố.



Thứ ba là công tác  tổ chức.



Phải nói là công tác  tổ chức của cuộc biểu tình này hết sức chặt chẽ. Lúc đi trên đường, họ đi theo hàng dọc và chấp hành tốt luật giao thông đường bộ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu phản đối Formosa và bảo vệ môi trường. Lúc tập trung xung quanh nhà máy Formosa thì có một số người quá khích nhảy lên bờ rào. Lúc này Linh mục Trần Đình Lai dùng loa lớn kêu gọi những người này không được quá khích, không được nhảy vào bên trong nhà máy Formosa. Ông nói đại ý, nếu bà con nhảy vào bên trong nhà máy, kẻ xấu sẽ thừa cơ đập phá một số máy móc thiết bị, và họ đổ cho là do những người biểu tình đập phá, như vậy chúng ta là những người biểu tình ôn hòa, trở thành kẻ gây bạo loạn, tạo cơ hội cho chính quyền có cớ để đàn áp bắt bớ.              



Khi có một số phần tử xấu trà trộn vào đoàn người biểu tình, dùng gạch đá giấu sẵn trong người, ném vào lực lượng chức năng nhằm gây bạo loạn và tạo cớ cho chính quyền thẳng tay đàn áp, thì LM Trần Đình Lai nói lớn trên loa rằng, bà con ta sau khi đi dự thánh lễ, từ trong nhà thờ đi ra thì không ai có thể giấu gạch đá trong người để đi lễ. Nay những kẻ ném gạch đá là những kẻ xấu trà trộn vào, yêu cầu bà con hết sức cảnh giác và vạch mặt những người này.

Đặc biệt là ông LM này rất khôn khéo khi ra lệnh: Ai là những người biểu tình ôn hòa thì hãy ngồi xuống.  Thế là tất cả đồng loạt ngồi xuống. Ai không ngồi xuống chứng tỏ là kẻ phá hoai trà trộn. Mà đã ngồi xuống rồi thì không thể đi lại lộn xộn và dùng gạch đá ném vào lực lượng chức năng được.



Vì quá khiếp sợ lực lượng biểu tình này, một số công an, quân đội đã phải cởi bỏ quân phục và tháo chạy thục mạng. Thật nhục nhã cho cái gọi là quân đội “bách chiến bách thắng”, nay không ai đánh mà đã khiếp sợ bạc nhược đến thế.



Chính tại cuộc biểu tình lịch sử này, Nguyễn Văn Hóa là người đầu tiên sử dụng thiết bị bay (drone) để ghi hình, và truyền đi khắp cả  nước và thế giới biết về cuộc biểu tình này. Sức lan tỏa của những clíp và những hình ảnh về cuộc biểu tình này như những đợt sóng thần, làm chấn động dư luận trong nước và thế giới. 



Trong số hàng trăm bức hình về ngày biểu tình này, có hai bức hình đặc sắc nhất, gây ấn tượng mạnh nhất. Đó là hình công an, quân đội cửi bỏ sắc phục và tháo chạy.






Bức hình thứ hai là một nữ tu trẻ, đứng cạnh các đồng chí cảnh sát cơ động, tay cầm biểu ngữ với ngón tay giữa chỉ lên hàng chữ : “ HỦY HOẠI MÔI TRƯỜNG LÀ MỘT TỘI ÁC, VÌ CÔNG LÝ, HÃY ĐỨNG LÊN, ĐỪNG SỢ”.            



Chính vì quá cay cú về clip và những hình ảnh này mà Nguyễn Văn Hóa đã bị nhà cầm quyền trả thù một cách hèn hạ qua bản án vô nhân và vô đạo nói trên. Nhà cầm quyền đã thay đổi tội danh đối với Nguyễn Văn Hóa, từ điều 258 sang điều 88 là “ tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, để kết tội Hóa nặng hơn.



Có người trách Nguyễn Văn Hóa đã quá non nớt và ngây thơ khi  tin vào  lời hứa của CA Hà Tĩnh là nhận tội  và từ chối luật sư  thì sẽ được xử nhẹ. 

Về vấn đề này, có hai luồng ý kiến.



Ý kiến thứ nhất là, CA Việt Nam là bậc thầy trong việc cắt ghép xào xáo các nội dung bản khai, kể cá lời nói và chữ viết. Như LS Lê Công Định trước đây, phía CA cũng tung ra clip nói LS LCĐ nhận tội. Sau này khi LS LCĐ ra tù trở về, mới biết đây hoàn toàn dối trá. Hóa ra LS LCĐ cũng là nạn nhân của việc cắt ghép nhằm lừa dối dư luận.



Ý kiến thứ hai, nếu như Nguyễn Văn Hóa có bị lừa, thì cũng là điều dễ hiểu. Mới 22 tuổi đầu,  “khôn chi trẻ, khỏe chi già”. Hơn nữa, cả dân tộc này hơn 70 năm nay đã bị ĐCSVN lừa dối, chứ không phải một ít người hay một ít năm.

Trong số những nạn nhân bị ĐCSVN lừa dối này có đủ thành phần. Từ trí thức cho đến thường dân, từ văn nghệ sĩ cho đến anh công nhân. Có người sau khi biết mình bị lừa, đã sớm tỉnh ngộ, như  nhóm Nhân văn – Giai phẩm gồm toàn văn nghệ sĩ ưu tú của dân tộc đi kháng chiến 9 năm trở về Hà Nội. Khi nhận ra mình bị đảng kìm kẹp và lừa dối,  đã quay ra chống Đảng quyết liệt, là Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt.

Những người nhận biết  muộn hơn nhưng rất quyết liệt chống đảng  như Trần Độ, Trần Xuân Bách, Lê Hiểu Đằng, GS Nguyễn Đình Cống, GS Tương Lai, TS Phạm Chí Dũng, Đại tá nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo..vv.

Có những người biết mắc dại rồi, nén đau cho đến cuối đời mới trút căm hờn về những lỗi lầm của mình lên những trang giấy, như nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Chế Lan Viên..vv.



Suy cho cùng, cả một dân tộc vĩ đại như dân tộc Nga, cũng đã bị lừa hơn 70 năm còn gì. Do đó, việc Nguyễn Văn Hóa có bị lừa lần này, cũng là một bài học quý giá cho em ấy. Vì em còn quá trẻ, tương lai còn dài. Có những bài học phải viết bằng nước mắt và bằng máu, thì mới sâu sắc và quý giá.



Tóm lại, qua vụ án Nguyễn Văn Hóa và bản án hoang dại 7 năm tù đối với một người thanh niên yêu nước, chỉ nói lên sự thật, nhằm vạch trần những thực tại về thảm họa do Formosa gây ra trên quê hương mình, cho nhân dân mình, nhưng bị quy kết cho những cái tội mơ hồ mang tính quy chụp, cho thấy chế độ độc tài độc đảng này đang trong thời kỳ hoảng loạn, và một nền tư pháp mọi rợ, chỉ biết nhắm mặt  phục tùng mệnh lệnh của ông chủ Bắc Kinh, khi kết tội rắt nặng những ai dám đụng đến tên tội đố Formosa.



Nhà cầm quyền kết tội những nhà đấu tranh ôn hòa, dám đứng lên bảo vệ môi trường, dám động đến Formosa, như Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và nay là Nguyễn Văn Hóa với những bản án rất nặng, để chứng tỏ lòng trung thành của những kẻ bưng bô đối với ông chủ Bắc Kinh. Để cầu cạnh một địa vị nào đó khi đất nước VN trở thành một tỉnh của Vương triều ngoại bang.



Một Nguyễn Văn Hóa hôm nay vào tù, sẽ có muôn vàn Nguyễn Văn Hóa tiếp bước đứng lên, quyết đạp đổ chế độ mọi rợ của những kẻ chư hầu thú tính hiện này.





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire