Chắc chúng ta vẫn chưa quên sự việc diễn ra trước đó không bao lâu, ca khúc “Con đường xưa em đi” của cố nhạc sĩ Châu Kỳ bị cấm lưu hành vì có người (tuy cũng mang danh nhạc sĩ hẳn hoi) bảo rằng:
Ca khúc này “có vấn đề về mặt tư tưởng” nên nếu cho phổ biến ca khúc này “sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng”.
Thậm chí có người còn cật vấn rằng: “con đường xưa em đi”, “chiến trường anh bước đi là con đường nào, chiến trường nào?”.
Ảnh minh họa đề thi Ngữ văn khai thác đề tài giải trí, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn. |
Ảnh minh họa đề thi "lạc trôi" chụp màn hình phóng sự của VTV.vn. |
(GDVN) - Hiện nay có
những vấn đề liên quan đến dân tộc và đất nước rất đáng lo, đáng bàn nhưng lại
không có hoặc rất ít người chịu bàn và dám bàn;
1. Sơn Tùng, Chi Pu cho vào; Nam Cao, Chí Phèo loại ra
Những ngày gần đây, liên quan đến vấn đề giáo dục nói chung và môn Văn trong nhà trường nói riêng có hai sự kiện làm tôi cứ suy nghĩ mãi.
Một là, việc anh Nguyễn Sóng Hiền - một nghiên cứu sinh ở Australia - đề xuất nên loại truyện ngắn Chí Phèo ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông vì theo anh nếu học sinh học tác phẩm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của các em về sau.
Hai là, việc một số trường phổ thông trên cả nước khi ra đề thi môn Văn theo hướng “mở” đã đưa những sự kiện liên quan đến một số nhân vật trong làng giải trí hiện nay như Sơn Tùng, Chi Pu…cho các em học sinh trình bày quan điểm và nhận thức của mình.
Ở góc nhìn văn hóa, đặt hai sự kiện gần nhau, tôi thấy có gì đó rất không ổn trong tư duy và nhận thức của những người tạo ra hai sự việc trên.
Hãy thử đặt câu hỏi tại sao cùng liên quan đến vai trò giáo dục của môn Văn trong nhà trường phổ thông, nhưng có người đòi loại bỏ truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra vì sợ ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách của các em nếu tiếp xúc quá sớm với nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm này;
Còn người thì không ngần ngại đưa vào những cá nhân đang hoạt động trong môi trường giải trí vốn rất phức tạp và đầy thị phi mà không sợ những chuyện này sẽ tác động rất nhanh chóng đến các em học sinh?
Nói khác đi, nếu phải nói về cái nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến tâm sinh lý lứa tuổi của các em học sinh thì cái nguy cơ của việc “tiếp xúc” với các nhân vật như Sơn Tùng, Chi Pu… sẽ lớn hơn nhiều so với việc “tiếp xúc” với hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.
Bởi không phải thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng một bộ phận giới trẻ vị thành niên do chưa có những trải nghiệm cần thiết nên đã có những hành vi thái quá như khóc lóc, vật vã, hôn lên ghế thần tượng vốn là những nhân vật trong làng giải trí đó sao?
Thậm chí, đã có những bạn trẻ còn lên tiếng mắng chửi cha mẹ, dọa tự tử khi cha mẹ không cho tiền để đi xem thần tượng mình biểu diễn…
Có lẽ nào, cùng chung một mục đích giáo dục nhưng Sơn Tùng, Chi Pu... thì thoải mái đưa vào, còn Nam Cao, Chí Phèo thì đòi loại ra?
2. Không thể không bàn
Khi anh Sóng Hiền đề xuất loại bỏ truyện ngắn Chí Phèo ra khỏi chương trình môn văn lớp 11, gần như ngay lập tức Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới” có phát biểu rằng “đó là ý kiến non nớt, thô thiển, không đáng bàn”.
Cá nhân tôi, sau khi đọc toàn bộ bài viết của anh Nguyễn Sóng Hiền cũng rất đồng tình với nhận định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nhưng chỉ là đồng tình một nửa.
Vì theo tôi, ý kiến của anh Hiền tuy là “non nớt và thô thiển” thật, nhưng nó vẫn là ý kiến rất đáng bàn.
Thậm chí phải bàn cho ra lẽ, bàn cho tới nơi tới chốn vì dù muốn dù không đây còn là một sự thật đang tồn tại trong xã hội ta hiện nay.
Bởi tôi tin không chỉ mỗi anh Hiền mà còn nhiều người khác nữa cũng có suy nghĩ và nhận thức tương tự.
Chắc chúng ta vẫn chưa quên sự việc diễn ra trước đó không bao lâu, ca khúc “Con đường xưa em đi” của cố nhạc sĩ Châu Kỳ bị cấm lưu hành vì có người (tuy cũng mang danh nhạc sĩ hẳn hoi) bảo rằng:
Ca khúc này “có vấn đề về mặt tư tưởng” nên nếu cho phổ biến ca khúc này “sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng”.
Thậm chí có người còn cật vấn rằng: “con đường xưa em đi”, “chiến trường anh bước đi là con đường nào, chiến trường nào?”.
Đây là một cách tiếp cận tác phẩm nghệ thuật cũng thô thiển và non nớt không khác gì cách hiểu tác phẩm Chí Phèo mà anh Sóng Hiền đề xuất loại ra.
Tương tự như vậy, việc một số trường phổ thông đưa vào đề thi môn Văn các nhân vật là các các sĩ, diễn viên trong làng giải trí hiện nay cũng là một sự thật cần được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo. Vì sao như vậy?
Có thể thấy, khi lý giải về việc đưa các ca sĩ diễn viên như Sơn Tùng, Chi Pu vào đề thi môn Văn, một số thầy cô giáo cho rằng đề thi như thế sẽ mang tính “thời sự”, “thực tế” nên sẽ gần gũi với các em học sinh hơn.
Đặc biệt là qua việc ra đề như thế sẽ giúp rèn luyện những kỹ năng, phẩm chất; biết vận dụng những kiến thức đã học để xử lý những vấn đề trong đời sống…
Trên bình diện lý thuyết, lập luận trên thoạt mới nghe có vẻ rất hợp lý.
Nhưng nếu ngẫm kỹ lại sẽ thấy không hẳn là như vậy.
Hình như các thầy cô giáo đã quá chủ quan, vì thực ra việc hình thành kỹ năng hay phẩm chất cho các em học sinh là vấn đề không hề đơn giản.
Kỹ năng và phẩm chất của một cá nhân chỉ có thể hình thành và phát triển trong cả quá trình giáo dục (cả nhà trường lẫn gia đình và xã hội) rất lâu dài và nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Thế nên, nếu chỉ qua một hai đề thi bàn về một vấn đề mang tính thời sự nào đó của xã hội thì chưa nói lên được điều gì cả.
Và trong điều kiện và môi trường dạy học của chúng ta hiện nay, tôi e là tất cả sự trình bày của các em cũng chỉ là những lời phát biểu suông để các thầy cô cho điểm mà thôi.
Điều quan trọng là khi bước ra xã hội các em có thực hành, có sống đúng với những gì các em đã nói trong bài thi của mình hay không?
Giáo dục gắn với thực tế cuộc sống là đúng. Nhưng nhất định phải có sự tìm hiểu và chọn lọc kỹ lưỡng, thận trọng những vấn đề, những sự kiện trong đời sống thực tế.
Không thể tùy tiện, cái gì của thực tế cũng mang vô. Như thế có khi sẽ trở thành lợi bất cập hại.
Đến đây, có thể nói một khi Chí Phèo – một tác phẩm (có tính ổn định về văn hóa) của một nhà văn được công nhận về tài năng và vị trí trong nền văn học nước nhà lại bị đề nghị loại ra;
Còn Sơn Tùng, Chi Pu...- những cá nhân cho đến thời điểm này chẳng biết như thế nào - lại được ồ ạt đưa vào, có người còn cho đó là sự “sáng tạo” thì đúng là một nghịch lý đáng buồn.
Ở góc nhìn văn hóa, phải chăng đây cũng là một trong những chỉ dấu cho thấy đang có sự nhầm lẫn tai hại về những giá trị của cuộc sống; một sự “bất thường” trong nhận thức của con người trong xã hội hôm nay?
Hay nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt là có khi nào “chúng ta đang chểnh mảng trong việc giáo dục đạo đức cho nên các hiện tượng vô đạo đức đã lẻn vào đời sống của nhà trường và đời sống của xã hội" lúc nào không hay?
Và đây là gì nếu không phải là sự “lạc đường” của giáo dục như cách nói của Giáo sư Hoàng Tụy năm nào?
3. Vì đâu nên nỗi?
Giáo dục là văn hóa và văn hóa cũng chính là giáo dục.
Người làm giáo dục (trực tiếp và gián tiếp) nói cho cùng là những người đang góp phần vào việc kiến tạo những giá trị văn hóa cho dân tộc và đất nước trong tương lai và ngược lại.
Thế nên, thất bại của giáo dục cũng chính là sự thất bại của văn hóa.
Trong cái nhìn như vậy, phải chăng giờ đây do giáo dục nước nhà đang bị “lạc đường” nên tất yếu nó cũng biểu hiện ra bên ngoài cho chúng ta thấy những giá trị văn hóa của dân tộc cũng đang bị... “lạc trôi” theo?!
Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân của sự “lạc đường” và “lạc trôi” này là do đâu? Về sâu xa, theo tôi là có hai nguyên nhân căn bản sau:
Thứ nhất, vì những nguyên nhân khách quan của lịch sử, đầu thế kỷ 20 đến 1975 dân tộc và đất nước ta bị chìm đắm trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để thống nhất đất nước.
Hậu quả của các cuộc chiến tranh đã làm cho đất nước và xã hội bị “xáo trộn” đưa đến sự “đứt gãy văn hóa” và đến hôm nay (theo như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa) thì chúng ta đang bị “khủng hoảng” trầm trọng về những giá trị.
Biểu hiện rõ nhất và cụ thể nhất của sự khủng hoảng này là hiện nay dân tộc và đất nước đang trong thời kỳ “thiếu vắng những nhà văn hóa lớn” – những người bằng trí tuệ, tài năng và đức độ của mình tạo ra sự ảnh hưởng từ đó định hướng dẫn dắt dân tộc đặc biệt là thế hệ trẻ trong xu hướng hội nhập với bạn bè quốc tế.
Thứ hai, xã hội chúng ta đã và đang có sự nhầm lẫn rất tai hại trong vấn đề lựa chọn những cá nhân, những con người cụ thể để giao trọng trách điều hành và quản lý nền văn hóa và giáo dục của cả dân tộc trong điều kiện và tình hình mới.
Nói như nhà văn Hồ Anh Thái là “tất cả đều bắt đầu từ lối tư duy ở tầm cơ chế”.
Lẽ ra những người được giao trọng trách này phải là được lựa chọn cẩn trọng và kỹ lưỡng. Thế nhưng, đáng tiếc thay trên thực tế không thiếu trường hợp những người “non yếu, không làm được việc thì cho phụ trách văn hóa.”
Nghĩa là những chủ trương, quyết sách lớn và quan trọng về văn hóa và giáo dục của cả dân tộc có khi lại trao cho những kẻ vừa không có năng lực vừa thiếu thiện tâm đảm trách.
Ngược lại, những những người có trí tuệ, có năng lực, tâm huyết và tử tế lại bị gạt ra “bên lề”, lâu dần làm cho họ chán nản và không thèm lên tiếng (vì nói hoài chẳng ai nghe).
Nói cách khác, đây chính là sự “khủng hoảng” và rối loạn về văn hóa giáo dục ngay từ phía “thượng tầng”. Mà một khi “thượng tầng văn hóa” đã rối thì tất yếu hạ tầng cũng sẽ rối theo.
4. Thay lời kết
Quan sát những gì diễn ra trong đời sống xã hội thời gian gần đây không khó để chúng ta nhận ra một nghịch lý.
Đó là, hiện nay có những vấn đề liên quan đến dân tộc và đất nước rất đáng lo, đáng bàn nhưng lại không có hoặc rất ít người chịu bàn và dám bàn;
Ngược lại có những chuyện vốn rất tầm phào, không đâu thì cả xã hội lại ồn ào, náo nhiệt...thậm chí tranh cãi triền miên.
Theo tôi, đây chính là biểu hiện cụ thể nhất cho thấy sự lệch lạc trong tư duy và nhận thức của con người trước những vấn đề của dân tộc và đất nước.
Đồng thời cũng là một sự thật - đã đến lúc nên được dũng cảm nhìn nhận và tìm cách hóa giải chứ không nên lảng tránh.
Bên cạnh đó, thời gian qua chúng ta cũng thường hay nghe nói về những mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
Đặc biệt là những mục tiêu về kinh tế thông qua những chỉ số tăng trưởng nhằm nâng mức thu nhập bình quân, nâng cao đời sống vật chất cho người dân...
Tuy vậy, có vẻ như nhiều trong khi bàn về những mục tiêu kinh tế trên đã quên mất một điều, một vấn đề rất quan trọng mà Giáo sư Hoàng Tụy đã từng nói là:
Chúng ta sẽ “không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi. Người ta lý giải chuyện đó là sự lệch pha giữa văn hóa và kinh tế.”
Đến đây, có lẽ không thể không đặt ra một câu hỏi, thế thì “trách nhiệm văn hóa” này sẽ thuộc về ai? Làm sao để chấm dứt sự “lệch pha” để xã hội và đất nước Việt Nam phát triển bền vững ổn định trong tương lai?
Câu trả lời của tôi là trách nhiệm này thuộc về tất cả chúng ta vì nói cho cùng không một ai trong chúng ta vô can trong chuyện này.
Nguồn tham khảo:
1. “Đề thi ngày càng thực tế hơn: Đưa Chi Pu vào đề thi, có sao?” Xem tại:
https://thanhnien.vn/giao-duc/de-thi-ngay-cang-thuc-te-hon-dua-chi-pu-vao-de-thi-co-sao-910145.html
2. “Sốc: Cô gái nguyền rủa cha mẹ vì không cho tiền xem Sơn Tùng biểu diễn”. Xem tại:
https://www.tienphong.vn/gioi-tre/soc-co-gai-nguyen-rua-cha-me-vi-khong-cho-tien-xem-son-tung-bieu-dien-1195937.tpo
3. “Chuyện những ca khúc gây ồn ào”. Xem tại:
https://www.tienphong.vn/van-nghe/chuyen-nhung-ca-khuc-gay-on-ao-1134351.tpo
4. “Sứ giả văn hóa”. Xem tại:
https://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/su-gia-van-hoa
5. “Thời vắng những nhà văn hóa lớn?” Xem tại:
http://www.thesaigontimes.vn/47062/Thoi-vang-nhung-nha-van-hoa-lon.html
6. “Không có gì tử tế trên nền văn hóa kém”. Xem tại:
http://www.phunutoday.vn/nguyen-tran-batkhong-co-gi-tu-te-tren-nen-van-hoa-kem-d15302.html
Nguyễn Trọng Bình
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire