Từ Thức
Ông Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc một viếng thăm gần như lén lút ở Pháp. Như
thông lệ, những ký kết thương mại giữa một nước dân chủ với một nước độc tài chỉ
là những buổi ký kết giao kèo kín đáo. Cả hai đều ngại phải trả lời dư luận về
vấn đề nhân quyền, về chiến dịch đàn áp đối lập, các bloggers tàn bạo nhất ở Việt
Nam từ khi ông Trọng nắm bộ máy Đảng, nghĩa là nắm toàn quyền ở Việt Nam.
BANG GIAO THỰC DỤNG
Việt Nam muốn bắt tay với Pháp, vì đang gặp khó khăn với Đức từ vụ bắt cóc
Trịnh Xuân Thanh. Đức và Pháp là hai quốc gia rường cột của Liên hiệp Âu Châu. Qua ngả Pháp, Cộng sản Việt Nam, càng ngày
càng cô lập, muốn thổi nóng lại mối bang giao với Liên hiệp Âu Châu.
Emmanuel Macron, theo chủ nghĩa chính trị thực tiễn, muốn nhân cơ hội, nhẩy vào thị trường Việt Nam, chiếm chỗ của Đức.
Cho tới nay, Đức vẫn là quốc gia có đối tác thương mại với Việt Nam lớn nhất
ở Âu Châu, với trên 9 tỷ Euros ( 10 tỷ
dollars ), năm 2016. Pháp chỉ đứng hàng thứ 16 trong số các quốc gia
trao đổi thương mại với VN .
Macron nói nước Pháp phải có mặt nhiều
hơn ở Việt Nam, một thị trường gần 100 triệu người, hiện nay chỉ thực hiện với
Pháp 1% trên tổng số trao đổi thương mại quốc tế. Cán cân thương mại nghiêng hẳn
về phía VN : 4 tỷ rưỡi dollars xuất cảng so với 1 tỷ rưỡi nhập cảng.
Trong mục tiêu đó, Macron đã đạt được những thắng lợi đầu tiên. Trong cuộc
thăm viếng của Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết một số thoả ước thương mại quan trọng. Các công ty Pháp Bouygues, EDF, Safran sẽ thực hiện dự án xe điện ngầm ở
thành phố, nhà nhiệt điện 2000 mégawatts
ở Sơn Mỹ, trang bị kỹ thuật bảo trì hàng không và cung cấp 24 máy
bay .
THAM VỌNG VĂN HÓA
Macron cho hay sẽ viếng thăm VN trong năm 2019. Đặt chân trở lại VN là cơ hội cho Pháp gây dựng lại ảnh hưởng trong vùng, bị
sa sút từ trên một nửa thế kỷ. Không phải chỉ trên địa hạt chính trị, kinh tế,
nhưng cả trên địa hạt văn hóa.
Tham vọng của Macron là nới rộng vùng nói tiếng Pháp ( francophonie ), làm
sống lại ngôn ngữ Pháp, văn hóa Pháp đã bị quên lãng ở thuộc địa cũ. Macron nói
sẽ xây dựng một Maison de France ( Ngôi nhà Pháp ) ở VN, tăng cường trao đổi văn hóa, giáo dục, du lịch giữa hai nước.
Trong bối cảnh đó, nhân quyền trở thành thứ yếu ở một xứ vẫn tự hào là cha
đẻ của nhân quyền.
Nguyễn Phú Trọng tuyên bố hai bên ‘’sẽ tôn trọng sự khác biệt về thể chế và
nguyên tắc không can thiệp tới nội bộ của nước khác’’. Elysée ( Dinh Tổng Thống Pháp ) nói tự do ngôn luận, vấn đề các
bloggers đã được đề cập tới trong cuộc gặp gỡ với Nguyễn Phú Trọng,
và tin rằng việc cộng tác , giúp đỡ Việt Nam cải thiện các cơ sở pháp lý sẽ có ảnh
hưởng tốt tới tự do ngôn luận, nhân quyền.
Theo Reuters, một cách chính thức, Pháp nói Việt nam đã có tiến bộ về nhân
quyền, nhưng trong hành lang, Elysée nhìn nhận vấn đề
nhân quyền là một ưu tư và ‘’ hiện
có sự sa sút trong tình trạng nhân quyền ở VN, nhưng việc hợp tác trên phương diện pháp lý rất quan trọng,
để tạo cơ hội đề cập và cải thiện vấn đề
này ’’
Lối nói nước đôi của Macron phản ảnh
sự lung túng của Pháp.
Một mặt không muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm
hoi, do tình thế cô lập của VN, trục trặc ngoại giao Đức-Việt,
để gây lại ảnh hưởng Pháp ở Á Châu, sau khi đã tăng cường bang giao với Ấn Độ.
Một mặt hiểu rằng muốn đóng vai leader ở Âu Châu, lợi dụng cơ hội bà Merkel
bị khó khăn vì chính trị nội bộ ở Đức, không thể phủi tay về vấn đề nhân quyền.
Quốc hội Âu Châu, tháng 12 vừa qua, đã thông qua một nghị quyết đòi trả tự
do cho các ký giả và những người tranh đấu
cho nhân quyền đang bị giam giữ. Một số dân biểu Âu Châu kêu gọi Liên Hiệp Âu
Châu đình chỉ việc phê chuẩn thoả ước giao
thương giữa Việt Nam và Âu Châu, dự tính trong năm nay , vì những vi phạm
nhân quyền càng ngày càng trắng trợn ở VN
Khi Nguyễn Phú Trọng đặt chân tới Paris, người Pháp gốc Việt đã biểu tình
phản đối.
Ba tổ chức nhân quyền ( 1 ) đã kêu gọi
chính phủ Pháp đừng gia tăng hợp tác với một quốc gia vi phạm trắng trợn nhân
quyền . Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới ( RSF ) đòi chính phủ đặt thẳng vấn đề tự do ngôn luận ở VN.
RSF tố cáo chính sách đàn áp dã man những người chống đối, những bloggers, từ khi Nguyễn Phú Trọng nắm quyền. Các tổ chức
Human Rights Watch, Amnesty International cho hay hiện nay có ít nhất 129 tù
nhân chính trị bị giam giữ trái phép và chiến dịch đàn áp dữ dội đến độ nhiều
người đối lập hay bất đồng chính kiến đã phải trốn ra ngoại quốc.
PUBLICITÉ
Cuộc viếng thăm của ông Trọng đã diễn ra trong sự thờ ơ hoàn toàn của dân Pháp và média Pháp.
Không có một nhân vật quan trọng nào đưa đón Nguyễn Phú Trọng. Không có họp
báo, phỏng vấn để khỏi phải trả lời về nhân quyền. Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn
Phú Trọng chỉ tới thăm hai tỉnh nhỏ ngoại ô Paris, Choisy le Roi và Montreuil.
Montreuil là thành phố hiếm hoi có thị trưởng là người Cộng Sản. Trước đây, tất cả các thành phố chung quanh Paris đều
nằm trong tay đảng Cộng Sản, gọi là Thắt Lưng Đỏ ( Ceinture Rouge ). Ngày nay,
trên toàn quốc, đảng Cộng Sản chỉ chiếm không tới 2% số phiếu bầu.
Hầu như báo chí, truyền hình không đả
động gì tới cuộc viếng thăm, trừ vài bài báo về các thoả ước thương mại trong một tờ báo chuyên về kinh tế.
Báo chí lề phải làm rùm beng về một bài báo trên tờ Le Monde, nói về ‘’ Viễn
ảnh tốt đẹp của cuộc bang giao Việt Pháp ‘’. Quả thực có nguyên một trang báo
trên tờ Le Monde ngày 27/03, nhưng trên góc phải trang báo ghi rõ : PUBLICITÉ
( quảng cáo ). Nghĩa là trước sự thờ ơ của
media, Đảng ta đã mua một trang quảng cáo để ca ngợi mình. Giá một
trang quảng cáo trên Le Monde : 147.000 Euros ( trên 150.000 dollars ).
Từ Thức ( tuthuc-paris-blog.com )
( 1 ) FIDH ( IFHR ,
Internetioanl Federation for Human Rights ), VCHR ( Comité Vietnam pour la
Défense des Droits de l’Homme ), LDH ( Ligue des Droits de l’Homme )
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire