Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, gọi trạm thu phí thành trạm thu giá là sự trí trá về lập luận - Ảnh: Internet |
Thay vì thẳng thắn rành mạch với dân, cùng dân tìm giải pháp khắc phục, thì
lấy chữ mà che đậy bản chất vấn đề, nặn ra cái cơ sở lý cùn để ép dân phải
theo.
1- "Thu giá" là sự ngu độn về ngôn ngữ. Nhưng đây chẳng phải sự
ngu độn thật thà. Ngu cái này nhưng cáo già trong cái khác. Bởi vì:
2- "Thu giá" là sự trí trá về lập luận. Đường BOT không phải là
"sản phẩm của doanh nghiệp". Nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất,
làm đường riêng không dính gì vào các tuyến đường của nhà nước, thì đó mới là
sản phẩm doanh nghiệp, họ định giá vé thế nào, có ai đi là việc của họ. Còn BOT
là sản phẩm của hợp tác công tư. Doanh nghiệp làm đường trên đất nhà nước cho,
cải tạo đường vốn có của xã hội, được khai thác trong thời hạn nhất định để
hoàn vốn và có lãi trong khuôn khổ được định ra qua phương án tài chính. Hiện
nay đa số các dự án đó ký với nhà nước là hợp đồng "mở". Nghĩa là
thời gian họ được thu tiền căn cứ vào lưu lượng xe đi qua và mức phí xe đi qua
phải trả. Cho nên họ mới được kêu ca là thu thấp thì phải thu lâu hơn. Bây giờ
nói là sản phẩm của họ tức là phủi cái phần của dân của nước trong BOT đó. Thử
hỏi nếu nó là sản phẩm của doanh nghiệp sao lại phải kiểm soát xác minh số tiền
thực đầu tư, số tiền thực mỗi ngày thu vào như vừa qua đã buộc phải làm?
3- "Thu giá" là sự xảo quyệt về ý đồ. Việc thu tiền vé đi đường
BOT theo cách thực hiện ở Việt Nam thời gian qua xung đột với quy định về phí
theo pháp luật. Tách nó ra khỏi phí là để hợp pháp hóa việc thu tiền lần thứ
hai đối với người dân trên nhiều đoạn đường BOT, đánh bật khỏi tay người dân vũ
khí pháp lý hợp pháp để phản đối sự bất công thiếu minh bạch.
4- "Thu giá" là sự lì lợm và trắng trợn trong thái độ đối với
người dân. Dân không phản đối BOT, dân không phản đối chuyện đi đường BOT tốt
hơn thì phải nộp tiền. Cũng không phải BOT ở chỗ nào cũng không hợp lý. Có
những đường, cầu BOT làm cả vùng xưa nay thiếu đường, thiếu cầu nay đi lại giao
thương thuận lợi hơn. Cái đó dân ủng hộ. Dân phản đối cái gì? Dân phản đối
chuyện đường quốc lộ số 1 của đất nước tráng lên một lớp rồi thu như thể đường
đó họ làm ra từ đầu. Dân phản đối chuyện không có lựa chọn, đi đường nào cũng
phải nộp BOT. Dân phản đối chuyện khai khống giá trị đầu tư BOT rồi từ đó định
ra giá vé và thời hạn thu. Dân phản đối chuyện cầu nhà nước làm vẫn đi được bị
ngăn lại lùa xe sang bắt đi cầu mới phải trả tiền BOT. Dân phản đối chuyện cho
thu BOT cả đường mới lẫn đường cũ để lùa dân sang đường mới BOT. Dân phản đối
chuyện không dùng đường BOT nhưng buộc phải đi qua trạm và phải mất tiền. Dân
phản đối chuyện ém giảm số lưu lượng xe qua trạm BOT để thu lời tối đa. Dân
phản đối chuyện chẳng có cuộc đấu thầu nào cả mà chỉ số quan chức cùng doanh
nghiệp ký với nhau làm BOT chỗ này, chỗ kia. Dân phản đối chuyện làm BOT có thể
"tay không bắt... vàng". Dân phản đối vì đóng thuế, đóng phí đường bộ
và đóng góp suốt bao năm bây giờ đất nước đến con đường xuyên Việt đầu tiên
cũng chi chít trạm thu tiền. Dân phản đối vì tiền nộp BOT nhiều hơn chi cho
xăng dầu, mọi hoạt động kinh tế hay dân sinh đều bị thêm gánh nặng.
Những cái đó có không? Dân phản đối có sai không?
Đành là có những cái sai đã xảy ra nhưng khó xóa đi làm lại được, mà phải
chấp nhận hậu quả, thì cách làm vẫn là phải nhìn vào bản chất sự thật mà nói
với dân.
Thay vì thẳng thắn rành mạch với dân, cùng dân tìm giải pháp khắc phục, thì
lấy chữ mà che đậy bản chất vấn đề, nặn ra cái cơ sở lý cùn để ép dân phải
theo. Đó là cái cách mà bộ trưởng Thể chọn.
5- Do vậy, "thu giá" chỉ xuẩn về chữ, chứ rất gian về tâm, về
trí. Khi sự gian xảo xuất phát từ một quan chức cấp bộ và những cố vấn của ông
ta, nó là sự phá hoại tính công chính của Nhà nước. Tôi sẽ rất thất vọng nếu
cái cách cư xử này được Nhà nước cho qua.
Trần Đăng Tuấn (nhà báo, nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình
Việt Nam - VTV)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire