(Dân trí) - Một báo
cáo vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, thu ngân
sách ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng trong khi tổng chi khoảng 410 nghìn tỷ đồng,
trong đó chi thường xuyên tới 73,5% tổng chi. Nói cách khác, thu được 3 đồng
thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và đầu tư.
Trong chi thường xuyên, chủ yếu là công tác trả lương
cho bộ máy hành chính. Còn chi đầu tư phát triển, theo báo cáo này đã giảm 5,2%
so với cùng kỳ. Bộ Tài chính coi đây là “vấn đề lo ngại, cần có giải pháp khắc
phục trong thời gian tới”.
Cũng theo báo cáo: “Tình trạng thất thoát, lãng phí
trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề bức xúc của xã hội. Trong đó có
nguyên nhân từ nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước,
tài sản công”.
Thế nhưng, đằng sau những nhận xét có vẻ như mang tinh
thần “phê” khá thẳng thắn nói trên của Bộ Tài chính, ai cũng đều dễ dàng nhận
thấy, có số liệu và những “đúc rút” của cơ quan quản lý có gì đó “quen quen”,
“biết rồi khổ lắm nói mãi”, nói hết tháng này đến tháng, kỳ này đến kỳ khác vẫn
chưa giải quyết được….
Bộ Tài chính nêu “cần có giải pháp khắc phục trong
thời gian tới”. Vậy giải pháp khắc phục là gì? Ai là người khắc phục? Khắc phục
không được thì ai đứng ra chịu trách nhiệm? Trách nhiệm của cơ quan nắm “chìa
khoá” ngân sách đến đâu? Trách nhiệm của những đơn vị trực tiếp chi thì thế
nào?
Ngay như việc ngân sách bị thất thoát, lãng phí, Bộ
Tài chính cũng lý giải do nhận thức của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, do tinh
thần trách nhiệm chưa cao… Vậy, liệu đã có vị thủ trưởng của đơn vị nào đó đã
phải gánh trách nhiệm cho cái sự “thiếu tinh thần…” đó hay chưa?
Người dân chờ đợi những câu trả lời cụ thể, rõ ràng
như vậy chứ không phải là chỉ nêu lên một cách chung chung rồi để đó, rồi báo
cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm lại nhắc đi, nhắc lại về một vấn đề thâm
thủng ngân sách.
Để rồi từ lý do ngân sách khó khăn (mà lại chẳng phải
do lỗi của người dân), lại “mọc ra” những đề xuất tăng thu thuế phí, thậm chí
có thêm những khoản thu mới được khai sinh trong từ điển, như là “thu giá” đang
gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Ai cũng rõ, ngân sách là tiền dân, là những khoản đóng
góp thông qua thuế, phí… mà người dân, doanh nghiệp đã đóng góp để vận hành bộ
máy, để phát triển đất nước và đảm bảo công bằng xã hội. Thế cho nên, người dân
có quyền được biết, tiền của họ đã được sử dụng ra sao, chi tiêu như thế nào.
Nếu chi tiêu cứ luôn trong tình trạng tăng, vượt… rồi
lại nghĩ cách tăng thu như hiện tại thì người dân sao chịu nổi? Chẳng lẽ, đây
cũng là vấn đề thuộc về “trí tuệ tập thể”, “hành động tập thể”, “trách nhiệm
chung” nên cuối cùng ngân sách cứ thâm hụt mãi mà không ai giải quyết?
Bích Diệp
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire