27/07/2018

MÔ HÌNH ĐẶC KHU KHÔNG CÒN PHÙ HỢP

Ý KIẾN CHUYÊN GIA KINH TẾ VŨ TRỌNG KHẢI VỀ ĐẶC KHU


Đây là bài ghi lại ý kiến của PGS, TS Kinh tế Vũ Trọng Khải, cựu Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý (cơ sở phía Nam) của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, dành cho báo Đất Việt. Bài chuẩn bị đăng thì có “lệnh miệng” ngưng mọi bài viết về “Đặc khu”. “Lão mà chưa an” xin cảm ơn tác giả đã cho phép công bố.

Mô hình đặc khu ngày nay đã không còn phù hợp, nếu Việt Nam quyết tâm làm thì phải xóa bỏ những ưu đãi không hợp lý và cần có ràng buộc chặt chẽ.
Theo thông cáo của Văn phòng Chính phủ ngày 9/6, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Cụ thể, dự án luật sẽ lùi từ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sang kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Đồng thời, Chính phủ khẳng định không có thời hạn thuê đất đặc biệt đến 99 năm.
Chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn - PGS.TS Vũ Trọng Khải đánh giá, động thái của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một quyết định sáng suốt, thể hiện sự lắng nghe của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bối cảnh dự án luật đặc khu còn có nhiều ý kiến khác nhau trong giới chuyên gia, trí thức và nhân dân.
Điều PGS.TS Vũ Trọng Khải trăn trở nhất là mô hình đặc khu đã không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước ngày nay.
Lý giải điều này, ông Khải cho biết, nếu vào những năm 1980-1990, thời điểm Việt Nam mới làm kinh tế thị trường, chưa hiểu vận hành cơ chế kinh tế thị trường như thế nào thì có thể xây dựng đặc khu với ý nghĩa “dò đá qua sông” để từ đó Việt Nam rút kinh nghiệm, xây dựng thể chế cho đất nước. Còn bây giờ, Việt Nam đang xây dựng thể chế cho kinh tế thị trường, làm đặc khu e không còn cần thiết nữa.
Thứ hai, dự luật đặc khu đưa ra rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư vào đặc khu, đến mức không biết Việt Nam còn lại gì sau đó. Thế nhưng, cần lưu ý rằng nhà đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì ưu đãi, họ vào Việt Nam vì thể chế minh bạch, có thể tiên lượng được, dự đoán được lời lỗ trong bao nhiêu năm...
Những ưu đãi để thu hút nhà đầu tư vào đặc khu không thể khác những ưu đãi mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định FTA song phương và đa phương CPTTP, AEC... Những ưu đãi đã đầy đủ và đủ sức hút các nhà đầu tư, Việt Nam hãy cứ thực hiện tốt các ưu đãi ấy.
Thứ ba, Việt Nam có hàng trăm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... trên khắp cả nước. Dù đã áp dụng một số chính sách riêng nhưng các khu này vẫn chưa phát triển, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trung bình chỉ ở mức 60-70%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong một bài phỏng vấn cho biết, khu công nghệ cao Hòa Lạc sau 20 năm vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng, số nhà đầu tư vào đó vẫn ít. Khi Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đến thẩm tra cùng đoàn ĐBQH mới biết là dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng lại không triển khai được vì vướng 13 luật chưa sửa.
Như vậy, Việt Nam còn rất nhiều các khu công nghiệp, khu công nghệ cao chưa được lấp đầy. Điều Việt Nam cần làm là sửa những vướng mắc trong luật để thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy các khu nói trên, chuyên gia Vũ Trọng Khải phân tích.
Trong trường hợp Việt Nam vẫn quyết tâm thành lập đặc khu, vị chuyên gia nhấn mạnh cần phải xem xét cẩn trọng nhiều vấn đề.
“Việt Nam hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư, các quốc gia vào đầu tư tại Việt Nam nhưng nhà đầu tư phải đáp ứng một số điều kiện:
Thứ nhất, phải sử dụng công nghệ nguồn và công nghệ cao. Các tiêu chí để xác định thế nào là công nghệ cao phải được làm rõ để nhằm tránh lặp lại bài học xi măng lò đứng, nhiệt điện than... mà Việt Nam đã gặp với Trung Quốc trước đây.
Thứ hai, phải thân thiện môi trường;
Thứ ba, sử dụng ít nhất 75% lực lượng lao động Việt Nam. Lao động nước ngoài phải là chuyên gia đầu ngành thuộc những lĩnh vực mà Việt nam chưa đào tạo được và cũng chỉ được cấp visa 5 năm. Tuyệt đối không đưa lao động phổ thông của nước ngoài vào đặc khu, chính quyền địa phương phải kiểm soát được việc này theo luật Việt Nam.
Thứ tư, Chính phủ Việt Nam phải quản lý mặt đất, bầu trời và mặt biển, trong đó bao gồm cả cảng biển và phần trong lòng đất . Nhà đầu tư không được khai thác tài nguyên, xây dựng hệ thống ngầm dưới lòng đất. Dự án nào cần xây dựng công trình ngầm phải được sự cho phép và quản lý của Chính phủ Việt Nam.
Thứ năm, các ngành công nghiệp nhà đầu tư xây dựng tại đặc khu phải có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa, liên kết doanh nghiệp Việt nam trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu;
Lưu ý, nhà đầu tư tuyệt đối không được sản xuất vũ khí, quân trang, quân dụng, làm nhà máy điện hạt nhân và khi xảy ra tranh chấp, tòa án Việt Nam sẽ đứng ra phân xử, không phải tòa án quốc tế;
Về thời hạn giao đất, cho thuê đất đặc khu, Việt Nam không nên ấn định thời gian 30, 50 năm... mà nên phê duyệt theo từng dự án. Thời hạn dài nhất cũng không được quá 50 năm, đối với dự án bất động sản. Còn thông thường, dự án công nghệ cao chỉ cần thời gian giao đất khoảng 15 năm.
Không bao giờ giao trọn đặc khu cho các nhà đầu tư của một quốc gia mà cần có ít nhất 3 quốc gia trở lên để đảm bảo sự cạnh tranh.
Sau cùng, việc quản lý trật tự an ninh tại đặc khu phải lực lượng Việt Nam đảm trách”, PGS.TS Vũ Trọng Khải đề xuất.
Cũng theo vị chuyên gia, Thủ tướng có tổ tư vấn kinh tế đều là những chuyên gia uy tín, trong đó có các giáo sư từ các trường đại học nước ngoài. Trong thời gian lùi dự án luật đặc khu để nghiên cứu, hoàn thiện, ông hy vọng các thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng sẽ cùng với Nhà nước và người dân bàn bạc thấu đáo về những điều cần thiết cho sự phát triển của đất nước.






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire