05/09/2018

Sau 2 tháng chiến tranh thương mại, các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đua nhau tháo chạy


Thu Thủy | 04/09/2018 21:59



Các nhà máy gia công truyền thống cần nhiều nhân công đi đầu trong làn sóng "tháo chạy" khỏi Trung Quốc




Bùng nổ từ đầu tháng 7, sau gần 2 tháng liên tiếp leo thang với các hành động Mỹ tăng thuế - Trung Quốc trả đũa. Đến nay dưới áp lực của cuộc chiến này, môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi khiến hàng loạt công ty vốn của Đài Loan, Nhật, Hàn…đã đua nhau tháo chạy khỏi Trung Quốc…


Làn sóng "chạy tháo mạng" của các công ty Đài Loan


Theo Epoch Times, làn sóng triệt thoái của các công ty vốn Đài Loan thuộc ngành chế tạo đang nổi lên. Global Views Monthly đưa tin, việc các ông chủ Đài Loan hè nhau rút vốn đã khiến giới đầu tư Đài Loan đánh mất vị thế. Một nhà đầu tư Đài Loan thẳng thắn, tình hình rút vốn nghiêm trọng nhất ở ở khu vực Đông Hoàn, Thâm Quyến, hình thành "làn sóng tháo mạng"; kế đó là Thượng Hải, Côn Sơn. Ông này than thở, công ty của ông thời kỳ cao điểm có tới 200 cốt cán người Đài Loan, nay chỉ còn lại 50".

Bài báo dẫn một bản điều tra trong số các nhà đầu tư Đài Loan cho thấy, chỉ có 9% tự nhận "vẫn còn ưu thế", 70% tỏ ra bi quan cho rằng "không còn được như trước".

Tỷ phú Đài Loan Quách Đài Minh đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới ở Mỹ
Hãng tin Bloomberg đưa tin, ông Quách Đài Minh , chủ Tập đoàn Hồng Hải trở thành tỷ phú nhờ sản xuất linh kiện cho hãng Apple đã đầu tư 10 tỷ USD xây dựng một nhà máy ở bang Wisconsin, được coi là có tầm nhìn xa sáng suốt.
Sau khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ tăng nhiệt, các công ty công nghệ Đài Loan như Nhân Bảo, Anh Đạt Nghiệp chuyên gia công cho các hãng điện tử lớn nhất thế giới hiện đều chuẩn bị di chuyển nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc Đại Lục sang Đông Âu, Mexico và khu vực Đông Nam Á.

Tờ Business Week đưa tin, ngày 24/8, Mỹ bắt đầu đợt trừng phạt thứ 2, từ xe mô tô đến sản phẩm chất bán dẫn đều bị áp mức thuế tăng 25%.

Ưu thế về giá thành ở Trung Quốc không còn nữa, lập tức thổi bùng làn sóng quay về Đài Loan. Hãng Gia Liên Ích chuyên sản xuất mạch in cho điện thoại Iphone từ cuối năm ngoái đã quay về Đài Loan săn lùng thuê đất; một nhà máy dệt lớn nghiến răng bỏ ra 7 tỷ Tân Đài tệ, tương đương 10 lần lợi nhuận năm ngoái để mua đất.

Đỗ Tú Trân, Chủ tịch Tập đoàn Cự Đại đầu ngành sản xuất xe đạp vốn định sản xuất xe ở Trung Quốc Đại Lục rồi tiêu thụ khắp thế giới, nay đã phân tán sản xuất, sẽ chuyển dây chuyền sản xuất 200 ngàn xe, tương đương 5% năng lực sản xuất về lại Đài Loan.

Một quan chức chính quyền Đài Loan tiết lộ, trong 5 công ty điện tử lớn nhất Đài Loan đang làm ăn ở Đại Lục, đã có công ty tích cực tìm nhà xưởng, thuê công nhân ở Đài Loan. Các công ty Nhân Bảo, Hòa Thạc, Anh Nghiệp Đạt, Quảng Đạt…đều đã cân nhắc chuyển một bộ phận năng lực sản xuất về Đài Loan.

Tập đoàn Cự Đầu với sản phẩm xe đạp Giant nổi tiếng có kế hoạch chuyển một phần năng lực sản xuất về Đài Loan

Tập đoàn máy biến thế Đài Đạt hàng đầu thế giới là công ty công nghệ lớn tới Trung Quốc đầu tư mở nhà máy đợt đầu, đã phải điều chỉnh nơi sản xuất cho ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Đài Đạt quyết định bỏ ra 2,7 tỷ để xây dựng nhà máy rộng 30 ngàn m2 ở Nam Khoa và dự tính bỏ ra 1,5 tỷ để mua đất xây dựng trung tâm nghiên cứu bên cạnh trụ sở công ty ở Đài Bắc.


Các công ty Nhật cũng nhanh chân bỏ chạy


Ngoài các công ty Đài Loan, các hãng Nhật trong chuỗi cung ứng cũng bắt đầu chạy khỏi Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc làm, ngoại thương, thu thuế, ngoại hối và thị trường chứng khoán của Trung Quốc.

Theo Nihon Keizai Shimbun, Công ty chế tạo lớn Ashahi Kasei đã quyết định di dời nhà máy sản xuất linh, phụ kiện xe hơi về Nhật. Đồng thời, công ty chế tạo sản phẩm công nghiệp lớn thứ 2 thế giới Komatsu cũng sẽ chuyển việc sử dụng linh phụ kiện của máy ủi thủy lực từ sản phẩm nhà máy ở Trung Quốc sang các sản phẩm sản xuất ở Mỹ, Nhật và Mexico.

Hãng Iris Ohyama thì có kế hoạch di chuyển các dây chuyền sản xuất máy lọc không khí và quạt chuyên tiêu thụ ở thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang nhà máy mới xây dựng ở Hàn Quốc.

Hãng Komatsu cũng sẽ chuyển việc sử dụng linh phụ kiện của máy ủi thủy lực từ sản phẩm sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc sang các sản phẩm sản xuất ở Mỹ, Nhật và Mexico.

Hãng điện cơ Mitsubishi cũng đang di dời các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhà máy đặt ở Đại Liên cung cấp tới 70% sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, nhưng sắp tới nhà máy này sẽ bị đưa về Kyoto. Từ đầu năm tới nay đã có nhiều công ty lớn của Nhật như Nikon, Nitto, Olympus, Omron tới tấp tuyên bố đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc.


15.000 công ty chạy khỏi Thâm Quyến


Theo trang tin Đông Phương ngày 2/9, căn cứ "Báo cáo đi sâu cải cách tính kết cấu của chuỗi cung ứng" do ủy ban thành phố Thâm Quyến công bố, việc ngành chế tạo Thâm Quyến di dời quy mô lớn đã thành trào lưu. Hiện đã có 15.000 công ty rút khỏi Thâm Quyến. Về nguyên nhân, báo cáo cho rằng do các tình hình tỷ lệ lợi nhuận nhân công giảm, giá nhân công và giá đất gia tăng, thuế cũng ngày một tăng.

Được biết, thu nhập lương tháng bình quân của công nhân trong các khu công nghiệp chế tạo Thâm Quyến khoảng hơn 5.000 NDT, nếu tính đủ các khoản chi phí thì tiền nuôi mỗi công nhân cần 12.000 NDT/tháng, so với mức chi phí cho mỗi công nhân ở Việt Nam (chỉ hơn 1.000 NDT) thì cao gấp 11 lần. Cho nên các ngành chế tạo truyền thống cần nhiều nhân lực ở Thâm Quyến, trừ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để gia tăng tỷ lệ lợi nhuận ra, không còn cách nào khác ngoài việc rời khỏi Thâm Quyến.


Gần 50% xuất khẩu Trung Quốc nhờ vào công ty nước ngoài


Ông Cao Vi Bang, một chủ doanh nghiệp Đài Loan cho phóng viên Epoch Times biết: "Nếu các thương gia nước ngoài rời đi, nhà máy sẽ đóng cửa, vấn đề đầu tiên sẽ là công nhân thất nghiệp, tiếp đến là một chuỗi ảnh hưởng đến tiền tệ, chứng khoán, thị trường nhà đất và có thể gây nên sự bất ổn".

Hãng Iris Ohyama có kế hoạch di chuyển các dây chuyền sản xuất máy lọc không khí và quạt chuyên tiêu thụ ở thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang nhà máy mới xây dựng ở Hàn Quốc

Có ý kiến cho rằng, công ty nước ngoài rút đi, Trung Quốc có công ty của mình thế chỗ, Trung Quốc có thể tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, ông Cao Vi Bang nói, nếu Trung Quốc vẫn tự lực cánh sinh được thì việc các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn sẽ không gây nên ảnh hưởng lớn, nhưng những năm qua kinh tế Trung Quốc dựa rất lớn vào các công ty nước ngoài. Phần lớn các sản phẩm Trung Quốc tiêu thụ sang Mỹ đều do các công ty nước ngoài sản xuất.

Tuy xí nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 3% trong tổng số các xí nghiệp ở Trung Quốc nhưng chúng đã sản xuất ra gần một nửa số lượng hàng xuất khẩu; năm 2017 các công ty nước ngoài ở Trung Quốc chiếm 43% ngoại thương xuất siêu. Ngoài ra, các công ty nước ngoài cũng tạo ra 20% thu nhập thuế.

Tại Quảng Châu, các công ty nước ngoài chiếm hơn 62% tổng giá trị sản lượng công nghiệp; tại Thượng Hải con số này là 2/3, còn ở Thâm Quyến là 70%...Việc các công ty nước ngoài bỏ đi sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng trăm triệu người dân.

Theo số liệu tính toán chính thức của Trung Quốc, các công ty do nước ngoài đầu tư giải quyết việc làm cho hơn 45 triệu người; ngoài ra còn rất nhiều hãng cung ứng Trung Quốc sống nhờ các công ty nước ngoài…tính sơ sơ cũng ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người.

Hãng điện cơ nổi tiếng Mitsubishi cũng đang di dời các nhà máy và dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Việc các công ty nước ngoài tập trung rời khỏi Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Một bộ phận ngoại hối dự trữ đến từ xuất khẩu của các công ty nước ngoài, nay họ rút đi thì khoản tiền này không còn nữa. Ngoài ra,dự trữ ngoại hối còn bao gồm tiền vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu công bố mới đây của Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc, tính đến tháng 6/2018, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là 3.110 tỷ USD; tính đến tháng 3/2018 nợ nước ngoài là 1.840 tỷ USD, nếu trừ đi số nợ thì còn dư 1.270 tỷ USD, một phần là của các công ty nước ngoài.

Tính đến tháng 6/2018, số vốn đầu tư nước ngoài chiếm 596 tỷ USD trong tổng số ngoại tệ dự trữ, chiếm 19,07%; cộng thêm số lợi nhuận mà các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng thì số tiền thuộc về các công ty nước ngoài vào khoảng 1.000 tỷ USD.

Chính vì vậy, nếu các công ty nước ngoài ồ ạt chạy khỏi Trung Quốc quy mô lớn thì sẽ không chỉ kéo theo mấy nhà máy, mấy khu đất, mà ảnh hưởng đến cả dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.

Một ảnh hưởng nữa là thị trường chứng khoán sẽ giảm sút mức độ lớn. Theo Bloomberg, tính đến ngày 2/8/2018, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã co lại còn 6.090 tỷ USD tụt xuống hàng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nhật (6.170 tỷ USD).


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire