Nguồn: Jonathan
Tepperman, “China’s
Great Leap Backward”, Foreign Policy, 15/10/2018.
Biên dịch: Huỳnh
Hoa
Trong bốn mươi năm qua, Trung Quốc đã tích cóp được
một danh sách dài những thành tựu nổi bật. Từ năm 1978 đến 2013, kinh tế Trung
Quốc tăng trưởng bình quân 10 phần trăm mỗi năm, làm gia tăng mười lần mức thu
nhập trung bình của người lao động trưởng thành. Tất cả sự tăng trưởng đó đã
giúp khoảng 800 triệu người thoát ra khỏi đói nghèo; trong quá trình này Trung
Quốc cũng giảm được 85 phần trăm mức tử vong của trẻ sơ sinh và nâng tuổi thọ
bình quân thêm 11 năm.
Đáng kinh ngạc là Trung Quốc đã đạt được những thành
tựu như vậy trong khi chính phủ nước này vẫn rất hà khắc về chính trị – chuyện
chưa hề có tiền lệ trong lịch sử và rất, rất khó thực hiện, theo lý thuyết
chính trị. Vậy nên, không có gì lạ khi nhà nghiên cứu Trung Quốc Orville Schell
miêu tả thành tích này như là “một trong những phép lạ gây sửng sốt nhất về
phát triển kinh tế trong lịch sử thế giới”.
Phẩm chất kỳ diệu của những thành tựu của Trung Quốc
làm cho những gì đang xảy ra ở đất nước này ngày hôm nay trở nên hết sức bi
thảm – và gây hoang mang. Dưới vỏ bọc chống tham nhũng, chủ tịch Tập Cận Bình
đang từng bước xóa bỏ hầu như mọi cuộc cải cách đã làm cho Trung Quốc đạt được
sự tăng trưởng ngoạn mục trong bốn thập kỷ qua. Thay cho một hệ thống dù khiếm
khuyết nhưng cực kỳ thành công, ông ta đã dựng lên một sự sùng bái cá nhân to
lớn chỉ tập trung vào cá nhân ông ta, ông ta thâu tóm mọi quyền hành vào tay
mình hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Mao Trạch Đông.
Trong ngắn hạn, những nỗ lực của Tập có thể làm cho
Trung Quốc bớt tham nhũng và ổn định hơn. Nhưng bằng việc hủy diệt nhiều cơ chế
đã giúp cho phép lạ Trung Quốc có thể xảy ra, có nguy cơ Tập sẽ đảo ngược những
kết quả ấy và biến Trung Quốc thành một nhà nước cảnh sát khác nữa (hãy nghĩ
tới một phiên bản Bắc Triều Tiên khổng lồ và cởi mở hơn): không có hiệu quả, vô
tích sự, dễ đổ vỡ và hiếu chiến. Và đó là điều đáng lo không chỉ cho 1,4 tỉ
người Trung Quốc mà cho tất cả chúng ta.
Để hiểu điều gì đang làm cho chiến dịch xây dựng đế
quốc cá nhân của Tập trở nên nguy hiểm như thế, trước hết cần hiểu những gì đã
làm cho Trung Quốc trở nên phi thường trong thời gian dài như vậy. Xuyên suốt
lịch sử hiện đại, đa số các nhà độc tài và các nhà nước độc đảng đều có chung
một số đặc điểm căn bản. Quyền lực nằm trong tay của một nhóm nhỏ các cá nhân.
Để giữ quyền lực, các cá nhân này đàn áp những người bất đồng và cai trị bằng
sự đe dọa. Bởi vì đám công chức quan liêu và dân chúng sống trong sợ hãi, họ
cạnh tranh nhau để bợ đỡ các ông chủ. Không ai nói lên sự thật, nhất là khi sự
thật ấy làm cho họ và các lãnh đạo của họ trông xấu xí đi. Kết quả là, các bạo
chúa tự cô lập – mà cái tôi của họ được thổi phồng lên bằng những lời xu nịnh
thường xuyên và khúm núm – tự thấy mình ngày càng xa rời thực tế, xa rời phần
còn lại của thế giới (hãy nghĩ tới Kim Jong Un, Bashar al-Assad hoặc Robert
Mugabe) và rốt cuộc họ cai trị một cách tùy hứng, cai trị theo bản năng với rất
ít ý thức về những gì đang thật sự xảy ra ở đất nước họ. Tác động của sự ngu
muội này đối với chính sách đối nội và đối ngoại thật là thảm họa.
Trong khoảng 35 năm – tính từ khi Mao chết và Đặng
Tiểu Bình phát động các cuộc cải cách của ông ta vào cuối thập niên 1970 cho
đến khi Tập lên nắm quyền năm 2012 – Trung Quốc đã tránh được nhiều cạm bẫy
kiểu này và đi ngược lại quy luật về các chuẩn mực chính trị bằng cách xây dựng
cái mà các học giả gọi là chế độ “độc tài thích nghi” (adaptive authoritarian). Trong khi vẫn duy trì chủ
nghĩa cộng sản trên danh nghĩa, Trung Quốc đã tiếp thu nhiều hình thức của chủ
nghĩa tư bản thị trường và một số cuộc cải cách tự do khác. Tất nhiên, hệ thống
cũ vẫn có tính đàn áp cao độ (hãy nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn) và còn xa mới
hoàn hảo xét về nhiều phương diện. Tuy vậy, nó cho phép chính phủ Trung Quốc
thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả phi thường và tránh được nhiều
chứng bệnh mà các chế độ độc tài khác mắc phải. Chế độ kiểm duyệt chẳng hạn,
chưa bao giờ biến mất, nhưng các đảng viên Cộng sản có thể không tán thành và
tranh luận các ý tưởng, còn các báo cáo nội bộ đôi khi tỏ ra thẳng thắn một
cách đáng ngạc nhiên.
Không còn như vậy nữa. Ngày nay, Tập đang hủy hoại một
cách có hệ thống hầu như mọi phương diện từng làm cho Trung Quốc trở nên khác
biệt, từng giúp Trung Quốc hoạt động tốt như thế trong quá khứ. Những nỗ lực
của ông ta có thể làm gia tăng quyền lực và uy tín của ông ta trong ngắn hạn,
làm suy giảm một số hình thức tham nhũng. Tuy nhiên, cân nhắc kỹ, chiến dịch
của Tập sẽ có những hệ quả thảm khốc trong dài hạn cho đất nước ông ta và cho
cả thế giới.
Có lẽ đặc trưng bất thường nhất của hệ thống mà Đặng tạo
ra là cách phân bổ quyền lực cho nhiều nhà lãnh đạo. Thay vì để một người thực
hành uy quyền tối cao, như phần lớn các chế độ độc tài, Đặng phân chia quyền
lực cho tổng bí thư đảng (người cũng thường nắm vị trí chủ tịch đảng), thủ
tướng chính phủ và bộ chính trị.
Đặng hy vọng một hệ thống như vậy sẽ bảo đảm không một
cá nhân nào có thể tái thâu tóm kiểu quyền lực mà Mao từng có – bởi vì quyền
lực không kiểm soát của Mao đã dẫn tới những sai lầm và lạm dụng khủng khiếp,
chẳng hạn như các công cuộc Đại Nhảy vọt (trong đó ước tính khoảng 45 triệu
người đã chết) và Cách mạng Văn hóa (trong đó bản thân Đặng đã bị thanh trừng
và con trai của ông ta bị tra tấn tàn khốc tới mức anh ta trở thành bại liệt).
Như ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), chuyên
gia về Trung Quốc tại đại học Claremont McKenna College, giải thích, mô hình
lãnh đạo tập thể mà Đặng thiết kế đã giúp loại bỏ những ý tưởng xấu và thúc đẩy
những ý tưởng tốt bằng cách đề cao sự cân nhắc cẩn thận mà không khuyến khích
việc mạo hiểm.
Từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tập đã ra sức dỡ bỏ hệ
thống lãnh đạo tập thể ở một số phương diện. Trước hết, nhân danh đấu tranh với
tham nhũng – một mục tiêu quan trọng mà Trung Quốc đang rất cần – ông ta đã
thanh trừng một số lượng lớn quan chức mà tội lỗi thật sự của họ, dưới cái nhìn
của Tập, là không thể hiện đầy đủ lòng trung thành với nhà lãnh đạo tối cao.
Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), chủ tịch Interpol
(Cảnh sát quốc tế), người bị Trung Quốc đột ngột bắt giam hai tuần trước, chỉ
là một trường hợp nổi bật nhất và mới nhất; câu chuyện của ông ta là hết sức
bất thường.
Trong vòng 6 năm qua, có 1,34 triệu quan chức bị biến
thành mục tiêu – một con số gây sửng sốt, và hơn 170 nhân vật lãnh đạo ở cấp bộ
trưởng hoặc thứ trưởng bị bãi nhiệm (đa số bị cầm tù). Cảnh ngộ của Mạnh, cũng
giống cảnh ngộ của Bạc Hy Lai (Bo Xilai) – bí
thư thành ủy đầy quyền lực của thành phố Trùng Khánh, bị hạ bệ năm 2012 – chứng
tỏ rằng không ai được miễn nhiễm với sự trừng trị của Tập. Thật vậy, từ năm
2012 đến nay số ủy viên ban chấp hành trung ương đầy quyền lực của đảng Cộng
sản bị thi hành kỷ luật còn nhiều hơn cả thời kỳ dài từ cuộc Cách mạng Cộng sản
tới năm ấy.
Không hài lòng với việc chỉ xóa bỏ mọi sự cạnh tranh,
Tập còn củng cố quyền lực bằng việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ
của ông ta và từ chối đề cử một người kế vị, như những người tiền nhiệm của ông
ta vẫn làm vào giữa thời gian cầm quyền của họ. Ông cũng đưa “Tư tưởng Tập Cận
Bình” vào vị thế trang trọng trong hiến pháp Trung Quốc (một vinh dự mà chỉ Mao
và Đặng có được); thâu tóm quyền kiểm soát trực tiếp các lực lượng vũ trang, tự
biến mình thành “chủ tịch của mọi thứ” bằng cách tạo ra một số lượng lớn các
nhóm hoạt động về chính sách, trải rộng từ tài chính đến vấn đề Đài Loan và an
ninh mạng – tất cả đều báo cáo trực tiếp cho ông ta.
Một phương diện quan trọng thứ hai của hệ thống cũ là
quan chức các cấp đều có thể kỳ vọng được thăng thưởng nếu có thành tích tốt.
Đây không hoàn toàn là chế độ nhân tài, và hệ thống vẫn đầy sự tham nhũng và sự
bảo trợ đỡ đầu. Nhưng cả hai khía cạnh này thực sự đã phục vụ một sự nghiệp
chung ở một điểm chủ yếu: nếu một công chức làm tốt công việc của mình, anh ta
hoặc chị ta có thể hy vọng có được một phần thành quả và được thăng tiến đều
đặn. Ông Tập trái lại, đã “thay thế hệ thống dựa trên sự khích lệ bằng hệ thống
dựa trên sự sợ hãi” như nhận định của ông Bùi. Và sự chuyển dịch này kéo theo
hai vấn đề lớn. Trước hết, nó làm méo mó những ưu tiên của quan chức, từ ưu
tiên cho kết quả làm việc sang ưu tiên cho việc thể hiện lòng trung thành. Vấn
đề thứ hai, theo Alexander Gabuev, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm
Carnegie Moscow, là “khi nỗi sợ hãi là tất cả những gì bạn có, công chức trở
nên sợ hãi tới mức họ không dám làm gì mà không có mệnh lệnh rõ ràng từ cấp trên.
Thế là toàn bộ guồng máy quan chức trở nên thụ động. Không việc gì được hoàn
thành cả”.
Một tài sản có liên quan của hệ thống cũ là cách thức
mà nó khuyến khích chính quyền các địa phương – ở cấp làng xã, quận hạt và tỉnh
thành – thử nghiệm các sáng kiến mới, từ công cuộc xây dựng thị trường tự do
bốn mươi năm về trước đến cho phép sở hữu tư nhân về đất đai trong thời gian
gần đây. Những cuộc thử nghiệm như vậy đã biến Trung Quốc thành một đất nước có
hàng trăm phòng thí nghiệm chính sách, cho phép nó thử nghiệm những giải pháp
khác nhau cho nhiều vấn đề theo những cách thức an toàn, lặng lẽ và ít rủi ro
trước khi quyết định có nên áp dụng đại trà hay không. Hệ thống này đã giúp Bắc
Kinh tránh được những quyết định phi lý và những sai lầm thảm họa mà nó đã từng
có dưới thời Mao – chẳng hạn như trong thời kỳ Đại Nhảy vọt những năm
1958-1962, các quan chức kế hoạch ở trung ương nhấn mạnh rằng nông dân Tây Tạng
phải trồng lúa mì bất chấp thực tế khu vực núi cao đất đai cằn cỗi hoàn toàn
không phù hợp với loại cây trồng đó.
Tất nhiên, Bắc Kinh đã chấp nhận một mức độ tự trị nào
đó để cho phép các quan chức địa phương được thử nghiệm những điều mới mẻ. Ông
Tập, trái lại, có vẻ như nhìn những lối suy nghĩ độc lập ấy như là những mối đe
dọa không tha thứ được. Theo mệnh lệnh của ông, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu
ngăn chặn những chương trình thử nghiệm quy mô nhỏ. Sebastian Heilmann của
trường đại học Trier của Đức dự tính số lượng các cuộc thử nghiệm ở cấp tỉnh đã
giảm từ mức 500 cuộc năm 2010 xuống còn khoảng 70 cuộc năm 2016 và có lẽ đã
giảm nhiều hơn nữa kể từ lúc ấy. Thay vào đó, một lần nữa các chính sách lại
được ban bố từ trên đỉnh, với rất ít sự quan tâm tới các điều kiện của địa
phương.
Một ví dụ mới nhất: Cũng như ngành công nghiệp công
nghệ Trung Quốc khét tiếng về ăn cắp và áp dụng các sáng tạo của nước ngoài,
các quan chức Trung Quốc từ lâu đã làm điều tương tự trong lĩnh vực chính sách;
họ nghiên cứu cẩn thận những gì được thực thi ở các nước khác rồi áp dụng những
bài học ấy vào trong nước. (Ví dụ tốt nhất cho sự bắt chước này tất nhiên chính
là công cuộc xây dựng xây dựng thị trường tự do ở Trung Quốc, theo các mô hình
của Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ). Giống như đối với những sáng kiến khác của
ông Đặng, ông Tập cũng đã cắt xén thực tế này bằng cách làm cho các quan chức
cấp tỉnh thành khó tương tác với người nước ngoài hơn. Năm 2014, chính quyền
bắt đầu tịch thu hộ chiếu của công chức. Cũng như nhiều hạn chế khác được chính
phủ thực thi gần đây, động thái này được biện minh nhân danh cuộc đấu tranh chống
tham nhũng – nhìn bề ngoài, ý tưởng tịch thu hộ chiếu là để ngăn chặn các quan
chức ăn bẩn chạy ra khỏi nước. Nhưng thực tế là chính sách này gần đây đã được
mở rộng xuống cả các giáo viên tiểu học, và được tăng cường bằng những sự hạn
chế liên quan khác – giờ đây các quan chức phải xin phép mới được tham dự các
cuộc họp và hội nghị với nước ngoài và phải báo cáo về thời gian ở nước ngoài
theo từng tiếng đồng hồ một – cho thấy rằng ưu tiên thật sự là giới hạn sự tiếp
xúc với người nước ngoài và các ý tưởng của họ.
Cuộc đàn áp của Tập có ý nghĩa gì cho tương lai của
Trung Quốc và cho chúng ta? Trong khi cần luôn luôn cẩn trọng khi dự đoán sự
thất bại của Trung Quốc – như lịch sử tóm tắt ở trên cho thấy quốc gia này rất
giỏi trong việc tìm đường đi tránh những vấn đề mà về lý thuyết sẽ kìm hãm nó –
thật khó để tránh cái kết luận u ám rằng nước Trung Quốc của Tập đang nhanh
chóng trở nên ít khác thường hơn và giống một nhà nước cảnh sát điển hình hơn.
Trên bình diện nội trị, việc hoạch định chính sách của
Bắc Kinh đã trở nên ít linh hoạt và nhanh chóng. Không khó tìm những ví dụ cho
lối tiếp cận cứng nhắc hơn, cũng như những mặt tiêu cực của nó. Cứ xem trong
mùa đông vừa qua, khi chính phủ bắt buộc các hệ thống cung cấp hơi sưởi ấm trên
toàn quốc phải chuyển đổi ngay lập tức từ chạy bằng than sang chạy bằng khí
đốt. Điều này nghe có vẻ khôn ngoan ở một đất nước bị ô nhiễm như Trung Quốc.
Nhưng mệnh lệnh được thi hành một cách bất ngờ trên khắp nước, không có ngoại
lệ. Thế là ở miền Bắc lạnh giá của Trung Quốc, nhiều lò đốt bằng than bị dỡ bỏ
trước khi các lò đốt bằng khí gas được lắp đặt – khiến cho nhiều thị trấn hoàn
toàn không có hơi ấm để sưởi, dân chúng bị buộc phải đốt cùi bắp để sinh tồn.
Nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường hiện hành
thì sẽ có thêm rất nhiều trường hợp mà những chính sách với ý định tốt được
thực hiện một cách vội vã và vụng về, dẫn tới nhiều hậu quả tai hại hơn rất
nhiều. Bởi vì các chế độ độc tài cá nhân rất kém cỏi trong việc thừa nhận lỗi
lầm – không được phép làm gì, nói gì có hại cho huyền thoại về lãnh đạo toàn
năng – Trung Quốc sẽ có khả năng trở nên kém linh hoạt trong việc sửa chữa
những sai lầm một khi nó đã gây ra. Hoặc trong việc đối mặt với những vấn đề tiềm
ẩn đang kéo nền kinh tế xuống, chẳng hạn như sự phụ thuộc nặng nề vào các doanh
nghiệp nhà nước kềnh càng và không hiệu quả – bộ phận doanh nghiệp đã trở nên
to lớn hơn, nhiều quyền lực hơn kể từ khi Tập lên cầm quyền; mức nợ công cao
một cách nguy hiểm, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương; và một xu
hướng ứng phó với mỗi vụ suy giảm kinh tế bằng cách bơm thêm tiền vào hệ thống,
nhất là cho các dự án hạ tầng cơ sở không cần thiết. Trong thực tế, Trung Quốc
không chỉ không có khả năng xử lý bất kỳ khuyết điểm nào trong các khuyết điểm
này, mà nó còn có vẻ làm cho tình hình tệ hại thêm. Đó chính là điều mà Trung
Quốc đã làm vào ngày 7 tháng 10, khi ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố
thêm một chương trình kích thích tốn kém khác nữa: kế hoạch chi ra 175 tỉ đô la
nhằm vực dậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với mỗi động thái phá vỡ ngân sách mới, và trong hoàn
cảnh không có sự cải cách, khả năng Trung Quốc phải trải qua một cuộc khủng
hoảng kinh tế gây bất ổn nghiêm trọng – mà những nhà đầu tư có cái nhìn bi quan
về Trung Quốc như Ruchir Sharma, phụ trách khối các thị trường đang nổi lên của
Morgan Stanley từng cảnh báo nhiều năm trước – sẽ tiếp tục tăng lên. “Vấn đề
lớn là liệu có thể một trong những quả bom hẹn giờ – nợ xấu, thị trường bất
động sản quá nóng, doanh nghiệp nhà nước phình to lên – sẽ bùng nổ hay không”,
Gabuev nói. “Do sự tập trung quyền lực của ông Tập nên không có ai nói cho ông
ta những lời cảnh báo trước nếu một trong những quả bom này sắp nổ. Và bởi vì
ông ta không thật sự hiểu biết rõ về kinh tế vĩ mô, còn mọi người thì ngại
không dám nói ngược với hoàng đế cho nên có một rủi ro rất lớn là ông ta sẽ
quản trị sai lầm khi nó xảy ra”. Thật vậy, sự ứng phó của chính phủ Trung Quốc
trước bất kỳ sự bất ổn nào đều có vẻ thật ngu ngốc. Như Schell giải thích: “Tập
đã thực sự đưa Trung Quốc vào rủi ro rất lớn. Và bởi vì công cụ duy nhất của
ông ta là đàn áp, nếu sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu, rất có thể chúng
ta sẽ thấy thêm nhiều cuộc trấn áp nữa”.
Những dự báo như vậy làm cho mọi người lo lắng. Trung
Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới về một số mặt, cho nên nếu nó sụp đổ, cả
hành tinh này sẽ phải trả giá. Nhưng lịch sử của các chế độ độc tài khác, chẳng
hạn như nước Nga của Vladimir Putin hoặc Bắc Hàn của dòng họ Kim, cho thấy trò
chơi quyền lực không ngừng nghỉ của Tập có thể sinh ra nhiều hệ lụy tệ hại hơn
nữa. Từ khi nắm được quyền lực, Tập đã vạch ra một chính sách đối ngoại hiếu
chiến hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm của ông ta, đã làm hầu như
mọi nước láng giềng và cả Hoa Kỳ xa lánh, bằng việc đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền
ở Biển Đông, đe dọa Đài Loan, và dùng sức mạnh quân sự để hậu thuẫn cho các
tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở các quần đảo tranh chấp.
Nếu như các vấn đề kinh tế của Trung Quốc trở nên tồi
tệ, Tập có thể thử gia tăng căng thẳng ở những mặt trận này nhằm lôi kéo người
dân ra khỏi cuộc khủng hoảng trong nước. Sự cám dỗ của hành vi đó tỏ ra mạnh mẽ
đặc biệt nếu tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ tiếp tục chọc ngoáy Trung Quốc
bằng việc tăng cường chiến tranh thương mại và công khai phê phán Trung Quốc.
Ông Bùi cảnh báo tình hình còn có thể đáng sợ hơn nếu
những vấn đề kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Trong trường hợp đó, nhà nước Trung Quốc có thể sụp đổ – kết cục điển hình của
các chế độ độc tài điển hình khi đối mặt với các cú sốc kinh tế, với các mối đe
dọa từ bên ngoài (đặc biệt là từ một thất bại trong chiến tranh) hoặc với sự
nổi loạn của dân chúng – nhưng là một sự sụp đổ, mà do kích thước khổng lồ của
Trung Quốc, có thể sinh ra những hậu quả cực kỳ khủng khiếp.
Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta nên hy vọng rằng
Trung Quốc bằng cách nào đó một lần nữa sẽ tìm được con đường vượt qua lực hút
chính trị và tiếp tục là một ngoại lệ đối với mọi quy luật – bất chấp những nỗ
lực đang tiến hành của ông Tập nhằm làm cho Trung Quốc trở nên bình thường theo
ý nghĩa tệ hại nhất của từ này.
Jonathan Tepperman là tổng
biên tập tạp chí Foreign Policy.
Nguồn: Viet-studies
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire