Nguyễn Quang Duy
Thứ bảy 6/10/2018 vừa qua cánh bảo thủ Mỹ vượt qua sóng gió tạo
thành tích mới khi Thượng viện bỏ phiếu với tỷ lệ 50-48 chấp nhận ông Brett
Kavanaugh vào vai trò thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
Như vậy 5 trong số 9 thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nay thuộc thuộc cánh
bảo thủ, vì thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính trị và cấu trúc xã hội Mỹ.
Còn ở Việt Nam, đảng Cộng sản loan báo “100 phần 100” đại biểu tại
Hội nghị Trung ương 8 đã "tín nhiệm giới thiệu" Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng để đưa ra Quốc hội bầu làm Chủ tịch Nước.
Cả hai đều có liên quan chặt chẽ đến Hiến Pháp và đều có những
điều đáng để tìm hiểu.
Vì sao gọi là bảo thủ Mỹ
Tối cao Pháp Viện là cơ quan có quyền lực cao nhất của Hoa Kỳ, giữ
quyền quyết định các tranh tụng về luật liên bang và luật xuyên tiểu bang.
Đồng thời có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo
luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của
hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.
Thẩm phán Tối cao Pháp Viện gồm chín người được bổ nhiệm trọn đời
bởi Tổng Thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện.
Các thẩm phán giải thích Hiến Pháp và các đạo luật theo nghĩa gốc
ban đầu tạo ra chính nó được xem là theo khuynh hướng bảo thủ.
Còn các thẩm phán giải thích ý nghĩa của Hiến Pháp theo hoàn cảnh,
theo thời gian hoặc theo các tài liệu chứng cứ xung quanh việc ban hành một đạo
luật được xem là theo khuynh hướng tự do cá nhân.
Cánh bảo thủ muốn duy trì một xã hội truyền thống chống lại những
người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đang được nhiều người trẻ thuộc đảng Dân Chủ
ủng hộ.
Ông Kavanaugh là thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ, phục vụ tại
Tòa Phúc thẩm Washington, DC từ năm 2006 tới nay nên khi Tổng Thống Trump bổ
nhiệm đã gặp rất nhiều chống đối.
Việc ông Kavanaugh gia nhập Tối Cao Pháp Viện làm nghiêng cán cân
Tối Cao Pháp Viện với tỷ lệ 5-4 về phía những thẩm phán bảo thủ.
Vì thế nhiều vấn đề đang gây tranh cãi như quyền phá thai, quyền
hôn nhân đồng tính, quyền nhập cư, quyền chuyển giới tham gia quân đội Mỹ… nay
phía bảo thủ có nhiều cơ hội để thắng thế hơn.
Thậm chí nhiều đạo luật đã thông qua nhưng còn nhiều tranh cãi nay
có thể sẽ được mang ra xét lại.
Và khi một đạo luật liên bang được Tối Cao Pháp Viện thông qua
đương nhiên sẽ áp dụng cho tất cả các tiểu bang.
Nhiều ý kiến cho rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ luôn bị “chính trị
hóa” theo quyết định đảng chính trị đang thắng thế.
4 lý do tạo thành khuyết điểm kể trên là (1) thẩm phán do Tổng
thống bổ nhiệm; (2) chỉ cần quá bán Thượng viện đồng thuận với Tổng Thống; (3)
nhiệm kỳ cho các thẩm phán là trọn đời; và (4) mọi quyết định của Tối Cao Pháp
Viện chỉ cần quá bán đồng thuận.
Muốn thay đổi Tối Cao Pháp Viện cần thay đổi Hiến pháp Hoa Kỳ một
điều gần như không thể xảy ra.
Việt Nam Ngày Nay …
Khác với ở Mỹ, cánh bảo thủ tại Việt Nam bảo vệ chủ nghĩa xã hội,
nếu có thay đổi tạm thời thì phải lấy mô hình thể chế của Trung cộng làm định
hướng.
Trên danh nghĩa Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao, không ai có
quyền kiểm soát hoạt động của Quốc hội, phủ quyết các đạo luật, các quyết định
của Quốc hội.
Trên thực tế, quyền lực tối cao thuộc về Bộ Chính Trị, Trung Ương
Đảng biểu quyết theo thủ tục và Quốc Hội luật hóa quyết định Bộ Chính Trị.
Tư Pháp, Lập Pháp, Hành Pháp, Mặt Trận, Báo Chí, Toàn Xã Hội… đều
do Bộ Chính Trị quyết định.
Quyết định Bộ Chính Trị “vi hiến” hay không là điều không cần phải
bàn tới vì Hiến Pháp chỉ là hình thức.
Bởi thế mới có việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nắm tổ chức
đảng, vừa nắm quân đội, lại vừa nắm công an, trong “tình huống” hiện nay phải
nắm luôn vai trò Chủ tịch Nước.
Hội nghị Trung ương 8 còn quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị
cho Đại hội lần thứ 13, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm luôn hai tiểu
ban là Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự.
Dường như đảng Cộng sản nay không còn ai có đủ tài, đủ đức, đủ lý
luận để bảo vệ chủ nghĩa xã hội nên ít nhất 6 chức vụ quan trọng phải trao cho
ông Trọng đã 74 tuổi đời.
Việt Nam Cộng Hòa khi xưa…
Trong hoàn cảnh chiến tranh Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa khi xưa
quy định thẩm phán cho Tối cao Pháp viện có nhiệm kỳ sáu năm, luân phiên mỗi ba
năm bầu lại 6 người.
Ứng cử viên thẩm phán phải là (1) công dân Việt Nam; (2) 10 năm
thâm niên làm chánh án, biện lý, hoặc luật sư; (3) không có quá khứ chống chính
phủ hoặc hoạt động thân cộng; và (4) nếu là phái nam thì phải hợp lệ quân dịch.
Các ứng cử viên được Luật sư đoàn, Công tố đoàn và Thẩm phán đoàn
cứu xét. Mỗi Đoàn chọn 50 hội viên, tổng cộng là 150 người xem xét danh sách
ứng cử viên, bàn thảo và chọn lấy 30 người để trình lên Quốc hội.
Quốc hội sẽ bỏ phiếu chọn 6 người rồi chuyển sang Phủ Tổng thống
phê chuẩn.
Những quyết định của Tối cao Pháp Viện như tuyên bố một đạo luật
bất hợp hiến hoặc giải tán một chánh đảng phải hội đủ đa số ba phần tư (3/4)
tổng số Thẩm phán Tối cao Pháp Viện đồng thuận.
Vụ án Dân biểu Trần Ngọc Châu bị bắt vào tháng 2/1970 vì tội liên
lạc với một gián điệp cộng sản Bắc Việt là một vụ án điển hình cho thấy cách
làm việc của Tối Cao Pháp Viện.
Khi ông Châu bị bắt với bằng chứng được quay phim, việc trước tiên
là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi Hạ viện truất bỏ đặc quyền miễn tố của
Dân biểu Châu.
Hạ viện chấp thuận và thông qua với 102/135 phiếu thuận.
Do trước khi được bầu làm Dân biểu, ông Châu là Trung tá Quân đội
nên ông được trả về Quân Đội và Tòa án Quân sự tuyên án ông Châu 20 năm tù.
Thượng viện đệ đơn lên Tối cao Pháp viện để xét lại vụ án vì cho
là “bất hợp hiến”.
Tòa Tối cao Pháp viện xem xét và tuyên bố việc truất bỏ đặc quyền
miễn tố của Hạ viện là bất hợp hiến vì Hạ viện chỉ bỏ phiếu kín mà không mang
ra Quốc Hội tranh luận công khai.
Tòa Tối cao Pháp viện còn tuyên bố tòa án quân sự chỉ có quyền
trên giới quân nhân tại ngũ, ông Châu phạm luật khi đang là dân sự, nên tòa án
quân sự không có quyền tuyên án ông Châu.
Tòa Tối Cao Pháp Viện quyết định thả ông Châu, nhưng Bộ Quốc phòng
viện cớ an ninh quốc gia nên vẫn giam Châu đợi ngày tái xét.
Vào tháng 1-1973, ông Châu được trao trả như tù binh cho phía Bắc
Việt, nhưng ông Châu cương quyết không chịu theo cộng sản và Trưởng uỷ ban tù
binh Bắc Việt không nhận ông Châu.
Đến tháng 6-1974, ông Châu được chính quyền miền Nam trả tự do.
Sau 30/4/1975, ông Châu bị cộng sản bắt tù “cải tạo” 3 năm vì tội
là cựu Trung Tá và cựu Dân Biểu Việt Nam Cộng Hòa.
Khi được thả ông cùng gia đình vượt biên sang Mỹ và hiện đang sống
tại Los Angeles.
Trong hoàn cảnh chiến tranh vụ án cho thấy Tối Cao Pháp Viện quyết
định theo đúng Hiến Pháp và luật pháp Việt Nam Cộng Hòa. Một bài học đáng được
ghi nhận.
Tổng Thống Trump Liên Tục Thắng Thế
Chỉ chưa đầy 2 năm tại chức ông đã bổ nhiệm được 2 thẩm phán vào
Tối Cao Pháp Viện mang lại nhiều lợi thế cho ông về tư pháp cũng như về chính
trị.
Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng với tỷ lệ 4,1%, tỷ lệ thất nghiệp giảm
xuống chỉ còn 3,7% trong tháng 9, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969.
Kinh tế phát triển tạo niềm tin của người tiêu dùng, niềm tin cho
doanh nghiệp và niềm tin cho thị trường chứng khoán liên tục gia tăng đạt những
mức kỷ lục mới.
Các hiệp định thương mại lần lượt được Tổng thống Trump thương
lượng lại với các nước, như Nam Hàn, Mexico, Canada, EU, Nhật, Ấn,… đang mang
lại nhiều lợi ích hơn cho nước Mỹ.
Bắc Hàn ngừng thử hỏa tiễn, vào bàn đàm phán, và hôm qua 8/10/2018
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo ông Kim Jong-un sẵn sàng cho phép các phái
đoàn quốc tế vào thanh tra các điểm thử hạt nhân và hỏa tiễn.
Khủng bố quốc tế mất khả năng ngóc đầu dậy.
Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và cả Âu Châu đồng ý tăng ngân sách Quốc
Phòng chia sẻ gánh nặng Quân Sự với Mỹ.
Đồng thời, Mỹ đã tạo dựng một liên minh nhiều quốc gia bao vây
quân sự Trung cộng tại Biển Đông.
Với Trung cộng ngoài việc trừng phạt thương mãi, việc trừng phạt
tài chính đang được mở ra.
Hoa Kỳ cho đóng băng tài sản tại Mỹ của quan chức cấp cao và doanh
nghiệp nhà nước có liên quan đến mua bán vũ khí với Nga. Đồng thời giới hạn
chính phủ các nước đồng minh thương mãi, doanh nghiệp hoặc cá nhân giao thương
với Trung cộng. Và có thể cấm Trung cộng sử dụng đồng Mỹ Kim trong các giao
dịch ngoại hối.
Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc Tổng Thống Trump công khai kêu gọi
tất cả các quốc gia trên thế giới chống lại chủ nghĩa xã hội và những khổ nạn
mà chủ nghĩa xã hội mang đến cho con người.
Lời kêu gọi của ông Trump không chỉ nhắm đến các quốc gia như
Venezuela, Trung cộng, Việt Nam,… mà còn nhắm đến khuynh hướng xã hội chủ nghĩa
thuộc cánh tả của đảng Dân Chủ đang được giới trẻ Mỹ ủng hộ.
Những ngày sắp tới ông Trump và đảng Cộng Hòa sẽ phải nỗ lực thêm
để trong kỳ bầu cử tháng tới có thể giữ được các ghế ở cả Thượng viện lẫn Hạ
viện để tiếp tục điều hành quốc gia trong thế mạnh.
Nhìn chung Mỹ là quốc gia dân chủ nên sinh hoạt chính trị lúc nào
cũng sôi nổi, những chính trị gia lúc nào cũng phải năng nổ để liên tục chiến
thắng, để được quyền tiếp tục điều hành đất nước.
Trở lại với Việt Nam…
Cũng chỉ hơn 2 năm từ ngày Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bỏ cuộc chơi
thì tình trạng "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị" càng ngày càng
trở nên thảm khốc.
Chính trị Việt Nam ở cấp tối cao lọt vào “tình huống” vô cùng bế
tắc, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải nhận lãnh 6 chức vụ mà chức vụ nào cũng
đều rất quan trọng không ai có thể thay thế được.
Các quốc gia cộng sản, trong đó có cộng sản Việt Nam, đang là điểm
nhắm của Tổng Thống Trump.
Chính trị nước Mỹ vì thế đều ảnh hưởng đến chính trị thế giới và
ảnh hưởng mạnh đến chính trị Việt Nam.
Thắng lợi của ông Trump đồng thời cũng là thắng lợi của người dân
tại các quốc gia cộng sản.
Cơ hội để Việt Nam có tự do dân chủ mỗi lúc một rõ hơn, đòi hỏi
người Việt cả trong lẫn ngoài nước nỗ lực hơn đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa
Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
9/10/2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire