24/11/2018

Hội nghị Thành Đô : Nhân chứng Việt Nam còn ai?


Thangka

Lời nói đầu
Với sự đi chầu hai ông Mác-Lênin của nguyên TBT Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười trong đầu tháng 10 vừa qua, không còn ai là nhân chứng chính của Việt Nam ở Hội nghị Thành Đô. Lại thêm một người khác, dù không phải là thành viên của Hội nghị Thành Đô, nhưng rất am tường về quan hệ Việt Trung cũng ra đi trước đó vài tuần. Đó là ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu lão thành về Trung Quốc, nguyên Tổng Lãnh sự Quảng Châu và bí thư thứ nhất Đại Sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh.  
Như vậy, cái gọi là ''kỷ yếu hội đàm Thành Đô'' do không được chính thức công bố cũng đi theo về cõi vĩnh hằng ?.


Tại sao có Hội nghị Thành Đô vào tháng 9-1990?

Hệ quả của Hội nghị Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc, là do sự tranh chấp của hai nước Việt Trung sau khi Hà Nội đưa quân sang Campuchia vào cuối năm 1978 để tiêu trừ nhóm diệt chủng Khmer đỏ của Pol Pot mà Bắc Kinh đứng sau hỗ trợ [1].
Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình quyết định trả đũa cho Hà Nội một ''bài học'' hầu tiếp tế hỗ trợ nhóm Pol Pot ở phía Nam. Đó là cuộc chiến tranh Việt Trung kéo dài đúng một tháng kể từ ngày 17-2 đến 16-3-1979. Cuộc chiến đẩm máu gây nhiều thương vong cho hai phía (có khoảng 50.000 người tử vong mỗi bên). Thấy không thể thắng, ông Đặng đơn phương rút quân nhưng cũng không quên trơ trẽn tuyên bố ''sứ mạng hoàn thành''.
Thực tế, Bắc Kinh chuốc lấy thảm bại như theo các quan sát viên trung thực nước ngoải đánh giá. Nhà báo Pháp Patrick Sabatier viết : ''Quân đội Trung Quốc bị quân đội Việt Nam đánh văng từng mảnh ở trận địa dù họ không có đưa quân thiện chiến tham gia''. (Sur le terrain, les troupes chinoises ont été taillées en pièces par les Vietnamiens, qui n'ont pourtant pas engagé leurs meilleures troupes).[2]
Thảm hại hơn nữa là ông Đặng cho thay, giữa trận chiến, tướng Hứa Thế Hữu bằng tướng Dương Đắc Chí dù tướng Hứa đã từng che chở ông khi ông bị thất sủng trong thời kỳ cách mạng văn hoá.
Thế là quan hệ giữa hai nước bị đóng băng trong suốt 11 năm (1979-1990).
Ở Hà Nội, TBT Lê Duẩn từ trần tháng 7-1986. Nguyễn Văn Linh lên thay ở Đại hội VI vào cuối năm, Đỗ Mười trở thành chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (thủ tướng) và Lê Đức Anh, bộ trưởng Quốc phòng (về sau là chủ tịch nước). Bộ ba này muốn tái lập quan hệ mật thiết với Bắc Kinh hầu nương tựa để ''bảo vệ CNXH chống đế quốc'' sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989 cùng với cả khối Liên Xô và Đông Âu lần lượt tan rã (từ giữa 1989 đến 19- 8- 1991). Về sau, Nguyễn Văn Linh tuyên bố không úp mở rằng: ''Tôi biết rằng đi với Trung Quốc thì có thể mất nước, đi với Mỹ thì có thể mất đảng, nhưng thà mất nước còn hơn mất đảng''.![3]
Hội nghị Thành Đô diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 với hai chủ đề chính là giải quyết vấn đề hoà bình ở Campuchia và tái lập quan hệ song phương.
Về vấn đề Campuchia, Hà Nội nhượng bộ toàn diện bằng cách chấp nhận giải pháp có sự hiện diện của Khmer đỏ dưới sự điều hành của cựu quốc vương Norodom Sihanouk mà chính quyền Phnom Penh bác bỏ. Đó là giải pháp ''đỏ'' theo công thức 6+2+2+2+1. Có nghĩa là Hội đồng Dân tộc Tối cao gồm có : 6 người của phía chính quyền Phnom Penh, 2 người phía đảng Ranariddh (con Sihanouk), 2 người phía đảng Son San, 2 người phía Khmer đỏ Pol Pot vả người chủ trì là N.Sihanouk.
Theo hồi ký của cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ, lãnh tụ Hun Sen bất mãn và lo ngại cho tính mạng phải thốt lên nói :''Chúng nó mà về thì chúng sẽ làm thịt những người tích cực, trước hết là bọn chúng tôi''.! [4]
Về quan hệ song phương, mọi người đều mù tịt ngoài những tin đồn đoán khó kiểm chứng do Hoàn Cầu thời báo của TQ ''hé ra'' năm 2014 theo đó ''Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị trực thuộc chính quyền trung ương Bắc Kinh như Trung Quốc đã từng dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương, Quảng Tây'' vào năm 2020 ?.
Ngay sau đó, nhiều sĩ quan cao cấp quân đội như cựu thiếu tướng Lê Duy Mật, ba cựu đại tá Phạm Quế Dương, Bùì Văn Bồng, Nguyễn Đăng Quang [5] vv...đòi Hà Nội phản bác thông tin bằng cách công khai hoá bản ký kết.
Ngày 13-10-2014, RFA đưa tin của cái gọi là Ban Tuyên giáo TƯ phổ biến tài liệu Hội nghị Thành Đô theo đó Ban này bác bỏ tin của Hoàn Cầu thời báo và cho rằng đó là một ''luận điệu bịa đặt với ý đồ xấu'' nhưng vẫn từ chối không công khai hoá văn kiện. [6]  
Đánh giá về kết quả của Hội nghị Thành Đô, ông Trần Quang Cơ cay đắng nhận xét : ''Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô vì chính ta đã lừa ta'' [7]. Ông muốn nói bộ Chính trị đương thời bị phân hoá giữa hai nhóm đứng đầu là Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh muốn ngã theo TQ và Nguyễn Cơ Thạch muốn giữ lập trường độc lập. Ông Cơ tuy được đề cử thay ông Nguyễn Cơ Thạch sau Đại hội VII nhưng ông từ chối và xin về hưu.
Trái lại, lời đòi hỏi Hà Nội phải toàn bộ rút quân khỏi Campuchia có kiểm chứng của Bắc Kinh được hoàn toàn thoả mãn cũng như việc đòi ''trừng phạt'' phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mà Đặng Tiểu Bình gọi là người ''giở trò vặt'' làm cản trở sự tái lập quan hệ giữa hai nước. Đó là hai điều kiện tiên quyết.
Như mọi người đều biết, hai ông Nguyễn Cơ Thạch và Mai Chí Thọ (bộ trưởng bộ Công An) bị loại khỏi Ban Chấp hành TƯĐ ở Đại hội VII, tháng 6-1991, đồng nghĩa với sự mất chức. Ông Mai Chí Thọ bị Bắc Kinh buộc tội ''xua đuổi'' người Hoa khi còn là chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh.
Đầu tháng 11-1991, tân TBT Đỗ Mười và tân thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Bắc Kinh gặp hai người đồng cấp Giang Trạch Dân và Lý Bằng ký hiệp định bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, do có sự bất hoà giữa hai nước hơn mười năm nên phía TQ thận trọng đề xướng công thức :'' Thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu'' (Thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau). [8]

Những nhân chứng trọng yếu của Hội nghị

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết toàn bộ những người tham gia Hội nghị về phía Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Ngày 19-3-2012, nhà báo Buì Tín (vừa qua đời trong tháng 8-2018 ở Paris) có đưa ra hai tấm ảnh lên VOA về các lãnh đạo của hai nước tham dự Hội nghị. Hai tấm ảnh này sau đó được truyền thông trong và ngoài nước rộng rãi đăng tải.

Hình I


Từ trái sang phải: Lý Bằng, Giang Trạch Dân, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng.
[Không biết họ đang nói gì nhưng hình cho thấy mọi người nói cười vui vẻ!]
Hinh II
        
                    
Người ta có thể nhận rõ hình các nhân vật ở hàng đầu từ trái sang phải:
-TB Đối ngoại TƯĐ của VN Hoàng Bích Sơn (1924-2000),
-Thứ trưởng ngoại giao TQ Tề Hoài Viễn (1930),
-Cố vấn Phạm Văn Đồng (1-3-1906/29-4-2000).
-TBT Nguyễn Văn Linh ( 1-7-1915/27-4-1998).
-TBT kiêm chủ tịch nước TQ Giang Trạch Dân ( 17-8-1926).
-Thủ tướng TQ Lý Bằng (20-10-1928).
-Thủ tướng Đỗ Mười (2-2-1917/1-10-2018).
-Chánh Văn phòng TƯĐ Hồng Hà (1928-2011).
-Thứ trưởng ngoại giao thứ nhất VN Đinh Nho Liêm (không rõ ngày tháng sinh tử nhưng biết đã qua đời).
Như vậy, hiện nay về ban lãnh đạo tham gia Hội nghị của hai nước, chỉ có Giang Trạch Dân và Lý Bằng còn sống dù đã ngoài 90 trong khi các nhân vật chính phía Việt Nam đều qua đời.
Hình hàng thứ hai, chưa rõ hết nhưng về phía Trung Quốc, người ta biết thêm được 6 người sau tham dự với tư cách chuyên gia [9]:
-Trương Đức Duy (1930), Đại sứ TQ tại Việt Nam từ 4-1989 đến cuối 1992. Chính Trương Đức Duy nhiều lần gặp riêng Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh và Đỗ Mười trong hè 1990 ở Hà Nội mà không qua bộ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
-Tăng Khánh Hồng (1939), bí thư TƯĐ, về sau là phó chủ tịch nước và một trong những uỷ viên thường vụ bộ Chính trị ĐCSTQ khoá XV (2002-2007).
-Trương Thanh, vụ phó vụ Á châu 1 ở Bộ Ngoại giao, về sau là Đại Sứ ở VN từ 12-1992 đến 12-1995.
-Lý Gia Trung, tham tán chính trị Đại Sứ Quán TQ ở VN năm 1990, về sau cũng là Đại Sứ ở VN từ 12-1995 đến 7-2000. Ông còn là tác giả của quyển sách viết về ông Hồ Chí Minh.
-Chu Thiện Khanh, Phó Trưởng ban Liên Lạc đối ngoại TƯĐ.
-Ngô Hưng Đường, Giám đốc phòng nghiên cứu Ban Liên Lạc đối ngoại TƯĐ.
Theo ông Lý Gia Trung [10], phái đoàn Việt Nam gồm tất cả 15 người. Người ta có thể nghĩ rằng phái đoàn TQ cũng có 15 người. Như vậy, chín người còn lại bên phía Việt Nam chưa rõ là ai.
Phía Trung Quốc, ngoài Giang Trạch Dân, Lý Bằng và bảy người kể trên, sáu người còn lại cũng chưa biết rõ là ai.
Ở đây xin mở dấu ngoặt về thông tin loan truyền trên mạng theo đó phái đoàn VN còn có Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Lê Đức Anh, phía phái đoàn TQ có thêm Đặng Tiểu Bình, tướng Dương Đắc Chí thậm chí tướng Hứa Thế Hữu dù đã chết từ năm 1985!. Dĩ nhiên đó là một thông tin sai sự thật, hoàn toàn bịa đặt.
Như trên có nói tới nhà nghiên cứu lão thành về TQ Dương Danh Dy. Ông viểt nhiều bài nghiên cứu sâu sắc về quan hệ Việt Trung và đặc biệt về Hội nghị Thành Đô. Ông còn nói có gặp lại nhiều lần hai nhân chứng Hồng Hà và Đinh Nho Liêm cùng những người thông dịch khi về hưu. Tiếc thay, những bài viết của ông không nói hoặc bị cấm nói về cái gọi ''mật ước Thành Đô''. Hy vọng rằng những người thân tộc của ông sẽ công bố những di cảo của ông để cho mọi người biết.

Lời kết

Sáu nhân chứng trọng yếu của Việt Nam ở Hội nghị Thành Đô lần lượt qua đời từ 28 năm qua. Thế nhưng, chính quyền Hà Nội lẫn Bắc Kinh vì lý do chính trị ''nhạy cảm'' vẫn giữ kín văn kiện ''kỷ yếu hội đàm Thành Đô'' mà họ đã ký kết cách đây 28 năm. Nhưng với thời kỳ thông tin hiện đại internet họ không thể giấu mãi được. Chắc chắn rồi mọi người sẽ biết.

Bangkok, Tháng 11-2018

Chú thích và tài liệu tham khảo
[1] Trong ba năm 1975-1978, Khmer đỏ đã  giết hại gần hai triệu đồng bào của họ. Nhưng một cách lạ lùng, ngoài hai lãnh tụ then chốt Pol Pot và Ieng Sary đã qua đời, toà án Phnom Penh gồm có thẩm phán Campuchia và thẩm phán quốc tế, ngày 16-11-2018, dự kiến sẽ đưa ra phán quyết hai lãnh tụ cuối cùng còn sống Khieu Samphan và Nuon Chea sau 43 năm!.
[2] Patrick Sabatier: Le dernier Dragon, Ed JC Lattès, 1990, 423 trang, trang 271.
[3] Ngô Quốc Sĩ: Mất Đảng hay mất Nước?, http://hotruong1942.blogspot. com.
[4] Hồi ký ''Hồi ức và suy nghĩ'' của Trần Quang Cơ chương 5, đăng trên Diễn Đàn Forum, Hồ sơ Tài liệu tháng 7-2005.
[5] Nguyễn Đăng Quang: Phải công bố các thoả thuận ở Thành Đô cho nhân dân biết, http://bvbt.blogspot. fr, ngày 5-8-2014.
[6] Gia Minh: Ban Tuyên giáo TƯ phổ biến tài liệu Hội nghị Thành Đô. https://www.rfa.org
[7] Hồi ký Trần Quang Cơ chương 14.
[8] Hồi ký Trần Quang Cơ chương 18.
[9] Những tên chuyên gia TQ lấy trên bài hồi ký của cựu đại sứ Trương Đức Duy. Xem Blog̣̣̣.sina.com.cn, 2011-11-21.
[10] Lý Gia Trung: Nội tình cuộc gặp lãnh đạo Việt Trung tại Thành Đô do Nguyễn Hải biên dịch, http://nghiencuuquocte.org, 7 tháng 11-2014.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire