(GDVN) - Có phải ông Phong thực sự thông cảm
với cán bộ dưới quyền hay ông cũng đang “thông cảm” với chính mình và không ít
đồng cấp, đồng liêu của mình?
Ngày 24/12/2015, ông
Nguyễn Thành Phong, 53 tuổi, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành
phố Hồ Chí Minh) chính thức trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh, thay ông Lê Hoàng Quân đã làm 2 nhiệm kỳ (từ năm 2006).
Hai tháng sau khi nhậm
chức, ông Phong đã có những phát biểu mà ông cho là: “Đó là sự khẳng khái, khí phách của
người dân thành phố, người dân Nam Bộ”, cụ thể:
Ngày 18/02/2016, tại
hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Bính Thân 2016 của chính quyền
Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong phát biểu:
“Nơi nào xảy ra vụ việc mà phải tiến
hành thanh tra, kiểm tra, tôi đề nghị trước hết thanh tra, kiểm tra trách nhiệm
người đứng đầu. Tôi xin nói quan điểm rất rõ của mình như thế.
Người lãnh
đạo không nhận trách nhiệm thì thôi, đã nhận phải làm đàng hoàng. Đã dám nhận
chức vụ đó thì phải thấy hết trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm, còn nếu thấy
không đảm đương nổi thì xin nghỉ, xin thôi…”. [1]
Minh họa: Lê Phương/ http://antgct.cand.com.vn |
Đến cuối năm 2018 này,
ông Phong vẫn nhớ hay quên những gì mình đã nói?
Hỏi ông Phong như thế
bởi ngày 6/12/2018 ông Phong phát biểu:
“Các cuộc thanh tra, khởi tố giúp thành
phố nhận thức rõ những hạn chế, khuyết điểm; thẳng thắn nhìn nhận và tập trung
giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Nhưng việc
này cũng làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức dẫn đến đôi lúc
chậm giải quyết hồ sơ hành chính”.
[2]
Ngày 17/12/2018, tại
cuộc tiếp xúc cử tri quận 1, ông Phong tiếp tục nêu ý kiến:
“Thành phố có hơn 90 dự án đang bị
thanh tra, phải ngưng lại hết… Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường báo cáo riêng
tuần qua, cán bộ Phòng Quản lý Đất đai được mời hơn 20 lần.
Những cán
bộ chuyên môn được công an điều tra mời làm việc thì những hồ sơ về sau họ rất
thận trọng, rất chặt chẽ. Ủy ban Nhân dân thành phố cử lãnh đạo thường trực
xuống các sở làm công tác tư tưởng cho cán bộ, việc nào ra việc đó”. [3]
Cho rằng những cán bộ,
công chức sau khi được công an mời làm việc thì “những hồ sơ về sau họ rất thận trọng, rất chặt chẽ”
liệu có đồng nghĩa với việc trước khi phải gặp gỡ công an họ có thể tùy tiện
giải quyết công việc và chính quyền thường “quên” không xử lý?
Người Việt có câu:
“Cây ngay không sợ chết đứng”, nếu cán bộ dưới quyền ông Phong là “cây ngay”
thì việc gì thành phố phải cử lãnh đạo thường trực xuống các sở “làm công tác
tư tưởng cho cán bộ”?
Mới nhậm chức ông
Phong nhấn mạnh đến sự “khẳng khái, khí phách” của mảnh đất và con người mà ông
nhận trọng trách lãnh đạo.
Thế sự “khẳng khái,
khí phách” biến đi đâu khi đội ngũ cán bộ, công chức thành phố “giảm sự năng động, chậm giải quyết hồ
sơ” và “phải làm
công tác tư tưởng”?
Có phải ông Phong thực
sự thông cảm với cán bộ dưới quyền hay ông cũng đang “thông cảm” với chính mình
và không ít đồng cấp, đồng liêu của mình?
Nói đến sự khẳng khái,
khí phách của người dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và người dân Nam Bộ nói
chung, không gì hơn câu thơ của cụ Đồ Chiểu:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy
thằng gian bút chẳng tà”.
“Mấy thằng gian” thời
cụ Đồ Chiểu chính là bọn bán nước, hại dân, đời đời
bị nguyền rủa.
“Mấy thằng gian” ngày
nay có thể là bọn bán đất kim cương, cảng biển, nhà công vụ như bán bèo, lại
cũng có cả bọn “bán chổi đót” như bán vàng lấy tiền xây biệt phủ tiền tỷ.
Lại có cả bọn phá nát quy hoạch thủ đô hay khu đô thị Thủ Thiêm, biến
đường phố thành sông sau mỗi trận mưa, biến người đi đường thành rùa chỉ có thể
“nhúc nhích”,…
Với bọn này, việc
chúng bị dư luận và cơ quan bảo vệ pháp luật “đâm” là việc cần phải làm, bắt
buộc phải làm, hà cớ gì mà lãnh đạo thành phố phải đến tận nơi làm công tác tư
tưởng?
Ông Phong có thời gian
dài làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre.
Liệu ông có biết mộ cụ
Nguyễn Đình Chiểu để tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, Bến Tre?
Trở lại câu chuyện của
Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phong cho rằng:
“Có những dự án không vướng nhiều đến
kết quả thanh tra thì thành phố sẽ làm việc với đoàn thanh tra có thể linh động
để nhà đầu tư thực hiện, giúp doanh nghiệp không phải chịu thiệt thòi, nhất là
chịu khoản lãi ngân hàng”.
Phải hiểu thế nào
chuyện ông Phong mong các đoàn Thanh tra “linh
động để nhà đầu tư thực hiện, không phải chịu thiệt thòi”?
Với cương vị của mình
ông Phong không thể không biết nhờ chuyện “linh động” nên 4 đoạn đường khu đô
thị Thủ Thiêm dài chỉ có 11,9 km được người đồng cấp (phó Bí thư Thành ủy) là
ông Tất Thành Cang bật đèn xanh cho
tư nhân thi công với giá 12.000 tỷ đồng, mỗi km đường có giá là 1.000 tỷ đồng?
Cùng với đó, hơn 30 ha
đất Phước Kiển được ông Cang chỉ đạo bán cho doanh
nghiệp tư nhân với giá bèo hơn 1 triệu đồng một mét vuông!
Ba lần tiếp xúc với
người dân mất nhà đất tại Thủ Thiêm, ông Phong không thể không biết sự “linh
động” của những người tiền nhiệm đã hô biến 160ha đất tái định cư thành 51 dự
án xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng
(chiếm 144,6ha).
Không phải ngẫu nhiên
mà năm 2017 chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Thành phố Hồ
Chí Minh chỉ đạt 71,19%, thấp hơn so với chỉ số SIPAS chung của cả nước là
80,90%.
Cũng không phải ngẫu
nhiên mà báo Infonet.vn đưa tin về Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham
nhũng, lãng phí năm 2017 của Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“Theo giấy mời được gửi đi, các cơ quan
báo chí Trung ương và địa phương được tham dự buổi làm việc.
Tuy nhiên,
ngay sau khi phần giới thiệu chương trình kết thúc, lực lượng bảo vệ lần lượt
mời các phóng viên ra ngoài, đồng thời cho biết phóng viên có thể quay lại vào
lúc bế mạc cùng ngày”. [4]
Báo chí không được dự
có phải có những điều mà truyền thông - cũng tức là nhân dân - không nên biết,
vậy bao giờ thành phố này mới có một chính quyền “minh bạch, kiến tạo” theo
quan điểm của người đứng đầu Chính phủ?
Người dân bị mất đất,
mất nhà tại Thủ Thiêm ròng rã suốt 20 năm đệ đơn khiếu nại, tố cáo lên thành
phố và trung ương, liệu ông Phong có thể dẫn chứng tên tuổi, chức vụ những lãnh
đạo nào của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố thời kỳ ông Lê Thanh Hải tại vị đã xuống
địa bàn “làm công tác tư
tưởng cho” cho nhân dân?
Dân oan ít ai được
"làm công tác tư tưởng", cán bộ “giảm nhiệt tình” thì vội “làm công
tác tư tưởng”, cán bộ quan trọng hơn hẳn dân như thế thì thành phố là của dân
hay của quan?
Trong hai mươi năm,
không ít lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xem như dân Thủ Thiêm đi đâu hết cả,
chỉ có nhà đầu tư, cán bộ làm sai đầy rẫy nhưng ít thông tin về xử lý.
Chỉ mới bị thanh tra
trong thời gian ngắn đã vội vàng ca thán, có người dân còn cho rằng, Chủ tịch
nói như vậy như là gây áp lực ngược lên Trung ương.
Muốn Trung ương tiếp
tục “linh động”, muốn tài sản quốc gia tiếp tục biến thành bèo, muốn tiền thuế
của dân chảy vào túi “nhóm lợi ích” hay chỉ đơn giản là muốn cho cán bộ, công
chức thành phố này “dễ sống” hơn nơi khác?
Nếu cần phải nói thêm
thì xin trích ý kiến Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân:
“Thành phố
có hơn 37.000 bản kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức nhưng không
có ai bị xử lý tham nhũng.
Dù có 10
triệu dân và hàng ngàn khiếu nại tố cáo mỗi năm nhưng báo cáo kết luận là chưa
phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đọc mà thấy giật mình!”
[4]
Hàng nghìn tố cáo
khiếu nại mỗi năm nhưng “báo
cáo kết luận là chưa phát hiện tham nhũng”, đây là người trong cuộc
phát biểu.
Khi thanh tra làm việc
thì kêu ca, đây cũng là lời người trong cuộc, phải chăng có người muốn cán bộ,
công chức thành phố này phải được xem là ngoại lệ?
Ông Bí thư “giật mình”
còn ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thì lo làm công tác tư tưởng cho những người
bị công an mời làm việc.
Phải chi sự “nhân văn”
mà lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố dành cho cán bộ, công chức cũng ngang
bằng với sự nhân văn dành cho dân Thủ Thiêm nói riêng và những người lao động
nói chung?
Một vị lãnh đạo Chính
phủ từng nói có khoảng 30% cán bộ công chức “cắp ô”, 30% của 37.000 là hơn
10.000 người.
Hơn một vạn người
thuộc diện “không cãi ai, không chửi ai, chỉ đi ra đi vào” thì việc gì phải làm
công tác tư tưởng. Những người có sĩ khí ai cần làm công tác tư tưởng?
Sau khi một ông Phó Bí
thư và hai ông nguyên Phó Chủ tịch thành phố bị xem xét kỷ luật thì hình như có
sự bột phát “tâm tư” của đội ngũ cán bộ.
Vậy phải chăng đối
tượng phải làm công tác tư tưởng chính là những người đứng đầu?
Không biết những người
liên quan đánh giá nhận định này thế nào?
Tài liệu
tham khảo:
[1]https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-tphcm-nguyen-thanh-phong-can-bo-yeu-thi-xin-nghi-480516.vov
[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-tp-hcm-thanh-tra-khoi-to-nhieu-lam-giam-nhue-khi-cong-chuc-493114.html
[3]https://nld.com.vn/thoi-su/hon-90-du-an-o-tp-hcm-dang-bi-thanh-tra-20181217212006974.htm
[4]https://infonet.vn/ong-nguyen-thien-nhan-giat-minh-ve-ket-qua-xu-ly-tham-nhung-tai-tphcm-post256389.info
Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Co-phai-Chu-tich-thanh-pho-Ho-Chi-Minh-dang-gay-ap-luc-len-trung-uong-post193933.gd
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire