(GDVN) - Những ai ban hành các quyết định
“vượt Quốc hội” làm metro Bến Thành – Suối Tiên làm đội vốn hàng nghìn tỷ?
Lãnh đạo Dự
án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Nguyễn Minh Quang -
Trưởng Ban Quản lý - ba lần viết đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được cấp trên
giải quyết.
Báo Tienphong.vn cho
biết ông Lê Nguyễn Minh Quang là lãnh đạo duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh
tương đương chức giám đốc sở nhưng không phải là đảng viên. [1]
Gần đây ông Hoàng Như
Cương - Phó ban đồng thời là Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý đường sắt đô thị thành
phố đi Mỹ khi chưa được Ủy ban Nhân dân cho phép (thực ra là ông Cương yên ổn ở
Mỹ rồi mới gửi đơn xin phép).
Vẫn theo tin từ Tienphong.vn,
ông Cương có gia đình bên Mỹ và ông này từng làm đơn xin nghỉ không lương để
qua Mỹ lo việc gia đình.
Lãnh đạo đơn vị sản
xuất kinh doanh ở nơi bộn bề công việc như Thành phố Hồ Chí Minh mà mất quá
nhiều thời gian lo cho gia đình tận bên Mỹ, vậy chẳng nhẽ thành phố này thiếu
cán bộ đủ năng lực thay thế ông Cương hay “nhóm” của ông chưa cho phép nghỉ?
Không biết ông Phó ban
kiêm Bí thư đảng ủy Hoàng Như Cương có thuộc diện mà lãnh đạo thường trực của
thành phố phải xuống làm công tác tư tưởng - điều đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân thành phố Nguyễn
Thành Phong thổ lộ sau chuyện 90 dự án bị thanh tra?
Sau Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn
Thành Tài, Tất Thành Cang, liệu có phải đang có cuộc “rút lui” của một số quan
chức thành phố vốn nắm giữ những vị trí béo bở liên quan đầu tư, xây dựng, ngân
sách,…
Câu chuyện nóng thêm
sau khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện những sai phạm lớn tại dự án metro số 1,
tuyến Bến Thành - Suối Tiên với số vốn tăng từ gần 17.400 tỷ đồng lên 47.300 tỷ
đồng.
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả về dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của dự án này. Ảnh: VOV |
Tháng 8/2011, sau khi
lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng cho phép Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ
đồng.
Bên cạnh việc đội vốn,
tại tuyến metro này kết cấu công trình cũng bị thay đổi, cụ thể:
“Tường vây đường hầm metro số 1 đã bị
thay đổi so với thiết kế so với ban đầu, giảm từ 2m xuống còn 1,5m”
[2].
Kiểm toán Nhà nước đã
chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc thiết kế cơ sở, thay đổi kết cấu chịu lực
của công trình, chẳng hạn kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U của hay sử
dụng loại ray UIC 54 thay cho ray 50 kgN; tải trọng trục 16 tấn/trục thay cho
14 tấn/trục… [3]
Ông Nguyễn Văn Tám -
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông “chưa nắm rõ tường vây đường hầm metro
bị thay đổi thiết kế”!
Tháng 11/2018, ông
Umeda Kunio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh báo
cáo Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm phê duyệt quyết định đầu tư
điều chỉnh phân bổ ngân sách cho dự án. [2]
Điều này phải chăng
đồng nghĩa với việc Bộ Chính trị và Quốc hội chưa phê duyệt việc điều chỉnh dự
án?
Nói cách khác là Ủy
ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang vượt quyền của Quốc hội?
Sau vụ Phó Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ban hành quyết định của Ủy
ban Nhân dân thành phố “thay thế quyết định của Thủ tướng chính phủ” về quy
hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, lần này có dấu hiệu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh còn tiến thêm một bước bất chấp luật pháp, vượt cả thẩm quyền
của Quốc hội.
Để thấy rõ điều này,
cần căn cứ vào Luật Đầu tư công.
Theo quy định tại điều
7, Luật Đầu tư công (Luật số 49/2014/QH13 - ban hành ngày 18/06/2014) thì những
dự án có vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên thuộc loại “Dự án quan trọng quốc
gia” và những dựa án này phải được Quốc hội phê chuẩn, điều này được quy định
tại khoản 5 điều 19:
“Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết
về chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng
quốc gia.
Nội dung
Nghị quyết của Quốc hội ghi rõ mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, công nghệ
chính, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, cơ chế và giải pháp, chính sách
thực hiện”.
Khoản 2 điều 16 “Các
hành vi bị cấm trong đầu tư công” cho thấy “Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu
tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật
về đầu tư công” là hành vi bị cấm.
Từ những phân tích,
trích dẫn nêu trên, liệu đã đủ cơ sở kết luận việc cán bộ của Ủy ban Nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh cho phép dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên thay đổi
nhiều tiêu chí như “tổng vốn đầu tư, công nghệ chính, tiến độ thực hiện,…” là
hành vi vượt quá thẩm quyền, vi phạm pháp luật?
Đất nước từng có một
vị Bí thư tỉnh ủy là ông Kim Ngọc đã vượt qua những rào cản hữu hình và vô
hình, thực hiện “Khoán hộ” tại tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ), ông
Ngọc bị tổ chức yêu cầu phải làm bản kiểm điểm và tự phê bình nghiêm túc.
Vượt qua những thăng
trầm của cá nhân, kiên trì bảo vệ quan điểm trước lãnh đạo cấp trên, phương
pháp của ông được chấp nhận, được nhân rộng thành “Khoán 10”, nhờ thế nền nông
nghiệp Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt, nạn đói vĩnh viến bị đẩy lùi.
Từ chỗ phải nhập khẩu
lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tại Thành phố Hồ Chí
Minh chuyện ông Sáu Dân (nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn
Kiệt) “vượt rào” thể hiện qua câu nói với cán bộ dưới quyền:
"Dân đói mà các
anh còn nguyên chức, dân no mà các anh mất chức, chọn cái nào?...".
Ông Võ Văn Kiệt cũng
từng nói:
“Người nghèo - những hộ thu nhập thấp,
những người phải chạy ăn từng bữa - trên thực tế chỉ được thụ hưởng rất ít các
kết quả tăng trưởng, trong khi chính họ phải gần như lãnh trọn những hậu quả do
lạm phát đang diễn ra.
Muốn đất
nước phát triển bền vững, tôi cho rằng chúng ta không thể thiếu những chính
sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”. [4]
Sau thế hệ những con
người như Kim Ngọc, Sáu Dân, một bộ phận không nhỏ, rất không nhỏ những cán bộ
công chức tại các thành phố quan trọng nhất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thành
phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ đang làm gì?
Cũng là “vượt rào”
nhưng ở Hà Nội người ta “băm nát quy hoạch thủ đô”, ở Cần Thơ người ta thu tài
sản của dân sáu tháng sau mới lập biên bản, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh là xắn
đất tái định cư (của dân khu đô thị Thủ
Thiêm) chia cho doanh nghiệp tư nhân, là khiến hàng trăm hộ dân, hàng nghìn
con người điêu đứng vì mất đất, mất nhà, là khiếu kiện kéo dài tới 20 năm,…
Vậy những lãnh đạo nào
ở Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến chuyện “vượt Thủ tướng” bán đất Thủ
Thiêm, Tân Thuận, dấm dúi sang tên hàng loạt khu đất vàng, đất kim cương như
khu 17.577 m2 đất tại số 1Bis-1Kep - đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1?
Những ai ban hành các
quyết định “vượt Quốc hội” làm metro Bến Thành – Suối Tiên đội vốn hàng nghìn
tỷ?
Liệu đây có phải là
“bầy sâu” theo cách nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là những
người “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” theo cách nói của tòa án
hay phải coi đó là những kẻ “hại
dân, hại nước” theo cách nói của dân chúng.
Với những kẻ này phải
cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội hay chỉ nên cách ly có thời hạn để chúng còn có
cơ hội hưởng thụ những gì cấu véo được lúc đương quyền?
Tài liệu
tham khảo:
[1] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ban-quan-ly-duong-sat-do-thi-tphcm-chuyen-gi-dang-xay-ra-1359754.tpo
[2]https://vtc.vn/ham-tuyen-metro-ben-thanh--suoi-tien-bi-thay-doi-thiet-ke-d447913.html
[3]https://news.zing.vn/chuyen-ket-cau-dam-khien-du-an-metro-so-1-o-tphcm-doi-von-1420-ty-post903333.html
[4]https://tuoitre.vn/10-nam-ngay-mat-co-thu-tuong-vo-van-kiet-chuyen-dan-cua-ong-sau-dan-20180611075219657.htm
Xuân Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire