Mạnh Kim |
Người dân thù ghét chính quyền là “hiện tượng” có thực. Sẽ không có một phân tích tâm lý nào đúng với bản chất vấn đề trước “hiện tượng” xã hội này nếu nguồn gốc dẫn đến hiện tượng bị phớt lờ đi.
Trước khi lên án những hành động và phát biểu “vô văn hóa” của “dân mạng”, hãy đặt câu hỏi tại sao người ta thù ghét chính quyền; tâm lý thù ghét chính quyền đến từ đâu; và chính quyền có đáng để bị ghét không?
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết, hành động ném chất bẩn vào nhà Nguyễn Hữu Linh là “không nên và pháp luật không cho phép”, rằng “có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167”, rằng “có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015”.
Tuy nhiên, có đại diện pháp luật nào đã lên tiếng cho những tiền lệ trước đó: không phải một mà là rất nhiều lần, nhà của những nhân vật đấu tranh đã từng bị tạt chất bẩn, từng bị khóa trái cửa, từng bị ném đá làm hư hỏng toàn bộ đồ đạc… Trong vài trường hợp, chất bẩn được ném vào nhà “những kẻ phản động” là phân trộn nhớt hoặc phân pha với sơn; cửa nhà họ không chỉ bị khóa trái mà ổ khóa còn bị xịt keo dán sắt; cổng nhà họ cũng bị một nhóm “lạ mặt” nào đó đến quấy nhiễu, trước sự chứng kiến của con cái họ.
Trong gần như bất kỳ xã hội nào, người dân cũng có khuynh hướng chỉ trích chính quyền, từ thuế má đến bảo hiểm y tế... Tuy nhiên, chỉ trích chính sách nhà nước khác với tâm lý thù hằn chế độ. “Ở đâu cũng có” cảnh sát đánh dân nhưng chỉ “ở đây” mới có chuyện “thanh niên tự đập mặt vào gậy cảnh sát giao thông khiến hốc mắt bị lún” hoặc “thanh niên nhập viện cấp cứu sau khi tự va vào dùi cui và súng của công an”…
Khoan vội nói đến các vấn đề chính sách vĩ mô như chuyện đất đai và quy hoạch vốn là một trong những nguồn gốc lớn nhất của bất công dẫn đến xã hội bất bình, hãy nói những chuyện “nhỏ lẻ” hơn để thấy chế độ này sai như thế nào khi nghĩ rằng bàn tay sắt có thể giải quyết mọi vấn đề. Các vụ đánh đập tàn bạo vào người biểu tình quả là có gây sợ hãi nhưng sợ hãi không là cảm giác duy nhất khi người ta xem các cảnh bọn an ninh chìm vung tay đạp chân tàn bạo. Bên cạnh sự sợ hãi là sự trào lên cảm giác oán giận và căm thù. Giận dữ là tức thì. Thù ghét thì âm ỉ. Nó trở thành cảm giác dồn nén chực chờ nổ tung. Có thể người ta không dám xuống đường nữa để biểu thị sự tức giận. Thì người ta sẽ chọn hình thức “khủng bố” bằng những quả bom ngôn từ. Thay vì tìm cách “gỡ bom”, chính quyền thường xuyên tạo ra chất nổ cho các quả bom tiếp theo.
Những trường hợp như vụ Nguyễn Hữu Linh cho thấy sự thất bại tuyệt đối của một nền chính trị. Nó cho thấy, khi công lý đã bị chính quyền chà đạp đến mức chẳng ai còn tin vào sự phán xét và trừng trị của pháp luật thì người dân sẽ có khuynh hướng cho mình quyền phán xét và quyền trừng phạt. Chưa bao giờ mà giá trị công lý bị mờ nhạt như vậy. Mà ai là thủ phạm chính làm cho công lý trở thành trò cười? Đừng chỉ đơn giản trách tại sao xã hội ngày càng trở nên hung hãn. Đừng chỉ trách “một đám dân mạng” ngày càng trở nên “vô học” hoặc “vô văn hóa” khi dễ dàng “ném đá” vào bất cứ chuyện gì. Khi chính quyền là “bà đẻ” cho những cái ác thì đừng trách cái ác quay lại “cắn” chính quyền. Trước khi lên án “tâm lý bệnh hoạn” của cái xã hội đảo điên này, cần nên tìm hiểu “virus” nào gây ra “căn bệnh xã hội” đó. Mà bản thân thầy thuốc cũng bệnh, cả cái bệnh viện cũng bệnh, còn đòi trị ai?
Tâm lý thù ghét chính quyền ngày càng in sâu vào đầu người dân. Hãy thừa nhận “hiện tượng” có thực này. Đến mức này mà còn nghĩ bàn tay sắt có thể làm khiếp nhược người dân thì là một hoang tưởng. Đến mức này mà còn chưa cấp bách sửa lại những sai lầm thì sẽ đến ngày sự giận dữ không chỉ nhắm vào một hoặc vài cá nhân, và sự cuồng nộ sẽ không chỉ giới hạn ở những tiếng chửi rủa hoặc cái cau mày. Đừng nhìn dân như “một bầy cá thể” yếu ớt. Dân tộc (nation) có trước, nhà nước (state) có sau. Dân tộc tạo ra nhà nước. Không có nhà nước nào “đẻ” ra dân tộc.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire