21/05/2019

SUY NGHĨ TỪ MỘT TẤM HÌNH


(Fb Mạc Văn Trang)

Trên FB Nguyên Thanh có tấm hình 2 đứa trẻ, cho biết em bé con nhà giàu đang chơi smartphone bên cạnh bàn ăn tràn ngập thức ăn; còn em bé nhà nghèo, bưng rổ khoai, mắt dán vào chiếc điện thoại của em kia một cách thèm thuồng... Tác giả “chộp” được tấm hình thật ý nghĩa. Từ tấm hình này nhiều bạn lên án sự bất công của chế độ, nhiều bạn thương xót cho em bé nghèo; có bạn chỉ thấy buồn...
Tôi chỉ bình luận: Chưa biết em nào sau này sẽ hiếu thảo hơn với cha mẹ và có ích hơn cho xã hội... Nhưng rồi muốn nhân đây chia sẻ thêm vài điều về giáo dục.


1. Sự bất công, “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, xã hội nào, chế độ nào cũng có. Trẻ em không chọn được bố mẹ, không chọn được nơi sinh, không chọn được gia cảnh... Cho nên chỉ đòi hỏi bình đẳng, công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ công dân, chứ không “bình đẳng” giàu, nghèo được. Cũng vì vậy, trong GIÁO DỤC, người ta chỉ đòi hỏi, phấn đấu cho BÌNH ĐẲNG VỀ CƠ HỘI giáo dục với mọi trẻ em. Đó là em nào có KHẢ NĂNG và NGUYỆN VỌNG học tập đều được tạo điều kiện để học và phát triển... Trách nhiệm của Chính phủ, của Ngành Giáo dục là PHẢI thực hiện được điều này. Thủ tướng Phúc NÓI “máu” quá: Không để trẻ em nào tụt lại phía sau! Bây giờ hãy LÀM đi: Mọi trẻ em đều bình đẳng về CƠ HỘI GIÁO DỤC!

2. Thực trạng bất bình đẳng về cơ hội trong giáo dục ở nước ta hiện nay kinh khủng thế nào? Cái gọi là TRƯỜNG CÔNG (Nhà trẻ Công, trường Mẫu giáo Công, trường Phổ thông Công, trường Chuyên, Lớp Chọn, trường Đại học “bở béo”) phần nhiều dành cho con công chức, viên chức. Con dân thường “chạy” được suất rất vất vả, tốn kém. Sự ưu ái của nhà trường với con “quan chức”, “đại gia” cũng lộ liễu trắng trợn. Tôi đã được một Giám đốc Sở giáo dục tâm sự, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách văn – xã gọi điện mắng: Tôi ưu ái cho giáo dục bao nhiêu mà con tôi thiếu điểm rưỡi, các anh không giải quyết được cho cháu à? Điểm ở trong tay các anh chứ ở đâu? Anh có giải quyết được không thì cho tôi biết!
Những vụ gian lận điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018 để con em quan chức vào Đại học chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cần có một đề tài cấp quốc gia điều tra, phân tích để thấy sự bất BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ CƠ HỘI đến trường, cơ hội học học tập, cơ hội học lên, cơ hội việc làm và những sự BẤT CÔNG trong giáo dục khủng khiếp chừng nào?

3. Thời XHCN bao cấp ở nước ta rất nghèo khổ, nhưng Y tế và Giáo dục luôn được khoe là “Hai bông hoa của chế độ”, cũng như các nước XHCN khác. Dù có phân biệt đối xử “thành phần” nhưng nhìn chung có sự bình đẳng tương đối về cơ hội giáo dục giữa dân thường và con quan chức. Trong nhà trường, học sinh dù con quan chức hay dân thường, được các thầy/cô đối xử khá công bằng. Nhưng từ ngày “Đổi mới” theo “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” (từ 1986) thì Y tế và Giáo dục ngày càng bị lũng đoạn bởi đồng tiền, mà Đảng CS chỉ còn biết hô khẩu hiệu, như Thủ tướng Phúc thường kêu gào, chứ hầu như bất lực trước cơ chế thị trường tư bản hoang dã, bị thao túng bởi các nhóm lợi ích. Y tế và Giáo dục ở nước ta trở nên hào nhoáng bề ngoài, còn bên trong, bản chất của nó ngày càng tha hóa.
Điều lạ lùng, là trong khi đó Ba Lan chuyển sang chế độ Dân chủ, đa đảng, xã hội dân sự, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, thì Y tế, Giáo dục ngày càng tốt hơn thời “Hai bông hoa của Chủ nghĩa xã hội”. Tôi có 2 đứa cháu học từ lớp Một đến Đại học ở Ba Lan và có dịp sang Ba Lan từ 2005, 2010, 2017, mỗi lần từ 6 tháng đến 1 năm, có dịp khảo sát việc học của các cháu và con em người Việt sống, học tập bên đó; càng nhận rõ thế nào là Nhà nước tạo mọi điều kiện cho sự BÌNH ĐẲNG về CƠ HỘI và CÔNG BẰNG trong giáo dục. (Tôi đã viết mấy bài rồi). Nay nhắc lại mấy điều: 1 là, trẻ đến 6 tuổi, chủ tịch Quận gửi Giấy báo cho bố mẹ, nhớ cho con đi học trường nào, kẻo phạm Luật; 2 là, trẻ vào năm học mới, được phát sách giáo khoa, mới đây được hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập; 3 là trẻ ăn trưa tại trường, được nhà nước hỗ trợ; 4 là, tất cả học sinh được MIỄN HỌC PHÍ; 5 là, lên lớp, thi cử nhẹ nhàng, thoải mái cho mọi học sinh... Trường tư “quốc tế” rất ít, thường chỉ dành cho con Doanh nhân và các nhà ngoại giao quốc tế. Con quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong Giáo dục phổ thông, không có chế độ học tập khác dân thường.
Điều lạ nữa, là GDP của Ba Lan hàng năm chỉ tăng trưởng chừng 3% (chứ không kỳ tích như Việt Nam từ 7- 8%), nhưng chi tiêu Ngân sách lại THỪA và Giáo dục cứ thấy được cải thiện không ngừng: Ngay trường Tiểu học đã thấy có Bể bơi, Sân bóng, phòng Thí nghiệm, phòng Tập đa năng, Thư viện, phòng học bộ môn... Mỗi lớp chỉ 25 học sinh. Vui nhất là con người Việt mới nhập cư, bố mẹ các cháu diện “Hộ khẩu tạm trú”, tiếng Ba Lan không biết, lại được quan tâm hơn. Do các cháu kém tiếng Ba Lan, các giáo viên thường phải dạy kèm cặp thêm có khi suốt năm, các cháu mới theo kịp, nhưng bố mẹ không được phép trả tiền, biếu quà cô giáo! Thành thử nhà có 3 -4 con đi học mà chả lo gì “tiền học, tiền trường”. Còn các giáo viên thì được tăng lương đều, đời sống ở mức Trung lưu, phẩm chất, vị thế Nhà giáo được tôn trọng... Không thấy những tệ nạn giáo dục quái dị như ở ta.

4. Như vậy nguyên nhân cơ bản là do cái cơ chế của thể chế dẫn đến sùng bái QUYỀN và TIỀN. Nó thao túng, hủy hoại dần các giá trị cốt lõi, các chức năng vốn có của mọi THIẾT CHẾ xã hội. Nó làm cho “Trường không ra trường, Thày không ra thầy”, thì tất yếu dẫn đến “Trò không ra trò”! Các trường “công lập” ở ta bây giờ Công chẳng ra công, Tư chẳng ra tư! Bệnh viện công cũng vậy... Người có QUYỀN và có TIỀN không bị cơ chế xã hội giám sát theo khuôn khổ Đạo đức và Pháp luật, nên chính họ hư hỏng, con cái họ phát triển méo mó và làm xã hội suy đồi.
Ở Pháp và Ba Lan tôi đều đi họp phụ huynh với bố mẹ các cháu. Không có chuyện “THI ĐUA” và công bố thành tích em này hơn em nọ... Bởi vì con tổng thống hay dân thường, “mỗi trẻ em là một cá thể độc đáo, có một không hai”, không có sự như nhau về năng lực, hứng thú và điều kiện để “thi đua”! Mỗi em cố gắng học để phát triển thành chính mình. Vì vậy họp phụ huynh, giáo viên chỉ thông báo chung tình hình trường và lớp, rồi đưa cho mỗi phụ huynh tờ giấy thành tích học tập và những nhận xét về con mình. Ai cần hỏi gì thì gặp riêng giáo viên. Một vài phụ huynh được mời làm việc riêng...

Có điều lưu ý, phụ huynh nào giúp lớp, giúp trường về những việc gì thì được nêu lên và cám ơn. Giúp tiền thì các phu huynh biết là có giúp, nhưng không biết là bao nhiêu. Còn học sinh thì không được biết cha/mẹ mình đã ủng hộ tiền cho trường, cho lớp... Như vậy thì con tổng thống hay con đại gia không bị tác động xấu (được ưu tiên hay vênh váo); tức là được đối xử bình thường như mọi học sinh, để phát triển lành mạnh.

5. Tóm lại, trên bình diện CÁ NHÂN, thì giàu, nghèo trong giáo dục, không quan trọng lắm. Cái chính là bản thân mỗi học sinh có nỗ lực, say mê học tập, vượt lên hoàn cảnh để phát triển lành mạnh hay không. Nhưng trên bình diện XÃ HỘI thì thể chế quyết định bản chất của nền giáo dục. Với thể chế này, giáo dục càng “tăng cường”, “ra sức”, “quyết tâm”, “quyết liệt”... thì cũng chỉ như từng đợt sóng, cuốn đi một ít rác rưởi trên mặt nước. Gió yên, sóng lặng rồi lại vẫn thế!

20/5/2019
Mạc Văn Trang

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire