04/05/2019

TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ 'gửi vòng hoa viếng' Đại tướng Lê Đức Anh


Bản quyền hình ảnh VTC Image caption Hình ảnh các nhân vật số hai và số ba trong hệ thống chính trị Việt Nam dự lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sáng 03/05 tại Hà Nội

Lễ quốc tang dành cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được cử hành hôm 3/5, nhưng vắng mặt Trưởng ban tang lễ.

Trước đó, Việt Nam công bố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người đảm nhận vị trí này, theo báo chí nhà nước.

Tuy nhiên, trong lễ truy điệu chính thức tại Nhà tang lễ số 5 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội, người ta không thấy ông Trọng xuất hiện.


Như vậy, ông đã vắng mặt trước công chúng gần ba tuần, kể từ hôm 14/04 khi truyền hình, đài báo Việt Nam đăng các hình ảnh TBT, Chủ tịch nước thăm Kiên Giang.

Theo những hình ảnh truyền hình trực tiếp của nhà nước Việt Nam, ông Trọng tuy vắng mặt nhưng có gửi vòng hoa tới viếng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại diện của Trung ương Đảng và chính phủ vào viếng nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Ông Phúc cũng là người đọc điếu văn tại lễ truy điệu.

Trong danh sách Ban tang lễ gồm 39 thành viên mà Việt Nam công bố, ông Phúc là người đứng thứ hai, sau ông Nguyễn Phú Trọng.

Những hình ảnh từ buổi lễ cho thấy ông Phúc cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thành viên thứ ba trong danh sách Ban tang lễ, đi đầu hai bên quan tài khi đội tiêu binh đưa linh cữu người quá khỏi nhà tang lễ.

Thi hài của cố đại tướng Lê Đức Anh được chuyển bằng phi cơ vào TPHCM để an táng vào ngày 04/05, theo nguyện vọng gia đình.
Bản quyền hình ảnh Nguyen Binh Image caption Nhà văn Nguyên Bình nói vấn đề quốc tang chỉ là cái chứng cớ để chứng minh rằng ông Trọng còn khỏe hay yếu
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình từ Hà Nội, trong cuộc thảo luận Bàn tròn Thứ Năm 2/5 của BBC Tiếng Việt, nói rằng chi tiết ông Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban tang lễ "rất được mọi người quan tâm", nhưng từ một khía cạnh nằm ngoài nghi thức hiếu hỉ.
"Nếu ông [Nguyễn Phú Trọng] ra làm thì chứng tỏ là ông ấy còn khỏe, ông ấy không vấn đề gì," bà Nguyên Bình nói. "Từ lâu nay, người ta cứ đồn mãi về chuyện ông ấy có thể bị đột quỵ, ông ấy có thể bị liệt rồi méo mồm, v.v..."

"Vấn đề quốc tang cũng chỉ là cái chứng cớ để chứng minh rằng ông Trọng còn khỏe hay là ông ấy yếu."

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi cuối tháng Tư, Giáo sư Carl Thayer từ Úc châu nhận xét rằng Việt Nam "có truyền thống che giấu thông tin về lãnh đạo khi vị lãnh đạo đó hoặc là ốm bệnh, hoặc là ở trong tình thế cần giữ kín hành tung để làm nhiệm vụ bí mật".

Tuy nhiên, ông Thayer nói với những sự kiện chính trị quốc tế và quốc nội quan trọng đã và đang diễn ra kể từ khi có tin ông Trọng bị ốm bệnh tới nay, thì việc giữ kín tin về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Việt Nam không phải là điều khôn ngoan.

"Nhìn vào các sự kiện như diễn đàn Vành đai, Con đường ở Bắc Kinh [cuối tháng Tư], Hội nghị Trung ương trong tháng Năm, và lời mời của Tổng thống Trump, mời ông Trọng tới thăm Mỹ trong năm nay, cùng nhiều sự kiện nữa lấp kín lịch," nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế nói với BBC hôm 22/4, "tôi không rõ là Việt Nam sẽ hướng ra toàn thế giới bên ngoài bằng cách giữ im lặng được bao lâu."
Bản quyền hình ảnh Getty Images

Hôm 25/4, hơn 10 ngày sau khi có các đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng bị ngã bệnh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố vắn tắt rằng sức khỏe của ông "bị ảnh hưởng bởi khối lượng công việc nặng và thay đổi khí hậu".

Với việc trưởng ban tang lễ vắng mặt tại đám tang quốc gia, dường như những lời nói trên chưa đủ để người ta tin tưởng là ông sẽ "sẽ sớm quay trở lại làm việc bình thường" như lời tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng.

Truyền thông và một số hoạt động

Theo trang Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn nhận các điện chia buồn từ một số lãnh đạo quốc tế trước lễ quốc tang cố chủ tịch Lê Đức Anh.

Theo tờ báo (03/05/2019), Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega Saavedra và Phó tổng thống Rosario Murillo "cùng gửi thư chia buồn" tới TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.

Lời chia buồn từ tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga cũng được gửi tới "TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng", còn lời chia buồn từ Thủ tướng Campuchia Hun Sen thì được trao cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Được biết ông Hun Sen có mặt tại lễ quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh, nhưng không có tin tức gì về chuyện ông có hội kiến ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hay là không.

Trong khi đó, ngày 03/05, mạng xã hội có nhiều bình luận về lễ tang và sự vắng mặt của TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire