Thiện Tùng
25/7/2019
Thiện Tùng: Nói dối là xấu, nói thật mất
lòng. Mất lòng ai ? - Có chăng là mất lòng đối với thiểu số người thích ăn gian
nói dối. Vì vậy, tôi luôn chọn nói thật để cố mong mình được làm người tốt và
được lòng đa số người. Bài viết nầy, tôi chỉ nói cái xấu và sự phản kháng của
người dân đối với 2 chế độ chính trị xưa
và nay.
Xưa –
Thời “Việt Nam Cộng hòa” ở miền Nam Việt Nam
Tổng thống Eisenhower và ngoại trưởng Foster Dulles đón Tổng thống Ngô Đình Diệm tới Washington năm 1957 |
Dân chúng không ưa vua Bảo Đại lệ thuộc Pháp,
thích ăn chơi… Năm 1955, ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về nước, tổ chức cuộc trưng
cầu dân ý, dân miền Nam dồn phiếu cho ông Diệm đến 98%.
Khi lên làm Tổng thống, ông Diệm thiết lập
thể chế chính trị “Việt Nam Cộng hòa”
và “Đảng Cần lao Nhân vị” Nghe có hương
vị “công bằng, dân chủ, nhân quyền”,
thử hỏi ai mà không thích.
Thế rồi, khi lên cầm quyền, ông Diệm: Rước
hàng ngàn cố vấn Mỹ vào Nam VN / Dựng lên
chế độ “Độc tài Gia đình trị” / Trừng phạt thẳng tay mọi lực lượng bị ông xem
là đối lập – bắt nhốt trong đất liền không đủ chỗ, đày ra 2 đảo Côn Sơn, Phú
Quốc / Tuyên bố không thi hành hiệp định Genève / Tiến hành đôn quân bắt lình,
chuẩn bị Bắc tiến – in trên tem bưu điện “Toàn
dân đoàn kết, chuẩn bị Bắc tiến” / Dồn dân nông thôn vào những “khu trù
mật”, “Ấp Chiến lược” với dụng ý “tát nước bắt cá” / Ban hành Luật 10/59, kèm
theo máy chém đe dọa trừng phạt bất cứ ai chống lại chế độ..v.v…
Những
việc làm vừa kể của ông Diệm, khiến cho người dân thất vọng, từ bất bình dẫn
đến bất mãn – từ đối thoại sang đối đầu.
Những cuộc biểu tình bất bạo động xuất hiện dồn dập:
- Đòi Hiệp thương thống nhứt đất nước theo
tinh thần Hiệp định Genève.
- Chống Độc tài gia đình trị, chống Mỹ can
thiệp.
-
Chống khủng bố, bắt bớ, tù đày… vô cớ.
- Chống đôn quân bắt lính và chống quân sự
hóa học đường .
- Chống Khu trù mật, Ấp chiến lược
- Chống luật 10/59… .
..v.v…
Luật
10/59 là một đạo luật có kèm theo máy chém, trong những trường hợp cá biệt, có
quyền chém trước tâu sau. Khi luật nầy ra đời, những cuộc bố ráp lớn, đàng sau
đoàn xe nhà binh chở lính có kéo theo máy chém để thị uy. Trong thực tế, chỉ
chém đôi ba người gì đó, nhưng nó là “giọt nước gây tràn ly”.
Khi người dân mất lòng tin đối với VNCH, cũng
là lúc lực lượng đối lập hồi sinh, làm chỗ dựa cho công chúng. Càng về sau, hễ
VNCH lú ra chủ trương gì thì dân chúng chống chủ trương ấy. Về phương pháp và
hình thức đấu tranh rất phong phú, linh hoạt :
- Tổ
chức, cấu tạo lực lượng đấu tranh: Việc vận động lực lượng cho từng cuộc
xuống đường đấu tranh theo hình thức tổ 3/3. Cách thức vận động: Một người nắm
3 người, vận động dây chuyền bắt đầu từ “tổ nái” theo hình rẻ quạt. Chỉ cần cho
tổ trưởng “tổ nái” biết yểu sách, ngày giờ rồi người đó có trách nhiệm rủ 3
người quen thân, 3 người quen nầy mỗi người rủ 3 người thân quen khác thành 9
người ..v.v…(theo công thức 1=3, 3=9, 9=27, 27=81. ..) Xâu chuổi càng dài thì
có nhiều người tham gia, càng đông càng tốt, riết rồi trở thành nề nếp. Hình
thức vận động nầy êm thắm, bảo mật. Nếu
nhà cầm quyền cố tìm ra người vận động để khủng bố cũng khó khủng bố.
Bởi vì, nếu cuộc đấu tranh có 1.000
người tham gia thì có đến 300 người đi vận động (rủ). Liệu có đủ chỗ nhốt không?
Nhốt đông vui chớ chết chóc gì mà sợ, cao lắm 1 tuần cũng phải thả.
+ Đi biểu tình: Số người vận động được có thể chia làm 2
tốp: Khoảng nửa đi biểu tình trước, nửa còn lại dự bị tiếp ứng nếu bị khủng bố.
Thường đoàn biểu tình bị tấn vào một khu vực biệt lập, cho lính bao quanh, hành
hạ bằng phơi nắng, dầm mưa. Đây là cơ hội người biểu tình tiếp cận thăm hỏi,
than nghèo kể khổ với binh sĩ (làm binh vận). Nếu đoàn biểu tình bị cầm giữ
lâu, lực lượng dự bị và người thân, với số lượng tương ứng, lấy cớ đem cơm nước
rồi ở luôn không về. Cứ thế, lực lượng biểu tình từng lúc tăng lên. Ngoài lượng
người biểu tình cứ tăng, vấn đề vệ sinh, xả rác riết…không sao chịu nổi, buộc
nhà cầm phải hứa giải quyết yêu sách mới chịu ra về. Nếu đến hẹn không giải
quyết yêu sách thì biểu tình nữa. Theo thuật ngữ của dân cờ bạc gọi là đánh
“cầu âu”.
+ Điểm
tập hợp: Nếu đi lẻ tẻ đến điểm chính bị càn trở thì tập hợp ở nhiều điểm
phụ từ bên ngoài, đúng giờ hẹn từng đoàn giương biểu ngữ tiến nhanh về điểm
chính.
+ Chỉ
huy: Chỉ huy trưởng cải trang ớ bên ngoài, điều khiển bằng ám/tín hiệu qua
chi huy phó trong đoàn biểu tình. Tùy tình hình thực tế, chi đạo cuộc đấu tranh
nhu hay cương (mềm hay cứng), tiến hay thối, cần tăng cường lực lượng tiếp úng
hay không do chỉ đạo từ bên ngoài.
+ Đi
chợ đông rồi chuyển sang biểu tình: Tìm
mọi cách đưa băng, khẩu hiệu… vào trước hoặc khi đi giấu kỹ trong người. Dầu
không có yêu cầu, sáng ra mạnh ai nấy đi chợ như bình thường. Khi đủ đông, theo
ám lịnh, gậy người già làm cán băng, biến đi chợ đông thành cuộc biểu tình tuần
hành tiến về điểm định đến.
+ Đi
chợ đông hoặc bãi thị: Cũng hò hẹn với nhau đi chợ đông mà không biểu tình
hoặc bãi thị. Đây là đòn tâm lý: Nhà cầm quyền thấy chợ chật người hoặc chợ
vắng teo đều lo ngại, đều phải động binh chuẩn bị đối phó. Rốt cuộc chẳng có
chuyên gì xảy ra – thật thật, hư hư, kềm chân lực lượng vũ trang, quần riết
nhão.
+ Chống
khủng bố: Nếu khủng bố có người bị bắt, bị thương, bị chết thì cố làm lớn
chuyện: Lấy đó làm chứng cớ, đoàn biểu tình quyết liệt hơn đòi trừng trị ác ôn,
kêu la than khóc gây náo loạn đòi thả, đòi bồi thường thiệt hại cho người bị
thương hoặc chết.
Để kết thúc chuyện xưa nầy, không
ngoài sự thật, Tùng tôi xin kể 2 chuyện người dân tìm mọi cách xả bực tức,
không còn biết sợ là gì:
Chuyện 1: Đầu năm 1960, Huyện Thạnh Phú tổ chức cuộc mít-tinh tại sân
vận động, “mời” hàng ngàn dân đến dự. Viên Tỉnh phó Nội an tỉnh Bến Tre đăng
đàn, nói tốt cho VNCH. Khi ông nầy nói
xong, người dẫn chương trình mời dân cho ý kiến. Ông nông dân Bảy Ty giơ tay,
tiến thẳng lên bục, dõng dạc nói:
-“Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(VNDCCH), người dân…”
Ông bị người dẫn chương trinh cắt lời, nói:
- “Không
được lẫn lộn: VNDCCH là ở Miền Bắc, còn Việt Nam Cộng hòa là ở Miền Nam”.
Ông Ty ngẫng người nói to có dụng ý: “Xin lỗi tôi nói lộn, ở
Miền Nam VNCH chớ không có Dân chủ”. Mọi người cười vang. Cảnh sát hộc tốc lên kéo
ông Ty rời bục.
Chuyện 2: Lần khác, quận trưởng Đức, cũng ở huyện
Thanh Phú, tổ chức cuộc họp dân ở sân trường học, nói về “Thân thế, sự nghiệp của ông Ngô Đình Diệm”. Đến phần dân phát
biểu, có một người dân (tôi không rõ họ tên) đến trước Micro, có lẽ cố ý, nói
không có chủ từ: “Cái
quân cỗng rắn về cắn gà nhà, rước voi về dày mã tổ phải triệt diệt nó ! . Dừng lại một nhịp, ông bổ sung chủ từ: “Tôi nói ai bà con có
biết không? – tôi nói ông Ngô Đình Diệm đó!”. Mọi người cười vang. Cảnh sát lên lôi ông nầy
xuống, tặng cho mấy cái tát.
Qua 2 sự kiện động trời nầy, tôi không
nghe/thấy nhà cầm quyền huyện Thạnh Phú tổ chức họp dân nữa, có lẽ sợ dân tấn
công không bụm miệng kịp.
Năm 1960 người dân bình thường còn nghĩ và
dũng cảm nói ra được như vậy, thế mà ngày nay, có đại biểu Quốc hội dám cho
rằng “dân trí thấp, không nên trưng cầu
dân ý”- sợ không dám đối thoại với dân thì nói mẹ đi viện cớ ngụy biện hoài
! .
*
Nay –
Thời “Cộng hòa Xã hội Chủ nghỉa Việt Nam”
Ông Lê Duẫn, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN(1960-1986) |
Cũng như thời VNCH, những ngày đầu sau trưa 30/04/1975,
người dân hân hoan chào đón lực lượng Cách mạng, họ xem những người theo Cách mạng như những vị cứu
tinh, ứng với câu “Cách mạng về làng như
Thần Hoàng về miễu”.
Khi
lên cầm quyền, Đảng CSVN tiến hành cải tạo “Xã hội Chủ nghĩa” (XHCN) trên toàn
cõi Nam VN để “theo kịp” Miền Bắc VN:
- Cải
tạo “ngụy quân, ngụy quyền”: Gây oán thù đối với bản thân và gia đình phía
những người thua cuộc.
- Cải
tạo Tư sản mại bản: Gieo oán hận đối
với những người mất hết gia sản.
- Cải
tạo Công+Thương nghiệp: Ngoài gây bất bình cao độ đối với những công/
thương gia, còn gây ra nạn khan hiếm cùng cực hàng tiêu dùng cả xã hội.
- Cải
tạo Nông nghiệp: Hợp tác hóa nông nghiệp, ngoài làm cho nông dân bất bình,
còn gây ra nạn thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng.
- Quốc
hữu hóa đất đai: Luật đất đai ra đời, chỉ cho người dân quyền sử dụng đất,
tước đi quyền sở hữu đất canh tác và đất thổ cư vốn có truyền đời của nhân dân
nói chung. Từ khi Quốc hữu hóa ruộng đất, nạn đuổi nhà, cướp đất của dân ngày
một xuất hiện lan tràn, nhân dân kêu than trời sầu đất thảm?!.
Những việc làm vừa kể trên của Đảng CSVN,
khiến người dân bất bình cao độ, chuyển từ trạng thái đối thoại ranh giới đối
chọi (đối đầu).
Ngoài mất quyền sở hữu đất đai,
công/nông/thương nghiệp bị đình đốn, nạn khan hiếm hàng tiêu dùng và lương
thực, thực phẩm lan tràn, nhân dân thán oán, ở Nam bộ xuất hiện “phản chiến”
bằng cách “xé rào”.
Trước áp lực phản chiến và khó khăn về kinh
tế, tại đại hội lần thư 6 năm 1986, Đảng CSVN buộc phải chấp nhận xuống thang “Đổi mới” kinh tế nửa vời theo
kiểu đầu gà đít vịt “Kinh tế Thị trường
định hướng XHCN”. Dầu sao, nhờ có yếu tố Thị trường, nền kinh tế bắt đầu
gượng dậy, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Trạng thái đối chọi
trong dân tạm lắng xuống. Đảng CSVN hí hửng tự tâng công: “Nhờ Đảng sáng suốt đổi mới” – cỡi trói.
Thiên hạ đặt vấn đề: “Ai trói, ai mở”? - Đảng
trói, Đảng mở - đó là câu trả lời chính xác. Công bằng mà nói, Đảng lấy công
chuộc tội vẫn chưa vừa. Bởi vì, suốt 15 năm (1975 -1986), Đảng dùng đường lối
kinh tế XHCN trói buộc, khiến cho nhân dân sống dở chết dở, nền kinh tế bị sụp
đổ?.
Hết sai lầm nầy gầy sai lầm khác. Từ khi được
cởi trói, người dân tự bươi mổ và đóng mọi thứ thuế để nuôi Đảng, nuôi bộ máy
cầm quyền, chớ Đảng có giúp gì cho dân đâu - nếu nói có kể ra xem. Chẳng những
không làm gì có lợi cho dân, cho nước đáng nói, còn phá hại cường độ mỗi ngày
một tăng:
Về đối nội:
- Chủ
trương sai trái gây thiệt hại nghiêm trọng: Khai thác Bauxite Tây nguyên,
những quả đấm thép Vina… thất thoát, thua lỗ hàng ngàn tỷ / Hùn vốn khai thác
dầu khí ở Venézuela mất trắng 1,8 tỷ USD / Cho thuê rừng đầu nguồn, Formosa,
nhiệt điện than, nhà máy giấy, thủy điện Miền Trung…phá hại môi trường phải nói
là khủng khiếp..v.v…
- Văn
hóa, xã hội xuống cấp trầm trọng: Băng nhóm xã hội đen lộng hành khắp nơi,
có khả năng khống chế cả Công an như ở Bình Dương mới đây / Y tế thì bịnh viện
chật như nêm, tăng giá thuốc, giá khám bịnh, thuốc giả lan tràn / Giáo dục thì
học thêm, gian lận trong thi cử - thi thì mua điểm để được lên lớp, cử thì mua
cấp bằng học vị để được cơ cấu, đôn lên, ngồi trên đầu trên cổ nhân dân / Giao
thông thì ùn tắt, ngập, làm BOT móc tiền dân cùng khắp, và tăng giá xăng, giá
vé vô tội vạ..v.v…
- Tham
nhũng không còn là cá biệt: Dường như hễ quan thì tham, tranh quyền, tranh
ăn sát phạt lẫn nhau, tham tiền đụng đâu ăn đó, nhứt là ăn đất - ăn không chừa
thứ gì, kể cả phí hành chính.
..v.v… và ..v.v…
Chẳng khác gì hồi xưa bên Tàu, thấy bầu đoàn
Bao Công đi điều tra án, hai nông dân đứng ép bên lề, một người nói:“Nghe nói ông quan nầy rất thanh liêm”,
người nọ nghi ngờ nói: “Tôi không tin, hễ
quan thì tham”.
Về đối ngoại
Lãnh đạo mà không quan tâm đến vận mệnh đất
nước, dân tộc:
- Bảo
thủ, chủ quan, không nghe khuyên can của giới trí thức chân chính, quen thói đu
dây, sống dựa, hậu quả: Lệ/phụ thuộc
ngày càng sâu nặng cả về chính trị và kinh tế vào Trung Quốc . Ai đời, con
người của mình, đất liền và biển đảo của mình mà gần như Trung Quốc điều khiển,
lấn chiếm theo ý riêng của họ / Cách đây hơn 20 năm, Ngô Thế Vinh đã cảnh báo âm
mưu của Trung Quốc bằng bài viết “Cửu
Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng”, giờ thì sao? – đúng như tiên tri /
Trong khi Trung Quốc cho tàu thăm dò và tàu hộ tống xâm phạm bãi Tư Chính của
VN, tàu Hải quân VN phải ngày đêm ứng phó thì, bà Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên
BCT Nguyễn thị Kim Ngân sang Trung Quốc “tay bắt mặt mừng” với Tổng Chủ tịch
Tập Cận Bình. Không chỉ thế, Ủy viên BCT, trưởng Ban Tuyên Giáo trung ương Võ
văn Thưởng cũng đang sang bên ấy nghiên cứu, trao đổi về “luận thuyết”quái quỷ
gì đó.
- Hợp
tác kinh tề đôi bên cùng có lợi, thế mà lãnh đạo VN đến nước nào cũng nài nỉ,
cầu cạnh như người ăn xin / Nợ Trung quốc ngập đấu, lọt vào âm mưu “đánh vào dạ dày cho cái đầu nó gục xuống”
/ Tiền Trung Quốc, không chí áp dụng trong lưu trữ chuyển đổi, mà được thanh
toán trong mua bán trên phần đất VN / Để cho Trung Quốc biến Việt Nam thành nước trung chuyển xuất
khẩu hàng hóa cho họ, không nhận ra những đối tác thương mại người ta tính cả
số hàng trung chuyển gian dối ấy vào lượng giá trị cán cân thương mại với Việt
Nam. Rốt cuộc, ngoài mất uy tín với các đối tác, còn hàng do VN sản xuất ra bị
đình đốn (ế), công ty, xí nghiệp thi nhau phá sản, công nhân thất nghiệp…
..v.v..và ..v.v..
Sau
khi đổi tên Đảng, tên nước, Đảng CSVN áp dụng thể chế chính trị Độc tài, phạm
phải hết sai lầm nầy đến sai lầm khác, xâm hại đến: Dân sinh, Dân chủ, Dân
quyền, Nhân quyền. Khi quyền lợi bị xâm hại, người ta sẽ phản ứng để sinh tồn.
Xâm hại cá thể thì cá thể phản ứng, xâm ại tập thể thì tập thể phản ứng, xâm
hại toàn thể thì toàn thể phản ứng - phản ứng theo tỷ lệ thuận lượng độ bị xâm
hại. Những năm tháng gần đây, nhà cầm quyền Cộng sản liên tiếp xâm hại lợi ích
tập thể (nhóm người) và lợi ích toàn thể (quốc gia) khiến cho sự phản kháng của
người dân mang yếu tố tập thể và cộng đồng.
Vì nhà cầm quyền không tổ chức thăm dò ý dân,
không thể đưa ra được định lượng, qua tìm hiểu, Tùng tôi ước đoán về định tính:
có khoảng 2/3 dân số không còn tin, ưa thích Đảng CSVN. Ngay số đảng viên không
quyền hoặc đã nghỉ hưu, nếu không dám công khai chê bai thì cũng âm thầm và
hiếm có ai dám nói tốt cho Đảng trước đông người.
Đã đến
lúc Đảng CSVN cần xem xét lại nhận định của mình. Những câu nói cả vú lấp miệng
em, mang tính chất áp đặt: “Đảng lãnh đạo
Nhà nước và Xã hội là nhiệm vụ lịch sử do nhân dân giao phó”/ “Xây dựng chủ
nghĩa Xã hội là con đường tất yếu được Đảng và nhân dân ta lựa chọn” / “Đường
lối, chủ trương, chính sách do Đảng ta đề ra luôn đúng đắn, được nhân dân cả
nước đồng tình ủng hộ”… đã trở thành những câu ca sáo rỗng, trái với thực
trạng.
Đã đến lúc Đảng CSVN cần sớm nhận ra: Không
phải do dân cử, Đảng CSVN tự đặt cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và Xã hội là
không chính danh. Không chính danh cộng với nhiều chủ trương sai trái và để cho
quan chức tham nhũng lan tràn làm phương hại cho nước cho dân trở thanh không chính nghĩa. Do
vậy, người dân không còn tin tưởng, ngày một bất phục, bất tuân, chuyển dần từ
trạng thái đối thoại sang đối chọi:
- Đấu tranh cho dân sinh: Khắp cả
nước, từ lẻ tẻ đến tập trung, người dân đấu tranh cho dân sinh trở thành phong
trào. Có những nơi như Đồng Tâm, Thủ Thiêm chẳng hạn, đối thoại không thành,
người dân chuyển sang lĩnh vực đối chọi: Dân Đồng Tâm lập xã chiến đấu tử thủ,
thề lấy máu giữ đất / 15.000 hộ dân Thủ Thiêm bị cướp đất, suốt 20 năm lăn lê
tòi lết hết “cung vua” đến “phủ chúa” vẫn không ai ngó ngàng. Trong khi bực tức
sôi gan, tháng 6/1986, đoàn đại biểu Quốc hội đến họp dân nói nhân nói nghĩa gì
đó, dân tặng cho chiếc giày. Từ đó “bão lửa” nổi lên, làm chấn động dư luận xã
hội cho đến nay.
- Đấu tranh cho Dân chủ: trước đây,
những người bất đồng chính kiến yêu cầu, kiến nghị, thỉnh nguyện thư… mang tính
chất van lơn, xin xỏ. Ngày nay họ không không làm như thế nữa mà ra tuyên bố,
lời kêu gọi, thư ngõ… mang tính chất kêu gọi hợp sức chống lại những sai trái,
hư hỏng của Đảng và nhà nước.
- Đấu tranh bảo vệ đất nước: Ngoài
thường xuyên lên án hành vi mãi quốc cầu vinh, năm 2014, dàn khoan dầu HD.981
của TQ xâm phạm vùng biển VN, người dân cả nước tự động xuống đường biếu tình
lên án Trung Quốc, tấn công vào những công ty, xí nghiệp có biển hiệu viết chữ
TQ, xua đuổi chủ nhân và công nhân người TQ chạy thụt mạng. Khi TQ chịu rút
giàn khoan dân mới chịu thôi. Và khi biết được Quốc hội sắp thông qua “luật Đặc khu kinh tế” và “luật An ninh mạng”, từ ngày 8/6 đến
10/6/2018, nhân dân cả nước tự động xuống đường đòi hủy bỏ 2 dự luật “bán nước, cấm nói” nầy. Trước áp lực
của dân chúng, Quốc hội gác lại luật Đặc khu, sinh non luật An ninh mạng. Giờ
đây người dân đang theo dõi để có hành động đối phó vụ TQ đưa tàu thăm dò vào
bãi Tư Chính và VN thuê thầu TQ làm đường cao tốc Bắc-Nam.
Những sự thật Tùng tôi vừa kể ở trên cũng đủ
nói lên khí phách, độ lượng… truyền đời của dân tộc VN. Không biết có phải do “kiếp
trước vụng đường tu” hay không mà, trên chặng đường dài lịch sử, người dân VN
luôn phải sống dưới ách Phong Kiến, nạn Độc tài “hèn với giặc, ác với dân”, luôn phải chống thù trong giặc ngoài?!.
Lời kết
Cuộc sống vật chất và tinh thần là hai nhu
cầu không thể thiếu đối với con người. Đấu tranh cho dân sinh là đòi hỏi về vật
chất, đấu tranh cho Dân chủ là đòi hỏi về mặt tinh thần. Động vật hoang dã chỉ
cần cuộc sống vật chất, còn con người, ngoài cuộc sống vật chất, còn phải có
cuộc sống tinh thần – nhân quyền. Lúc sinh tiền, Hồ Chí Minh nói: “Trăm điều phài có thần linh pháp quyền”.
Thần linh mà ông Hồ nói là Tạo hóa. Tạo hóa sinh ra con người, đông thời, cũng
ban cho họ quyền làm người. Nếu bị tước đi quyền làm người thì chỉ còn là con
vật hoang dã?. -/-
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire