Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019.AMTI(CSIS) |
Trước sự
kiện Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hải
cảnh cỡ lớn xâm phạm bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt
Nam, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã ra Tuyên bố về Biển Đông. Cho đến
sáng hôm qua 29/07/2019 đã có 14 tổ chức và khoảng 750 người ký vào tuyên bố.
RFI Việt
ngữ đã trao đổi với phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường đại học Sư Phạm
Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc nhóm chủ trương bản tuyên bố trên, về vấn đề này.
RFI: Kính
chào Phó giáo sư Hoàng Dũng. Như vậy là một lần nữa Trung Quốc lại xâm phạm
biển đảo Việt Nam, và một lần nữa các tổ chức xã hội dân sự lại phải ra tuyên
bố…
PGS
Hoàng Dũng : Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải
lên tiếng tố cáo trước Hội Đồng Bảo An, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và
các tổ chức quốc tế về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và
quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa của
Việt Nam, vì khi có trộm cướp xâm nhập, thì điều đầu tiên là chủ nhà phải la
làng. Nếu không la làng, không chỉ rõ là ai xâm phạm nhà anh một cách bất hợp
pháp, chính anh không kêu lên thì ai có thể cứu anh được. Làm sao thuyết phục
người khác là anh có chính nghĩa.
Bên cạnh
đó còn đề nghị chuẩn bị kiện Trung Quốc. Không ít người cho rằng Philippines
tuy thắng kiện nhưng vẫn không làm gì được Trung Quốc, vậy Việt Nam đi kiện
liệu có lợi gì không, ông thấy ý kiến này như thế nào ?
Ý kiến
đó không đúng đâu, vì kiện chỉ là một khâu trong những việc cần phải làm. Nếu
coi kiện là khâu cuối cùng, đến đó là xong, suy nghĩ này mới là sai lầm ; còn
nếu coi kiện chỉ là bước khởi đầu thôi, thì rất đúng. Đây là việc cần phải làm.
Không thể để kẻ cướp vào nhà mà không chịu la lên, không đưa ra trước công
luận. Mà tên cướp này cũng đặc biệt, người ta đã la làng đến như thế mà vẫn cố
cãi !
Trước
mặt công luận Trung Quốc khó lòng biện bạch được, khi đã có phán quyết của một
tòa án quốc tế rằng việc làm của họ là sai trái. Trung Quốc càng cố cãi, càng
mất uy tín trước công luận.
Thưa
ông, không chỉ tố cáo trước quốc tế, có lẽ còn cần tuyên truyền rộng rãi hơn.
Bản tin của các hãng thông tấn thường gọi là vùng tranh chấp, trong khi đây là
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là vùng tranh chấp…
Đúng,
đặt vấn đề như vậy rất chính xác. Nếu nói vùng tranh chấp tức là chúng ta rơi
vào cái bẫy của Trung Quốc. Họ muốn biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh
chấp, và khi đã có tranh chấp thì phải có nhân nhượng. Đương nhiên là chủ nhà
nhân nhượng, thành ra thằng ăn trộm ít nhiều cũng vơ được cái gì đó.
Trước
hành động của Trung Quốc thì Việt Nam lần này đã hành xử khác với tất cả những
lần trước. Một là đi đến động thái được coi là mạnh mẽ trong ngoại giao : trao
công hàm phản đối. Thứ hai là nêu đích danh Trung Quốc. Chắc là những người có
trách nhiệm ở Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn phân vân.
Lúc đầu
thì lên tiếng nói đó là vùng biển của Việt Nam, lên án mọi sự xâm phạm nhưng
không hề nhắc đến Trung Quốc. Nhưng đến lần thứ hai sau đó vài ngày thì thái độ
rất khác, nói thẳng tên Trung Quốc, một điều hiếm có. Và điểm đáng lưu ý là
theo tin của chính đài RFI, Trung Quốc đề nghị Việt Nam rút các giàn khoan ở
bãi Tư Chính về, thì họ sẽ rút tàu Hải Dương Địa Chất đi. Thế nhưng bằng hành
động, Việt Nam đã dứt khoát bác bỏ. Việt Nam đã công bố gia hạn thời gian làm
việc của các giàn khoan ở bãi Tư Chính. Đó là điều chưa từng có.
Một mặt
chính quyền không thể nào không lên tiếng, nếu không sẽ mất đi tính chính danh
với nhân dân. Anh là người quản lý đất nước, ăn lương từ tiền thuế dân đóng
góp, thế nhưng khi có kẻ cướp vào nhà anh im tiếng thì rõ ràng sẽ mất uy tín.
Tuy
nhiên qua nhiều lần như vậy người dân phản ứng bằng cách đi biểu tình. Mà biểu
tình không chỉ ở một số nơi, mà lan rộng trên phạm vi cả nước. Chính cái đó làm
nhà nước sợ. Nhà nước một mặt cần nhân dân ủng hộ trong động thái mạnh mẽ đối
với Trung Quốc, nhưng mặt khác lại sợ sự ủng hộ đó biến thành hành động biểu
tình, dẫn đến nhiều chuyện không kiểm soát được. Chính vì thế trong nội dung
tuyên bố, chúng tôi cũng đặt ra những vấn đề về dân chủ.
Nhưng
cho tới nay vẫn chưa có lời kêu gọi biểu tình nào, có lẽ người dân bất mãn vì
những lần xuống đường chống Trung Quốc trước đây đã bị chính quyền trấn áp ?
Đúng,
chúng tôi thấy điều đó rất đáng suy nghĩ. Người dân yêu nước phải theo cách nhà
nước quy định. Đi biểu tình thực ra phù hợp với Hiến pháp, nhưng không được nhà
nước cho phép. Yêu nước không có giấy phép thành yêu nước « lậu », và « lậu »
thì người ta trừng trị. Trong việc trừng trị tội yêu nước « lậu » ấy, nhà
nước rất nặng tay. Chúng ta thấy không hiếm những hình ảnh người đi biểu
tình bị đánh.
Tôi nhớ
một anh bạn là kỹ sư Trần Bang trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã bị
đánh máu me đầy mặt trên đường phố Sài Gòn. Chính những cái đó làm cho khi nhà
nước lên tiếng mạnh mẽ như vậy, chỉ có báo chí lề phải nói thôi, còn người dân
im lìm không có một động thái nào cả. Điều đó người nào có trách nhiệm quản lý
đất nước phải suy nghĩ, và tôi cho rằng họ phải duyệt xét lại toàn bộ chiến
lược đối với người dân trong mối liên quan đến chống Trung Quốc như thế nào.
Có lẽ
cần phải ban hành luật biểu tình, một đạo luật cần thiết mà lâu nay vẫn chưa ra
được ?
Trong
một chế độ như ở Việt Nam nếu có luật biểu tình đi nữa thì thực chất đó là luật
chống biểu tình, tức là họ làm thế nào hạn chế được biểu tình nhiều nhất. Chính
vì họ chưa tìm được cách làm sao cho hiệu quả nên người ta không công bố được.
Chứ nếu luật biểu tình thực chất là tạo điều kiện cho người dân biểu tình, thì
tôi cho là đơn giản hơn rất nhiều.
Thưa ông
vì sao lại đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ ?
Ngày nay
một nước mạnh như Mỹ còn phải đặt vấn đề hợp tác, huống gì một nước nghèo và
yếu như Việt Nam. Ai cũng thấy rằng một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc,
thì sức mạnh hết sức chênh lệch. Cho nên việc hợp tác với các quốc gia khác là
điều dễ hiểu và tất yếu.
Trên
thực tế nếu liên minh được với Hoa Kỳ sẽ là sức mạnh răn đe tốt nhất đối với
Trung Quốc. Bởi vì Hoa Kỳ có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông và có đủ sức mạnh
để Trung Quốc phải kiêng dè. Các nước khác đương nhiên cũng cần phải hợp tác,
nhưng mạnh mẽ nhất phải là với Mỹ. Vì thế trong tuyên bố ở điều số 3, quốc gia
đầu tiên chúng tôi nhắc đến là Mỹ. Còn các nước khác dùng cụm từ chung hơn, là
các nước tôn trọng luật pháp quốc tế.
Có nhiều
ý kiến cho rằng có lẽ chính quyền Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hợp tác với Mỹ vì
sợ phản ứng của Trung Quốc ở sát bên cạnh ?
Tôi
không thấy như vậy. Tôi thấy Việt Nam bắt đầu có xu hướng xích gần lại với Mỹ,
ngay cả trong lãnh vực quốc phòng. Mới gần đây thôi Việt Nam tiếp nhận một số
tàu cho cảnh sát biển, việc này có ý nghĩa biểu tượng lớn chứ không phải nhỏ
đâu. Tuy mình cho rằng việc hợp tác như vậy là quá chậm so với yếu cầu, nhưng
không thể không khẳng định xu hướng hợp tác ngày càng mạnh hơn so với trước.
Hiện nay
thông tin về xung đột ở Biển Đông trên báo chí quốc tế không nhiều, hầu hết tập
trung vào Trung Đông. Phải chăng Trung Quốc có tính toán đến khi xâm phạm vùng
biển Việt Nam vào lúc này ?
Việc chọn
lựa thời cơ thì Trung Quốc là nước trong quá khứ được coi là bậc thầy. Chẳng
hạn xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, họ chọn thời điểm đối
với Việt Nam rất bất lợi. Cho nên lần này việc họ chọn lúc các cường quốc trên
thế giới phải lưu tâm đến nhiều chuyện khác để phân tán sự chú ý tới Biển Đông,
là chuyện rất dễ hiểu.
Tôi hoàn
toàn tán thành suy nghĩ Trung Quốc khi đưa tàu đến bãi Tư Chính là họ đã chọn
thời điểm. Có điều thời điểm đó là một sự lăng nhục Việt Nam, vì ta nhớ rằng vụ
bãi Tư Chính nổ ra đúng lúc chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đang thăm Trung Quốc.
Một nước luôn luôn nói rằng « 4 tốt 16 chữ vàng » với Việt Nam, nhưng lại lợi
dụng đúng lúc người ta đến thăm cấp cao, lại đi xâm phạm đất đai của vị thượng
khách ấy. Tôi cho rằng điều đó là hết sức trơ tráo !
Việt Nam
cho tới bây giờ đã làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng đến hôm nay tàu
Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động ở bãi Tư Chính. Trong thế giới đảo điên ngày
nay, đành để cho luật của kẻ mạnh ngự trị ?
Tất
nhiên Trung Quốc là kẻ mạnh, nên khi Việt Nam hô hoán trước công luận thế giới,
Trung Quốc vẫn ngang nhiên bỏ qua. Nhưng vấn đề là Việt Nam rút ra kinh nghiệm
gì để đối phó với Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là điều may cho Việt Nam, khi
Trung Quốc quá ngoan cố như vậy ! Trong khi Việt Nam đã dùng tất cả những biện
pháp hòa bình mà vẫn không đạt được mục tiêu, thì đó là một sức ép đẩy lãnh đạo
Việt Nam phải dùng những biện pháp như hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các nước
khác, nhất là Mỹ. Kẻ mạnh chỉ sợ khi nào đối thủ của họ tỏ ra mạnh hơn. Việt
Nam khi hợp tác quốc tế tóm lại nếu ta thấy tích cực trong sự kiện Trung Quốc
ngang ngược duy trì tàu ở bãi tư chính ta phải hình dung điểm tích cực đó là
như thế
Và một
điều không thể thiếu khi muốn chống ngoại xâm là lòng dân ?
Đúng, ngay
đề nghị đầu tiên của chúng tôi là như thế. Là phải tăng cường nội lực của đất
nước làm chỗ dựa cho quốc phòng, thực hiện kế sách giữ nước của Đức thánh Trần
Hưng Đạo khoan sức dân…Như vậy việc đầu tiên chúng tôi đặt ra là nội lực hợp
tác nước này nước kia nhất định phải làm nhưng không chỉ trông cậy vào đó quan
trọng là thực sự anh có mạnh không chỉ có thể làm được nếu có chính sách nội
trị tốt cho nên việc nhà nước đứng ra chống chọi với Trung Quốc sẽ cảm thấy tự
tin vì sau lưng là cả một đất nước cả một dân tộc
RFI Việt
ngữ xin chân thành cảm ơn phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng đã vui lòng nhận trả
lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire