28/09/2019

KHÍ HẬU, CHUYỆN NHÀ GIẦU ?


Từ Thức
Họp thượng đỉnh về khí hậu ngày 23/09 tại Liên hiệp Quốc

Phiên họp thượng đỉnh về khí hậu ngày 23/09 tại Liên hiệp Quốc không mang lại kết quả gì cụ thể. 66 quốc gia cam kết sẽ đóng góp vào việc giảm bớt tiêu thụ, chấm dứt hiện tượng tăng Co2, tăng nhiệt độ trước 2050 ( việc đầu tiên là trồng lại những rừng cây bị phá hoại ), nhưng chỉ là những cam kết suông. Không có gì bắt buộc họ phải thực hiện những lời hứa.

Tất cả đồng ý việc thay đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, phải hành động, nhưng người nọ chờ người kia, với lý luận không hoàn toàn vô lý : nếu tất cả không hành động cùng một lúc, những hành động lẻ tẻ sẽ không thay đổi gì. Âu Châu đi tiền phong trong lãnh vực môi trường cũng không đi tới một thoả thuận chung. Vấn đề là các quyết định của Liên Hiệp Âu Châu phải được tất cả 28 nước hội viên đồng ý, nhưng về khí hậu, luôn luôn có 3 hay 4 nước phản đối, coi việc phát triển kinh tế quan trọng hơn.
Rất ít chính trị gia tha thiết chuyện môi trường, khí hậu, vì ưu tiên hàng đầu của chính trị gia là thắng cử, trong khi các kế hoạch về môi trường chỉ có kết quả trong nhiều năm tới, khi họ đã rời chính trường.
Mặc dầu vậy, khí hậu sẽ là vấn đề chính, vì dư luận ngày nay coi đó là chuyện hệ trọng, ngang với kinh tế. Không phải tình cờ mà một thiếu nữ 16 tuổi, khởi đầu làm sit-in một mình, đã lôi kéo trên 4 triệu người trẻ trên khắp thế giới.
Các chính trị gia hành động theo dư luận. Không phải vô cớ mà Liên Hiệp Quốc triệu tập một phiên họp thượng đỉnh khẩn cấp.
Trên thực tế, người dân nhiều nơi đã thay đổi lối sống: đi xe đạp hơn là xe hơi, hạn chế việc tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lãng phí… Xã hội dân sự đã buộc các chính phủ đi theo : trồng cây trong thành phố, cải thiện hệ thống lưu thông công cộng, kiểm soát các hãng xưởng sa thải hoá chất, cấm dùng bao nhựa, biến chế những vật liệu phế thải..
CHUYỆN NHÀ GIÀU ?
Nhiều người Việt vẫn nghĩ chuyện môi trường, khí hậu là chuyện viển vông, chuyện của nhà giầu.
Sự thực, chuyện đó trước hết là vấn đề của các nước nghèo.
Nạn nhân bão lụt ở các nước giầu đều được giúp đỡ, trợ cấp, bồi thường. Hệ thống an sinh tốt, không ai bị bỏ rơi. Không thiếu gì người giầu nhờ tiền bồi thường, trợ cấp đủ loại sau thiên tai.
Trong khi đó, người dân các nước nghèo, nạn nhân của thiên tai, không có đường nào khác hơn chịu chết, hay kéo nhau đi làm nô lệ ở nước ngoài. Nhiều vùng ở Bangladesh chìm dưới biển, dân trở thành vô gia cư, lang thang, đói khát, không ai đoái hoài. VN cũng bi đát không kém. Nếu không bi đát hơn.
Những người nhạo báng chuyện thay đổi khí hậu, thường thường cũng là những người chống di dân. Quên rằng việc di dân vì khí hậu trong những năm tới, theo dự trù, sẽ đông gấp hàng trăm, hàng ngàn lần di dân vì kinh tế.
Khi người dân bị bão lụt tàn phá, ruộng vườn khô cằn, làng xóm chìm dưới biển, sẽ không có đường nào khác hơn là đi tìm đất sống ở những nơi khác.
Khi hàng triệu người, hàng tỉ người đi tìm đất sống, sẽ không có lực lượng nào cản nổi.
Tất cả các chuyên viên nghiên cứu về vấn đề này đều đồng ý: giải quyết nạn thay đổi khí hậu sẽ tốn nhiều tiền, nhưng quá rẻ đối với giá phải trả, nếu không có biện pháp phòng ngừa khẩn cấp.

( tuthuc-paris-blog.com )

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire