“Con xin lỗi bố mẹ
nhiều mẹ ơi. Chuyến đi hải ngoại của con
không thành… Con chết vì không
thở được… Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi” |
Mạnh Kim
“Có chết cũng đi!” đã trở thành một lời nguyền kinh khủng ám ảnh gần như tất cả người Việt. Vì sao không nội chiến tang thương, không cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng nào khiến cả nước bị đói, không bị đe dọa thường trực bởi khủng bố…, vậy mà người ta
phải đi, “chết cũng đi”? Đằng sau hình ảnh đất nước “yên bình” này đang nổi lên một nỗi bất an kinh khủng. Nó đến từ nhiều nguyên nhân
và điểm quy chiếu cuối cùng, khi xét đến hậu quả, có lẽ chẳng gì khác hơn là sự thất bại toàn diện của một nhà nước!
Ở thời mà đất nước chứng kiến giai đoạn “bình yên” có thể nói là lâu dài nhất kể từ thế kỷ 20 đến nay, những giọt nước mắt ly hương vẫn chưa cạn. Nếu không kể những người giàu có
đi “tỵ nạn” để mong tương lai con cái tốt hơn, và thành phần quan chức tham nhũng cuốn gói trốn chạy, thì nhóm đối tượng với tỷ lệ đáng kể tìm mọi cách để đi khỏi quê hương lại chính là những người nghèo hoặc cực nghèo. Vừa nghèo vừa ít học. Nhiều trường hợp được khảo sát chi
tiết cho thấy họ không còn bất kỳ chọn lựa nào khác là phải
đi. Đi với hy vọng đổi đời, qua con đường buôn lậu người, với cái giá không hề rẻ.
Chưa có thống kê chính
xác số người Việt bị đẩy vào các đường dây buôn người trên con đường di trú bất hợp pháp nhưng ghi nhận mới của Salvation
Army, nơi tiếp xúc trực tiếp các nạn nhân, cho thấy rằng, tỷ lệ người Việt được nhắc đến đối với Salvation Army từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2019 là nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác. Trong thời gian nói
trên, Salvation Army đã làm việc với 209 người đến từ Việt Nam, tăng 248% so với số nạn nhân trước đó 5 năm. Tổ chức từ thiện ECPAT (End Child Prostitution and Trafficking)
cũng cho biết có một sự tăng vọt số nạn nhân người Việt, từ 135 người năm 2012 lên 704 người năm 2018 (The Guardian 25-10-2019).
Việt Nam cũng “duy trì” “vị trí” như một trong những “quốc gia nguồn” về nạn nô lệ thời hiện đại tại Anh. Ít
nhất 3.187 nạn nhân Việt Nam đã được ghi nhận tại Anh kể từ năm 2009 đến nay. Khoảng 362 nạn nhân trẻ em Việt Nam (được đưa đến bằng đường dây buôn lậu người) đã được phát hiện tại Anh năm 2017, tăng hơn 1/3 so với năm 2016
(Reuters 6-3-2019). “Nạn nhân trẻ em” – chi tiết này cho thấy có không ít người hoặc đã mang theo cả con mình trên con đường di trú lậu hoặc chấp nhận để con mình ra đi không chỉ để cứu chính nó mà còn mang lại
sự sống cho những người còn ở lại quê nhà.
Nghèo không là nguyên nhân lớn nhất và duy nhất khiến nhiều người dân tại các vùng “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thuộc các tỉnh cực nghèo như Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình phải đi. Thế giới có nhiều nước nghèo. Châu Á có nhiều quốc gia nghèo. Ấn Độ có nhiều bang cực nghèo. Một nước nghèo như
Philippines hẳn nhiên
cũng có nhiều người “thiếu hiểu biết” đối diện nguy cơ trở thành nạn nhân bị dụ dỗ. Tuy
nhiên, Việt Nam - quốc gia được đánh giá “liên tục thoát nghèo” - lại phải chứng kiến tình trạng di cư lậu ngày càng tăng. Họ đi khắp nơi, từ Ukraine đến Đức, từ Pháp đến Ba Lan, từ Anh đến Mỹ, từ
Philippines đến Thái
Lan...
Báo cáo Precarious Journeys: Mapping Vulnerabilities
of Victims of Trafficking from Vietnam to Europe dài 135 trang, do Anti-Slavery
International, ECPAT UK và Pacific Links Foundation thực hiện (công bố thượng tuần tháng
3-2019), đã không những thuật chi tiết liên quan các đường dây buôn lậu người mà còn cho thấy tại sao một số người nghèo Việt Nam chọn con đường
nghiệt ngã và
đau đớn khi rời quê hương. Kinh tế, chính trị, môi trường và văn hóa, tất cả đều trở thành những yếu tố có liên kết với nhau, tạo nên bức tranh phức tạp vẽ lên diện mạo những người ra đi.
Nó đồng thời tạo nên sự tương đồng với một bức tranh khác cũng xảy ra với người dân ở một nước mà Việt Nam theo đuổi mô hình chính trị lẫn kinh tế gần tương tự là Trung
Quốc. Dường như sự “thiếu hiểu biết” và “ngây thơ tin vào sự đổi đời bằng cách đi khỏi đất nước” của người Việt không giống người dân quốc gia
nào khác ngoài Trung Quốc? Các tổ chức buôn người dĩ nhiên
đáng lên án nhưng tại sao chúng thường nhắm vào người dân Việt Nam và Trung Quốc hơn là dân các nước khác?
Chúng tìm thấy ở các “đối tượng” này có điểm gì
chung?...
Đừng lấy sự “thiếu hiểu biết”
của người dân để biện minh như là lý do
hàng đầu khiến họ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người. Hãy tìm
cách trả lời thật chính xác vì sao họ thiếu hiểu biết, nguyên nhân nào khiến họ thiếu hiểu biết, và làm thế nào để chặn đứng những cuộc ra đi khi không thể mang lại công ăn việc làm cho những người khốn cùng này. Không thể xem kiều hối là nguồn tiền đóng góp cho kinh tế quốc gia khi cùng lúc không quan tâm mồ hôi nước mắt của những người gửi tiền về. Không có thái độ nào vô lương tâm bằng việc khước từ trách nhiệm và đổ hết lỗi lên đầu người dân, đặc biệt người nghèo. Điều đó chẳng khác gì như muốn dội lên đầu người nghèo một gáo nước lạnh: “Mày ngu thì mày chết. Không phải lỗi của tao!”.
Với một số địa phương, nghèo
thôi chưa đủ. Cuộc sống vốn dĩ khốn khổ của họ còn bị giáng thêm một cú khiến thêm khánh kiệt: ô nhiễm môi trường. Các cuộc ra đi liên tiếp của dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hải Phòng… không phải mới đây. Hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều thập niên trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng đột
ngột số nạn nhân có nguyên quán Hà Tĩnh, như được ghi nhận của Mimi Vu - chuyên gia hàng đầu về tình trạng buôn người Việt (khi cô quan sát các trại tỵ nạn tại Bắc nước Pháp vào
giữa tháng
10-2019) - cho thấy thêm, cuộc khủng hoảng môi trường đã đẩy nhanh tốc độ “chạy trốn” của người dân những khu vực này.
Chính phủ Việt Nam thừa nhận vụ ô nhiễm Formosa
làm chết ít nhất 115 tấn cá, phá hủy 200 hecta san hô, gây ảnh hưởng cuộc sống 200.000 người trong đó
có 41.000 ngư dân. Và
chính phủ cũng đã “nỗ lực khắc phục”. Hai năm sau vụ Formosa, báo Chính Phủ (17-5-2018) cho biết:
“Thực hiện chính
sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường…, 19.335,374 tấn gạo đã được cấp cho 214.840 người thuộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự
cố môi trường biển với mức 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 6 tháng…; hỗ trợ khẩn cấp 101,36 tỷ đồng để người dân mua giống, sửa chữa tàu, thuyền…; hỗ trợ lãi suất vay ngân
hàng…, hỗ trợ 70% giá trị hàng hải sản tiêu hủy… Tính đến ngày 10-5-2018, tổng
kinh phí các tỉnh đã phê
duyệt để chi trả bồi thường thiệt hại là 6.490,2 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 1.748,1 tỷ đồng; Quảng Bình:
2.759 tỷ; Quảng Trị: 1.017,1 tỷ; Thừa Thiên-Huế: 966 tỷ). Đến nay đã chi trả 6.403 tỷ cho người dân, tương đương 98,7% so với số tiền đã phê duyệt...; Quỹ quốc gia về việc làm đã cho 2.384 dự án vay vốn tạo công ăn việc làm cho
3.279 người lao động…”.
Tuy nhiên, việc “khắc phục hậu quả” dường như không giải quyết tận cùng vấn đề. Nó không làm lu mờ một thực tế khác. Báo cáo “Precarious Journeys” cho biết, từ tháng 12-2016 đến tháng 5-2018 – gần bằng thời gian mà
chính quyền “khắc phục sự cố” – số di dân bất hợp pháp gốc từ Hà Tĩnh nhập vào Anh đã tăng đột ngột. Cũng cần nhắc lại, ba tháng trước bài báo
Chính Phủ, chính quyền đã xử Hoàng Bình, một trong những nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ vụ khủng hoảng Formosa, với bản án 14 năm tù. Không phải tự nhiên mà yếu tố “tự do bị hạn chế” (“limited
freedoms”) đã được
“Precarious Journeys” đề cập như một trong những lý do
khiến không ít
người Việt ra đi. Ngay thời điểm hiện tại, có không ít người Việt, chưa được cơ quan hoặc tổ chức nào ghi
nhận con số chính xác, đang trốn tại Thái Lan và Philippines như những nạn nhân tỵ nạn chính trị.
Bất luận thành phần ra đi là ai và đi bằng cách gì, hiện tượng rời bỏ quê hương, “chết cũng đi”, chưa hề dừng lại sau gần nửa thế kỷ “đất nước thống nhất”, cho thấy một điều không thể phủ nhận: chính
quyền đang cai
trị là một chính quyền thất bại. Để duy trì chế độ, nhà cầm quyền đã phải trả cái giá quá đắt, khi họ “thành công” trong việc áp đặt chính sách giáo dục nhồi sọ nhưng phải lãnh hậu quả và khiến người dân cùng lãnh hậu quả là đất nước ngày càng thiếu hụt nhân tài; khi họ “thành công” trong chính sách xóa đói giảm nghèo nhưng cùng lúc đẩy sự bất công lên
đến
mức không thể kinh khủng hơn; khi họ “thành công” trong “định hướng” kinh tế và kêu gọi đầu tư nhưng họ thờ ơ hoặc bất lực trong chính
sách kiểm soát môi
trường; khi họ “thành công” dựng nên những đô thị lộng lẫy nhưng thất bại trong việc ngăn chặn những
cái chết tức tưởi của những người tận cùng dưới đáy xã hội; khi họ “thành công” tạo ra được một nhóm thiểu số trung thành nhưng thất bại tuyệt đối trong việc xây dựng niềm tin đối với đa số người dân…
Tương lai nào cho đất nước? Không ai có thể hình dung. Không thể hình dung tương lai một quốc gia cũng như nó sẽ sống và phát triển như thế nào, khi nó dường như đang chết, khi niềm tin dành cho đất nước đã chết.
M.K.
Ngu
ồn: FB Nguyễn Mạnh Kim
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire