“Quan trạng bệnh độc bất khả phạ, chỉ yếu đại gia thính đảng thoại”
(Coronavirus không đáng sợ, chỉ cần nghe lời Đảng) – đó là một trong những
băngrôn giăng nhiều nơi ở Trung Quốc. Bất chấp việc bộ máy tuyên truyền Trung
Quốc hoạt động hết công suất vài tháng qua, cùng với nỗ lực của lực lượng “âm
binh” dư luận viên; tất cả đều bất lực trước cơn bão bất bình và làn sóng bất
tín bùng nổ. Dư luận càng phẫn nộ khi họ nhanh chóng lật tẩy những màn diễn
vụng về. “Chỉ cần nghe lời Đảng” không còn là lá bùa toàn năng.
Ngày 17-2-2020, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc mở một tài khoản Weibo
với hai nhân vật ảo: Jiangshan Jiao (Giang Sơn Kiều) và Hongqi Man (Hồng Kỳ
Mạn). Giang Sơn Kiều được rút ra từ bài thơ Sấm Viên Xuân Tuyết của Mao Trạch
Đông, trong đó có câu “Giang Sơn như thử đa kiều” (Đất nước này đẹp xiết bao).
“Nhân vật” Hồng Kỳ Mạn cũng được rút ra từ một bài thơ khác của Mao. Mục đích
tung ra hai “ái đậu” (thần tượng) này là nhằm truyền tải thông điệp tuyên
truyền trong cuộc chiến chống coronavirus. Không đầy năm tiếng sau, hơn 100.000
công dân mạng đã nhào vào tấn công kịch liệt; đến mức, cặp Kiều-Mạn yểu mệnh
phải bị khai tử.
Trung Quốc luôn tự hào khả năng ổn định chính trị-xã hội bằng bộ máy tuyên
truyền. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bộ máy tuyên truyền ngốn một ngân sách
khổng lồ chưa bao giờ công bố đã nếm chuỗi thất bại chua chát nhất lịch sử cộng
sản Trung Quốc kể từ thời Mao. Làn sóng chỉ trích chính phủ trên mạng ào ạt như
bão. New York Times (26-2-2020) thuật, một công dân Bắc Kinh, tên Daisy Zhao 23
tuổi, nói rằng mình từng tin vào truyền thông nhà nước. Bây giờ, Zhao phẫn nộ
trước những bài báo viết rằng các bác sĩ cảnh báo về mối đe dọa coronavirus chỉ
là bọn xấu mồm đồn bậy.
Bắc Kinh đã chỉ thị đưa hàng trăm nhà báo đến Vũ Hán cũng như nhiều điểm
nóng dịch bệnh để tường thuật theo “công thức” “tích cực hóa sự kiện”, nhấn
mạnh nỗ lực chính quyền, sự hiệu quả bộ máy y tế và sự xả thân của y bác sĩ.
Tuy nhiên, càng xuất hiện nhiều bài báo như thế, dân càng không tin. Họ đã và
đang thấy quá nhiều câu chuyện mà báo chí không nói. Họ đã xem bức ảnh một cô
gái gào khóc kêu “Mẹ ơi, mẹ ơi” khi thi thể bà được mang đi. Họ đã thấy một phụ
nữ tuyệt vọng ngồi ở ban công chung cư gõ vào cái xoong khóc thảm đòi được đưa
đến bệnh viện. Họ đã thấy một y tá kiệt sức gục ngã và hét lên tiếng kêu dài.
Và tất cả họ đã thấy gương mặt bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cố cảnh báo sự
nguy hiểm một loại virus trước khi nó giết chết mình.
Bộ máy tuyên truyền gồng hết mức để đưa những tin “tích cực”. Dù vậy, dân
tình không “phấn khởi” nổi, bất kể câu chuyện mùi mẫn “gây xúc động” hay “lắng
đọng tình người” như thế nào, chẳng hạn có những người “vô danh” đến các cơ
quan chính quyền góp tiền ủng hộ rồi “vội vã rời đi”; chẳng hạn chuyện những
bác sĩ xông ra tuyến đầu ngay sau khi “mẹ mình vừa rời cõi trần” hay một y tá
nào đó vẫn quyết lên đường dù “vừa hạ sinh một bé kháu khỉnh”. Vấn đề ở chỗ
kịch bản na ná nhau. Vấn đề ở chỗ kịch bản được dựng quá vội thành ra lộ ra đầy
sơ hở.
Một tờ báo ở Tây An phải xin lỗi sau khi đăng bài viết rằng hai đứa sinh
đôi vừa chào đời của một y tá đã hỏi bố chúng rằng “mẹ giờ đang ở đâu vậy?”.
Một bài báo khác kể rằng sau khi cô vợ y tá xông ra tuyến đầu thì anh chồng,
trong tình trạng sống thực vật kể từ năm 2014, bỗng mỉm cười rạng rỡ bất cứ khi
nào nghe tên vợ mình được nhắc, “như thể anh ấy biết người vợ của anh đang thực
hiện một nhiệm vụ lớn lao” – bài báo có đoạn. Sau khi độc giả không thể “cười”
bất cứ khi nào bài báo này được nhắc đến, tòa soạn buộc phải “gỡ bài”.
Deng Xueping (Đặng Học Bình) – người viết một bài gây chấn động trên blog
cá nhân, với tựa “Đừng đưa ra những bài báo “tang sự biến thành hỉ sự” nữa” –
thuật lại một câu chuyện mà truyền thông nhà nước tô đậm. Chuyện rằng, một bệnh
nhân, khi được xuất viện ở Vũ Hán, đã cảm ơn bệnh viện và bày tỏ rằng bà quyến
luyến không muốn rời đi. “Trong khi nhiều bệnh nhân ở Vũ Hán đang vật lộn với
tử thần thì ống kính truyền hình chúng ta nhắm đến một bệnh nhân hạnh phúc khi
xuất viện. Bằng cách phóng đại niềm vui một cá nhân trong khi giấu đi nỗi khổ
của hầu hết bệnh nhân ở đó, thật khó lòng mà nói đó là cách tường thuật mang
lại sự thật” - Đặng viết.
Cách tuyên truyền bằng thủ thuật lấy cảm xúc ngày càng phản tác dụng. Người
dân rất giận dữ khi truyền thông nhà nước quay cảnh nhiều y tá phải cạo trọc
đầu để tiện trùm thiết bị bảo hộ phòng dịch. Thay vì xúc động, người ta phẫn
nộ, đặt câu hỏi rằng tại sao chỉ nữ y sĩ mới bị cạo, trong khi nam thì không.
Dư luận thậm chí cho rằng phụ nữ đang bị mang ra làm công cụ cho tuyên truyền.
Trong một phóng sự khác, Đài truyền hình trung ương CCTV tôn vinh nữ y tá Zhao
Yu (Triệu Du) như một anh thư, vì dù ôm bụng bầu chín tháng nhưng y tá Triệu
vẫn có mặt “nơi dầu sôi lửa bỏng”. Dân tình không mủi lòng. Họ nói tại sao bệnh
viện có thể tàn nhẫn đến mức để một y tá như vậy làm việc. “Chúng ta có thể
ngưng tất cả kiểu tuyên truyền thế này ngay không?” – một ý kiến nói. “Cái này
là cái gì? Một sự trình diễn cho mục đích tuyên truyền?” – một người khác lên
tiếng (BBC 21-2-2020). “Tôi chẳng xúc động chút nào. Trái lại, tôi giận dữ” –
một bày tỏ trên Weibo (South China Morning Post 21-2-2020)…
Nguyên nhân lớn nhất nào khiến bộ máy tuyên truyền trở nên bất lực? Đó là
sự bưng bít và kiểm duyệt. Suốt từ ngày 6-2-2020 đến nay, không ai biết chính
quyền đã giam Chen Qiushi (Trần Thu Thực) ở đâu. Trần còn sống hay chết rồi?
Luật sư-nhà báo tự do Trần là một trong những người đầu tiên đến Vũ Hán (từ Bắc
Kinh) để tường thuật những gì thật sự diễn ra.
Ngày 10-2-2020, bí thư Đảng ủy Vũ Hán, Ma Guoqiang (Mã Quốc Cường), cho
biết, 98,6% hộ dân và 99% dân số thành phố (10,59 triệu người) đã được kiểm tra
sức khỏe, rằng mọi tin tức liên quan kiểm soát dịch bệnh đều minh bạch. Cùng
ngày hôm đó, một ông già 70 tuổi, tên Liang Shutao (Lương Thư Đào), sống tại
quận Kiều Khẩu, đã tự tử bằng cách nhảy lầu. Bệnh nhân Lương, nhiễm
coronavirus, đã nhiều lần yêu cầu cho mình vào bệnh viện nhưng không được đáp
ứng. Đoạn video 13 giây lan truyền trên mạng xã hội cho thấy vợ ông Lương vật
vã kêu khóc đã lập tức bị xóa bởi bộ máy kiểm duyệt. Mới đây, tài khoản trên
Weibo của tạp chí Dajia (Đại Giáp) thuộc tập đoàn kỹ thuật Tencent cũng bị khóa,
sau khi Đại Giáp đăng một bình luận chỉ trích kiểm duyệt (South China Morning
Post 20-2-2020).
Toàn bộ bức tranh thông tin và tuyên truyền liên quan cuộc khủng hoảng dịch
bệnh coronavirus đã làm bục ra bức tường kiểm duyệt Trung Quốc. Không chỉ vậy.
Coronavirus trong khi tàn phá Trung Quốc cũng cùng lúc ít nhiều đang “giải độc”
cho xã hội nước này. Giới báo chí phải tự vấn. Những người trẻ phải nhìn lại.
Người dân có bằng chứng về những dối trá. Thậm chí lực lượng dư luận viên hẳn
phải ngẫm lại “ý nghĩa” về sự “phụng sự” lâu nay được khoác lớp áo vì đất nước
và nhân dân. Tiếp tục dối trá và tiếp tay cho dối trá không phải là cách giúp
họ thoát nổi sự nguy hiểm đe dọa sinh mạng của chính họ.
Chẳng có sự “ổn định quốc gia” nào nữa cả. Mọi suy nghĩ bây giờ là khi nào
cơn dịch chấm dứt, khi nào cá nhân mình có thể nhiễm bệnh, và khi nào những trò
bưng bít mới chấm dứt. Cuộc khủng hoảng càng kéo dài, người dân càng cố tìm
hiểu điều gì thật sự xảy ra, và niềm tin dành cho chính quyền càng biến mất.
Coronavirus không chỉ mang đến một trận dịch. Nó cho thấy rõ hơn một mầm độc mà
chưa bao giờ người dân có cơ hội nhìn rõ bằng lúc này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire